Chuyển đến nội dung chính

Bài đăng

CÂY RAU LÀM THUỐC - RAU BÉP

Rau bép hay Rau danh - Gnetum gnemon L. var. Griffithii Markgr., thuộc họ Dây gắm - Gnetaceae. Cây bụi cao 2m, có lá mọc đối, thuôn, thường có mép lá song song, nhọn ở chóp, thon hẹp dần ở gốc, mầu lục sáng bóng ở mặt trên. Cụm hoa thường ngắn, có khi phân nhánh, luôn luôn sít nhau. Hoa sinh sản và hoa không sinh sản kéo dài đều đều thành mỏ nhọn sắc. Quả gần hình cầu, có mũi nhọn ngắn, lấm tấm lông như nhung. Rau bép gặp nhiều ở rừng Tây nguyên và Khánh hoà. Ở Lâm đồng, có nhiều Gắm cây (Gnetum gnemon L.). Còn ở Gia lai Kontum và Đắc lắc, có nhiều Rau bép, là một thứ của loài Gắm cây.

CÂY RAU LÀM THUỐC - RAU BAO

Rau bao, Rau diếp dại, Diếp trời - Sonchus arvensis L., thuộc họ Cúc - Asteraceae. Cây thảo sống 2 năm. Thân đứng, cao 1m. Lá thuôn nhọn mũi, có răng, có tai ở phần gốc ôm lấy thân. Đầu hoa dạng chuông mọc thành ngù hình tán. Bao chung của đầu hoa gồm nhiều lá bắc hình dải nhọn, có lông cứng, mỗi hoa có đài biến thành mào lông mềm, trắng, tràng có lưỡi ngắn hơn ống 2-4 lần; nhị 5; bầu hình trụ. Quả bế dẹp, thuôn hai đầu, có 5 cạnh.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ỚT

Ớt - Capsicum frutescens L., thuộc họ Cà - Solanaceae. Cây nhỏ cỡ 1m. Lá mềm, không lông. Hoa trắng, mọc đứng hay thõng xuống. Quả mọng, có hình dạng, kích thước và mầu sắc thay đổi tuỳ thứ. Thịt cay. Hạt dẹp trắng. Ớt gốc ở châu Mỹ nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước châu Phi và khu vực Đông và Nam châu Á. Ớt là loại gia vị được nhiều người ưa chuộng cũng như hồ tiêu. Ở nước ta cũng trồng nhiều thứ ớt, có đến 50 thứ khác nhau của cùng một loài:

CÂY RAU LÀM THUỐC - NÚC NÁC

Núc nác, Nam hoàng bá, Mộc hồ điệp, Sò đo thuyền - Oroxylum indicum (L.) Vent., thuộc họ Chùm ớt - Bignoniaceae. Cây gỗ nhỏ cao 8-10m (có thể đến 20m). Thân nhẵn, ít phân cành; vỏ cây mầu xám tro, mặt trong màu vàng. Lá xẻ 2-3 lần lông chim, dài tới 15m; mỗi lá chét dài 8-15cm, rộng 5-7cm. Hoa to, gần như đều, màu nâu sẫm, tập trung thành chùm ở đầu cành. Quả hình lưỡi kiếm thõng xuống, dài 50-80cm, rộng 5-7cm, khi non màu xanh ve, khi chín mầu nâu tím, chứa nhiều hạt có cánh mỏng. Núc nác phổ biến khắp Đông dương, Ấn độ, Malaixia, thường mọc ở các rừng thưa và đồi ven rừng. Cũng thường được trồng trong các vườn gia đình vùng thượng dụ Bắc bộ.

CÂY RAU LÀM THUỐC - NGÓ SEN

Ngó sen là phần thân rễ hình trụ của cây Sen - Nelumbo nucifera (L.) Gaertn., thuộc họ Sen - Nelumbonaceae. Nó chứa nhiều chất bột (70%) đường đạm, vitamin C, A, B₁, PP và một số chất khác như, asparagin, arginin, trigonellin, tyrosin... và một số ít tanin. Ngó sen được sử dụng làm thực phẩm như một loại rau và làm dược liệu. Về thực phẩm, ngó sen được xem là một loại món ăn sang trọng. Người ta thường dùng ngó sen để nấu canh, xào, làm dưa, làm mứt, nấu chè hoặc chế biến thành ngó sen lát khô, bột ngó sen dùng cho các loại bánh (bánh phồng tôm) và làm bột dinh dưỡng.

CÂY RAU LÀM THUỐC - NGHỆ

Nghệ hay Nghệ vàng - Curcuma longa L. = C. domestica Valet, thuộc họ Gừng - Zingiberaceae. Cây thảo cao khoảng 1m. Thân rễ to, hình củ tròn, có các nhánh hình trụ hay hình thoi, thịt màu vàng da cam. Thân mang lá mọc hằng năm. Lá có cuống dài, hình trái xoan mũi mác, dài 25-45cm, rộng tới 15-l8cm, nhẵn cả hai mặt, màu lục nhạt; cuống lá có bẹ. Hoa hợp thành những bông hình trụ; cánh hoa và cánh môi đều màu vàng, các lá bắc màu lục, những cái ở ngọn màu tím. Quả nang chia 3 ô. Nghệ gốc ở Ấn độ và cũng được trồng nhiều tại nước này cũng như ở nhiều nước thuộc châu Mỹ la tinh, châu Phi, châu Úc, châu Á, châu Âu trong phạm vi vĩ tuyến thứ 40, trên và dưới đường xích đạo. Ở nước ta, Nghệ cũng mọc hoang và được trồng khắp nơi; mỗi gia đình ở nông thôn thường trồng ít nhiều để dùng.

CÂY RAU LÀM THUỐC - NGHỂ BÀ

Nghể bà, Ngải bà, Nghể đông hay Nghể trâu - Polygonum orientale L., thuộc họ Rau răm - Polygonaceae. Cỏ mọc hằng năm, phủ lông rất mềm ở tất cả các bộ phận. Thân khá to, phân nhánh trải ra. Lá có cuống và có kích thước lớn, dài 30-35cm, hình trái xoan hay thuôn, hơi hình tím ở gốc, chóp nhọn; bẹ chìa cũng có lông mềm, dạng chén kéo dài. Hoa xếp thành bông kéo dài, hợp thành ngù ở ngọn cây, trên những cuống dài không lông. Quả hình lăng kính, tù ở gốc, thót lại ở ngọn.

CÂY RAU LÀM THUỐC - NGHỂ

Nghể là tên chung để chỉ nhiều loài cây thuộc chi Polygonum trong họ Rau răm - Polygonaceae. Chúng tôi nêu, một số loài quen thuộc như Rau răm (Polygonum odoratum Lour). Nghể răm (P. Hydropiper L.). Còn có nhiều mọc tương đối phổ biến mà các ngọn non hay lá non đều luộc làm rau ăn được và cũng có củ hoặc toàn cây dùng làm thuốc như Nghể dai hay Nghể trâu (Polygonum barbatum L.), Cây lá lồm hay Thồm lồm (P.chinense L.), Nghể nhỏ (P. Minus Huds.), Thồm lồm gai, Rau má ngọ, Rau sông chua dây (P. perfoliatum L.). Ngay cả dây Hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum ThunB) có lá non cũng dùng nấu canh ăn được. Một loài thường gặp phổ biến và được sử dụng nhiều là cây Nghể.

CÂY RAU LÀM THUỐC - NẤM HƯƠNG

Nấm hương hay Nấm hương chân dài, Nấm đông cô - Lentinus edodes (Berk.) Sing., thuộc họ Nấm hương - Pleurotaceae. Nấm có thể quả chất thịt có mùi thơm, mọc tự nhiên trên một số cây gỗ mục Trong rừng ẩm ướt, có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp và có ánh sáng khuếch tán của rừng. Nấm có chân hình trụ đính trên thân cây chủ, mũ nấm tròn, trên khum, mầu nâu vàng, mặt dưới phẳng, có nhiều bản mỏng tỏa ra từ chân nấm tới mép mũ.

CÂY RAU LÀM THUỐC - NAM SA SÂM

Nam sa sâm, Sa sâm nam hay Xà lách biển - Launaea sarmentosa (Willd.) Sch. - Bip. ex Kuntze (L. pinnatifida Cass.), thuộc họ Cúc - Asteraceae. Cỏ sống dai có gốc rễ hơi dày lên, thân dài 20-30cm, mảnh, mọc bò, đâm rễ và mang hoa ở các đốt. Lá mọc thành hình hoa thị ở gốc, chia thuỳ lông chim, dài 3-8cm, rộng 5-15mm, thon hẹp dần ở gốc, thuỳ tận cùng hình tam giác lớn hơn, các thuỳ bên hình tam giác, tù, các thuỳ gốc càng xuống cành hẹp dần. Cụm hoa đầu màu vàng, ở gốc cây hoặc ở các đốt, có cuống ngắn, thường mọc đơn độc hoặc thành ngù ít hoa. Quả bế hình trụ, có mào lông dễ rụng.

CÂY RAU LÀM THUỐC - MƯỚP ĐẮNG

Mướp đẳng, Khổ qua, Ổ qua, Lương qua, Mướp mủ - Momordica charantia L., thuộc họ Bầu bí Cucurbitaceae. Cây leo nhờ tua cuốn. Thân có cạnh, ở ngọn có lông dài. Lá mọc so le, phiến lá chia 5-7 thuỳ, mép khía răng cưa, trên gân lá có lông ngắn. Hoa đực và hoa cái mọc riêng lẻ, cánh hoa màu vàng nhạt. Quả hình thoi dài, mặt ngoài có nhiều u lồi; quả non màu vàng xanh, quả chín màu vàng hồng, chứa nhiều hạt dẹp có màng đỏ bao xung quanh. Mướp đắng gốc ở châu Phi, châu Á và đã được thuần hoá ở Ấn độ. Ở nước ta, Mướp đắng được trồng ở khắp nơi trong các nương rẫy và các vườn gia đình. các tỉnh phía Nam, hầu như mọi người đều biết ăn Mướp đắng: Mướp đắng nấu với tôm, thịt lợn nạc, Mướp đắng ninh xương, Mướp đắng hấp với thịt băm, Mướp đắng muối dưa, làm nộm, Mướp đắng xào, Mướp đắng kho, Mướp đắng ăn sống làm món ăn bổ mát, chống viêm nhiệt. Trong quả Mướp đắng có một glycosid đắng gọi là momordicin và các vitamin B₁ , C, các acid amin như adenin, betain v.v... Hạt chứa một chất dầu và một ch

CÂY RAU LÀM THUỐC - MƯỚP

Mướp, mà hai loài quen thuộc là Mướp khía - Luffa acutangula (L.) Roxb., và Mướp ta, Mướp hương - Luffa cylindrica (L.) Roem, đều thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae. Chúng đều là những cây thảo leo, có lá mọc so le, dạng tim, có 5-7 thuỳ có răng. Hoa đơn tính, các hoa đực thành chùm đạng chuỳ, các hoa cái mọc đơn độc. Quả dài 25-30cm hay hơn, rộng 6-8cm, thuôn hình trụ, khi già thì khô, bên trong có nhiều xơ dai. Loài Mướp khía có lá hơi chia thùy, hoa nhạt mầu hơn, quả có khía (cạnh lồi nhọn). Còn Mướp ta hay Mướp hương có lá chia 5 thuỳ, quả không có khía, không có góc.

CÂY RAU LÀM THUỐC - MƠ TAM THỂ

Mơ tam thể hay Mơ lông - Paederia lanuginosa WalL, thuộc họ Cà phê - Rubiaceae. Dây leo khỏe, có mùi mạnh. Nhánh tròn, có lông. Lá to, gốc hình tim, mặt dưới ửng đỏ, có lông mịn; cuống đài 3-6cm; lá kèm hình tam giác. Cụm hoa chuỳ có nhánh ngắn; hoa trắng miệng tím, có lông. Quả hình cầu, có đài màu vàng. Chúng ta còn sử dụng một số loài dây Mơ khác, có khi cùng gọi tên như nhau là dây Mơ lông, dây Mơ tròn. Thối địt, Rau mơ (Paederia foetida L. và Paederia scandens (Lour.) Merr.) Loài thứ nhất không lông, có quả hình mắt chim, quả vàng dẹp dẹp; còn loài thứ hai có lông hay nhẵn ở mặt dưới, có quả hình cầu, hạt lồi dày ở mặt lưng. Các loài này đều được sử dụng làm thuốc. Riêng cây Mơ tam thể thường được trồng nhiều nhất làm gia vị và làm thuốc cũng như các loài khác. Mơ tam thể thường dùng làm rau gia vị ăn sống với dồi chó, thịt chó.

CÂY RAU LÀM THUỐC - MÔN

Môn - Colocasia esculenta (L) Schott, thuộc họ Ráy - Araceae. Có nhiều giống trồng nên có nhiều tên gọi: Môn nước, Khoai nước, Khoai ngứa, Khoai môn, Khoai sọ nước, Khoai cao, Môn là loại cây thảo có thân rễ to lớn, tận cùng là một chồi khỏe hình nón. Lá to, hơi ngả và thõng xuống rõ rệt khi đã trưởng thành; phiến lá hình trái xoan dạng tim, hình khiên, lượn sóng, màu lục, có vân lục sẫm, màu tím hay màu nâu tuỳ theo giống trồng, dài 60cm tới 100cm, rộng 30-60cm, có cuống lá khỏe, cong hình cung mà phần gốc phình rộng thành máng, dài 80cm tới 100cm. Môn thường dược trồng ở phần lớn các xứ nhiệt đới để lấy thân rễ có bột phình thành củ; củ có thể nặng từ 500g cho tới hàng chục kg, dùng luộc ăn, nấu độn cơm, nấu canh với thịt cá, nấu xôi, nấu chè, làm tương, nấu rượu, phơi khô giã bột để làm các loại bánh. Búp non đem kho với cá, dọc (cong) lá nấu canh hoặc muối dưa cũng ngon.

CÂY RAU LÀM THUỐC - MỘC NHĨ

Mộc nhĩ, Nấm tai mèo hay Nấm mèo - Auricularia auricula (L.) Underw., thuộc họ Mộc nhĩ – Auriculariaceae. Nấm mọc trên cây gỗ thường là gỗ mục. Thể quả của nó có hình dạng giống cái tai, mặt ngoài màu nâu nhạt, có lông mịn, mặt trong màu nâu sẫm. Nấm mọc trên thân cành hay gỗ của nhiễu loài cây, lành nhất là Nấm của các cây Hòe, Dâu, Sung, Mít, Dướng, Ruối, Sắn, So đũa... Ngoài việc thu hái mộc nhĩ mọc tự nhiên, người ta thường trồng mộc nhĩ trên gỗ cây Mít, thân cây Sắn, cây So đũa để có sản lượng nhiều và bảo đảm phẩm chất tốt.

CÂY RAU LÀM THUỐC - MÍT

Mít - Artocarpus heterophyllus Lam., thuộc họ Dâu tằm – Moraceae. Cây gỗ cao 12-15m đến 20m. Lá hình trái xoan nguyên hay chia thuỳ về một phía, dài 10-20cm. Cụm hoa đực (dái Mít) và cái đính trên thân cây hoặc trên các cành già. Quả to, hình trát xoan hay thuôn, dài tới 6cm và nặng tới 20-30kg hay hơn nữa. Quả mít chín có màu lục vàng, là một loại quả kép gồm nhiều quả bế mang bởi một bao hoa nạc trên một đế hoa chung. Mỗi hốc là một hạt (thực ra là quả bế) bao bởi một lớp nạc mềm màu vàng (tức là bao hoa). Mít có nguồn gốc ở miền Nam Ấn độ và Malaixia, hiện được trồng hầu khắp nước ta, trong các vườn gia đình, quanh khu dân cư, trên nương rẫy.

CÂY RAU LÀM THUỐC - ME

Me - Tamarindus indica L., thuộc họ Đậu – Fabaceae. Cây gỗ to, cao 10 - 20m. Lá kép lông chim dài 8-10cm, gồm 10 đến 20 đôi lá chét thuôn, tù ở đầu, dài 20mm, rộng 2mm. Hoa vàng nhạt, xếp thành chùm ở nách lá hoặc thành chuỳ ở đầu cành. Quả thẳng, hơi dẹt, dài 7-25cm, rộng 1,5-2,5cm, dày độ 1cm, mọc thõng xuống; vỏ quả màu gỉ sắt, cứng giòn; cơm quả nạc, khi chín có màu nâu nhạt hay vàng nhạt, có vị chua, bao quanh những hạt dẹp. Cây me là cây của châu Á và châu Phi nhiệt đới, được trồng phổ biến ở nhiều nước. Ở nước ta, nhất là ở các thành phố và các tỉnh phía Nam, Me được trồng làm cây che bóng dọc các đường phố, quanh các thôn xóm và người ta cũng dùng lá và quả chế biến món ăn.

CÂY RAU LÀM THUỐC - MẦN TƯỚI

Mần tưới hay Trạch lan - Eupatoriun fortunei Turcz., thuộc họ Cúc - Asteraceae. Cây thảo cao khoảng 1 mét. Thân có lông tơ, có rãnh. Lá mọc đối, hình dải rộng, nhọn dài ở chóp, thon hẹp ngắn ở gốc, dài 7 - 11cm, rộng 17 - 25mm, có răng đều, nhẵn và có nhiều tuyến trên cả 2 mặt; gân lá hình lông chim. Hoa trắng hay hồng xếp thành đầu, các đầu này lại tập hợp thành ngù kép ở ngọn cây; các cuống hoa phủ lông ngắn dầy đặc; các lá bắc tròn tù. Quả bế màu đen đen, có 5 cạnh. Cây mọc hoang dại và cũng thường được trồng, gặp nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Nhân dân thường dùng Mần tưới ăn sống, như các loại rau thơm. Cũng dùng lá nấu canh ăn cho mát, giải nhiệt, giải cảm. Lá cũng đùng hãm uống lợi tiêu hoá kích thích ăn ngon miệng và làm thơm.

CÂY RAU LÀM THUỐC - MĂNG TRE

Nhân dân ta thường ăn nhiều loại măng của nhiều loài cây thuộc phân họ Tre trong họ Lúa - Poaceae như: Tre mỡ (Bambusa vulgaris Schrad. Ap. Wendl.), thường trồng, Tre trổ (Bambusa vulgaris Schrad, ap. Wendl. var. Aureo-variegata Hort.) có thân đẹp, Tre là ngà (Bambusa blumeana Schult.), Tre vầu (Bambusa nutans Wall. ap. Munro), Tre gai rừng (Bambusa arundinacea Retz.), Tre tầu (Gigantochloa verticllata Munro), Trúc cần câu, Trúc đen (Phyllostachys nigra (Lodd.) Munro var. henonis (Mitf.) Stapf ex Rendle = P. puberula Mak.), Dang (Den drocalamus sp.), Mai (Sinocalamus giganteus (Munro) A. Camus), Tầm vông (Dendrocalamus strictus (Roxb) Nees), Tre mạnh tông (Dendrocalamus flagellifer Munro), Nứa (Taeniostachyum dulloa Gamble), Le (Oxytenanthera spp.). Thường dùng nhiều là măng Tre. Tre mọc hoang trong rừng hoặc được trồng nhiều ở các thôn xóm để lấy thân tre dùng trong xây dựng, làm dụng cụ... và lấy măng tre dùng ăn và lấy lá tre làm thức ăn cho, trâu bò.

CÂY RAU LÀM THUỐC - MĂNG TÂY

Trong các loại rau, thì Măng tây được coi là loại rau cao cấp quý. Bộ phận dùng làm rau ăn là các mầm non nằm trong đất, hình dáng giống như cây Măng trúc, Măng sặt ăn rất ngon. Cây Măng tây - Asparagus officinalis L., thuộc họ Thiên môn đông - Asparagacae. Cây thảo có những rễ và thân mọc ngầm trong đất mà thường được gọi là thân rễ, với những thân đứng mọc trong không khí lởm chởm những vết sẹo của những nhánh đã rụng. Hoa rất nhỏ, màu lục nhạt, tập hợp 1-4 cái thành khóm ở nách lá. Quả mọng, hình cầu, màu đỏ. Vào mùa xuân, có những nhánh non mọc lên từ các thân rễ mà ta gọi là măng.