Còn gọi là Đu đủ Tía, Ðu đủ dầu (Ricinua comumunis L.) thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả: Cây có thể cao 4 - 5m, vỏ cây có màu sắc khác nhau tùy thứ (tím, trắng, đỏ...), các cành non đều có phấn trắng. Lá trơn, chia thùy chân vịt sâu, mép lá có răng cưa; cuống dài, có tuyến; lá kèm sớm rụng. Cụm hoa ở ngọn hay ở nách lá thành chùy, hoa đực ở phía dưới, hoa cái ở trên, có nhiều lá bắc phủ ở ngoài. Quả nang màu lục hay màu tím nhạt, có gai mềm, chứa 3 hạt. Hạt hình bầu dục, có mồng lớn, bề mặt nhẵn bóng màu nâu xám, có vân đỏ nâu hay đen.
Bộ phận dùng: Dầu Thầu dầu, hạt và lá (loại tía).
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang - và được trồng ở nhiều nơi để lấy hạt ép dầu và lấy lá. Lá dùng nuôi bò sữa vì có chất kích thích sự tiết sữa, hoặc dùng để nuôi tằm.
Hạt thu hoạch vào tháng 4 - 5. Lá thu hái quanh năm, thường chỉ dùng tươi...
Hoạt chất và tác dụng: Trong hạt Thầu dầu có 40 - 50% dầu, 26% chất anbuminozit, một chất có tinh thể và nitơ (rixidin), axit malic, đường, muối, xenluloza, rixin, rixinin, các men trong đó có men lipaza.
Dầu chiết xuất lạnh từ hạt chứa nhiều chất hữu cơ có gốc là glyxerin (50 - 60%, trong đó có stearin, cholesrin, palmitin, rixnotein) và axit béo (axit linoleic, eleic và stearic). Chất rixin là một protein độc ở trong hạt, chất này biến mất khi ta ép, vì nó nằm lại trong khô dầu. Dâu Thầu dầu là một chất lỏng dính, có mùi khó chịu gây nôn mửa, nó có các tính chất nhuận tràng và xổ. Tác dụng này khá nhanh, không gây kích thích ống tiêu hóa.
Dầu Thầu dầu được chỉ định dùng trong bệnh táo bón của trẻ em, phụ nữ có mang, bệnh nhân mổ và sản phụ.
Trong lá chỉ mới biết có rixinin với tỷ lệ cao hơn trong hạt, chưa rõ tác dụng dược lý của chất này. Hạt và lá Thầu dầu tía được dùng trong dân gian làm thuốc trị sót nhau, đẻ khó, vì cảm mà méo miệng, xếch mắt.
Cách dùng: Thường dùng 1-2 thìa với người lớn, trẻ em 1⁄2 thìa. Để tránh buổn nôn, có thể hòa lẫn cà phê nóng pha hoặc pha với sữa và dịch trái cây. Hoặc dùng viên nang: 2 - 10g để nhuận tràng, 10 - 20g đến 40g để xổ.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Nhuận Tràng và Tẩy - Thầu Dầu
Nhận xét
Đăng nhận xét