Chuyển đến nội dung chính

Bài đăng

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐINH LĂNG

Đinh lăng hay Cây gỏi cá - Polyscias fruticosa (L.) Harms, thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae. Cây bụi cao 0,80m đến 1,5m hay hơn, nhẵn và không có gai. Lá kép 3 lần lông chim, dài 20-40cm; lá chét có cuống mảnh, dài 5-15mm, dạng màng, có răng không đều, thường bị khía hoặc chia thùy, nhọn, dài 3-10cm, rộng 0,6-4cm. Hoa nhỏ, thành chuỳ tán ngắn, dài 7-18cm. Quả dẹt màu trắng bạc, dài và rộng cỡ 3-4mm, dày 1mm mang các vòi nhụy tồn tại. Cây gốc ở quản đảo Polynêdi, nay được trồng nhiều ở nước ta ở Lào và Campuchia và các vùng nhiệt đới của Cựu lục địa. Cây được trồng trong các vườn gia đình và cả ở các đình chùa, có khi trồng làm hàng rào. Các lá non thường được dùng ăn gỏi cá, gói với nem, làm gia vị ăn với thịt lợn.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐIỀU

Điều hay Đào lộn hột - Anacardium occidentale L., thuộc họ Đào lộn hột - Anacardiaceae. Cây gỗ lớn cao tới 10m hay hơn, có lá mọc so le, hình trứng ngược. Cụm hoa mang nhiều màu hoa vàng nhạt, điểm thêm màu đỏ. Quả dạng quả hạch, hình thận, cứng, năm phía trên một cuống quả phình to hình quả lê màu đỏ, hồng hay vàng. Ta thường gọi nhầm quả điều thật là hạt và cuống quả điều là trái (vì nó có dạng quả cây). Cây điều gốc ở Đông bắc Brazil nhưng khả năng thích nghi rất lớn cho nên sau khi đã trồng ở nhiều vùng nhiệt đới khác, Điều đã trở thành một cây mọc hoang dại, do vậy có người lầm tưởng Môdămbích, Ấn độ cũng là vùng nguyên sản của nó. Các nước này cũng là những nước sản xuất nhiều hạt Điều.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐIỀN ĐIỂN

Điền điển hay Điền thanh đầm lầy, Điền thanh hạt tròn, Điền thanh lưu niên, Muồng rút - Sesbania paludosa (Roxb) Prain, thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây bụi cao 3-4m hay hơn, có thân tròn bóng, màu xanh có sọc tím, phân nhánh nhiều, mang những lá kép lông chim với 30-40 lá chét. Hoa vàng mọc thành chùm, mỗi chùm có 8-10 hoa to. Quả đậu thẳng, thõng xuống, dài 20-30m, chứa nhiễu hạt hình cầu nâu bóng. Điền điển được trồng rất nhiều ở các tỉnh phía Nam đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu long và vùng Đồng tháp mười. Từ trước tới nay, bà con thường trồng chủ yếu để lấy thân cây làm củi đun, cành lá làm phân xanh, hoa và hạt làm thức ăn. Cây cũng được trồng từ lâu đời ở một số địa phương phía Bắc nước ta như Hưng yên, Hà nam Ninh bình. Bà con trồng ở ao sâu để lấy phần thân phình to và xốp trắng ngập dưới nước để làm mũ, làm nút chai.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐẬU XANH

Đậu xanh, Đậu chè hay Đậu tằm - Vigna radiata (L.) Wilczek var. radiata, thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây thảo mọc đứng, cao cỡ 5cm. Lá có 3 lá chét, có lông ở cả hai mặt. Chùm hoa ở nách lá; hoa màu vàng lục. Quả đậu nhiều, hình trụ thẳng, mảnh, có lông, chứa những hạt rất nhỏ hình trụ ngắn, gần hình cầu thường có màu xanh lục. Đậu xanh có nguồn gốc ở châu Á (vùng Viễn đông), ngày nay được trồng ở nhiều nước nhiệt đới thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở nước ta, đậu xanh được trồng ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi thấp. Có nhiều giống trồng khác nhau.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐẬU VÁN

Đậu ván - Lablab purpureus (L.) Sweet subsp. purpureus thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây leo sống nhiều năm, phân nhánh, cao 3m và hơn nữa. Lá có 3 lá chét không lông ở mặt trên, có ít lông ở mặt dưới. Hoa tím thành chùm thưa ở nách lá. Quả đậu màu tím tía, dài 5-8cm, rộng 2cm, có mỏ ngắn cụp xuống, chứa 3-4 hạt dẹp, nâu tím hay đen. Có giống trồng có hoa màu trắng và hạt có vỏ màu trắng (Đậu ván trắng). Đậu ván đã được trồng từ lâu đời ở nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ, đặc biệt là ở Ấn độ mà người ta cho rằng đó là quê hương của nó; có người cho là nó có nguồn gốc ở đảo Ăng ti. Do trồng trọt mà người ta tạo ra nhiều giống đậu ván khác nhau. Ở nước ta, đậu ván được trồng rải rác ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi thấp. Loại thường trồng là đậu ván leo cho leo giàn hoặc hàng rào quanh nhà.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐẬU RỰA

Đậu rựa, Đậu mèo, ngồi, Đậu mèo trắng, Đậu dao, Đậu Mỹ - Canavalia ensiformis (L.) DC., thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây sống hằng năm, leo rất cao. Lá kép có 3 lá chét; lá chét có mặt trên màu lục, mặt dưới nhạt, móng, hình trái xoan nhọn. Hoa màu trắng xếp thành chùm ở nách lá. Quả có mép song song, hơi cong, dẹp, có 3 khía lồi. Hạt trắng, xám hay đỏ. Đậu rựa có nguồn gốc ở Ấn độ, ngày nay được trồng ở nhiều nước của châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Đậu rựa đã được nhập vào trồng ở nước ta từ lâu tại một số địa phương, đặc biệt là ở Tây nguyên.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐẬU RỒNG

Đậu rồng, Đậu khế hay Đậu vuông - Psophocarpus tetragonolobus (L.) DC., thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây thảo leo, sống nhiều năm, có nhiều củ. Lá có 3 lá chét hình tam giác nhọn. Chùm hoa ở nách lá, mang từ 3-6 hoa màu trắng hoặc tím. Quả đậu màu vàng lục, hình bốn cạnh, có bốn cánh với mép khía răng cưa. Hạt gần hình cầu có màu sắc thay đổi tuỳ theo giống trồng (vàng, trắng, nâu hay đen). Rễ có nhiều nốt sần. Đậu rồng có nguồn gốc ở vùng Papua (Tân Ghinê) ngày nay được trồng nhiều ở các nước Đông nam Á. Ở nước ta, Đậu rồng được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam, còn ở các tỉnh phía Bắc, chỉ mới trồng ở Vĩnh yên, Phú thọ, Hải phòng, Hà tây, Hoà bình, Hà Nội, Hưng yên. Hiện nay đã thu thập được loại giống Bình minh ở tỉnh Hải hưng cũ phát triển tốt và cho sản lượng hạt cao hơn so với 70 giống nhập nội ở miền Bắc nước ta. Đậu rồng có thể gieo quanh năm ở các tỉnh phía Nam; còn ở phía Bắc, nên gieo trong tháng 6. Sản lượng hạt đạt một tấn trên 1 hecta.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐẬU HÀ LAN

Đậu Hà lan hay Đậu Hoà lan - Pisum sativum L., thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây thảo lùn hoặc mọc leo. Lá kép gồm từ 1 đến 3 đôi lá chét; các lá chét đầu cuống thường biến thành tua cuốn. Lá kèm rất lớn. Chùm hoa ở nách lá, hoa to màu trắng hoặc màu xanh, có mỏ nhọn, chứa 5-6 hạt gần hình cầu. Đậu Hà lan có nguồn gốc ở vùng Tây Á hay Âu châu, là một loại đậu cao cấp đã có một lịch sử trồng trọt từ mấy ngàn năm nay và được trồng ở hầu khắp châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á, châu Phi. Ở nước ta, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc đều có trồng trong mùa đông, nhất là ở các tỉnh thượng du Bắc bộ. Người ta đã tạo ra nhiều giống đậu Hà lan khác nhau, có giống thân lùn, có giống leo cao 2-3m; có giống trồng để lấy quả non ăn; có giống trồng để ăn hạt và cũng có giống trồng chủ yếu để lấy dây lá làm thức ăn cho gia súc. Thường trồng nhất là loại đậu leo.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐẬU DẢI

Đậu dải - Vigna unguiculata (L.) Walp. = Vigna sinensis (L.) Savi ex Hassk., thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây thảo leo hoặc bò lan mặt đất, có thân dài tới 2m. Lá có 3 lá chét, lá chét giữa đối xứng hình tim nhọn, hai lá bên không đối xứng. Chùm hoa ở nách lá, mang 3-4 hoa to màu vàng hoặc tím. Quả đậu hình dải, khi chín vỏ tách ra và xoắn lại. Hạt hình thận xếp dọc trong quả. Quả và hạt có kích thước, trọng lượng, màu sắc và thành phần hoá học thay đổi tuỳ theo giống đậu trồng. Đậu dải được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới trên thế giới. Ở nước ta, khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miễn núi đều có trồng nhiều giống Đậu dải khác nhau. Hiện đã biết trên 10 giống được trồng từ lâu đời.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐẬU CÔ VE

Đậu cô ve hay Đậu tây - Phaseolus vulgaris L., thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây leo, hay cây lùn, với hơn 500 thứ được trồng (có tác giả nêu tới 1000 giống trồng), đều có lá kép 3 lá chét hình trái xoan và tận cùng thành mũi nhọn, mặt trên thường có lông và ráp. Hoa rộng 1-2cm, màu trắng, xanh lơ hay hồng. Tuỳ theo thứ mà quả có thể dài 10-30cm, nạc hay mỏng, màu lục (đậu cô ve, haricot vert); hay vàng (đậu cô bơ, haricot beurre). Cây gốc ở châu Mỹ nhiệt đới (Nam Mỹ) được nhập vào nước ta khoảng 80 năm, nay được trồng rộng rãi ở nhiều nơi tớt độ cao 1500m; cũng có nhiều giống với những tên gọi khác nhau tùy theo các địa phương Riêng ở các tỉnh đồng bằng phía Bắc đã tìm thấy 7 giống (vàng, xanh, nâu, trắng, chanh bơ, xanh ấn nguyên, xanh tứ quý) đã được trồng từ lâu ở các địa phương.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐẬU BẮP

Đậu bắp, Mướp tây, Bắp chà hay Bụp bắp - Abelmoschus esculentus (L.) Moench, thuộc họ Bông - Malvaceae. Cây thân thảo mọc đứng cao tới 2,5m, có nhiều lông. Lá hình tim hay hình chân vịt, mép có răng lớn, ráp, có lông dài. Hoa mọc ở nách lá, màu đỏ, trông giống hoa bông. Quả nang dài hay dựng đứng cỡ 3,5cm, có màu lục sáng, có mặt cắt hình thoi. Đậu bắp gốc ở Ấn độ, được trồng ở nhiều nơi trong nước ta, nhất là ở các tỉnh phía Nam để lấy quả xanh ăn như các loại đậu, dùng quả xào, luộc, làm nước chấm, nấu canh chua với cá, lươn, làm dậy mùi thịt cá. Cũng có thể nướng chín trong tro nóng hoặc ăn sống như dưa chuột. Quả non phơi khô, bảo quản để ăn dần. Có tác giả cho biết 62g Đậu bắp trong đó chứa 1,3g protein và 4,8g glucid sẽ cung cấp cho cơ thể 25 calo.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐAY DẠI

Đay dại, Cây rộp hay Bố dại - Corchorus estazns L. thuộc họ Đay - Tiliaceae. Cây thảo sống hằng năm, phân cành nhiều, màu tía. Lá hình bầu dục nhọn, tròn ở gốc, nhọn ở đỉnh, mép có răng cưa đều, ngắn; lá kèm dài nhọn đầu và khá dai. Cụm hoa mọc ở nách lá, gồm 3 hoa nhỏ màu vàng. Quả nang, hình trụ, có 6-8 cạnh, chứa nhiều hạt. Cây đay dại phân bố ở Ấn độ, Trung quốc, Việt nam, Lào, Campuchia, Philippin, Indonêxia, châu Đại dương và vùng nhiệt đới của châu Phi. Ở nước ta, cây mọc hoang dại phổ biến ở các bãi ven đường, bờ ruộng.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ĐAY

Đay, Bố đay hay Đạy quả tròn - Corchorus capsularis L. thuộc họ Đay - Tiliaceae. Cây thảo cao l-3m, màu tím nhạt, ít phân nhánh. Lá hình bầu dục nhọn, hẹp ngang, tròn ở gốc, có mũi nhọn ở đỉnh, nhẵn, có răng, dài 6-10cm, rộng 15-30mm; răng nhọn, đều, 2 răng dưới tận cùng bởi một sợi lông dài; gân gốc 1-5. Hoa tập hợp 2-3 cái một ở nách lá, cuống chung và cuống hoa ngắn. Quả hình cầu hay hình quả lê dài 12mm, rộng 10-11mm, có cạnh lồi, mở thành 5 van mang 2 dãy hạt, mỗi dãy 5 hạt dẹp, có góc. Đay có nguồn gốc ở Ấn độ, từ đó được đem trồng ở nhiều nước. Khắp các nước Đông dương đều có trồng. Ở Việt nam cũng như ở nhiều nước, người ta trồng đay chủ yếu để lấy sợi đay, một chất sợi quan trọng mà qua chế biến, sợi và bẹ đay có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như: bao tải, thảm, vải dùng may mặc, vải bọc dây điện, dây dẫn lửa, thừng, chão, võng ... Đay đã trở thành một cây công nghiệp quan trọng của nước ta, có giá trị kinh tế cao và là một mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới.

CÂY RAU LÀM THUỐC - DỨA

Dứa, Thơm, Khóm - Ananas comosus (L.) Merr, thuộc họ Dứa - Bromeliaceae. Dứa là loại cây thảo có thân ngắn nhưng mang nhiều rễ kí sinh, với những lá dài phân bố đều xòe ra tứ phía hình hoa thị. Trên thân và nách lá có một số chồi (người ta dùng chồi để nhân giống). Khi cây đã lớn, thì từ chùm lá đó mọc ra một thân dài 30-40cm, mang một cụm hoa bông trên đó đính nhiều hoa đều màu tím. Quả phức, hình ống hay hình chóp cụt, giữa có lõi (thực chất là phần nối tiếp của thân chính) phía trên ngọn quả còn có một chồi gồm nhiều lá ngắn, gọi là chồi ngọn, dùng để nhân giống. Cây dứa sống chủ yếu ở châu Mỹ latinh, nhất là ở Brazil. Dứa đã được đem trồng ở hầu hết các nước nhiệt đới và một số nước á nhiệt đới mùa đông không rét lắm. Giống Dứa trồng phổ biến nhất trên thế giới là Cayenne (chỉ trồng thâm canh và ở khí hậu mát), thứ đến là Spanish trồng nhiều ở các nước nhiệt đới. Dứa Victoria được trồng trong sản xuất lớn.

CÂY RAU LÀM THUỐC - DƯA HẤU

Dưa hấu hay Dưa đỏ - Citrullus lanatus (Thunb.) Mansf., thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae. Dãy leo có nhiều lông, có tua cuốn chẻ 2-3 nhánh. Lá màu xanh nhạt, hình tam giác, có 3-5 thuỳ, các thuỳ này lại chia thành thuỳ nhỏ, có góc tròn. Hoa đơn tính, cùng gốc, to, mầu vàng lục. Quả rất to, hình cầu hoặc hình trứng dài, nhẵn, vỏ ngoài màu lục đen sẫm, nhiều khi có vân dọc màu lục, có thể dài tới hơn 50cm, rộng 30cm; ở những giống trồng, có quả thuôn, nặng tới 10-20kg. Thịt quả có màu thay đổi từ trắng tới đỏ sẫm, mọng nước, vị dịu ngọt ở các giống trồng (còn ở loài điển hình thì có vị đắng); hạt dẹp, màu đen nhánh.

CÂY RAU LÀM THUỐC - DƯA GANG TÂY

Dưa gang tây, Dưa tây hay Chùm bao dưa - Passiflora quadrangularis L., thuộc họ Lạc tiên - Passifloraceae. Dây leo, có thân hình bốn cạnh. Lá mọc so le nhẵn, hình tim, dạng trứng, nhọn, có cuống mang 4-6 tuyến. Hoa đều, lớn mọc ở nách lá, kèm theo 3 lá bắc nguyên làm thành bao chung dưới cụm hoa; vòng tràng phụ hình trụ, có nhiều sợi hẹp, kéo dài màu lục hay trắng xếp nhiều dãy. Quả có dạng quả dưa (nên còn được gọi là Dưa tây leo) dài 20-25cm màu lục nhạt, nạc, có cơm, chứa nhiều hạt. Cây gốc ở Nam Mỹ, được nhập vào nước ta trồng trong các vườn gia đình ở các tỉnh miền Trong và các tỉnh phía Nam, trồng giàn cho leo làm cây cảnh, lấy bóng râm che nắng, vừa để lấy quả, vừa làm rau ăn.

CÂY RAU LÀM THUỐC - DƯA GANG

Dưa gang hay Việt qua - Cucumis melo L. var. conomon (Thunb.) Makino, thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae. Cây thảo leo mọc hằng năm, có lông nhiều và nhắm ở thân, có tua cuốn đơn. Lá hình thận hay hình tròn, hơi xé thùy tròn; có răng tù, có lông ở cả hai mặt; cuống ráp có lông. Hoa đực và hoa cái cùng gốc, hoa cái thường mọc đơn độc ở nách lá, cánh hoa màu vàng. Quả có hình dạng thay đổi, phần nhiều là hình trụ, có sọc dọc, màu xám hay màu lục bóng, có khi màu vàng; thịt quả trắng hay xanh nhạt, hơi cứng, giòn, thường có vị nhạt. Dưa gang được trồng khắp nơi của nước ra để lấy quả làm rau ăn sống cho mát vào mùa hè, dùng nấu canh với tôm tép hoặc muối dưa chua.

CÂY RAU LÀM THUỐC - DƯA CHUỘT

Dưa chuột hay Dưa leo - Cucumis sativus L. thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae. Cây leo sống hằng năm; dây chia ra nhiều nhánh và phủ lông. Tua cuốn đơn. Lá chia thuy rõ, thuỳ nhọn. Hoa đơn tính, mọc đơn độc ở nách lá, màu vàng; số hoa đực nhiều hơn số hoa cái. Quả mọng, trên quả có nhiều u vằn và có gai với độ cứng, mềm, tù, nhọn và màu sắc khác nhau tuỳ theo giống trồng. Dưa chuột là cây hoang dại ở châu Á và châu Phi, được trồng từ lâu ở miền Đông Địa trung hải. Ở nước ta, Dưa chuột cũng được trồng nhiều nhưng các giống trồng còn nghèo nàn. Các vùng rau lớn từ Hà nội đến Hưng yên, Bắc ninh, Lâm đồng (Đà lạt ..) cũng chủ yếu là dùng giống địa phương gọi chung là giống dưa chuột Việt nam. Song cũng có vài nơi nhự Hải phòng, Hà tây còn trồng giống dưa chuột lai giữa giống Dưa chuột Việt nam và giống Dưa chuột ngoại (giống Dưa chuột hữu nghị lai giữa giống Dưa chuột (Quế võ) và giống Nhật bản Nasu Fuxinari) và giống lai giữa các giống ngoại với nhau (giống F1 lai từ các giống của Nhật bản).

CÂY RAU LÀM THUỐC - DƯA BỞ

Dưa bở - Cucumis melo L., thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae. Cây thảo hằng năm có thân mọc bò, phủ lông ngắn; tua cuốn đơn. Lá lớn, hình tim ở gốc, gân hình tròn hoặc hình thận, có 3 góc hay 3-7 thùy thường nhỏ, tròn, tù, có răng; hai mặt lá có lông mềm, trên gân mặt dưới cũng có lông; cuống lá có lông ngắn cứng. Hoa màu vàng, hoa đực xếp thành bó, hoa cái mọc riêng lẻ. Quả đa dạng, hình dáng và màu sắc khác nhau tuỳ theo từng thứ, phần nhiều có vỏ vàng sọc xanh, trơn nhẵn bóng hoặc có lông tơ mềm, khi thật chín thì có vỏ mỏng bóc ra như lớp da trong có thịt màu vàng ngà, gồm chất bột mịn, bở, mềm mùi thơm; ruột quả có nước dịch mầu vàng, vị ngọt mát; màng hạt màu trắng. Dưa bở được trồng khắp các vùng nhiệt đới và ôn đới. Ở nước ta, nhân dân trồng dưa bở ở các bãi để lấy quả ăn. Có những thứ khác nhau trong đó có Dưa gang - (var, conomon (Thunb.) Mak.) cũng thường được trồng. Dưa bở lúc còn non và Dưa gang đều dùng làm rau ăn sống như Dưa chuột hoặc dùng nấu canh, muối dưa, ngâm giấm;

CÂY RAU LÀM THUỐC - DIẾP CÁ

Diếp cá, Rau giấp cá, Rau diếp cá hay Lá giấp - Houttuynia cordata Thunb., thuộc họ Lá giấp - Saururaceae. Cây thảo cao 20 - 40cm, có thân màu lục hay tía đỏ. Lá mọc so le, có bẹ; phiến lá hình tim, khi vò ra có mùi tanh của cá. Hoa nhỏ, mầu vàng nhạt, mọc thành bông. Quả nang, hạt hình trứng. Diếp cá có nguồn gốc ở Himalaya và phân bố cả ở Trung quốc, Nhật bản, Lào, Campuchia và Việt nam. Ở nước ta, Diếp cá phổ biến ở trạng thái hoang dại ở những chỗ ẩm ướt, trên các bãi hoang, ở ven các suối, bờ ruộng .. và cũng được trồng lấy lá ăn sống, làm gia vị cùng với các loại rau khác. Rau diếp cá thường có mặt trong các bữa ăn hàng ngày của các gia đình ở các tỉnh phía Nam.