Còn gọi là nguyễn cộng, lam khái liên, khổ đảm thảo, xuyên tâm liên, roi des amers (Pondichery hồi thuộc Pháp) - green chireta (Anh).
Tên khoa học Andrographis paniculata (Burum. f.) Nees Justicia paniculata Burm. f.).
Thuộc họ Ô rô Acanthaceae.
A. Mô tả cây
Cây nhỏ, thuộc thảo, mọc thẳng đứng, cao từ 0,3-0,8m, nhiếu đốt, rất nhiều cành. Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình trứng thuôn dài hay hơi hình mác, hai đầu nhọn, mặt nhẵn, dài 3-12cm, rộng 1-3cm, nguyên, mềm. Hoa màu trắng, điểm hồng, mọc thành chùm ở nách lá hay đầu cành, thành chùy. Quả dài, 15mm, rộng 3,5mm, hơi nhẵn. Hạt hình trụ, thuôn dài. Mùa hoa 9-10 (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Mọc hoang dại và dược trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc để làm thuốc. Còn mọc ở Ấn Độ, Giava, Malaixia, miền man Trung Quốc (Quảng Châu).
Người ta dùng rễ hay toàn cây phơi hoặc sấy khô. Có nơi chỉ dùng lá và cành mang lá. Thu hái gần như quanh năm. Nhưng thường mùa hè dùng lá và phần trên mặt đất của cây, mùa thu đông dùng rễ và toàn cây.
C. Thành phần hóa học
Cây này được nghiên cứu ở Ấn Độ từ lâu. Năm 1887, E.Pozzi đã cho biết trong cây có một tỷ lệ tanin khá cao tập trung ở vỏ thân, cành và vỏ rễ.
Năm 1949, Sen Gupta S.B., Banariée s. và D.Chakravarti đã chiết được từ cây công cộng 2,68% một chất glucozit đắng đặt tên là androgaphiolide (Ind.J.Phanrm., 11, 1949, 77-78).
Năm 1951, Kleipool và Koostermans ở Inđônêxia đã nghiên cứu cấu trúc chất này (Rec. Trav. Chim., 70, 1951, 1085-88).
Năm 1952, Kleipool còn phát hiện trong công cộng một chất không có vị đắng thuộc nhóm các chất lacton và đặt tên là neoandrographiolide (Nature Gr. Br, 1952, 169, 33-34).
Năm 1952, Chakravarti Mrs D. và R.N.Chakravarti đã xác minh rằng andrographiolide; là một trihydroxylacton với một nhóm hydroxyl bậc ba. Các tác giả này đã nghiên cứu cấu trúc và quang phổ hấp thụ và đã bác bỏ già thuyết của Guhasircar và Hoktader (J.Ind. Chem. Soc., 16, 1939, 333) cho rằng trong androraphiolide có một nhóm methylendioxyl.
D. Công dụng và liều dùng
Cây này được dùng từ lâu trong nhân dân Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Inđônêxia.
Theo tính vị ghi trong tài liệu y học dân gian Quảng Châu (Trung Quốc) thì cây này có Vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chỉ thống (giảm đau). Dùng trong những trường hợp lỵ cấp tính, viêm ruột và dạ dày, cảm mạo, phát sốt, viêm họng, amidan, viêm phổi, dùng ngoài chữa rắn độc cắn, xương khớp đau nhức.
Tại Ấn Độ cây này được dùng với tên Krariyât làm thuốc bổ đắng (cho nên tên Pháp của cây này - trong thời kỳ pondichery còn là thuộc dịa của Pháp - là vua của thuốc đắng - roi des amers) dùng trong những trường hợp yếu toàn thân, yếu sau khi khỏi sốt, ỉa chảy và lỵ.
Ở Việt Nam, tại một số tỉnh miền Trung, nhân dân dùng cây này làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi đẻ xong bị ứ huyết, đau nhức tê thấp, kinh nguyệt bế tắc, nhọt bàm bàm ở hai bên cổ.
Ngày dùng từ 10 đến 20g toàn cây dưới dạng thuốc sắc. Nếu tán bột thì mỗi lần uống 2 đến 4g bột. Ngày uống 2-3 lần. Dùng ngoài không kể liều lượng, đắp lên những vết rắn cắn, nơi sưng tấy.
Đơn thuốc có vị công cộng
Rượu bổ kariyât: Rễ cây công cộng phơi khô tán nhỏ 180g, lô hội 30g, rượu 40° vừa đủ 1 lít. Ngày dùng 4 đến 16g rượu này trong những trường hợp yếu mệt, kém ăn.
Thuốc hãm bổ: Toàn cây công công thái nhỏ 45g, vỏ cam và hạt mùi tán nhỏ 4g, nước sôi 300ml. Mỗi lần uống 45 đến 60g nước hãm này. Ngày uống hai hay ba lần.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét