Rau bép hay Rau danh - Gnetum gnemon L. var. Griffithii Markgr., thuộc họ Dây gắm - Gnetaceae. Cây bụi cao 2m, có lá mọc đối, thuôn, thường có mép lá song song, nhọn ở chóp, thon hẹp dần ở gốc, mầu lục sáng bóng ở mặt trên. Cụm hoa thường ngắn, có khi phân nhánh, luôn luôn sít nhau. Hoa sinh sản và hoa không sinh sản kéo dài đều đều thành mỏ nhọn sắc. Quả gần hình cầu, có mũi nhọn ngắn, lấm tấm lông như nhung.
Rau bép gặp nhiều ở rừng Tây nguyên và Khánh hoà. Ở Lâm đồng, có nhiều Gắm cây (Gnetum gnemon L.). Còn ở Gia lai Kontum và Đắc lắc, có nhiều Rau bép, là một thứ của loài Gắm cây.
Chúng đều có lá và hạt ăn được. Đặc biệt, Rau bép nấu canh ăn ngọt, còn hạt rang ăn bùi như lạc.
Ở Tân tây lan, người ta cũng ăn lá và hạt Rau bép, sau khi đã nấu chín; có thể ăn nhiều mà không có ảnh hưởng gì, thường dùng nấu với thịt hoặc nấu canh rau không cũng ngon.
Chưa có tài liệu nói về giá trị làm thuốc của Rau bép. Nhưng những loài gần gũi với Rau bép như Dây gắm hay Dây sót (Gnetum montanum Mgf.), cũng có hạt ăn được, ta thường dùng rang ăn (hạt Gắm) và rễ, dây dùng làm thuốc.
Rễ Gắm được dùng làm thuốc giải độc. Nó còn là vị thuốc trị sốt rét rừng và sốt rét cơn. Trong Y học dân tộc, người ta thường dùng Dây gắm (với tên Vương tôn) làm thuốc bổ hư yếu và chữa tê thấp.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Gắm
Nhận xét
Đăng nhận xét