Nấm hương hay Nấm hương chân dài, Nấm đông cô - Lentinus edodes (Berk.) Sing., thuộc họ Nấm hương - Pleurotaceae. Nấm có thể quả chất thịt có mùi thơm, mọc tự nhiên trên một số cây gỗ mục Trong rừng ẩm ướt, có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp và có ánh sáng khuếch tán của rừng.
Nấm có chân hình trụ đính trên thân cây chủ, mũ nấm tròn, trên khum, mầu nâu vàng, mặt dưới phẳng, có nhiều bản mỏng tỏa ra từ chân nấm tới mép mũ.
Năm hương mọc nhiều ở các rừng Lào cai, Tuyên quang, Hoà bình, Thái nguyên, Cao bằng ..., trên những cây gỗ như Dẻ đá, Dẻ đỏ, Sồi bộp, Re đỏ, Máu chó, Đuôi chó, nhưng đặc biệt trên gỗ của các loài Côm như cây Côm tầng, thì Nấm phát triển tốt, và có mùi thơm đặc biệt, được ưa chuộng hơn. Ngoài việc thu hái Nấm mọc tự nhiên, nhân dân nhiều địa phương còn có tập quán trồng Nấm hương trên những loài cây thích hợp, vào mùa vụ thích hợp và trong môi trường sinh thái phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây Nấm với những kỹ thuật gây trồng riêng.
Nấm hương thu hái về có thể dùng ngay nướng chín để ăn. Nhưng phổ biến nhất là đem phơi khô Nấm ngoài nắng hoặc sấy khô (nếu thời tiết không thuận lợi) nhưng Nấm sấy thường hay bị thối.
Nấm hương là một loại rau khô gia vị cao cấp, vừa là món ăn ngon bổ được mọi người ta thích. Trong 100g Nấm hương, có 0,9g protid; 3g glucid và các nguyên tố: Calcium 28mg; Phosphor 45mg; Sắt 0,8mg và các vitamin như caroten 0,32mg; vitamin B₁ 0,04mg; B₂ 0,06mg; PP 0,5mg và vitamin C 8mg. Lượng Nấm này cung cấp cho cơ thể 16 calo.
Nấm hương cũng được sở dụng làm thuốc. Nó có vị ngọt, tính bình, không độc, dùng ăn thì làm cho khí lực mạnh lên, không đói và có tác dụng chữa bệnh chảy máu, đại tiểu tiện ra máu.
Còn có một số loài khác như Nấm hương chân ngắn (Pleurotus ostreatus) có thể quả chất thịt, cuống lệch, cũng ăn ngon, và cây Nấm dai hay Nấm sâu sâu (Lentinus tigrius) có thể quả dạng phễu lúc còn non cũng ăn ngon, dùng xào với mỡ, xào thịt hoặc nấu canh.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét