Mần tưới hay Trạch lan - Eupatoriun fortunei Turcz., thuộc họ Cúc - Asteraceae. Cây thảo cao khoảng 1 mét. Thân có lông tơ, có rãnh. Lá mọc đối, hình dải rộng, nhọn dài ở chóp, thon hẹp ngắn ở gốc, dài 7 - 11cm, rộng 17 - 25mm, có răng đều, nhẵn và có nhiều tuyến trên cả 2 mặt; gân lá hình lông chim. Hoa trắng hay hồng xếp thành đầu, các đầu này lại tập hợp thành ngù kép ở ngọn cây; các cuống hoa phủ lông ngắn dầy đặc; các lá bắc tròn tù. Quả bế màu đen đen, có 5 cạnh.
Cây mọc hoang dại và cũng thường được trồng, gặp nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Nhân dân thường dùng Mần tưới ăn sống, như các loại rau thơm. Cũng dùng lá nấu canh ăn cho mát, giải nhiệt, giải cảm. Lá cũng đùng hãm uống lợi tiêu hoá kích thích ăn ngon miệng và làm thơm.
Trong Y học dân tộc, Mần tưới dược xem như có tác dụng hoạt huyết, phá ứ huyết, lợi thuỷ, tiêu thũng, sát trùng. Thường dùng trị kinh nguyệt bế, kinh nguyệt không đều, đàn bà đẻ đau bụng do ứ huyết, phù thũng, choáng váng, hoa mắt, chấn thương, mụn nhọt, lở ngứa ngoài da.
Trong dân gian cũng thường dùng Mần tưới để trừ bọ gà, mạt gà, rệp mọt, bọ chó. Người ta còn đặt lá Mần tưới vào hũ đựng Đậu xanh, Đậu đen, Cau khô để trừ mọt và sâu. Hái cành lá Mẫn tưới cho vào ổ gà, ổ chó, sau khi đã làm vệ sinh sẽ trừ được bọ gà, bọ chó có trong ổ, cứ vài ngày lại làm vệ sinh và thay lá một lần. Giường có rệp, sau khi giũ và diệt rệp, rải cành lá Mần tưới dưới chiếu vài lần sẽ diệt hết rệp. Người ta còn dùng lá Mần tưới giã nhỏ, cho vào túi vải xát trực tiếp vào tay hay chân để xua muỗi và dĩn (co bọ mắt) có hiệu quả khá tốt trong vòng 2-3 giờ. Phụ nữ nông thôn cũng thường dùng Mần tưới nấu nước gội đầu cho sạch tóc.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét