Còn gọi là tầm lức, sacôchê, sabôchê, sapotillier.
Tên khoa học Achras sapota l., Sapota achras Mill.
Thuộc họ Hồng xiêm Sapotaceae.
A. Mô tả cây
Cây to, cao. Cành và lá khi còn non được phủ lông tơ. Lá mọc so le, có cuống dài hình bầu dục, dai và tồn tại. Hoa đơn độc ở kẽ các lá trên, đều, lưỡng tính, thường mẫu 3, có khi mẫu 5. Quả mọng, hình trứng dẹt, màu nâu thẫm và bóng, rốn kéo dài màu nâu nhạt và nháp (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây vốn nguồn gốc ở Nam Mỹ, chủ yếu ở Mêhicô. Hiện nay được di thực vào nhiều nước nhiệt đới. Việt Nam chủ yếu được trồng ở miền Nam, nhưng ở miền Bắc cũng có nhiều nơi trồng chủ yếu để lấy quả ăn.
Tại Mêhicô, người ta còn dùng chích từ vỏ cây hoặc quả xanh một chất nhựa gọi là chicle dùng chế kẹo caosu (chewing-gum): Chích trên thân cây thành những hình chữ V (vết chích đừng quá sâu để khỏi tổn thương đến lớp libe) hứng lấy nhựa chảy ra (dùng bình hứng 2 lít rưỡi để ở đầu nhọn chữ V). Đun sôi nhựa và khuấy đều cho bốc bớt hơi nước. Còn đang nóng, nhựa được đổ vào chậu gỗ có bôi xà phòng để cho nhựa không dính chặt vào thành chậu. Khi nguội, dùng tay bôi xà phòng cho khỏi dính, nặn thành bánh 10-12kg. Tuỳ theo nhựa chích từ vỏ cây hay từ quả, người ta gọi tên khác nhau: Nhựa chích từ vỏ cây, được gọi là chicle covent, nhựa chích từ quả xanh gọi là chicle balanco hay chicle vergen. Nhựa này được tiêu thụ rất nhiều ở Mỹ và Canada.
C. Thành phần hoá học
Quả xanh và vỏ chứa chất gôm nhựa gọi là chicle. Chất gôm nhựa chicle này có 40% nhựa (résine), 1,7% hydrat cacbon, 35% nước và một số chất khác. Nhựa này gần giống chất gutta percha.
Vô cây còn non chứa một chất saponin và một ít ancaloit có tinh thể gọi là sapotin. vỏ cây già chứa tanin.
Quả hồng xiêm chín có 0,4% protit, 9% gluxit, 2,3% xenluloza và 0,5% tro. Trong tro có 46,8% canxi, 21,6%P, ngoài ra hồng xiêm còn 7mg% vitamin C (Theo bảng Thành phần hoá học thức ăn Việt Nam-Nhà xuất bản y học, 1972).
Hạt chứa 23% dầu béo và axit xyanhydric.
D. Công dụng và liều dùng
Hồng xiêm hiện nay chủ yếu mới được trồng để lấy quả ăn. Những công dụng khác hầu như chưa được chú ý đặc biệt, khai thác chất nhựa dùng làm kẹo bạc hà, kẹo hồi có khi được thêm chất pepsin với tên chewing gum, hay pepsingum làm thuốc chữa ho, giúp sự tiêu hoá hoặc làm thơm miệng.
Vỏ thân hồng xiêm được nhân dân Campuchia dùng chữa ỉa chảy (do chất tanin) và sốt dưới dạng thuốc sắc: ngày uống 6 đến 12gam.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét