Vả - Ficus auriculata Lour. = F. roxburghii Wall, thuộc họ Dâu tằm - Moraceae. Cây gỗ nhỏ, cao 5-10m, có nhiều cành, có lông cứng và thưa. Lá lớn, hình trái xoan, thường là tròn, có khi hình tim ở gốc; chóp tròn hay có mũi nhọn; phiến mềm, có lông ở mặt dưới; 5-7 gân gốc, mép khía răng không đều, cuống lá dài, to; lá kèm màu hung, cao 2,5cm. Cụm hoa sung ở gốc thân hay ở trên cành già trên những nhánh riêng không có lá, rộng đến 4cm, có lông vàng vàng, sẽ phát triển thành quả phức to, xếp dày đặc trên thân, hình cầu dẹp, có nhiều lông thưa, khi chín màu đỏ thắm, giữa có keo thơm.
Vả thường được trồng bằng cách giâm cành để lấy quả dạng sung làm rau ăn; quả chín ăn ngọt, ngon, dùng chế rượu hoặc phơi làm quả khô. Quả chín tươi có 30% chất dầu.
Nhiều bộ phận của cây như quả, rễ và lá đều được dùng làm thuốc. Theo lương y Lê Trần Đức, quả Vả có vị ngọt, tính bình, có tác dụng làm mạnh dạ dày, điều hoà trong ruột, lợi tiểu tiện, khỏi táo bón, chữa kiết lỵ, bệnh trĩ, lòi dom. Rễ và lá cây Vả có tác dụng giải độc và tiêu thũng.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét