Chuyển đến nội dung chính

Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Sa Nhân - Đậu Khấu

Vấn đề sa nhân và đậu khấu hiện nay rất khó giải đáp chính xác. Với những tên đó, người ta dùng quả của nhiều loại cây khác nhau thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Tên gọi còn hỗn loạn. Tạm thời chúng tôi dựa vào sự phân biệt của những tài liệu gần đây của Trung Quốc là nơi tiêu thụ nhiều nhất. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng nhiều loại sa nhân Trung Quốc dùng cũng đều phải nhập hoặc của ta, của Ấn Độ, Cămpuchia hay Inđônôxia v.v... Tài liệu của Trung Quốc phần lớn cũng còn phải dựa vào tài liệu nước ngoài, trong đó có tài liệu của Pháp nói về những cây của ta, mà những tài liệu này, theo chúng tôi biết, cũng chưa chính xác. Vì đây là những vị rất hay dùng, cho nên chúng tôi cứ sơ bộ giới thiệu ở đây với hy vọng sau này có dịp kiểm tra lại.

Dưới đây là một số vị thuốc chính nguồn gốc là những quả của nhiều loài cây họ Gừng:

1. Sa nhân (Fructus Amomi xanthioides).

2. Dương xuân sa (Fructus Amomi villosi).

3. Đậu khấu còn gọi là bạch dậu khấu hay viên đậu khấu (Fructus Amomi cardamomi hay Fructus Cardamomi rotundi).

4. Tiểu đậu khấu (Fructus Cardamomi).

5. Hồng đậu khấu còn gọi là sơn khương (Fructus Alpiniae galangae).

6. Thảo đậu khấu (Semen Alpinia katsumadai).

7. Ích trí nhân (Fructus Alpiniae yichi).

Trên đây mới chỉ là một số cây chính. Thực tế còn một số cây khác nữa sẽ nói kỹ trong mỗi vị.



DƯƠNG XUÂN SA 

Còn gọi là xuân sa, sa nhân, mé tré bà.

Tên khoa học Amomum villosum Lour (Amomum echinosphoera Schum).

Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
Cây Dương xuân sa - Amomum villosum - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa
Dương xuân sa (Fructus Amomi villosi) là quả chưa chín phơi hay sấy khô của cây dương xuân sa (Amomum villosum). Nếu còn cà vỏ thì gọi là xác sa, loại bỏ vỏ là sa nhân.

A. Mô tả cày

Dương xuân sa là một loại cỏ nhỏ, sống lâu năm, cao tới 1,5m, thân rễ phình to và mọc ngang. Lá hình mác rộng, dài 14-40cm, rộng 2-8cm, đầu nhọn, phía gốc tròn, gần như không cuống, hai mặt nhẵn. Cụm hoa nhiều, nhưng mọc thưa từ gốc thân lên, cán mang hoa gầy, lúc đầu nằm ngang, sau mọc thẳng đứng, dài 6-8cm, có những bẹ mọc như lợp ngói. Hoa màu trắng vàng nhạt, tràng hình ống, thùy hình trứng, dài 13mm. Quả hình trứng, trên có những gai nhỏ, quả dài 2cm, rộng 12-15mm. Hạt có đường kính 3mm (Hình  dưới).
Hình vẽ Dương xuân sa - Amomum villosum - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây này phổ biến ở miền Bắc và các tỉnh miền Trung nước ta, thường được khai thác với tên sa nhân. Thường mọc hoang ở những miền rừng núi ẩm thấp, có khi được trồng. Tại Trung Quốc cũng có mọc ở Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Cách thu hái và chế biến cũng như thu hái chế biến sa nhân giới thiệu ở sau.
Quả Dương xuân sa - Amomum villosum - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

C. Thành phần hóa học

Năm 1958, hệ dược Viện y học Bắc Kinh nghiên cứu thấy sa nhân Amomum villosum có chứa 0,69% saponin.

D. Công dụng và liệu dùng

Như sa nhân.




SA NHÂN 

Còn gọi là súc sa mật.

Tên khoa học Amomum xanthioides Wall.

Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
Cây Sa nhân - Amomum xanthioides - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

Sa nhân (Fructus et Semen Amomi xanthioidis) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây sa nhân (Amomum xanthioides).

Người ta còn phân biệt xác sa là quả còn cả lớp vỏ và sa nhân là khối hạt còn lại sau khi đã bóc lớp vỏ ngoài.

Vì hạt trông giống hạt sỏi, do đó có tên sa nhân, sa là cát, sỏi.

A. Mô tả cây

Sa nhân là một loại cỏ có thể cao tới 2-3m, gần giống cây riềng nhưng thân rễ không phát triển thành củ như riềng. Lá xanh thẫm, mặt nhẵn bóng, dài 15-35cm, rộng 4-7cm.

Hoa màu trắng đốm tía, mọc thành chùm ở gốc; từ rễ nảy ra một mầm, ngọn mang hoa gần sát mặt đất, mỗi gốc 3-6 chùm hoa, mỗi chùm 4-6 hoa. Quả là một nang 3 ngăn, đậu vào tháng 5, chín vào tháng 7-8 (6-7 âm lịch), hình trứng, to nhất bằng đầu ngón tay cái, trung bình bằng đầu ngón tay giữa, dài 1,5-2cm, đường kính 1-1,5cm. Mặt ngoài vỏ có gai rất đều, không có cái cao cái thấp, kẽ gai cũng đều nhau, bóp mạnh sẽ vỡ thành 3 mảnh. Hạt dính theo lối đính phôi trung trụ. Mùa hoa: tháng 4-5 (Hình dưới).
Quả và hạt Sa nhân - Amomum xanthioides - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

B. Phân bố thu hái và chế biến

Sa nhân mọc hoang và được trồng ở nhiều tỉnh miền núi nước ta, miên Bắc cũng như miền Trung. Còn mọc ở Cămpuchia, Lào, Thái Lan, Ấn Độ. Hằng năm trước đây toàn Việt Nam xuất chừng 250 đến 400 tấn.

Việc trồng sa nhân đã được chú ý. Người ta phát nương như để trồng ngô, trồng sắn, rồi nhổ tỉa những cây sa nhân mọc ở rừng đem về cắt bớt ngọn đi, đặt nằm gốc xuống hố, mỗi hố cách nhau chừng 0,70-0,80cm, lấp đất lên, giẫm chặt gốc, để hở ít ngọn, như ta trồng mía.

Đối với sa nhân mọc hoang, muốn thu hoạch nhiều cần phát quang những khu sa nhân già để sa nhân mọc lại, đồng thời phát quang bớt những cây che kín bên trên làm cho sa nhân tốt hơn và sai quả.

Sa nhân thu hoạch vào khoảng tháng 8 dương lịch (từ 1 đến 15 tháng 7 âm lịch), có thể sớm hơn một ít. Vì thời gian thu hoạch rất ngắn, mà hái sớm hay muộn quá đều ảnh hưởng đến chất lượng của sa nhân cho nên cần theo dõi để kịp thời thu hái. Khi vỏ ngoài đã vàng thẫm, kẽ gai đã thưa, bóc ra thấy róc vỏ, bóp quả thấy còn cứng, lúc bóc ra thì hạt hơi có màu vàng, ở giữa mỗi hạt cổ chấm đen hay màu hung hung, nhấm thấy chua và có chất cay nồng là sa nhân đúng tuổi hái được. Loại này người ta gọi là sa nhân hạt cau (loại tốt nhất).

Nếu để quá 5-7 ngày mới hái, quả bóc ra đã mềm, nhấm thấy ngọt chất cay đã hết, đó là sa nhân đường, kém giá trị hơn vì ít tinh dầu, khó bảo quản vì dễ ẩm mốc, cứ phơi khô để vài ngày lại bị ẩm, hạt rời vụn ra màu đen như cứt gián.

Nhưng nếu vội hái non quá, khi bóc ra hạt vẫn còn non trắng hay hơi vàng, nhấm thấy cay nhưng không chua, gọi là sa nhân non cũng kém giá trị.

Sa nhân hái về phải tãi ra phơi khô ngay, nếu không gặp nắng, phải dùng củi sấy kịp thời, tốt nhất là ngày phơi, đêm sấy, chừng 4-5 ngày thì khô. Thường mùa thu hái sa nhân hay trùng với mùa mưa cho nên cần chuẩn bị củi để sấy cho khỏi hỏng.

Thường 10kg sa nhân đầu mùa phơi được 1,800kg sa nhân vỏ (sa nhân xác), nếu hái đúng tuổi có khi được tới 2kg.

Nếu sa nhân hái về không kịp phơi khô ngay sẽ dễ bị thối nát, màu ngả đen như cứt gián.

Khi sa nhân khô kiệt rồi nếu bóc vỏ trước khi phơi sấy thì tinh dầu bốc đi mất, dễ vỡ vụn và cũng kém giá trị.

Muốn bóc vỏ, dùng dao con hay dùi nhỏ chọc mũi vào vỏ sa nhân, cho đỡ đau tay. Mỗi kg sa nhân vỏ bóc được từ 0,700 đến 0,800 kg sa nhân hạt. Tùy theo thòi kỳ thu hái và phơi sấy, thường nguời ta phân ra làm nhiều loại:

1. Sa nhân hạt cau là loại tốt nhất, có hạt to mẩy, khi hạt khô không bị nhăn nheo. Màu nâu sẫm, cứng, nhấm cay nhiều, nồng.

2. Sa nhân non là loại 2, hạt không mẩy, có vết nhăn nheo, màu vàng răng ngựa, nhấm ít cay.

3. Sa nhân vụn là loại 3, gồm những quả sa nhân đường, non vỡ ra hoặc do không được phơi sây đúng phép, còn gọi là sa nhân cứt gián, kém cay.

4. Sa nhân đường là loại 4, sờ tay thấy ẩm hơi dính, nhấm hơi ngọt, mềm, màu đen.
Quả Sa nhân - Amomum xanthioides - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

C. Thành phần hóa học

Trong sa nhân có chừng 2-3% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là d.bocneola (19%), d.campho (33%), axetat bocnyla (26,5%), d.limonen (7%), camphen (7%), phelandren (2,3%), parametoxyetylxinamat (1%), pinen (1,8%), linalola, nerolidola...

Năm 1958, hệ dược Viện y học Bắc Kinh có nghiên cứu thấy trong loài sa nhân Amomum villosum Lour, có saponin với tỷ lệ 0,69%.
Sa nhân - Amomum xanthioides - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

D. Công dụng và liều dùng

Sa nhân là một vị thuốc kích thích và giúp sự tiêu hóa, thường dùng làm gia vị và chế rượu mùi.

Về căn bản, sa nhân mới thấy dùng trong phạm vi đông y. Theo tài liệu cổ, sa nhân có vị cay, tính ôn, vào các kinh tỳ, thận và vị, có tác dụng hành khí, điều trung, hòa vị, làm cho tiêu hóa được dễ dàng. Dùng trong những trường hợp đau bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, tả lỵ.

Hiện nay ngoài công dụng như trên, sa nhân được xuất sang một số nước dùng làm gia vị.

Liều dùng hàng ngày: 1 đến 3g dưới dạng thuốc viên, thuốc sắc.

Đơn thuốc có sa nhân dùng trong đông y

Răng dau nhức: Ngậm sa nhân.

Bài thuốc chữa ăn uống không tiêu, nôn mửa, bụng đầy, đau (hương sa chỉ truật hoàn): Sa nhân 4g, mộc hương 6g, chỉ thực 6g, bạch truật 4g, các vị tán nhỏ, dùng nước sắc bạc hà nấu với gạo làm hồ viên thành viên, mỗi viên nặng 0,25g; ngày uống 2 hay 3 viên.

Ở miền Bắc nước ta chỉ khai thác để dùng trong nước và xuất loại sa nhân nói trên.

Ngoài 2 cây dương xuân sa và sa nhân nói trên, tại Trung Quốc người ta còn khai thác một số cây khác với tên sa nhân, ví dụ:

1. Sa nhân Hải Ham là quả của một loài Amomum sp. ở đảo Hải Nam.

2. Thổ sa nhân ở Hải Nam là quả của một loài Amomum sinensis Rosc.

3. Thổ sa nhân ở Phúc Kiến là quả của loài Alpinia japonica Miq. tên gọi ở địa phương là hòa sơn khương, có quả ở trên ngọn của thân mang lá, khác những cây trên có quả trên một trục riêng ở sát mặt đất.



ĐẬU KHẤU 

Còn gọi là bạch đậu khấu, viên đậu khấu.

Tên khoa học Amomum cardamomum L

Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
Cây Đậu khấu - Amomum cardamomum - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa
Đậu khấu (Fructus Amomi cardamomi hay Fructus Cardamomi rotundi) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây bạch đậu khấu hay viên đậu khấu (Amomum cardamomum). 

A. Mô tả cây

Đậu khấu là một loại cỏ mọc lâu năm. Thân rễ có vẩy, từ thân rễ những trụ mang lá và trục mang hoa và quả ló lên mặt đất. Thân mang lá có thể cao 2-3m. Lá mọc so le, không cuống, phiến lá hình mác dài 23cm, rộng 7,5cm. Cụm hoa hình bông mọc ở gốc, cả cuống hoa và hoa dài 8cm; tràng hoa màu vàng, hình ống hẹp, dài 2cm, trên tràng hoa màu vàng, có điểm tím hay đỏ tía. Quả hình cầu dẹt, màu tím trắng, đường kính 1,5cm (Hình dưới).


Hạt Đậu khấu - Amomum cardamomum - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Đậu khấu mọc hoang và được trồng ở Việt Nam, Cămpuchia, Thái Lan, Xrilanca, Nam Mỹ, Trung Quốc chủ yếu nhập đậu khấu của các nước kể trên, mới đây mới thử trồng ở Vân Nam.

Thường thu hái ở những cây đã được 3 năm, khi quả từ màu xanh chuyển sang màu vàng xanh thì hái, hái về phơi hay sấy khô, loại bỏ cuống, rồi xông diêm sinh cho vỏ trắng ra là được. Khi dùng, bóc vỏ lấy hạt.

C. Thành phần hóa học

Trong đậu khấu có chừng 2,4% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là d.bocneola và d.campho.
Quả Đậu khấu - Amomum cardamomum - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

D. Công dụng và liều dùng

Đậu khấu là một vị thuốc chủ yếu dùng trong đông y. Tính chất theo đông y là vị cay, ôn, vào các kinh phế, tỳ và vị, có tác dụng hành khí, ấm dạ dày, tiêu thực khoan trung, trừ hàn hóa thấp, giải độc rượu. Dùng chữa đau dạ dày, đầy bụng, nôn ọe, ăn không tiêu, và chữa các bệnh về phổi.

Ngày dùng 2 đến 4g.

Đơn thuốc có đậu khấu

1. Chữa trẻ con bú vào lại trớ ra: Bạch đậu khấu 14 nhân, sa nhân 14 nhân, cam thảo 8g, các vị tán nhỏ, dùng bột này sát vào miệng trẻ em.

2. Chữa chứng lợm giọng buồn nôn: Nhấm hạt bạch đậu khấu, nuốt nước.

Chú thích:

Ngoài vị đậu khấu kể trên, trong đông y còn dùng vị tiểu đậu khấu là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây tiểu đậu khấu (Elettaria cardamomum Maton), vị thổ hạch khấu (Fructus Alpiniae tupaikou) là quả phơi khô của cây thổ hương khấu (Alpinia sp.) mọc hoang ở Quảng Tây (Trung Quốc).



Tiểu Đậu khấu - Amomum cardamomum - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa



THẢO ĐẬU KHẤU

Còn gọi là thảo khấu nhân, ngẫu tử.

Tên khoa học Alpinia katsumadai Hayt.

Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
Cây và quả Thảo đậu khấu - Alpnia katsumadai - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa
Thảo đậu khấu (Semen Alpiniae katsumadai) là hạt phơi hay sấy khô lấy từ quả gần chín của cây thảo đậu khấu (Alpinia katsumadai).

A. Mô tả cây

Thảo đậu khấu là một loại cỏ sống lâu năm cao 1-2m. Thân rễ màu nâu đỏ. Lá mọc so le, hình mác, dài 30-55cm, rộng 2-9cm. Cụm hoa hình chùm, dài 30cm, ở đầu cành. Hoa màu trắng, hình ống, dài 1,2cm, trong có đốm màu tím đỏ nhạt. Quả hình cầu đường kính 3,5cm, còn đài tồn tại, khi chín có màu vàng (Hình dưới).
Hạt Thảo đậu khấu - Alpnia katsumadai - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Chưa thấy ở Việt Nam. Chỉ mới thấy khai thác ở đảo Hải Nam, Quảng Đông (Trung Quốc). Vào các tháng 8-9, hái quả về phơi gần khô thì bóc bỏ vỏ rồi phơi cho thật khô, có khi hái về nhúng vào nước sôi, phơi gần khô, lấy ra bóc vỏ rồi phơi cho thật khô. Tại một vài nơi ở đảo Hải Nam, người ta còn hái về, đun hay đồ với nước sôi trong 2-3 giờ, lấy ra bỏ vỏ phơi khô. Làm như vậy hạt chắc không rời nhau ra nhưng tinh dầu bị giảm bớt.

C. Thành phần hóa học

Trong thảo đậu khấu có chừng 4% tinh dầu mùi long não (theo Wehmer, 1929., Die pflanzenstoffe Bd. I:182).
Hạt Thảo đậu khấu - Alpnia katsumadai - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

D. Công dụng và liều dùng

Thảo đậu khấu chỉ mới thấy dùng trong đông y. Tính vị theo đông y là vị cay, chát, tính ôn, có tác dụng khừ hàn táo thấp, ôn trung khai vị, giải độc. Dùng chữa dạ dày lạnh đau, nôn ra nước chua, nôn mửa, tả lỵ, có tác dụng chữa say rượu và giải độc cá độc.

Ngày dùng 3-6g.

Chú thích:

Ngoài vị thảo khấu nói trên, tại Quảng Tây (Trung Quốc) người ta còn dùng với tên thảo khấu (quả cây sẹ) (Alpinia globosa Horan). Ở Việt Nam ta có cây này. Tại Vân Nam người ta thu mua quả cây Alpinia blepharocalyx K.Schum làm vị thảo khấu, quả cây Globba chinensis K.Schum làm vị tiểu thảo khấu.




HỒNG ĐẬU KHẤU


Còn gọi là sơn khương tử, hồng khấu.

Tên khoa học Alpinia galanga Willd.

Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Cây Hồng đậu khấu - Alpinia galanga - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa
Hồng đậu khấu (Fructus Alpiniae galangae) là quả chín phơi hay sấy khô của cây riềng nếp (Alpinia galanga Willd.).

A. Mô tả cây

Xem vị cao lương khương và hình dưới.
Hình vẽ cây Hồng đậu khấu - Alpinia galanga - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa
Hình vẽ hạt Hồng đậu khấu - Alpinia galanga - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

B. Thu hái và chế biến

Vào tháng 9-10 khi quả gần chín hái về phơi hay sấy khô. Khi dùng phải bóc bỏ vỏ.

C. Thành phần hóa học

Trong hồng đậu khấu có tinh dầu, tinh bột và chất protit, các chất khác chưa rõ.
Củ Hồng đậu khấu - Alpinia galanga - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

D. Công dụng và liều dùng

Chỉ mới thấy dùng trong đông y; tuy nhiên ở ta ít dùng. Tính vị theo đông y là vị cay, ôn, có tác dụng táo thấp, tán hàn, tiêu thực, giải tửu độc. Dùng chữa nồn mửa, đi tả, bụng lạnh đau.

Ngày dùng 5-6g.



ÍCH TRÍ NHÂN

Còn gọi là ích trí, ích trí tử.

Tên khoa học Alpinia oxyphylla Miq.

Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
Hoa Ích trí - Alpinia oxyphylla - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa
Ích trí nhân (Fructus Alpiniae oxyphyllae) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây ích trí (Alpinia oxyphylla Miq.).

Vì vị thuốc giúp ích tỳ vị cho nên có tên như thế.

A. Mô tả cây

Ích trí là một loại cỏ sống lâu năm, cao 1,5-2m, toàn cây có vị cay. Lá hình mác dài 17-33cm, rộng 3-6cm. Cụm hoa hình chùm mọc ở đầu cành. Hoa màu trắng có đốm tím. Quả hình cầu, đường kính 1,5cm, khi chín có màu vàng xanh, hạt nhiều cạnh, màu nâu đen (Hình dưới).
Hình vẽ Ích trí - Alpinia oxyphylla - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Chưa rõ ta có không. Hiện còn phải nhập. Tại Trung Quốc khai thác ở Quảng Đông, đảo Hải Nam. Vào tháng 7-8 hái quả về khi màu quả từ xanh chuyển sang hồng, phơi hay sấy khô. Phơi khô chất lượng tốt hơn. Khi dùng loại bỏ vỏ quả.

C. Thành phần hóa học

Trong ích trí nhân có chừng 0,7% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là tecpen C10H16 sesquitecpen C10H24 và sesquitecpenancola.

Năm 1958, hệ dược thuộc Viện y học Bắc Kinh đã thấy trong ích trí nhân có chừng 1,71% chất saponin.
Quả Ích trí - Alpinia oxyphylla - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Bệnh Tiêu Hóa

D. Công dụng và liều dùng

Ích trí nhân mới thấy dùng trong phạm vi đông y. Tính vị của ích trí nhân theo đông y là vị cay, ôn, có tác dụng làm ấm thận, vị, cầm đi ỉa lỏng. Dùng làm thuốc chữa đái dầm, di mộng tinh, bổ dạ dày.

Đơn thuốc có ích trí nhân dùng trong đông y

Đêm đi tiểu nhiều lần: 20 hạt ích trí nhân, thêm vài hạt muối, sắc với 200ml nước, uống trước khi đi ngủ.


Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Chay

Còn gọi là Cây Chay. Tên khoa học Artocarpus tonkinensis A. Chev. Thuộc họ Dâu tằm Moraceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Diếp Cá

Còn có tên là cây lá giấp , ngư tinh thảo . Tên khoa học Houttuynia cordata Thunb. Thuộc họ Lá giấp Saururaceae. A. Mô tả cây. Cây diếp cấ là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá, hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8. (Hình dưới).

Chữa Cảm Sốt - Cỏ Mần Trầu

Còn gọi là ngưu cân thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, cỏ dáng, cỏ bắc, cheung kras (Campuchia), mia pak kouay (Lào). Tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.) Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - DIẾP CÁ

Còn gọi là Dấp cá, rau Dấp, cây lá Giếp (Houttuynia cordata Thunb) thuộc họ lá Giấp (Saururaceae). Mô tả: Cây thảo cạo 20-40cm, Thân màu lục troặc tím đỏ. Lá mọc sọ le, hình tim, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu trắng, gồm nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Hạt hình trái xoan nhẵn. Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Vối

Tên khoa học Cleistocalyx operculatus (Roxb). Merr et Perry (Eugenia operculata Roxb., Syzygium nervosum DC.). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Đơn Tướng Quân

Tên khoa học Syzygium formosum var , ternifolium (Roxb) Merr. et Perry (Eugenia ternifolia Roxb., Eugenia formosa var. ternifolia (Roxb) Duth). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Hoa Cứt Lợn

Còn có tên là cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, cỏ hôi. Tên khoa học Ageratum conyzoides L. Thuộc họ Cúc Asteraceae(Compositae). A. Mô tả cây Cây hoa cứt lợn là một cây nhỏ, mọc hàng năm, thân có nhiều lông nhỏ mềm, cao chừng 25-50cm, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Lá mọc đối hình trứng hay 3 cạnh, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mật dưới của lá nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu tím, xanh. Quả bế màu đen, có 5 sống dọc (Hình dưới).

Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Phèn Đen

Còn gọi là nỗ. Tên khoa học Phyllanthus reticulatus Poir. Thuộc họ Thầu dầu Euphorhiaceae.

Chữa bệnh Tim - Vạn Niên Thanh

Còn gọi là thiên niên vận, đông bất điêu thảo, cửu tiết liên. Tên khoa học Rhodea japonica Roth. Thuộc họ Hành Alliaceae. Cần chú ý ngay rằng tên vạn niên thanh ở nước ta thường dùng để gọi nhiều cây khác nhau. Cây vạn niên thanh ta trồng làm cảnh là cây Aglaonema siamense Engl, thuộc họ Ráy Araceae. Còn cây vạn niên thanh giới thiệu ở đây thuộc họ Hành tỏi, hiện chúng tôi chưa thấy trồng ở nước ta, nhưng giới thiệu ở đây để tránh nhầm lẫn.

TOA THUỐC ĐÔNG Y CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG

CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG 18 Bài thuốc Năm 1951 ở chiến khu Ð (Nam Bộ) có nhiều cán bộ và chiến sĩ đau dạ dày, chúng tôi phải tốn tiền nhiều để mua biệt dược ở Thành nhưng nào có giải quyết gì được. Tôi không thỏa mãn với cách giải quyết tận gốc bệnh được vì nghĩ rằng ở địa phương có một số nguyên liệu như kaolin chẳng hạn. Tôi khởi sự điều tra trong cơ quan và bộ đội, nguyên nhân nào làm cho đau dạ dày, có khi loét nữa. Kết quả điều tra là trong bộ đội có nhiều người đau hơn cơ quan, ở cơ quan thì nam giới đau nhiều hơn nữ giới. Lý do là vì công tác cho nên bộ đội phải ăn gấp, ăn nhanh hơn ở cơ quan. Ở cơ quan thì “nam thực như hổ, nữ thực như miêu” cho nên nam đau nhiều hơn nữ. Khi ta ăn nhanh thì không có thời giờ để cho nước miếng thấm vào thức ăn cho nên xuống dạ dày thì cơ thể phải tiết acide ra nhiều mới thủy phân được.