Chuyển đến nội dung chính

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - PHỤ LỤC II

PHỤ LỤC II
I. TỔ CHỨC KHAI THÁC SỬ DỤNG CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC VIỆT NAM TRƯỚC VÀ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
Nghiên cứu tổ chức khai thác, sử dụng cây thuốc và vị thuốc Việt Nam sẽ thấy rõ chúng ta tiến hành điều tra cây thuốc trong hoàn cảnh thuận tiện hay khó khăn như thể nào?
Chúng ta có thể nghiên cứu tình hình này qua hai thời kỳ: trước và sau Cách Mạng Tháng Tám.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - PHỤ LỤC II

A. Trước Cách Mạng Tháng Tám 

Ở nước ta có hai ngành y dược học, đều được coi là hợp pháp:
1. Ngành y dược học khoa học, thường gọi là tây y hay ngành thuốc tây.
2. Ngành y học cổ truyền, thường gọi là đông y hay thuốc ta.
Đối với tổ chức ngành y, dược học khoa học (tây y) ta thường thấy nói đến nhiều hơn. Ngành này lại chia thành hai nghề y và dược riêng biệt. Một người chỉ có thể làm một trong hai nghề đó, dù rằng tốt nghiệp cả hai.
Số thầy thuốc và dược sĩ không nhiều lắm, thường tập trung tại các thành phố hay tỉnh lớn. Tại các tỉnh nhỏ thường chỉ có y sĩ và dược sĩ Đông Dương (1). Nhiều tỉnh không có cả dược sĩ Đông Dương, mà chì có đại lý tân dược là những người có trình độ tiểu học, học chuyên môn trong vòng 3 tháng rồi thi sát hạch. Họ chỉ được bán một số thuốc nhất định không có chất độc.
Những thuốc bán ở các hiệu thuốc tây đều nhập từ Pháp vào. Các thầy thuốc và các dược sĩ thường không biết và cũng không chú ý đến tài nguyên, cây thuốc trong nước; họ cho rằng thuốc nam không khoa học và không tốt bằng thuốc tây.
Điều đó cũng dễ hiểu, nếu chúng ta biết họ đã được đào tạo như thế nào? Trong quá trình học tập, họ chỉ được học về thuốc tây. Trong môn học về cây thuốc, họ cũng chỉ được học vế những cây thuốc của Pháp dùng, mà những cây này toàn mọc ở Pháp hay ở các nước châu Âu, một ít mọc ở châu Phi, châu Mỹ hay châu Á. Tên cây thuốc chỉ được học bằng tiếng Pháp và La-tinh, nên cũng không biết trong nhân dân người ta gọi cây thuốc đó như thế nào, nếu cây đó có mọc ở Việt Nam. Những người giảng dạy về cây thuốc lại là người Pháp, nhiều khi chỉ mới sang Việt Nam có ít ngày cho nên không biết ở nước ta có những cây gì, hay nếu có biết thì cũng chỉ đọc qua sách vở cho nên không đưa vào giảng dạy.
Những mẫu cây thuốc và vị thuốc dùng trong giảng dạy có ở trường đại học, đều nhập của Pháp dán nhãn hiệu các hãng thuốc Pháp và mang tên Pháp. Rất nhiều cây thuốc mọc ở Việt Nam như thuốc phiện, chè, râu ngô, lựu, mã tiền, ngải cứu v.v... họ cũng không mua ở Việt Nam vì họ cho là chưa tốt, không bảo đảm tiêu chuẩn. Do đó có tình trạng những vị thuốc đó xuất sang Pháp để rồi trở lại Việt Nam dưới hình thức đóng gói và tên mới.
Trong phòng thí nghiêm dược liệu của Trường đại học Y dược Hà Nội do Pháp tổ chức hồi chúng còn tạm chiếm Hà Nội, tất cả các vị thuốc dùng để giảng dạy hay nghiên cứu, dù chỉ ở trong nước hay ngoài nước, đều chỉ có tên La, tinh hay tên Pháp; nếu có người hỏi tại sao không ghi thêm tên Việt Nam thì nhân viên trong phòng thí nghiệm sẽ trả lời vì tên Việt Nam không chính xác nên không ghi.
Sau khi tốt nghiệp và hành nghề, người dược sĩ cũng như người thầy thuốc chỉ quen với những vị thuốc nhập cảng.
Ngay cả những vị thuốc thảo mộc cùng nhập dưới hình thức thuốc cao, thuốc rượu hay thuốc bột; các vị thuốc hẫu như không bao giờ thấy dưới dạng nguyên liệu, làm cho người ta có cảm tưởng rằng môn học về cây thuốc không còn hứng thú gì nữa. Do đó có một số anh em dược sĩ đã phát biểu rằng môn dược liệu là một môn học “khô khan”, “khó khăn”, ít người thích giảng và ít người thích học.
Trong y dược học cổ truyền (đông y), tình hình còn phức tạp hon. Ở đây không có sự phân biệt giữa người thầy thuốc và người chế thuốc. Một ông lang có thể vừa khám bệnh, kê đơn, vừa chế thuốc vừa bán thuốc cho bệnh nhân. Người hành nghề đông y không xuất thân ở một trường nào do chính quyền đứng ra tổ chức cả và cũng không phải qua một kỳ thi sát hạch nào cả. Trong chế độ cũ, người ta quan niệm đây là nghề buôn bán tự do. Do đó nếu trong đông y có những thầy thuốc chần chính và có tài, nhiều kinh nghiệm thì cũng có những người đầu cơ trục lợi lẫn vào.
Những ông lang chân chính thường là những nhà nho thời xưa đi thi không đỗ, hay thi đỗ nhưng không thích ra làm quan ở chế độ cũ, họ tự nghiên cứu sách thuốc viết bằng chữ nho hay chữ nôm của những thầy thuốc từ thời trước (hoặc là thầy thuốc Trung Quốc, hoặc là thầy thuốc Việt Nam), bắt dầu tự chữa cho mình và một số người quanh mình, dần dần nổi tiếng, trở thành ông lang chính thức. Có người chỉ chuyên chữa về một loại bệnh như bệnh phụ nữ, bệnh trẻ em, bó gẫy xương v.v...
Những ông lang này tiếp tục đào tạo học trò. Học trò thường là những người được ông lang đã chữa khỏi, có khi là những người cùng làng hay ở những nơi lân cận vì tin phục mà đến học. Người học trò theo thầy trong mọi công việc, khi đi hái thuốc giúp thầy, khi thì chế thuốc, có khi theo thầy đi khám bệnh. Có khi được nghe thầy giảng nhưng rất hiếm; thường nặng về tự học trong công tác. Nếu biết đọc chữ nho, họ có thể mua một số sách thuốc về đọc thêm. Do đó ta thấy những ông lang có lý luận, nhưng có người chỉ biết bài thuốc. Lý luận căn bản của đông y là lý luận về âm dương, hàn nhiệt, ngũ hành (đã trình bày ở phần đầu của bộ sách này).
Ngoài một số ông lang được đào tạo như trên, còn có một số chỉ biết một hai đơn thuốc gia truyền kinh nghiệm, ta vẫn gọi là ông lang gia truyền, chuyên sống bằng việc sản xuất, kinh doanh một hai đơn thuốc do cha mẹ để lại hay do học lại của một người nào đó. Những ông lang nói trên thường chỉ quen dùng thuốc bắc, nghĩa là nhập của Trung Quốc. Hàng năm chúng ta nhập của Trung Quốc một số khá lớn thuốc sống dưới hình thức rễ, lá, thân, vỏ, quả, hạt v.v..và cả thuốc chế sẵn dưới dạng cao, đơn, hoàn, tán như dầu cù là con hổ, dầu quất thần, tam sà đởm trần bì v.v...Theo thống kê thuế quan năm 1935, chúng tôi thấy ghi vào mục thuốc đông y một số lượng thuốc bắc nhập tới 19 tấn 400kg thuốc sống (lá, thân, rể...) và 33 tấn 500kg cao đơn hoàn tán.
Điều đáng chú ý trước kia ngành đông y của ta phải nhập cả những vị thuốc mà bản thân Trung Quốc cũng phải nhập của các nước khác. Ví dụ: Phan tả diệp, a ngùy, lô hội, một dược v.v... Nguyên nhân do các thầy lang của ta chỉ biết tên Trung Quốc vị thuốc và họ cũng chẳng đi sâu tìm hiểu nguồn gốc địa lý của những vị thuốc mà họ sử dụng.
Mặt khác do thiếu sự hiểu biết giữa hai ngành đông và tây y, cho nên nhiều khi cả hai ngành đều dùng một vị thuốc, ví dụ như của vị phan tả diệp, thì đông y nhập của Trung Quốc, còn tây y dùng dưới tên “Sê-nô” và nhập của Pháp, trong khi cả Trung Quốc và Pháp đều nhập của Ấn Độ hay của Ai Cập để rồi đứng trung gian bán sang Việt Nam. Ta có thể kể rất nhiều ví dụ tương tự.
Lại có tình trạng cùng một vị thuốc, nhưng ở tỉnh này thì ta xuất sang Trung Quốc với một tên này, ở tỉnh khác ta lại nhập với tên khác và mang danh thuốc bắc. Ví dụ: Lào Cai xuất củ gấu tàu và hoàng liên, thì Hải Phòng lại nhập cùng những vị đó với tên ô đầu và hoàng liên bắc v.v...
Nếu chỉ nhìn ở thành phố hay ở các thị trấn, ta có cảm tưởng đông y chỉ chuyên dùng thuốc bắc. Nhưng thực tế ngay ở giữa thủ đô Hà Nội, vẫn có người chuyên dùng thuốc nam và bán các thứ thuốc nam. Đó là những bà hàng lá thường ngồi ở đầu đường, góc chợ. Trên gánh hàng của các bà ngoài những vị thuốc nam tươi hay khô, ta còn thấy bán kèm những vị như bồ kết, mớ hương bài, người ta mua về để nấu nước gội đầu; đến ngày tết thì có thêm nắm lá mùi người ta mua về để nấu nước tắm cho thêm thơm trong mấy ngày đầu xuân. Chỉ tiếc rằng ít người chú ý tôn trọng kinh nghiệm của các bà. Ngay cả đông y cũng không kể các bà vào hàng ngũ đông y, mà các bà cũng chỉ tự coi như những người hàng rau, không hề thấy cần thiết phải đấu tranh, các bà chịu sống vất vưởng qua ngày, với gánh lá do tự tay các bà hái lấy ở quanh nhà hay những bãi hoang ở vùng ngoại ô Hà Nội, có khi mua lại những người ở các tỉnh khác đưa về.
Tại miền núi, những nơi xa làng mạc, người ta hầu như không biết đến thuốc tây hay thuốc bắc. Khi có bệnh, những ông mo bà mế thường hái những vị thuốc trong rừng về chữa bệnh; mà người ta vẫn gọi là thuốc mán hay thuốc mường. Thực tế đó là thuốc nam, nhưng không mấy ai tìm cách làm thế nào để người ta giới thiệu những bài thuốc kinh nghiệm quý báu đó được.
Cũng trên miền núi và những vùng nông thôn hẻo lánh, trước đây thường thấy một số người bán thuốc ê, vai gánh hai sọt thuốc nay đây mai đó, họ vừa bán thuốc vừa tìm những nơi nào có nhiều nguyên liệu làm thuốc thì đỗ lại, khai thác cho hết, rồi đem thuốc chế được ra tỉnh bán. Những người này sống một cuộc đời lặng lẽ, không mấy ai chú ý đến.
Dưới thời thuộc Pháp, có một sự cạnh tranh chia rẽ sâu sắc giữa đông y và tây y. Tây y được sự ủng hộ và nâng đờ của chính quyền thực dân phong kiến; còn đông y bị coi là không khoa học, bị khinh thường nhưng đông y lại được đa số nhân dân tin dùng. Theo thống kê của chính quyền thực dân để lại, các năm 1930-1935, hơn 90% nhân dân vẫn tin dùng thuốc đông y cho nên mặc dầu bọn thực dân phong kiến tìm mọi cách tiêu diệt nhưng đông y vẫn tồn tại trong nhân dân.
Tháng 7 năm 1943, bọn thực dân phong kiến Pháp định bóp chết ngành đông y bằng đạo luật, mệnh danh là “đạo luật Decoux” cấm việc dùng một số thuốc đầu vị vì có chất độc. Đạo luật này đã gây một sự căm phẫn trong giới đông y và họ đã tìm mọi cách để chống lại.
Nhưng cách mạng tháng Tám bùng nổ chấm dứt hết thời kỳ đen tối đó của thực dân phong kiến, đồng thời mở ra một kỳ nguyên mới cho nền y học dân tộc Việt Nam, trước hết là cho ngành đông y.

(1). Y sĩ và dược si Đông Dương: học 2-3 năm chuyên môn sau khi tốt nghiệp trung học cấp 2.


B. Sau cách mạng tháng Tám 

Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu thì bọn thực dân Pháp, núp sau quân đội của đế quốc Anh-Mỹ vào giải giáp quân đội Nhật ở Đông Dương đã quay trở lại hòng xâm chiếm đất nước ta một lần nữa. Đêm 19 tháng 12 năm 1946, theo tiếng gọi của Đảng, của Hồ Chủ Tịch, toàn dân ta từ Bắc chí Nam đứng lên kháng chiến cứu nước. Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng đã kết thúc thắng lợi sau 9 năm chiến đấu anh dũng.
Trong thời gian kháng chiến, nước ta chia làm hai vùng cài răng lược với nhau: Vùng địch tạm chiếm thường bao gồm một số các thành phố và đường giao thông quan trọng ở đồng bằng, vùng tự do bao gồm hâu hết miền rừng núi và nông thôn.
Tại vùng tạm chiếm, tình hình khai thác thuốc trở lại như hổi trước cách mạng. Thuốc tây lại nhập của Pháp và nhập thêm của Anh-Mỹ, thuốc bắc lại nhập của Trung Quốc (của Tưởng Giới Thạch) và Nam Triều Tiên. Tây y tiếp tục tìm cách bóp nghẹt đông y. Các nhà đông y ở vùng tạm chiếm cũng lại tìm cách chống lại. Họ họp nhau lại thành lập hội y dược (đông y) và hoạt động đầu tiên của hội (28-3-1954) là làm một lá đơn gửi lên chính quyền bù nhìn lúc đó yêu cầu bọn chúng hủy bỏ đạo luật “ Decoux” năm 1943.
Nhưng rồi chiến thắng Điện Biên Phủ và tiếp đó là hội nghị Genève đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta, một nửa nước được hoàn toàn giải phóng. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nền y học dân tộc của ta được xây dựng trên phương hướng “kết hợp đông y và tây y”, và phương châm “tự lực cánh sinh” do Đảng và Hồ Chủ Tịch đề ra ngay từ đầu kháng chiến. Vai trò của đông y ngày càng được nâng cao, việc khai thác thuốc nam được mở rộng trên cơ sở những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong vùng tự do của thời kỳ kháng chiến.
Trong vùng tự do, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, theo để nghị của chúng tôi “Viện khảo cứu và chế tạo dược phẩm” đã được thành lập trực thuộc Cục Quân y, Bộ Quốc phòng tổng tư lệnh để vừa nghiên cứu vừa đào tạo cán bộ vừa sản xuất thuốc bằng những nguyên liệu trong nước. Nhiều vị thuốc trước đây chỉ được dùng trong nhân dân như búp ổi, lá cà độc dược, thường sơn, trần bì, dầu khuynh diệp v.v... đã được nghiên cứu để chế thành những dạng thuốc tiện dùng, công hiệu, thay thế cho những vị thuốc trước đây phải nhập của nước ngoài. Có nhiều vị thuốc như mã tiền trước đây người ta cho rằng không có ở núi rừng miền bắc nước ta, đã được phát hiện và khai thác để chế thuốc dùng trong quân đội và ngoài nhân dân.
Tại vùng giải phóng miền Nam, việc khai thác những kinh nghiệm nhân dân được tiến hành dưới hình thức tập hợp các thầy thuốc đông y, thu thập những bài thuốc kinh nghiệm, rồi phổ biến rộng rãi để nhân dân có thể tự giải quyết lấy bằng những vị thuốc hái quanh nhà, tự điều trị trong khi chờ đợi thầy thuốc.
Ngay trong kháng chiến việc trồng một số cây thuốc trên quy mô tương đối lớn đã được đặt ra để đảm bảo nguồn nguyên liệu đều đặn và chất lượng tốt.
Nói tóm lại, nhờ phương châm tự lực cánh sinh, tận dụng nguyên liệu trong nước cho nên từ Bắc chí Nam, trong những lúc kháng chiến gay go nhất, những thuốc thông thường và các thuốc chữa một số bệnh khó khăn đã được giải quyết bằng những cây thuốc mọc trong nước.
Sau chiến dịch biên giới (1950) việc buôn bán với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa có khả năng được khai thông. Các nước bạn bắt đầu mua một số thuốc nam ở ta. Để đảm bảo cho nhu cầu xuất khẩu thuốc nam, nhập thuốc bác, trong sở mậu dịch trung ương thuộc Bộ công thương đã có bộ phận theo dõi, tổ chức mua, khai thác sa nhân, hồi quế, thảo quả v.v...
Tháng 9 năm 1953, do tình hình xuất thuốc nam, nhập thuốc bắc phát triển. Sở mậu dịch trung ương chính thức thành lập một bộ phận xuất khẩu thuốc nam, nhập thuốc bắc để chỉ đạo việc khai thác và thu mua thuốc nam ở các tỉnh. Nhưng dù sao trong thời gian này, công cuộc kháng chiến vẫn là trọng tâm thu hút hoạt động của mỗi người chúng ta cho nên công việc khai thác thuốc nam tiến bộ rất châm và chỉ tập trung vào một số ít vị.
Sau khi hòa bình được lập lại, vào cuối năm 1954, trong Bộ thương nghiệp đã thành lập Tổng công ty lâm thổ sản với nhiệm vụ khai thác, thu mua các sản phẩm của rừng núi, đồng ruộng trong đó có thuốc nam để dùng trong nước và xuất khẩu. Một phòng nghiệp vụ trực thuộc tổng công ty có nhiệm vụ theo dõi chung tất cả các lâm thổ sản, từ tre, gỗ, nứa, lá đến thuốc nam.
Đầu năm 1956, vấn đề khai thác các vị thuốc đã phát triển đòi hỏi một sự chỉ đạo nghiệp vụ chặt chẽ hơn, nên thành lập phòng Dược liệu thuộc tổng công ty để giúp cho sự chỉ đạo được sát hơn.
Hoạt động xuất thuốc nam, nhập thuốc bắc ngày một phát triển, thêm vào đó lại có nhiệm vụ tổ chức lại các hiệu thuốc nam thuốc bắc tư nhân, cho nên tháng 10 năm 1957 Bộ thương nghiệp đã thành lập Công ty thuốc nam thuốc bắc trung ương với nhiệm vụ thu mua thuốc nam nhập thuốc bắc để phân phối tiêu dùng trong nước. Cùng với sự thành lập công ty thuốc nam thuốc bắc trung ương, các tỉnh cũng tổ chức các công ty thuốc nam thuốc bắc địa phương để quản lý, phân phối thuốc nam, thuốc bắc trong từng tỉnh và thu mua thuốc nam trao về cho trung ương phân phối, ở một số tỉnh chưa có công ty thuốc nam thuốc bắc thì Ty lâm nghiệp đảm nhiệm việc thu mua thuốc nam.
Bên cạnh Công ty thuốc nam - thuốc bắc trung ương trực thuộc Bộ nội thương, Bộ ngoại thương lại thành lập Tổng công ty xuất nhập khẩu lâm thổ sản, có nhiệm vụ thu mua lâm thổ sản trong nước, trong đó có thuốc nam để xuất. Tổng công ty này có chi nhánh ở một số tỉnh.
Từ khi thành lập Công ty thuốc nam thuốc bắc trung ương và Tổng công ty xuất nhập khẩu lâm thổ sản, công tác khai thác thuốc nam đã được đẩy mạnh thêm một bước, một số vị, thuốc mới được phát hiện. Nhưng việc khai thác còn do những cán bộ chưa được đào tạo một cách chính quy phụ trách nên còn nhiều thiếu sót, chất lượng thuốc nam thu mua chưa được đảm bảo, ảnh hưởng tới viêc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tăng nguồn xuất khẩu. Các cán bộ trong ngành y tế không có nhiệm vụ theo dõi nên còn ít quan tâm chú ý; chúng tôi đã giúp công ty thuốc nam thuốc bắc đào tạo một số cán bô dược liệu qua hai lớp học. Cuối năm 1960, theo đề nghị của chúng tôi, được trên duyệt, Công ty thuốc nam thuốc Bắc trung ương đã được chuyển sang Bộ y tế quản lý. Được trao nhiệm vụ nghiên cứu, các cán bộ chuyên môn về cây thuốc tăng dần, đã góp phần đẩy mạnh công tác khai thác cây thuốc tiến lên một bước. Tuy nhiên, tổ chức khai thác cây thuốc còn chưa được hoàn bị và phải tiếp tục kiện toàn hơn nữa.
Nhưng đó không phải là việc chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây. Trong phạm vi mục này, chúng tồi chỉ muốn phác họa một số nét về tình hình kthai thác cây thuốc và vị thuốc Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và trong những năm đầu khi hòa bình mới được lập lại, để chúng ta có thể hình dung được một phần nào sự khó khăn trong công tác điều tra, sưu tầm cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam. 


II. NHU CẦU VỀ ĐIỂU TRA VÀ THỐNG KÊ 
CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC Ở VIỆT NAM 

Trong mục trên, chúng ta đã thấy trước khi hòa bình lập lại ở Việt Nam vào năm 1954, thuốc men dùng trong vùng tạm chiếm hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài. Thuốc tây hoàn toàn nhập của các nước phương tây; thuốc đông y thì chủ yếu cũng là thuốc nhập của Trung Quốc. Việc khai thác cây thuốc ở vùng tự do chỉ mới bắt đầu và đóng khung trong việc khai thác một số vị để chế một số thuốc cấp thiết trong kháng chiến. Tổ chức khai thác thuốc nam để xuất khẩu chỉ mới được xây dựng. Chúng ta chưa có thời gian để tìm hiểu nước ta có những tài nguyên phong phú như thế nào về mặt thuốc men thảo mộc và động vật.
Muốn khai thác và sử dụng hợp lý những cây thuốc và vị thuốc trong nước, trước hết chúng ta cần nắm vững ở trong nước ta có những cây thuốc và vị thuốc nào? Có nhiều hay ít? Việc sử dụng những cây thuốc và vị thuốc đó ở trong nhân dân như thế nào? Tại các nước khác trên thế giới, những vị đó có được sử dụng không? Đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học hiện đại chưa? Nghiên cứu tới đâu? Nếu đã nghiên cứu rồi, thì nên vận dụng những kết quả nghiên cứu đó vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay như thế nào? Nếu chưa được nghiên cứu thì ta nên làm gì để có thể trong một thời gian ngắn nhất sử dụng được nguồn tài nguyên phong phú đó trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân ta mà vẫn bào đảm cơ sở khoa học cần thiết.
Muốn trả lời được những câu hỏi trên, nhất thiết chúng ta phải tiến hành điều tra, thống kê các vị thuốc thực có ở Việt Nam. Đây là một nhu cầu trước mắt, đồng thời là một yêu cầu để chuẩn bị tốt cho công việc phát triển công tác khai thác và nghiên cứu cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam sau này. Công tác này đòi hỏi nhiều cán bộ, tổ chức tốn kém, mất nhiều thời gian mới hy vọng đem lại kết quả, nhưng chúng ta đang ở thời kỳ phục hồi kinh tế, có rất nhiều việc cấp thiết cần phải làm, không thể dành cho công tác này nhiều người, nhiều tiền được.
Thời kỳ mới hòa bình, còn có một số người cho rằng chúng ta không cần phải làm việc điều tra này là vì trước đây Pháp cũng đã làm rồi, và đã xuất bản một số tài liệu về cây thuốc ở Đông Dương; ta có thể tìm mà sử dụng.
Chúng ta phải nhận rằng, hồi thuộc Pháp, có một số tác giả người Pháp đã có những cố gắng để tìm hiểu những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam và đã biên soạn thành tài liệu để lại. Trong những tài liệu viết một cách tương đối có hệ thống, chúng tôi thấy có hai bộ:
1. Bộ thứ nhất mang tên “Dược liệu học và dược điển Trung Việt” (Matière médicale et pharmacopée sinoannamite) của hai tác giả E.M.Perrot và Paul Hurrier xuất bản tại Pari năm 1907. Trong bộ sách này các tác giả chia thành hai phần lớn, phần thứ nhất có một số nhận xét chung về nền y học Á Đông, việc hành nghề đông y ở Việt Nam và Trung Quốc; phần thứ hai kê danh mục những vị thuốc có nguồn gốc thực vật, động vật và khoáng vật dùng trong y học Trung Quốc và Việt Nam. Tài liệu có tính chất toàn diện; đáng tiếc là các tác giả chỉ dựa vào những mẫu dược liệu do Trung Quốc và Việt Nam gửi sang Pháp trong các dịp triển lãm hội chợ, chứ chưa có tác giả nào đã có dịp đặt chân lên Việt Nam hay Trung Quốc. Và lại, bộ sách xuất bản đã lâu nên so với sự tiến bộ của khoa học hiện nay thì có nhiều thiếu sót, cần phải được sửa lại và bổ sung thêm. Nội dung giới thiệu từng vị thuốc còn quá sơ lược so với sự đỏi hỏi của chúng ta hiên nay.
2. Bộ sách thứ hai mang tên: “Danh mục những sản phẩm ở Đông Dương” - Phần cây thuốc (Catalogue des produits de l’ Indochine - Produits médicinaux) do hai tác giả Ch.Crévost và A.Pételot biên soạn thành hai tập: Tập 1 in năm 1928, tập II năm 1935. Bộ sách này chỉ đóng khung trong việc thống kê những vị thuốc nguồn gốc thảo mộc dùng trong y học nhân dân ở ba nước Việt, Lào và Cămpuchia. Tập II in xong được ít lâu, tác giả đang chuẳn bị tập III thì một trong hai tác giả bị chết và cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra nên không in được. Đến năm 1952, A.Pételot có sửa chữa lại, bổ sung thêm, đặt cho bộ sách một cái tên mới là “Những cây thuốc của Campuchia, Lào và Việt Nam” (Les plantes médicinales du Cambodge, du Laos et du Vietnam) và cho in thành 4 tập: Tập I (1952), tập II (1953), tập III (1954), tập IV cũng in trong năm 1954 dành riêng cho các loại mục lục và bảng tra cứu.
Trong bộ sách này tác giả thống kê chừng 1.482 vị thuốc thảo mộc ở cả 3 nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia, so với bộ cũ của hai tác giả chỉ có chừng 1.340 vị.
Chúng ta phải nhận rằng tuy chưa hoàn toàn nhưng bộ sách được biên soạn rất công phu và giúp ích nhiều cho những người muốn nghiên cứu về cây thuốc của cả ba nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia. Nhưng vì những lý do sau đây chúng ta chưa thấy đầy đủ: Trong bộ sách thiếu hẳn những vị thuốc nguồn gốc động vật và khoáng vật được dùng phổ biến trong y học nhân dân. Ngoài ra chúng ta không phải chỉ cần một danh mục đơn thuần để tra cứu, mà còn cần biết, cần được nhìn tận mắt xem những vị thuốc đó thực tế mọc ở đâu? Hình dạng nó như thế nào? Sử dụng và khai thác ra sao? Đó là chưa nói đến chuyện có nhiều vị thuốc và cây thuốc quan trọng mà không thấy nói tới trong bộ sách, và chưa nói tới việc tên Việt Nam ghi chép không đúng cũng gây khó khăn cho phát hiện, nhiều vị lại chưa được khai thác tại những địa điểm ghi trong tài liệu cho nên rất khó tìm lại. Chỉ kể một vài thí dụ: trong bộ sách của A. Pételot không thấy nói đến những cây ba gạc Rauwolfia, một vị thuốc chữa cao huyết áp có giá trị trên thế giới hiên nay. Trong bộ Thực vật chí Đông Dương của H.Lecomte có nói đêh một số cây Rauwolfia và nói là ở miền Bắc chưa ai biết cây đó như thế nào? Mọc ở đâu? Nhiều nước có hỏi mua của ta, chúng tôi đã chú ý tìm nhiều năm ròng nhưng không thấy. Mãi tới tháng 8 năm 1959, chúng tôi mới phát hiện được một số cây đầu tiên ở Sapa (Lào Cai) thuộc loài Rauwolfia verticillata; sau đó lại phát hiện thêm được ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình là những địa điểm không thấy nói ở trong các tài liệu cũ. Trong các tài liệu cũ không thấy nói đến vị mã tiền (Strychosnux-vomica) hay một loài mã tiền nào khác được khai thác ở miền Bắc. Trước kháng chiến, vị mã tiền tiêu thụ ở miền Bắc đều mua từ miền Nam ra, vì người ta cho rằng ở miền Bắc không có. Nhưng tình cờ ngay trong kháng chiến (1948) trong khi chúng tôi đi tìm một cây khác thi lại được nhân dân giới thiệu có cây mã tiền ở những tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Phú Thọ. Ngay từ hồi đó mã tiền đã được chúng tôi khai thác để chế stryenin và hiên nay được khai thác để xuất khẩu.
Những loài Strophanthus được giới thiệu trong các tài liệu cũ là cây thuốc bán, và cây vòi voi và nói là có mọc nhiều nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghê An, Quảng Trị, nhưng suốt từ những năm 1956, 1957 đến 1960 mặc dầu chúng tôi đã tìm mọi cách phát hiện (tự đi tìm, vẽ hình cây để giới thiệu, nhờ mọi người cùng tìm, điều tra những vị thuốc dùng tẩm tên độc trong tài liệu đã ghi) đều không thấy. Phải chờ đến cuối năm 1960, một đồng chí ở Bộ môn thực vật của Trường đại học Tổng hợp mới tìm thấy ở vùng Chi nê (Ninh Bình) do đi vào đúng thời kỳ cây đang ra hoa, nên dễ nhận, sau đó chúng ta đã phát hiện thấy ở nhiều nơi khác nhau như Hòa Bình, Hà Tây, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là những địa điểm không thấy ghi trong các tài liệu cũ.
Cây thuốc giun Mallotus philippinensis cũng được ghi trong tài liệu cũ là có khắp mọi nơi, nhưng mặc dầu hết sức tìm kiếm chúng tôi cũng không thấy. Cây mẫu trồng ở trường đã 18 năm không có hoa không có quả. Mãi đến tháng 4 năm 1962 chúng tôi mới thấy lại được cây đầu tiên ở Cao Bằng, sau đó quả nhiên thấy cây đó mọc ở khắp nơi như nói trong tài liệu. Chúng tôi có thể có rất nhiều thí dụ khác nữa.
Trong tài liệu cũ để lại thường chỉ chú ý đến danh mục, ít chú ý giới thiệu những công trình nghiên cứu về hóa học và dược lý, để giúp cho việc lựa chọn sử dụng hay nghiên cứu sau nay. Cách điều chế vị thuốc trong nhân dân cũng không thấy đề cập tới, mà trong thực tế chúng ta thấy cách bào chế trong đông y nhiều khi thay đổi hoàn toàn tác dụng của vị thuốc. Ví dụ, vị thảo quyết minh nếu để sống chỉ có tác dụng tẩy và nhuận tràng, nhưng nếu sao như nhiều người vẫn làm thì hoàn toàn không còn tác dụng tẩy nữa mà chỉ thấy có mùi thơm như cà phê. Cùng là rễ của một cây nhưng để nguyên phơi khô thì là vị ô đầu rất độc, nhưng nếu chế nhiều lần theo những phương pháp đặc biệt trong nhân dân thì lại được vị phụ tử gần như không độc. Ta có thể kể nhiều ví dụ khác nữa để thấy rằng không thể bỏ qua được việc giới thiệu những cách dùng đặc biệt của vị thuốc trong nhân dân, không thể đem những quan niệm của tây y đơn thuần mà hiểu những vị thuốc đông y, và trong tài liệu điều tra không thể khống điều tra cách bào chế của vị thuốc trong nhân dân. Những tài liệu cũ còn ít chú ý giới thiệu rõ hơn những lầm lẫn do cách dùng một tên để chỉ nhiều vị thuốc nguồn gốc khác hẳn nhau hay dùng nhiều tên rất khác nhau để chỉ cùng một vị thuốc. Ví dụ: tên cam thảo được dùng để chỉ 3-4 cây nguồn gốc thực vật khác hẳn nhau; tên “nhân sâm” hay tên “sâm” thường dùng để chỉ ít nhất hơn 10 cây khác nhau, nếu không chú ý thì dễ dùng nhầm, và do đó có thể đánh giá không đúng tác dụng của vị thuốc.
Ngoài những tài liệu giới thiệu theo tây y hay khoa học hiện đại kể trên, còn có nhiều tài liệu giới thiệu vị thuốc và cây thuốc theo tính chất đông y hoặc bằng tiếng Việt hoặc bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Nhưng trong những tài liệu này, hoàn toàn không có tên khoa học để giúp cho ta tìm tài liệu nghiên cứu mới; tính chất tác dụng lại giới thiệu trên cơ sở lý luận cổ, âm dương, hàn nhiệt, nên nhiều người không hiểu, cách bào chế lại tùy tiện, gây nên một tình trạng hỗn loạn làm nản lòng người muốn tìm hiểu nên y học cổ truyền.
Những lý do trên đã bắt buộc chúng tôi phải tiến hành một công tác điều tra thống kê mới về cây thuốc và vị thuốc Việt Nam để làm cơ sở cho mọi công tác khai thác và sử dụng nguồn dược liệu phong phú của nước ta theo khoa học hiện đại. Trong bộ sách, chúng tôi chỉ đề cập đến những vị thuốc chúng tôi đã có dịp kiểm tra.


III. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC

Khi chúng tôi bắt đầu tiến hành công tác điều tra cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, ở nước ta hầu như không thấy có một tài liệu nào giới thiệu phương pháp điều tra tài nguyên thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng. Chúng tôi chỉ biết đại khái là trước đây, để làm công tác điều tra thực vật ở toàn Đông Dương, Pháp đã huy động một lực lượng và một bộ máy khá tinh vi, chi phí một số tiền khá lớn, mà trong vài chục năm chưa hoàn thành.
Chúng tôi cũng chưa được thấy ai đã làm để học tập. Thêm một khó khăn nữa là công tác điều tra thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng, chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng của nó, nên chưa có biên chế và ngân sách riêng. Chúng tôi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm và dần dần đúc kết thành một số nguyên tắc rồi tùy nhiệm vụ, hoàn cảnh cụ thể từng lúc mà vận dụng cho thích hợp. Qua một số năm làm công tác điều tra tìm hiểu cây thuốc đặc biệt là từ khi hòa bình được lập lại, chúng tôi thấy trong công tác điều tra cần phải làm ít nhất một số việc sau đây:
1. Xác định rõ mục đích, yêu cầu của toàn bộ công tác điều tra và của từng đợt điều tra ngắn;
2. Lựa chọn những vùng đi điều tra trước, sau;
3. Tiến hành điều tra cụ thể.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số việc bản thân đã làm và hướng dẫn nhiều đoàn cùng làm trong những năm vừa qua:
1. Xác định rõ mục đích, yêu cầu của toàn hộ công tác điều tra ngắn. Chúng ta biết rằng công tác điều tra có thể nhằm nhiều mục đích: điều tra sự phân bố, điều tra trữ lượng, điều tra hoạt chất trong cây và hay điều tra công dụng, liều dùng, cách chế biến cây thuốc và vị thuốc trong nhân dân. Tùy theo mục đích, yêu cầu mà tổ chức cần thay đổi cho thích hợp. Hiên nay chúng tôi mới có khả năng đóng khung công tác điều tra trong việc phát hiện lại một số cây thuốc và vị thuốc được nhân dân quen dùng, nhất là những vị thuốc trước đây ta vẫn phải nhập và một số cây thế giới quen dùng, muốn hỏi mua của ta như: mã tiền (Strychnos nuxvomica), vòi voi (Strophan-thus), ba gạc (Rauwolfia) v.v...
Đồng thời chúng tôi chú ý điều tra cả cách chế biến, sử dụng vị thuốc trong nhân dân. Chúng tôi còn tiến hành điều tra một số hoạt chất trong cây thuốc như cây thuốc có tanin, có ancaloit, có tinh dầu, saponin, antraglucozit v.v...
Chúng tôi chưa đi sâu vào điều tra trữ lượng, vì công tác này đỏi hỏi nhiều thời gian, nhiều người, tổ chức phải rất qui mô, tốn kém, đỏi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan ở một trình độ cao.
Trong mỗi đợt sưu tầm, chúng tôi lại xác định nhiệm vụ cụ thể của từng đợt. Ví dụ: Trong đợt đi Lạng Sơn (8-1956) chúng tồi nhằm điều tra sơ bộ cây hồi và cách cất dầu hồi trong nhân dân giúp tổng công ty lâm thổ sản, trong đợt đi Sapa (8-1957) chúng tôi đi tìm hiểu cây thảo quả, đợt đi Thanh Hóa và Vinh (1959) chúng tôi nhằm phát hiện vây vòi voi Strophanthus và tìm hiểu cây quế v.v... Lẽ dĩ nhiên trong mỗi đợt đi, ngoài nhiệm vụ chính đề ra, chúng tôi không bỏ việc tìm, phát hiện những cây khác.
Cũng vì xác định được nhiệm vụ chính cho vừa với khả năng, nên trong mỗi đợt đi điều tra nói chung, chúng tôi đều đạt kết quả tốt gây phấn khởi cho bản thân và những người cùng đi.
2. Lựa chọn những vùng để điều tra trước sau. Việc lựa chọn vùng để điểu tra trước, sau rất cần thiết trong hoàn cảnh nhiều việc cần làm, mà khả năng có hạn. Căn cứ vào mục đích và hoàn cảnh thời gian, chúng tôi đã lựa chọn như sau:
a) Lúc đầu còn ít kinh nghiệm, chúng tôi tiến hành điều tra ở Hà Nội, vì như đã nói trong mục tình hình tổ chức khai thác cây thuốc ở Việt Nam, ở Hà Nội có một số bà hàng lá chuyên bán thuốc nam. Vì ở ngay Hà Nội, cho nên chúng tôi có thể xem cây thuốc khô và nếu cần có thể nhờ các bà dẫn đi xem những cây tươi. Trước kháng chiến, chúng tôi đã có dịp điều tra các hàng lá này và chúng tôi đã phát hiện thấy hầu hết các bà đều quê ở Đại Yên, một làng ngoại thành ngay vườn bách thảo; chúng tôi đã quen biết một số và biết được một số cây thuốc các bà hay buôn. Không những chúng tôi tự tiến hành điều tra, mà còn trao công tác này cho các sinh viên cùng làm, giới thiệu các chuyên gia nước bạn tới tìm hiểu kinh nghiệm của các bà. Có thể nói hòa bình lập lại, chúng tôi đã coi và biến đây thành một nơi để đưa sinh viên đến thực tập xem cây thuốc ở ngoài trời, do đó góp phần làm cho dân làng và các bà thấy rõ tầm quan trọng của việc mình làm và càng thêm phấn khởi; vì trước đây không ai chú ý đến công việc của các bà. Được khuyến khích và nâng đỡ, chính quyền xã và các bà đã hết sức giúp đỡ chúng tôi trong công tác điều tra.
Tại Hà Nội, còn có rất nhiều hiệu thuốc đông y và các ông lang. Năm 1955, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu những kinh nghiệm quý báu của các cụ. Tuy trong giới đông y lúc đầu còn lẻ tẻ những hiện tượng giữ bí mật nhà nghề, nhưng chúng tôi kiên trì lấy lòng thành cởi mở để gần gũi các cụ, chủ động giới thiệu một số kinh nghiệm của mình trước, chúng tôi thấy các cụ cũng không giấu gì đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng đã tham gia hội họp với các cụ trong hội y dược (một tổ chức tập hợp các cụ đông y ở Hà Nội và các tỉnh có từ trước hòa bình trong vùng tạm chiếm, hội này tồn tại cho đến năm 1958 là năm hội đông y mới hiện nay được thành lập) và trong các dịp sinh hoạt này, chúng tôi đã đề nghị và được các cụ chấp thuận, biến vườn hoa của Y miếu (Y miếu là miếu thờ các vị danh y có công đối với nền y học Á Đông, xây dựng từ, đời Hậu Lê ở ngõ Ngô Sĩ Liên phố Sinh Từ nay là phố 224, số nhà 19A, được hội y dược dùng làm trụ sở của hội từ trước năm 1934) thành vườn cây thuốc. Từ năm 1955, chúng tôi vui mừng được thấy các cụ có tuổi trực tiếp cuốc vườn, đắp luống để trồng cây thuốc, các cụ đem trồng tại đấy những cây thuốc kinh nghiệm nhất của các cụ, có những cây các cụ đem từ những tỉnh xa về. Nhờ có vườn thuốc này, khi giới thiệu bài thuốc kinh nghiệm, các cụ có thể chỉ cây, thống nhất tên cây, và nếu cần phổ biến giống. Chung tôi cũng có thể do đó nhận xét cây thuốc tươi và xác định tên khoa học được dễ dàng, chính xác. Kinh nghiệm này về sau được phổ biến để xây dựng vườn thuốc tại các tỉnh.
Một lý do nữa đã quyết định chúng tôi chọn Hà Nội làm thí điểm điều tra đầu tiên vì Hà Nội là nơi tập trung đầu mối kinh doanh cây thuốc; từ cuối 1954, Bộ nội thương đã thành lập Tổng công ty lâm thồ sản chuyên kinh doanh các sản phẩm của rừng núi và đồng ruộng, trong đó cây thuốc chiếm một vị trí quan trọng. Tổng công ty này có chi nhánh khắp các tỉnh ở trong nước, ngoài những vị thuốc đang kinh doanh, Tổng công ty thường nhận được những mặt hàng mới do địa phương phát hiện được, gửi về hỏi xem có nên thu mua không vì nhân dân có dùng, hoặc vì trước đây thấy nói người ta có thu mua. Chúng tôi thường được hỏi đến với tính chất cố vấn do đó vừa giúp được Tổng công ty, đồng thời cũng lại nắm thêm được tài nguyên ở các nơi. Trong trường hợp nghi ngờ, chúng tôi cần tổ chức đi điều tra tại chỗ thì các cơ sở của Tổng công ty ở các tỉnh đã giúp đỡ chúng tôi liên hệ với quần chúng địa phương. Đến năm 1957 do nhu cầu thuốc tăng lên, phần kinh doanh thuốc nam thuốc bắc của tổng công ty này tách ra để thành lập “Công ty thuốc nam thuốc bắc trung ương”, chúng tôi lại càng có nhiều điều kiện thuận tiện để hoạt động hơn nữa. Ngoài việc giúp đỡ Tổng công ty xác định những vị thuốc nghi ngờ, chúng tôi còn đề nghị tổ chức giúp Tổng công ty này đào tạo cán bộ thu mua dược liệu. Qua nhiều lớp đào tạo, con số cán bộ dược liệu lên tới 600. Những cán bộ được đào tạo tung đi khắp các tỉnh miền bắc lập thành màng lưới giúp chúng tôi vươn đến khắp nơi. Mỗi khi cần về địa phương nào để xác định lại, chúng tôi đã có sẵn cơ sở giúp đỡ.
Chúng tôi còn chọn Hà Nội làm nơi thí điểm, vì ở Hà Nôi việc đi lại dễ dàng, không mất nhiều thời gian; chúng tôi có thể tranh thủ những lúc rỗi rãi dù chỉ một hai giờ! Vì công tác mới làm nên còn đôi khi thiếu sót, trong trường hợp đó chúng tối vẫn có thể có thời gian điều tra lại nhiều lần để làm cho tốt.
Tại Hà Nội còn tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, nhiều phòng thí nghiệm, nhiều cán bộ có khả năng. Ngoài sự cố gắng của bản thân, chúng tôi còn có thể tranh thủ sự giúp đỡ kịp thời của đông đảo cán bộ chuyên môn các ngành khác có liên quan, tham khảo các tài liệu về cây thuốc và vị thuốc.
Qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy, nếu làm tốt ở Hà Nội, chúng ta có thể nắm được một nửa công việc giúp cho việc đi điểu tra ở các địa phương sau này.
b) Sau Hà Nội, chúng tôi tiến hành điều tra ở các tỉnh vùng núi biên giới Trung Việt như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn rồi đến các tỉnh ven biển, trước tiên là các tỉnh ở ven biển miền Bắc (Quảng Ninh).
Qua sự tìm hiểu các tài liệu và thực tế theo dõi ở những cơ sở kinh doanh thuốc nam thuốc bắc ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy những vị thuốc mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều dùng thường có nhiều tài liệu hơn. Chúng tồi còn biết là tại các tỉnh miền núi biên giới Trung Việt trước đây, các dân tộc ít người thường khai thác một số vị thuốc bán thẳng sang Trung Quốc qua các đường tiểu ngạch, để rồi các vị thuốc đó lại nhiều khi được bán sang Việt Nam, qua đường biển với tên thuốc bắc. Một trong những mục đích chúng tôi vạch ra là nhận rõ những vị thuốc bắc cần phải tiếp tục nhập hay di thực hay những vị thuốc bắc giả nghĩa là ở Việt Nam cũng có để đặt vấn đề khai thác hay phát triển.
Đồng thời với việc tiếp tục điều tra ở Hà Nội và sau khi đã có một số kinh nghiệm, chúng tôi đã đi điều tra ở các tỉnh miền núi, trước tiên là các tỉnh biên giới như Lạng Sơn (8-1956), Lào Cai (8-1957), Cao Bằng (1960 và 1962), Tây Bắc (1960). Do đó chúng tôi đã phát hiện lại được cây kim anh (Rosa laevigata) ở Lạng Sơn và Cao Bằng, cây tục đoạn (Dipsacus japonicus) ở Lào Cai-Sapa (1957), cây đảng sâm ở Lạng Sơn (1960), nhờ sự phối hợp với Tổng công ty lâm thổ sản, chúng tôi phát hiện lại những cây gấu tàu (Aconnitum fortunei), hoàng liên (Coplis) ở Sapa (1958) v.v... Những vị thuốc đó trước kia thường phải nhập thì nay đã được khai thác ở trong nước.
Tại các tỉnh ven biển, chúng tôi tìm hiểu các vị thuốc đặc biệt miền biển-như cá ngựa (Hippocampus), rau câu (Gracilaria sp), ô tặc cốt (Sepia esculenta) ở Hòn Gai (1957), trân châu ở Hải Ninh. Đồng thời chúng tôi cũng biết rằng tại vùng này cũng có nhiều vị thuốc như các tỉnh miền núi. Tại những vùng ven biển này, vì giao thông thuận tiện, có nhiều người Trung Quốc đã đến sinh sống từ lâu đời, họ biết khai thác nhiều vị thuốc mà ông cha họ đã biết khai thác, sử dụng ở Trung Quốc; nay sang đây họ tiếp tục khai thác để sử dụng hay xuất về nước, trong khi nhân dân ta chưa chú ý khai thác như vị ba kích (Morinda officinalis), tắc kè (Gekko gekko) v.v...
c) Cũng trên tinh thần tìm, phát hiện trước những cây thuốc vẫn gọi là thuốc bắc, chúng tôi chú ý đến những vùng có khí hậu mát, lạnh gần giống khí hậu một số tỉnh miền nam Trung Quốc, chúng tôi đã tìm hiểu các vùng Sapa, Tam Đảo. Tại những vùng này chúng tôi còn chú ý tìm những cây mà Pháp đã di thực vào Việt Nam trước đây như cây Áctisô (Cynara scolymus), bồ công anh Trung Quốc (Taraxacum dens-leonis).
d) Ngoài những vùng chủ yếu trên đây, khi có hoàn cảnh thuận tiện, chúng tôi cũng không bỏ qua những tỉnh đồng bằng hay miền núi khác, nhất là những tỉnh ở cực nam của miền Bắc nước ta có khí hậu nhiệt đới hơn, để tìm những cây đặc biệt nhiệt đới như cây nhàu (Morinda citrifolia).
Trên cơ sở những vùng đã chọn lựa, chúng tôi lần lượt tiến hành điều tra, có những vùng điều tra một lần cũng có những vùng điều tra nhiều lần vào những tháng khác nhau trong năm để có phát hiện những cây vào mùa hoa quả của nó, giúp cho việc xác định tên khoa học được dễ dàng.
Ngoài việc bản thân đi điều tra, chúng tôi còn tranh thủ để nghị các cơ quan khác cùng làm. Nhờ được thông tri của Cục quân y (1958) và của Bộ y tế (1959) trao trách nhiệm điều tra cho các địa phương, nên các tỉnh đều có gửi báo cáo về tài nguyên hiện đang được khai thác hay có nhiều triển vọng ở tỉnh mình. Nghiên cứu những báo cáo đó, đồng thời đối chiếu với thực tế khai thác của Tổng công ty thuốc nam thuốc bắc trung ương, chúng tôi chọn hướng để đi điểu tra dần ở những vùng có những cây chúng tôi chưa được xem tận mắt.
Như vậy, chúng tôi đã có dịp đi điều tra ở hầu hết các tỉnh trên miền Bắc, và chúng tôi rất vui mừng khi phát hiện lại được một số lớn một vị thuốc thông thường nhất, cũng như một số lớn vị thuốc có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên còn cần phải tiếp tục đi sâu kiểm tra nhiều mặt khác nữa, đồng thời tiếp tục phát hiên thêm những cây mới hay ít nhất cũng phải phát hiện lại cho hết những cây có trong các tài liệu thống kê cũ.
3. Tiến hành điều tra cụ thể: Tùy theo vùng điều tra, chúng tôi áp dụng những phương pháp khác nhau. Nhưng nói chung bao giờ cũng gồm ba giai đoạn là: Chuẩn bị, vận động quần chúng, thu thập mẫu, nghiên cứu tại phòng thí nghiêm.
a) Trong khi chuẩn bị, cần nghiên cứu những tài liệu đã có về những cây định tìm (tài liệu, hình vẽ màu nếu có, sưu tập cây khô) để có thể hình dung được những cây định tìm, nghiên cứu địa lý những vùng dự định đi điều tra, đặc biệt về mặt kinh tế, nhất là những tài nguyên liên quan đến cây thuốc. Số người tham gia không cần nhiều (thường chỉ 2-3 người, trong đó cán có người chuyên về dược liệu và thực vật) chuẩn bị những phương tiên để lấy mẫu cây, lấy hạt giống, cây con đem về trồng. Nếu có điều kiên mang theo cả một số thuốc thử hóa học để có thể tìm hoạt chất tại chỗ, nhưng ta nên chú ý tránh mang những dụng cụ có thể nhờ địa phương giúp đỡ mà không trở ngại nhiều đến công tác của họ như kính hiển vi, một số dụng cụ chính xác khác.
Cần liên hê trước với nơi mình định tới bằng thư từ hay cử người đến trước.
b) Vận động quần chúng tham gia điều tra. Vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của công tác điều tra. Nhân dân ta thường nói “ở trong mỗi người chúng ta đều có một ông lang”. Thật thế, qua kinh nghiệm thực tế, chúng tôi thấy hầu như ai cũng có thể giới thiệu cho ta một bài thuốc, một vị thuốc kinh nghiệm của mình hay của gia đình mình. Cho nên trong mọi cuộc điều tra chúng tôi đặc biệt chú ý làm sao cho có thật nhiều người giới thiệu cây thuốc hay bài thuốc, rồi dựa trên cơ sở những cây giới thiệu, lựa chọn thêm hướng đi cụ thể ở mỗi địa phương. Đối tượng vận động chủ yếu là những ông lang, bà mế, bà hàng lá, những người từ trước đến nay vẫn sống bằng nghề đi kiếm lâm sản để bán (vì có thể trước đây họ đã lấy cây thuốc để bán). Nhưng còn một lực lượng rất quí, mà ta thường ít chú ý đến là các học sinh và các em bé chăn trâu. Do sống gần thiên nhiên nên các em biết rất tỉ mỉ những điều mà các em chú ý hay các em thấy người khác đã làm. Chính nhờ một em bé chăn trâu 11 tuổi mà năm 1959, chúng tôi đã tìm được rất nhiều cây ba gạc (Rauwlofia) ở Sapa, trong khi đó người lớn đều nói không biết hay nói là ở rất xa. Năm 1957, cũng chính nhờ hai em bé học sinh khác ở Sapa hướng dẫn mà chúng tôi đã phát hiện được cây hoàng tinh (Polygonatum) làm thuốc bổ, một giống bạc hà mọc hoang rất thơm và một số cây thảo quả mọc hoang ở một khu rừng gần ngay thị trấn Sapa. Tại miền núi có nhiều đồng chí trong ủy ban hành chính vốn gia đình có biết thuốc, nên cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc phát hiên những cây thuốc mới có giá trị.
Nhưng làm thế nào để khêu gợi được quần chúng? Còn tùy hoàn cảnh cụ thể, tùy người mà thay đổi, nhưng trước hết phải có lòng tin tuyệt đối và thành tâm học tập kinh nghiệm của nhân dân. Ví dụ như ở Hà Nội, thường chúng tôi tới thãm hỏi các nhà ông lang, tham dự các buổi họp mặt của các cụ, hoặc đến tìm các bà hàng lá ở đầu phố, góc chợ. Nhiều khi phải mua của các bà một số thuốc rồi mới lân la hỏi chuyện. Chúng tôi giới thiệu trước những kính nghiêm của chúng tôi hoặc những điều khoa học mới đã chứng minh kinh nghiệm của các cụ. Sau khi thu thập kinh nghiệm, chúng tôi phải tiến hành một sự chọn lọc kiểm tra cẩn thận, vì nhiều khi các cụ cũng nhầm lẫn.
Khi đến các tỉnh, sau khi tiến hành xong các thù tục hành chính cần thiết, thường chúng tôi thăm hỏi các cụ lang có uy tín ở địa phương hoặc nếu không có gì phiền nhiễu thì triệu tập mời các cụ họp mặt để trao đổi kinh nghiệm rộng rãi. Từ năm 1958, sau khi Hội đông y chính thức được thành lập ở Hà Nội và ở các tỉnh, đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tập hợp lực lượng. Đối với những tỉnh chưa có Hội đông y, chúng tôi vẫn dựa vào các Công ty lâm thổ sản địa phương, các cơ quan phụ trách thu mua hàng xuất khẩu hay một tổ chức tương tự ở xã hay huyện.
Trước năm 1960, vì Bộ y tế chưa quản lý vấn đề thuốc nam thuốc bắc, cho nên nói chung, chúng tôi có rất ít liên hệ, nhưng từ năm 1960, khi nhiệm vụ kinh doanh thu mua thuốc nam thuốc bắc được chuyển về ngành y tế phụ trách, thì chúng tôi đã được các ty y tế giúp đỡ, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục liên hệ với những cơ quan cũ.
Trong các cuộc họp mặt, trước hết chúng tôi trình bày mục đích điều tra về các cây thuốc và bài thuốc, sau đó để nghị các cụ có điều gì chỉ dẫn hay muốn giới thiệu những người nào có kinh nghiệm ở địa phương. Sau đó chúng tôi hỏi thăm về những cây chúng tôi định tìm. Trong trường hợp này cần có hình vẽ màu hay tối thiểu cũng phải có hình vẽ đen. Nếu cần thì phải nói đến công dụng của nó để gợi ý. Khi giới thiệu công dụng chữa bệnh của cây định tìm, phải nói các triệu chứng để các cụ dễ hiểu vì nhiều khi người ta không hiểu tên bệnh mà chỉ biếi các triệu chứng thôi. Nhiều khi lại phải hỏi theo đường vòng, ví dụ tìm cây vòi voi (Strophanthus) là một cây trong nhân dân chưa dùng để chữa bệnh, chúng tôi phải điều tra bằng cách hỏi về những cây nhân dân vùng đó đã dùng để tẩm tên thuốc độc dùng trong việc săn bắn.
Sau khi nghe các cụ giới thiệu chúng tôi lựa chọn những cây đáng chú ý, hỏi lại một vài chi tiết để kiểm tra, sau đó nhờ các cụ cho người dẫn đường đi tìm trong rừng. Nếu những cây đó đã có trồng ở vườn đông y các tỉnh thì xem ở vườn trước khi đi rừng. Khi đi theo những người dẫn đường địa phương, đồng thời với việc tìm những cây người ta giới thiệu, chúng tôi tìm thêm những cây dự định tìm và những cây có giá trị khác.
Trong khi đi điều tra thực địa như vậy, do chúng tồi đi thành đoàn, mang theo những dụng cụ hơi lạ mắt với nhân dân địa phương (kẹp ép cây, thùng đựng cây, máy ảnh v.v.,.) một số người tò mò và nhất là các trẻ em hay đi theo xem, chúng tôi không bỏ lỡ dịp giới thiệu mục đích điều tra và hỏi khéo những cây định tìm, những người có tài chữa bệnh ở địa phương; do đó nhiều khi tìm được những vấn đề mới không ngờ đến. Có nhiều em bé tự nguyện xung phong đi dẫn đường. Cứ như vậy, từ địa phương này. đến địa phương khác, chúng tôi dần dần phát hiện lại những cây thuốc hay dùng nhất. Đến địa phương sau chúng tôi giới thiệu những kinh nghiệm của địa phương trước đã được kiểm tra nghiên cứu rồi.
Một hình thức quan trọng nữa để động viên quân chúng đông đảo tham gia công tác điều tra là triễn lãm. Thường người ta chì hay dùng triển lãm để biểu dương kết quả. Nhưng qua nhiều đợt triển lãm, chúng tôi thấy ngoài việc dùng để biểu dương kết quả, triển lãm còn là một phương tiện điều tra rất tốt.
Cuối năm 1956, chúng tôi tổ chức một cuộc triển lãm đầu tiên (ở Trường đại học y dược) nhằm giới thiệu những kết quả bước đầu của việc tìm hiểu và nghiên cứu khai thác từ trong kháng chiến và sau khi hòa bình lập lại để nhằm gây tin tưởng đối với cây thuốc Việt Nam. Cuộc triển lãm được sự cộng tác chặt chẽ của phòng dược liệu thuộc Tổng công ty lâm thổ sản và Cục quân y. Tuy chỉ mở cửa có ít ngày nhưng phòng triển lãm đã thu hút được hàng mấy nghìn người xem, trong đó có rất nhiều chuyên gia nước bạn. Đặc biệt cuộc triển lãm được vinh dự đón tiếp Hồ Chủ Tịch, và phái đoàn chính phủ của Trung Quốc do thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu tới thăm nhân dịp phái đoàn tới thăm Trường đại học y dược. Trong cuộc triển lãm chúng tôi có dựng một bản đồ cây thuốc đầu tiên ở Việt Nam. Vì mới xây dựng lần đầu, cho nên có nhiều vị thuốc chưa được ghi vào và nhiều vùng có vị thuốc quí chưa được nêu lên. Chúng tôi nhận thấy quần chúng đến xem triển lãm bổ sung khá nhiều chi tiết đáng quí. Do đó, chúng tôi đã rút kinh nghiệm dùng triển lãm làm phương tiện điều tra trong những đợt sau. Sau đó, chúng tôi đã dùng triển lãm phối hợp làm điều tra ở Hồng Quảng (1959), ở Cao Bằng (1962) và ở Hà Tĩnh (1963).
Ngoài những hình thức thông thường để tuyên truyền cho giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế của cây thuốc, chúng tôi chú ý giới thiệu những cây thu thập được ở địa phương mà chúng tôi đã xác nhận giá trị do những nghiên cứu từ trước, giới thiệu cả người nào đã giới thiệu đơn thuốc hay vị thuốc đó, vẽ một bản đồ dược liệu sơ lược của vùng đó, rồi đê nghị những người tới xem bổ sung, góp ý thêm. Trên cơ sở những ý kiến 'đóng góp, chúng tôi lựa chọn và lại điều tra thêm nữa. Những người mách thuốc thường là những người hướng dẫn chúng tôi trong đợt điều tra mới này.
c) Thu thập mẫu cây, xác định tên khoa học, nghiên cứu hoạt chất và nghiên cứu tác đụng được lý. Trong khi tiến hành điều tra, cần thu thập những mẫu cây. Phải cố gắng lấy mẫu cây có đủ hoa quả và bộ phận dùng làm thuốc. Nhưng nếu đi điều tra không đúng mùa có hoa quả, thì cũng vẫn phải hái những bộ phận còn lại vì có vẫn hơn không, sau này sẽ chú ý trở lại khi có dịp. Trên cơ sở những bộ phận hái được, nhiều khi cũng có thể xác định được hay ít nhất cũng cho ta một khái niệm về cây. Đồng thời với việc lấy mẫu, cần ghi chép màu sắc của hoa, quả, lá, vì sau này cây ép khô sẽ mất màu tự nhiên, mà màu sắc nhiều khi là một tiêu chuẩn giúp ta xác định cây thuốc.
Nếu có người biết dùng thuốc thì cần hỏi ngay dùng chữa bệnh gì, cách bào chế, dùng tươi hay dùng khô, liều lượng và cách dùng. Chúng ta đã biết rằng do cách bào chế khác nhau, liều lượng tác dụng có thể khác nhau. Ví dụ: dùng tươi mới có tác dụng, còn dùng khô không có tác dụng. Chúng ta chỉ cần nhớ một thí dụ thông thường hàng ngày: mía ăn tươi có vị ngọt, nêu đem phơi khô sẽ mất hết chất ngọt. Từ đó suy ra thuốc cũng vậy. Cho nên càng thu thập được nhiều chi tiết càng tốt.
Cùng với việc thu thập tiêu bản cây khô, cần thu thập cả hạt để về trồng và theo dõi; Nhiều khi hái cành, hay đào cây con, mẫu rễ vì có nhiều cây trồng bằng cành hay mẫu rễ thì mọc bảo đảm hơn.
Đối với một số cây quan trọng định nghiên cứu sâu thêm về hóa học hay dược lý, cần thu hái một lượng nguyên liệu càng nhiều càng tốt, ít nhất cũng 1 đến 5kg.
Việc nghiên cứu sơ bộ hoạt chất có thể tiến hành tại chỗ đối với một số chất không đòi hỏi thiết bị công kềnh. Ví dụ; ta có thể sơ bộ xác định sự có mặt của tinh dầu bằng mùi thơm, của chất béo bằng cách ép giữa hai tờ giấy thấy có vết mờ trong hay của chất ancaloit bằng giấy có tẩm thuốc thử Drag-gendorf. Nhưng dù sao sự nghiên cứu tại chỗ cũng chỉ có giá trị sơ bộ; cần phải điều tra lại trong điều kiện đầy đủ của phòng thí nghiêm.
Phương pháp xác định sơ bộ hoạt chất chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong bộ sách “Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam" và một số tài liệu khác nên không nói lại ở đây.
Việc xác định tên khoa học cũng có thể tiến hành sơ bộ tại chỗ, nhưng bao giờ cũng phải kiểm tra lại cẩn thận tại phòng thí nghiệm, đối chiếu với các tài liệu cho chắc chắn. Sau khi xác định tên khoa học, còn cần xác định tên cổ hay tên Trung Quốc của vị thuốc, vì chúng tôi phải tìm tài liệu về cây thuốc không những trong các sách hiện đại mà còn cả những sách cổ nữa. Trong khi tra khảo các tài liệu mới và cũ về cây thuốc, nếu thấy tài liệu và những điếu được giới thiệu trong nhân dân ăn khớp thì thôi; nếu không khớp thì ghi lại để khi có dịp sẽ kiểm tra thêm. Có nhiều vị thuốc không thấy có tài liệu để tham khảo, chúng tôi cũng ghi chép lại, nhưng chú ý trước tới những vị thuốc mà nhiều nơi giới thiệu giống nhau.
Việc nghiên cứu đi sâu đỏi hỏi nhiều thời gian, nhiều chi phí, do phương tiện có hạn nên chúng tôi chỉ đóng khung vào việc đi sâu nghiên cứu một số vị thuốc nào cần thiết đối với nhu cầu trong nước hay có giá trị xuất khẩu cao. Đối với những vị khác, chúng tôi để lại sau, hay giới thiệu những người khác nghiên cứu.
Qua hơn 30 năm nghiên cứu, tìm hiểu về cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, đặc biệt từ ngày hòa bình lập lại, chúng tồi rất vui mừng thấy chúng ta đã phát hiện lại hầu hết những vị thuốc thông thường nhất và một số lớn các vị thuốc có giá trị cao về xuất khẩu.
Đối với một số cây thuốc, chúng tôi đã có dịp đi sâu nghiên cứu về thực vật, hóa học và tác dụng dược lý; một số đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong thực tế. Nhưng còn rất nhiều vị chỉ mới nêu được vấn đề, thu thập một số tài liệu tương đối mới nhất để bước đầu giúp các bạn sau này muốn đì sâu nghiên cứu về cây thuốc và vị thuốc ở nước ta.
Dù sao đây cũng mới chỉ là những kết quả đầu tiên còn nghèo nàn. Chúng tôi tin rằng với hoàn cảnh hiện nay, chúng ta đã có Viện dược liệu (thành lập tháng 7-1961) chuyên nghiên cứu về cây thuốc, công tác điều tra cây thuốc lại được chính thức ghi vào trong kế hoạch nghiên cứu của Bộ y tế và của Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, có nhiều đơn vị tham gia phối hợp, chắc chắn trong giai đoạn sắp tới công tác dược liệu sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân. 


IV. CÁCH LÀM MẪU CÂY THUỐC KHÔ

Trong việc điều tra cây thuốc, việc xác định được tên khoa học của cây thuốc là một bước quan trọng. Có biết được tên khoa học của cây thuốc mới tìm được xem cây đó đã được thế giới nghiên cứu chưa? Cây đó có được dùng ở nước nào khác không, hay chỉ được dùng ở Việt Nam? Nếu đã được nghiên cứu thì nên tham khảo, vận dụng phương pháp người ta đã nghiên cứu vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của ta, do đó tiết kiệm được thời gian mò mẫm, chóng được đưa vào sử dụng.
Việc xác định tên khoa học có khi có thể làm tại chỗ, nhưng nhiều khi phải đem về phòng thí nghiệm có đầy đù điều kiện, tài liệu, sách báo mới tiến hành được. Muốn thế phải tiến hành ép cây cho khô để mang về. Nhưng vì cây khô nhiều khi màu sắc hoa, lá, quả thay đổi, cho nên đồng thời với việc ép cây cần chú ý ghi chép những đặc điểm khi cây còn tươi để giúp cho việc xác định tên khoa học trong phòng thí nghiệm. Nhiều khi, trong nước không đủ tài liệu, điều kiện để xác định, cần gửi mẫu ra nước ngoài. Một mẫu cây ép khô tốt sẽ làm cho việc xác định được dễ dàng. Muốn làm cây ép khô có 5 việc chính cần phải làm là: 1. Hái cây cho đúng cách; 2. Ép và phơi khô; 3. Đính mẫu cây vào bìa; ghi chép tại nơi cây mọc; 5. Bảo quản.
Hái cây cho đúng cách: Cần hái cho đủ bộ phận của cấy: rễ, thân, lá, hoa và quả. Nếu cây to thì chỉ cần hái một cành có đủ hoa, lá và quả.
Ngoài ra, nên chú ý hái những bộ phận dùng làm thuốc như vỏ, thân, rễ, củ, hạt v.v... Một số cây được xác định căn cứ vào rê, thân và rễ, vì hoa quả khá giống nhau, dễ lẫn.
Khi hái cây cần đính ngay số hay viết ngay tên cây vào. Nên mang theo một số nhãn và dây buộc.
Khi gặp một cây thuốc không có đủ hoa quả thì có hái không? vẫn nên hái, vì thà thiếu còn hơn không. Nhiều khi chỉ căn cứ vào cành lá và tên địa phương cũng có thể xác định được, nhưng chưa chính xác lắm. Tuy nhiên, cần chú ý để sau này bổ sung cho đủ, vì một mẫu có đủ các bộ phân mới là một mẫu có giá trị.
Sau khi hái có thể ép ngay tại chỗ, nhưng có khi đem về nhà mới ép. Trong trường hợp này, thường người ta đựng những cây thu thập được trong một hòm sắt dày hay một bộ bìa cứng dày. Cũng có khi người ta mang theo một cặp bằng bìa dày trong có nhiều lớp giấy, để các cây cách nhau. Cặp bìa có thể thay bằng hai phên lưới sát cứng hoặc hai miếng gỗ dán, cặp bìa hay lưới sắt hoặc gỗ dán được buộc chặt bằng một sợi dây da hay dây vải.
Ép và phơi khô: Đặt mỗi cây cần ép vào một tờ giấy gấp đôi, giấy này nên có khổ thống nhất: sau khi gấp đôi, có khổ 28cm X 44cm, nên chọn loại giấy hút nước như giấy thấm, giấy bản, báo cũ. Trải cẩn thận các lá, cành và cánh của hoa. Theo kinh nghiệm, ép lần đầu tiên, việc uốn nắn các lá và hoa rất khó; thường nên tiến hành vào lúc ép lại lần thứ hai. Cố gắng giữ dáng tự nhiên của cây, tuy nhiên cần chú ý có lá mặt trên và có lá quay mặt dưới lên để làm nổi bật sự giống nhau hay khác nhau của hai mặt lá. Nếu cây dài quá, có thể gấp 2-3 phần trên mặt tờ giấy. Sau khi ép, đặt cây ép giữa một chồng giấy khác hay một chồng sách, hay để các vật nặng lên. Có khi bó chặt, treo nơi thoáng gió. Khí ép nhiều mẫu cần bó chặt chúng trong khuôn ép (hình mắt cáo bằng gỗ hay đan bằng tre) để phơi nắng hoặc sấy bằng lửa. Mỗi ngày thay giấy một lần. Riêng ngày đầu và ngày thứ hai, nên thay giấy 2-3 lần, vì cây còn ướt, thấm vào giấy, có thể làm lên men, mốc ẩm và cây ép sẽ bị đen, xấu. Những tờ giấy thay ra bị ẩm, đem phơi khô còn dùng lại nhiều lần. Thời gian ép phơi cần chừng 5-7 ngày là xong. Hiện nay, một số nơi có kinh nghiệm dùng bàn là để là, vừa nhanh vừa đẹp, chỉ cần chú ý đừng nóng quá làm lá bị cháy vàng, trông kém đẹp.
Chú ý:
1. Nếu ép nhiều cây một lượt, giữa các cây nên có nhiều lớp giấy để cây nọ khỏi hằn lên cây kia. Tùy theo cây to dày mà xếp nhiều hay ít lớp giấy.
2. Môi cây nên ép 3-4 mẫu; về sau chọn những mẫu đẹp giữ lại.
3. Nếu ép quả to dày, ta có thể cắt bổ dọc đôi, giữ lấy phần có cuống, vì cách quả đính vào cuống nhiều khi giúp ta xác định tên cây. Có khi người ta cắt bỏ hai bên má quả, chỉ giữ phần giữa còn mang cuống. Những quả nạc có thể ngâm cồn 35° hay dung dịch focmol 1%.
4. Các bộ phận to, dày như củ, rễ, thân rễ, có thể phơi khô riêng rồi đính vào sau. Khi phơi cần ghi chép để tránh nhầm lẫn.
Đính mẫu cây vào bìa: Sau khi cây đã khô, cần đính lên bìa. Nên dùng những bìa có khích thước thống nhất, ví dụ khổ 28x 44. Nhưng có thể to hay nhỏ hơn, miễn là thống nhất. Trong một nước nên thống nhất kích thước, kích thước này lại nên thống nhất với kích thước quốc tế. Tuy nhiên, ta vẫn có thể áp dụng một kích thước riêng, miễn là nó giúp ta bảo quản được mẫu. Khi đính cây trên bìa, có thể dùng chỉ, nhưng cũng có thể dùng giấy dán để tránh làm đứt những bộ phận mỏng. Những bộ phân phơi, ép riêng cũng đính vào bìa này.
Trên mỗi bìa cần gián ngay nhãn. Vị trí của nhãn cũng nên gián thống nhất vào bên phải, phía dưới. Trên nhãn nên ghi tên cơ quan làm cây ép, số thứ tự, tên khoa học (nếu biết), tên địa phương, người hái, người xác định tên khoa học, ngày hái và nơi hái. Ngày hái và nơi hái rất quan trọng, vì sau này nó sẽ giúp ta biết cây đó hái ở đâu, mùa ra hoa hay kết quả.
Ghi chép. Ngay khi hái cây thuốc cần ghi chép những điểm sau đây:
1. Số thứ tự thu hái (một số được ghi trên mảnh bìa và đính ngay vào cây, một số ghi trong sổ);
2. Tên địa phương, nếu cần ghi cả nơi gọi tên đó, vì mỗi địa phương có thể gọi tên khác nhau;
3. Tên họ khoa học (nếu biết);
4. Mô tả sơ qua hình dáng cây: Cây to hay nhỏ, ước bao nhiều mét, cây leo hay bò, màu sắc của lá, hoa, quả, hạt khi còn tươi. Điều này rất cần cho việc xác định, vì có nhiều loài chỉ căn cứ vào màu hoa mà phân biệt loài nọ với loài kia (ví dụ Strophanthus) khi cây khô không còn màu sắc nữa, rất khó xác định.
5. Nơi cây mọc: Trong rừng sâu hay ven rừng, trên đồi hay dưới thung lũng, ở đồng bằng hay ở miền núi, những tài liệu đó sau này sẽ giúp chúng ta nghiên cứu vấn đề trồng tỉa, di thực. Tính chất nơi cây mọc (đất cát, đất thịt hay đất sỏi v.v...).
6. Công dụng, cách dùng theo nhân dân;
7. Nhận xét đặc biệt;
8. Ngày tháng hái và tên người hái.
Qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy những điều trên rất cần thiết mà nhiều khi chúng ta còn ít chú ý.
Bảo quản. Những tập cây khô làm như trên đất rất dễ bị mốc, mọt. Muốn đỡ mốc, mọt cần dựng trong hòm kín có vôi, băng phiến hay DDT v.v...
Có thể trước khi khâu cây vào bìa, cần ngâm cây vào một dung dịch cồn sublimé (thủy ngân II clorua 4-5g, cồn 90° 1 lít). Ngâm 5 phút, lấy ra đặt lên giấy bản cho khô, đợi khô hẳn sẽ khâu vào bìa. Đây là thuốc độc dùng phải hết sức cẩn thận. Có khi người ta dùng dầu hỏa để sát trùng cây. 


V. NÔI DUNG CẦN CHÚ Ý KHI GIỚI THIỆU 
HAY ĐIỀU TRA CÂY THUỐC HAY ĐƠN THUỐC 

Trong khi điều tra cũng như khi hướng dẫn người giới thiệu kinh nghiệm dùng thuốc, chúng ta cần chú ý một số điểm cần thiết cho việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sau này.
1. Tên họ và địa chỉ người giới thiệu cây thuốc hay bài thuốc để sau này khi cần thiết liên lạc bằng thư từ hỏi thêm hoặc đề nghị khen thưởng hay biểu dương.
2. Tên cây thuốc: Giống như phần làm mẫu cây thuốc khô.
3. Có ở nơi nào? Thu hái ở cây mọc hoang hay ở cây trồng, hay nếu phải mua thì mua ở đâu? Nếu mọc ở địa phương thì ghi chép như phần nơi mọc ở mục làm mẫu cây khô.
4. Mô tả cây thuốc hay vị thuốc.
5. Dùng toàn cây hay những bộ phận nào của cây: Rễ, thân, lá, hay hoa quả. Cần chú ý là những bộ phận khác nhau của cây nhiều khi có tác dụng khác nhau.
6. Hái vào lúc nào? Sáng chiều, mùa hái và tháng hái. Nên chú ý rằng mùa hái khác nhau có thể đem lại kết quả khác nhau. Ví dụ bồ công
anh, ma hoàng.
7. Dùng dưới hình thức nào? Tươi hay khô. Phơi trong mát hay ngoài nắng? Nên nhớ rằng nhiều khi vị thuốc tươi không giống vị thuốc khô.
8. Bào chế như thế nào? Thuốc sắc hay thuốc pha? Có phải sao vàng lên hay sao đen, hay không phải sao tẩm gì? Ví dụ: Hạt thảo quyết minh dùng sống thì tẩy, nhưng dùng sao đen thì không có tác dụng tẩy. Nếu phải ngâm rượu thì ngâm trong bao nhiều rượu? Ngâm trong bao nhiều lâu?
9. Liều lượng, cách dùng như thế nào? Uống bao nhiều lần một ngày. Mỗi lần uống bao nhiều? vào lúc trước hay sau khi ăn cơm.
10. Dùng chữa bệnh gì? Nên ghi chép kỹ những triệu chứng của bệnh vì nhiều khi tên bệnh đó không phù hợp với tên bệnh của ta hiện nay.
11. Đây là kinh nghiệm của bản thân hay kinh nghiệm của gia đình? Có được sử dụng rộng rãi không ? Đã chữa được nhiều người có kết quả chưa? Có phải kiêng khem gì không?


VI. NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CHÚ Ý ĐẾN NHỮNG VẤN ĐỀ GÌ KHI TÌM HIỂU
“NHỮNG CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC VIỆT NAM”
Mặc dầu xuất phát từ thực tế Việt Nam, viết bẳng tiếng Việt Nam để người Việt Nam sử dụng, nhưng ngay sau khi in lần thứ nhất (1962-1965), bộ sách gồm 6 tập đã được một số nhà khoa học nước ngoài tìm hiểu và nghiên cứu.
Chúng tôi dịch và in gần toàn văn (chỉ bỏ Danh mục những công trình nghiên cứu chính từ 1946 đến 1966, vì cuối bộ sách đã ghi đầy đủ hơn), một bài phân tích đánh giá bộ sách do 4 nhà khoa học thuộc 4 viện khoa học lớn của Liên Xô viết và đăng trong tạp chí “Tài nguyên thực vật” (thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô) tập III, số 1 năm 1967, tr. 114-117.
Qua bài nghiên cứu này. chúng ta hiểu dược phần nào ỷ định của các nhà nghiên cứu khoa học ở một nước đã có một nền khoa học tiên tiến, chú ý và rút ra những bài học gì trong khi tìm hiểu kinh nghiệm dùng thuốc chữa bệnh trong nền y dược học cổ truyền ở một nước mới phát triển như nước ta.
Chúng ta biết rằng muốn khai thác tốt nguồn dược liệu phong phú của nước ta, không những chúng ta phải biết thừa kế tốt những kinh nghiệm chữa bệnh dùng thuốc của cha ông ta, mà còn phải biết thừa kế những kinh nghiệm dùng thuốc chữa bệnh bằng cây cỏ, động vật của nhân dân nhiều nước khác trên thế giới nữa, vì trừ một số ít cây, con đặc hữu của nước ta, rất nhiều cây con làm thuốc ở nước ta đều có mọc, sống và được sử dụng ở nhiều nước khác trên thế giới.


CÂY THUỐC VIỆT NAM VÀ VAI TRÒ CỦA GIÁO SƯ ĐỖ TẤT LỢI 
TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU CÁC CÂY ĐÓ
I. I. Brekhman, A. F. Hammerman, I. V. Gruxvitxki và
A. A. Iaxenkô-Khmêlepxki

Giá trị và mức độ nghiên cứu nền y học Việt Nam. Rõ ràng là vô lý, đôi khi ta gọi nền y học khoa học hiện đại là “tây y”. Điều đó chỉ có thể đúng theo ý nghĩa địa lý hẹp, bởi vì nền y học đó thực sự bắt đầu vào nửa thế kỷ vừa qua từ các bệnh viện ở Pháp, Anh, Đức và cũng như ở một số nước châu Âu, kể cả nước Nga. Chẳng bao lâu nền y học đó, một nền y học được xây dựng trên kinh nghiệm lâm sàng và trên những dẫn liệu vật lý, hóa học, giải phẫu và sinh lý người đã vượt khỏi biên giới lục địa châu Âu và thực sự trở thành nền y học của cả nhân loại. Ngày nay, các nhà bác học của tất cả các nước trên thế giới đóng góp xây dựng nền y học khoa học đó với mức độ như nhau. Y học khoa học hiện đại hiện nay khác hẳn với nền y học tây y châu Âu trung cố cũng như nó khác với nền y học cổ truyền của các dân tộc châu Âu, Tây Tạng hay Trung Quốc.
Điểm ưu việt nổi bật của nền y học hiện đại so với nền y học cổ truyền không có nghĩa là các nhà y học hiện đại được quyền bỏ qua những kinh nghiệm quí báu đã tích luỹ được (và hiện nay vẫn còn đang tích lũy nữa) của y học dân gian các nước châu Á, Phi và Mỹ La tinh. Nhất là kho tàng dược liệu của những nền y học đó.
Một số những cây thuốc đó, dưới dạng này hay dạng khác được dùng làm nguyên liệu chế các chế phẩm của nền y học khoa học hiện đại; những cây thuốc đó tuy đã nhiều loại nhưng cũng chi là một nhóm rất nhỏ bé so với kho tàng các cây thuốc của y học phương Đông. Về căn bản, đó chỉ là những cây thuốc ở miền Địa Trung Hải, miến Trung Âu và đã được biết từ thời đại Galiên, Điôtscôriđe và Hipôcrat.
Sau khi đã vứt bỏ một cách không thương tiếc các quan điểm lý thuyết trung cổ của những người tiển bối, nền y học khoa học hiện đại hầu như đã mượn toàn bộ của nền y học cũ những cây cỏ, vỏ, rễ v.v.. mà các thầy thuốc châu Ầu trung cổ đã dùng để chữa bệnh. Ta không lấy làm lạ rằng tất cả những kinh nghiệm to lớn của nền y học cổ truyền của các dân tộc Á, Phi, Mỹ La tinh bao gồm hàng trăm nghìn cây thuốc (cả động vật nữa) đã tham gia tương đối ít ỏi vào nền y học khoa học hiện đại. Có thể giải thích tình trạng đó xuất phát từ mâu thuẫn đối kháng vốn có giữa nền y học cổ truyền của những nước thuộc địa và nửa thuộc địa với nền y học hiện đại nằm trong tay những thầy thuốc châu Âu hay Bắc Mỹ. Ngay cả những thầy thuốc của dân tộc Á, Phi và Mỹ La tinh được đào tạo trong các trường đại học y khoa châu Âu tổ chức ngay trên đất nước họ, cũng thường nghi ngờ hoặc khinh thường những kinh nghiệm y học của chính nước mình. Còn những thầy thuốc dân gian (thầy lang) của những nước đó, do bị chê cười và có khi bị truy nã nữa đã coi nền y học khoa học là nền Y học của bọn “da trắng” và thường có thái độ thù địch sâu sắc.
Mới gần đây tình trạng không hiểu biết lẫn nhau và thái độ thù nghịch mới bắt đầu được tiêu tan khi mà trong thời đại chúng ta, đa số các nước vùng nhiệt đới đã dành được độc lập.
Học thuyết y học cổ truyền về bản chất của bệnh đã phát sinh từ thời cổ một cách độc lạp trong nền văn hóa của những dân tộc khác nhau ở châu Á, sau đó nó bị biến dạng theo thời gian và có màu sắc riêng đối với từng nước khác nhau ở phương Đông. Dưới ánh sáng của các thành tựu khoa học hiện đại, rất nhiều quan điểm lý thuyết của y học cổ truyền đã tỏ ra rất ngây thơ và tất nhiên đã mất hết giá trị. Nhưng trong nền tảng của y học cồ truyền đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu về việc sử dụng các dược liệu nguồn gốc thực vật và động vật nhằm mục đích chữa bệnh. Kinh nghiệm của rất nhiều thế hệ các nhà y học dân gian đã lựa chọn được những dược liệu hiệu nghiệm nhất. Không phải ngẫu nhiên mà trong kho tàng thuốc đông y có một số dược liệu được lưu truyền hàng trăm, và có khi hàng nghìn năm (nhân sâm, đại hoàng v.v..., Hammerman 1958).
Thuốc đông y và phương pháp sử dụng thuốc đông y có những điểm khác nhau về căn bản so với những vị thuốc mọi người đã quen biết và được ghi trong các Dược điển (Nicônôv và những người khác, 1961; Brekhman 1963; Brekhman và những người khác, 1963);
1) Nhóm những cây thuốc dùng trong đông y khác và nhiều hơn so với nhóm những cây thuốc dùng trong tây y (Hammerman, Xêmitrév 1963).
2) Đông y rất coi trọng sự phức hợp tự nhiên của các chất trong cây. Hơn thế nữa, Đông y còn chú ý làm cho phức hợp thêm. Thường thường trong nhiều đơn phức hợp của đông y, ta thấy nhiều vị thuốc gần gũi nhau về nguồn gốc thực vật hoặc về tác dụng trị bệnh. Còn y học khoa học (tây y) thì thường không dùng những vị thuốc nguồn gốc tự nhiên mà chỉ hay dùng những vị thuốc nguồn gốc tổng hợp. Các cây thuốc thường được loại hết chất độc và dùng dưới dạng các hoạt chất tinh khiết.
3) Trong đông y, dạng thuốc phổ biến nhất là thuốc sắc hay vị thuốc tán thành bột hầu như không chế biến gì khác. Trong y học khoa học hiện đại, người ta dùng riêng từng hoạt chất của vị thuốc được chiết ra bằng những dung môi hữu cơ.
4) Đông y đặc biệt dùng những vị thuốc ít độc có tác dụng chung và thường ít dùng với liều lượng lớn. Y học hiện đại dùng nhiều vị thuốc chữa triệu chứng, có dược lực rõ rệt, thường có tác dụng mạnh và độc.
5) Đơn thuốc của y học cổ truyền rất phức tạp, nó gồm một, vài khi tới hàng chục vị thuốc. Còn y học hiên đại thường dùng các đơn thuốc gồm một vị thuốc.
6) Đông y dùng nhiều vị thuốc nguồn gốc động vật hơn những vị thuốc nguồn gốc động vật được thừa nhận chính thức trong các Dược điển các nước Ằu, Mỹ.
Với những điểm khác nhau căn bản đó và một số điểm khác nữa, Đông y đã chữa được nhiều bệnh bằng những vị thuốc đặc biệt của mình và ở các nước phương Đông nó đã được thừa nhận chính thức và về căn bản đã thỏa mãn nhu cầu điều trị thuốc men của nhân dân các nước đó, mặc dầu dân chúng vẫn không từ chối dùng thuốc kháng sinh và những vị thuốc khác là thành tựu mới nhất của y học khoa học.
Tất cả những điều nói trên áp dụng đầy đủ cho nền y học cổ truyền của nhân dân Việt Nam (đông y).
Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, giữa thế kỷ trước những người châu Âu bắt đầu nghiên cứu một cách khoa học nền y học của Việt Nam và những cây thuốc Việt Nam. Phần lớn những công trình của Pháp dành cho việc nghiên cứu thực vật chí (Flora) của Việt Nam (gồm Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ là ba phần thuộc Pháp và cũng bị chia riêng biệt vào hồi đó) nhưng cũng có những công trình riêng chuyên nghiên cứu về các cây thuốc của y học cổ truyền.
Lần đầu tiên thầy thuốc Torell (theo tài liệu của Brentschneider 1898) đoàn viễn du miền Đông Dương (Indochine) của Pháp đã công bố những bút ký về y học vùng này trong các tài liệu của cuộc viễn du.
Regnault (1902) đã xuất bản một cuốn sách nói tỉ mỉ về nền y học cổ truyền của hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc nhưng chưa phân tích được sự khác nhau giữa hai hê thống y học đó. Ông đã dẫn ra 494 dạng cây thuốc, tên gọi các cây thuốc được ghi bằng chữ Hán, đồng thời lần đầu tiên các cây đó có tên gọi khoa học bằng tiếng La tinh. Tiếp sau đó xuất hiện công trình về Dược liệu Việt Nam do nhà Dược liệu học nổi tiếng thành phố Paris tên Perô (Perrot, Hurrier 1907) và một số công trình khác nữa. Nhưng tất cả các công trình đó không có những tài liệu về thành phần hóa học của các cây cũng như tác dụng dược lý của chúng.
Những cây thuốc được sử dụng cả trong nền y học Trung Quốc và Ấn Độ đã được các nhà bác học châu Âu khảo cứu và tài liệu về các cây đó phong phú hơn.
Năm 1939, do cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, quan hệ giữa Pháp và Việt Nam bị gián đoạn và đồng thời công tác khoa học cũng bị ngừng trệ mặc dù những công trình riêng biệt hoàn thành dựa trên các tài liệu thu thập trước đây vân tiếp tục xuất bản. Đáng chú ý là các công trình của nhà thực vật học người Pháp Pételot. Ngay từ những năm trước chiến tranh, cùng với Crevost, ông đã xuất bản danh mục sản vật Đông Dương. Vị thuốc (Catalogue des Produits de l Indochne-Produits médicinaux) gồm 2 cuốn (Crevost-Pételot, 1928-1935). Sau chiến tranh lại xuất bản cuốn sách gồm 2 tập của Pételot (1952-1953) về cây thuốc của Cămpuchia, Lào và Việt Nam.
Chỉ những năm gần đây mới thấy xuất hiên những công trình tuy vẫn còn ít ỏi của chính những nhà khoa học Việt Nam mà chúng tôi đã có được in (Đỗ tất Lợi 1964, Vũ văn Chuyên 1964).
Trong những năm kháng chiến, nhân dân Việt Nam thiếu hẳn một hê thống y tế theo nghĩa hiện đại. Chẳng có sunfamit, các thuốc kháng sinh cũng như các dược phẩm quan trọng khác nữa. Mặc dù như vậy nhân dân Việt Nam chiến đấu và quân đội của họ vẫn có được nên y tế có hiệu quả xây dựng trên các nguyên tắc và phương thuốc của nền y học cổ truyền của Việt Nam. Trong các rừng rậm, đôi khi có thể gây ra các bệnh nguy hiểm tới tính mạng, người ta thu hái các cây thuốc, nhiều cây thuốc đó được trồng riêng biệt. Trong các khu du kích không phải chỉ có các cửa hàng thuốc mà còn có cả xưởng bào chế hoạt động nữa.
Hiện nay ở nước Việt Nam có 2 hệ thống y tế: Một hê thống được xây dựng trên những nguyên lý chung của y học khoa học hiện đại, còn hệ thống kia hoàn toàn dùng các dược liệu của đông y (1), một nên y học hợp pháp được chính phủ Việt Nam nâng đỡ. Cả hai hệ thống đó không mâu thuẫn với nhau mà tồn tại song song làm phong phú cho nhau.
Tại nhiều làng, thôn có các trạm y tế chỉ có những lương y trình độ trung cấp làm việc, ở những bệnh viện huyên và tỉnh có những nhóm lương y hoạt động và họ điều khiển một khoa riêng biệt. Không những chỉ ở tỉnh, mà ngay ở Hà Nội ta có thể thấy những bệnh viện trong đó mọi việc chữa chạy đều dựa vào đông y mà không lấy một thầy thuốc có bằng cấp tây y. Thường thường những bệnh viện đó chuyên chữa một số ít bệnh nhất định.
Năm 1957, ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thành lập hội đông y, đến nay đã có tới 16.000 hội viên. Tại các huyên, tỉnh có các ban chấp hành huyện, tỉnh. Hàng năm hội tiến hành mở đại hội để kiểm điểm kết quả sử dụng đông y. Tại Trường Đại học Y khoa ở Hà Nội, nơi giảng dạy tây y đã có bộ môn đông y riêng. Các sinh viên y khoa trong vòng 45 ngày được nghe giới thiệu những cơ sở của nền y học cổ truyền của Việt Nam. Ngoài ra còn tổ chức lớp bồ dưỡng nghiệp vụ cho các lương y trình độ trung cấp và cao cấp. Nhưng phần lớn các lương y được đào tạo theo nguyên tắc “thầy kèm trò”.
Đối với sự phát triển của học thuyết đông y, Viện Đông y thành lập năm 1957 đã có một giá trị rất lớn lao. Trong các nhiệm vụ của Viện có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm của đông y, kiểm tra laị những vị thuốc hiệu nghiêm nhất để phổ biến ứng dụng rộng rãi trong nhân dân.
Sự tổ chức các công việc ở dây là một thí dụ về mối liên hê chật chẽ và tương hỗ giữa hai nền y học. Mỗi bệnh nhân đều được các lương y và các bác sĩ tây y khám bệnh. Công tác điều trị tại các khoa của Viện (phương pháp chẩn bệnh hiện đại, việc trông nom người bệnh, bệnh án v.v...) ở một trình độ khá cao. Mạng lưới tổ chức cung cấp thuốc đông y trong toàn quốc ở mức độ quốc doanh. Có cả một mạng lưới thu mua để thu mua các cây thuốc mọc hoang và các cây thuốc do hợp tác xã trồng được để chuyển vào kho quốc doanh dược liệu. Quốc doanh dược liệu cung cấp dược liệu cho các cửa hàng, bệnh viện và các xí nghiệp dược phẩm. Xí nghiệp dược phẩm ở Hải Phòng chuyên sản xuất các thuốc bào chế đông y.
Người có công đóng góp vào việc tổ chức cung cấp thuốc đông y của nhân dân Việt Nam chiến đấu và trong việc nghiên cứu kho tàng to lớn các vị thuốc Việt Nam là một người con của nhân dân, nhà bác học nổi tiếng, giáo sư ĐỖ Tất Lợi.

(1) Từ đây về sau, ta hiểu đông y ỉà nền y học cổ truyền cùa Việt Nam như ở Việt Nam người ta thường gọi.


CUỘC ĐỜI VÀ SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA
NHÀ DƯỢC LIỆU HỌC LỚN NHẤT CỦA VIÊT NAM, GIÁO SƯ ĐỖ TẤT LỢI

Ông Đỗ Tất Lợi (1) là một trong những nhà hoạt động xuất sắc của y học khoa học hiên đại, người có khả năng bắc cầu giữa y học hiện đại với một trong những nền khoa học vĩ đại của châu Á - nền y học Việt Nam (ảnh chụp).
Đồng thời với việc tiếp thu một nền giáo dục về dược học hoàn hảo, hiện đại, sau đó lại được hấp thụ những thành tựu của khoa dược học thế giới, ngay từ thuở nhỏ, Đỗ Tất Lợi đã rất kính trọng các thành quả văn hóa của nước mình, trong đó có nền y học cổ truyền là một bộ phận gắn liền khăng khít. Hiểu rất rõ thực tế đông y, được biết rằng qua hàng bao thế kỷ, đông y đã chữa bệnh cho nhân dân nước mình, với trình độ khá cao cho nên đối với đông y, ông có tấm lòng nhiệt tình của người dần yêu nước và tính công bằng không thiên vị của một nhà bác học chân chính.
Thu thập các tài liệu về cây thuốc của nền y học cổ truyền, ông đã làm công việc không phải của một nhà dân tộc học hoặc một nhà thực vât học mà đã tạo ra được một cơ sở khoa học chân chính.
Là một công dân của nước Việt Nam, ông Đỗ Tất Lợi đã không có thành kiến dân tộc, cái đó có thể làm tổn hại đến những gì thực sự có giá trị của bất kỳ nền y học cổ truyền nào khác, đồng thời ông cũng không có tư tưởng “sùng bái Âu tây” tư tưởng này cho đến nay đã ngăn cản một số người hoạt động y học khoa học trong việc sử dụng kho tàng phong phú của nền y học cổ truyền đã tích lũy được.
Đường đời của ông Đỗ Tất Lợi rất điển hình cho cuộc đời của một người con của một dân tộc đã nhiều năm đấu tranh vì tự do độc lập của mình. Ông sinh trong một gia đình làm nghề nông nghiệp tại làng Phủ Xá tỉnh Vĩnh Phú vào ngày 1 tháng 2 nam 1919. Có thể nói rằng tình yêu thiên nhiên đất nước đã thể hiện ở ông Đỗ Tất Lợi ngay từ thời thơ ấu do ảnh hưởng của cha ông là ông Đỗ Văn Kiêm, một người rất say mê trồng trọt và đã đạt được những kết quả không nhỏ trong việc trồng các cây ăn quả, nhất là cây na - Anono squamosa L.
Chàng thanh niên 20 tuổi Đỗ Tất Lợi vào Trường đại học y dược Hà Nội. Vào thời đó, trước khi vào đại học phải qua học bậc tiểu học, sau đó là bậc trung học trong vòng 13 năm (trong các trường trung học và đại học, tất cả các môn đều dạy bằng tiếng Pháp), ông Lợi đầu tiên học ở Thái Bình, sau đó ở Phúc Yên, Hải Phòng và cuối cùng là ở Hà Nội.
Đồng thời với việc vào trường đại học năm 1939, ông Đỗ Tất Lợi bắt đầu làm học trò của cụ lang Lê Văn Sáp là người chữa gãy xương nổi tiếng. Ngay cả ở Hà Nội cũng phải mời cụ đi chữa những trường hợp khó khăn.
Theo thầy dạy, ồng Đỗ Tất Lợi đi thu thập các cây thuốc và đi thăm các bệnh nhân.
Thời kỳ năm 1939 tới năm 1944, khi ông Đỗ Tất Lợi học tập tại Trường đại học y dược ở Hà Nội, đó là thời kỳ không những học tập cần mẫn mà còn là thời kỳ nghiên cứu có mục đích rõ ràng. Nhà bác học trẻ tuổi kiên quyết đi theo con đường thâm nhập vào bí mật của đông y. Mọi thời gian rỗi ông đều để dành để đọc sách, nói chuyên với các thầy lang đông y.
Năm 1944, trước Cách mạng tháng Tám và tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Đố Tất Lợi tốt nghiệp đại học và bắt đầu dốc những năng lực sẵn có cho công tác khoa học. Năm 1945, một tờ báo ở Hà Nội đã đãng bài báo đầu tiên của nhà bác học trẻ tuổi. Sau này, trong kháng chiến, bài báo đó được đăng lại trong tờ báo quân y. Trong bài báo, sau khi đã so sánh các thuốc của tây y và đông y, tác giả đã đi tới kết luận thuốc đông y rất quý giá và đặt vấn đề cần phải tổ chức lại công việc sản xuất thuốc men cho đất nước. Vào tháng 12 năm 1946, khi bắt đầu cuộc kháng chiến, ông Đỗ Tất Lợi đã ở trong hàng ngũ quân dội nhân dân Việt Nam. Đề nghị của ông xây dựng các phòng thí nghiêm nhằm nghiên cứu và sản xuất thuốc bằng nguyên liệu địa phương (nhất là bằng các cây thuốc địa phương) trong hê thống quân y đã dược chấp nhận. Ông được giao nhiệm vụ tổ chức và đứng đầu những phòng thí nghiêm đó - sau này là phòng dược chính. Suốt trong thời kỳ kháng chiến, khi mà những người yêu nước Việt Nam phải sống trong rừng sâu và trên núi cao, ông Đỗ Tất Lợi một dươc sĩ chính của quân đội đã thu thập không biết mệt mỏi những kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các thầy lang và đã chế nhiều thuốc cung cấp cho quân đội.
Trong giai đoạn này, một mặt ông đã nghiên cứu điều chế cao từ búp ổi Psidium guyava Lin. thay thế cho các dạng thuốc có tanin, chế tạo từ cây cà độc dược Datura metel L. thay thế cho thuốc belladona (Ạtropa belladona L.) mà Việt Nam không có, chế từ lá cây thường sơn Dichroa febrifuga Lam. là một loại thuốc chữa sốt rét.
Mặt khác, trong điểu kiện khí hâu nhiệt đới ẩm thấp, việc bảo quản thuốc men gặp rất nhiều khó khăn, ông Đỗ Tất Lợi đề ra phương pháp bảo quản các thuốc viên, giảm tỷ lệ hư hỏng (bị mốc) từ 50-60% xuống 3-5%. Lần đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam đã tìm thấy Mã tiền Strychnos sp. Là nguyên liệu cơ bản để đều chế Strychnin của Việt Nam, tìm thấy Ba gạc Rauwolfia verticillata (Lour.) Baill. để chế rauticil là một thứ thuốc phổ biến chữa cao huyết áp.
Hòa bình lập lại, ông Đỗ Tất Lợi giữ nhiệm vụ tổ chức và đứng đầu Bộ môn dược liệu và thực vật của Trường đại học y dược Hà Nội (từ năm 1963 đã tách thành hai trường riêng biệt), đồng thời làm cố vấn chuyên môn cho Công ty thuốc nam thuốc bắc và giảng dạy tại các trường đại học tổng hợp Hà Nội và Trường đại học nông nghiệp v.v...
Trong ủy ban khoa học nhà nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông Đỗ Tất Lợi đứng đầu tiểu ban hóa thực vật và là phó tiểu ban thực vật đồng thời ông là trưởng ban dược liệu của Hội đồng dược điển Việt Nam Dần chủ Cộng hòa. Ông là một trong những người tổ chức và là người hoạt động tích cực của Hội Đông y, Hội dược học, là ủy viên ban chấp hành trung ương Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật. Đồng thời với những hoạt động sư phạm và phổ biến khoa học rộng rãi, nhiều mặt và sôi nổi, ông đã tổng kết 26 năm nghiên cứu cây thuốc đông y và đã hoàn thành một bộ sách dược liệu gồm 6 tập.

(1) Bản thân các tác giả đã có dịp gần gũi với ông Đỗ Tất Lợi khi ông sang thăm Leningrad và sau này trong dịp các tác giả công tác ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


CÂY THUỐC VIỆT NAM TRONG CÁC CÔNG TRÌNH
CỦA GIÁO SƯ ĐỖ TẤT LỢI (1)

Các công trình nghiên cứu của ông Đồ Tất Lợi có tới hơn 70 bản đã xuất bản. Nếu xét tới những bước đầu nghiên cứu của ông Đỗ Tất Lợi trong hoàn cảnh kháng chiến, lúc không thể mơ tưởng việc xuất bản các tài liệu khoa học một cách bình thường, ta sẽ phải kinh ngạc năng lực và khả năng lao động của ông.
Trong đại đa số các công trình, ông đã xem xét các cây thuốc đông y với quan điểm thực vật và hóa thực vật. Ngoài những đóng góp chủ yếu đó cho dược liệu học, trong các công trình của ông còn làm sáng tỏ nhiều vấn đề thời sự của nền y và dược học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong các tác phẩm có ghi, lại những phương pháp cổ điển của châu Âu trong việc nghiên cứu các nguyên liệu thực vật như nghiên cứu hóa học, nghiên cứu vi phẫu, dẫn liệu dược lý đối với thầy thuốc v.v...
Trong số các tác phẩm đó có 3 công trình đáng được đặc biệt chú ý. Trước hết đó là một giáo trình tổng quát (320 trang) về các phương pháp chữa bệnh và các vị thuốc của Việt Nam cùng viết với Đỗ Xuân Hợp và đã được xuất bản hai lần (1958, 1960).
Giáo trình dược liệu của ông Đỗ Tất Lợi cũng đáng được chú ý và cũng được xuất bản hai lần. Trong đó ngoài những cây thuốc cổ điển của y học khoa học như Convallaria majalis L., Valeriana officinalis L., còn mô tả tỉ mỉ rất nhiều cây thuốc Viêt Nam. Đa số các cây trong sách có nêu tên gọi latinh chính xác, có mô tả hình dáng chung, cấu tạo vi phẫu và cả thành phần hóa học.
Nhưng công trình chủ yếu của ông Đỗ Tất Lợi có thể coi là bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam'' gồm 6 tập (1962-1965). Trong bộ sách đó đã trình bầy khoảng 430 loài cây thuốc, thuộc 116 họ, 51 vị thuốc động vật và 19 vị thuốc khoáng vật. Một số các vị thuốc được trình bầy thành một chuyên luận hoàn chỉnh.
Cũng như trong các quyển sách của ông Đỗ Tất Lợi xuất bản từ trước, với mỗi cây trong bộ sách đều có trình bầy đặc điểm hình thái mô tả cấu tạo vi phẫu, thành phần hóa học (thường kèm theo công thức cấu tạo) và những dẫn liệu về tác dụng dược lý.
Bộ sách có khoảng 50 hình vẽ minh họa và có kèm theo các bảng tra cứu. Khi dùng sách chúng ta có thể tra cứu bằng bảng liệt kê tên La tinh của tất cả các cây được xếp theo họ và xếp theo thứ tự mẫu từ La tinh.
Có thể nói rằng, trong số rất nhiều các sách nói về cây thuốc nhiệt đới, chưa có một bộ sách nào có thể so sánh được về mức độ chính xác và tỉ mỉ khoa học. Rất nhiều cây thuốc mà ông Đỗ Tất Lợi giới thiệu mới là lần đầu tiên thấy được dẫn ra trong các tài liệu về dược liệu học.
Sau đây chúng tôi sẽ phân tích danh mục các cây thuốc của bộ sách đó. Các cây thuốc được ông Đỗ Tất Lợí nhóm lại theo tác dụng chữa bệnh.
Nhóm lớn nhất gồm 70 loài cây là nhóm các vị thuốc chữa bệnh ở bộ máy tiêu hóa (trong y học nhân dân của các nước khác nhóm này cũng chiếm ưu thế).
Trong nhóm này có nhiều cây dùng để kích thích tiêu hóa, và trong loại này người ta nghĩ đến gia vị và các chất đắng.
Miền Đông Nam châu Á rất giàu các loài cây gia vị, trong đó có nhiều sản vật như hạt tiêu, đinh hương, quế nổi tiếng trên thế giới. Ông Đỗ Tất Lợi đã mô tả hơn 10 loại trong họ Gừng (Zingiberaceae) với các đại biểu của chi Đậu khấu (Alpinia L.), Sa nhân (Amomum L.), Nghệ (Curcuma L.), Địa liền (Kaempferia L.) và Gừng (Zingiber Adams), trong khi ở châu Âu chỉ biết tới một loài Gừng (Zingiher officinale Rosc.).
Trong y học khoa học, người ta coi chất đắng tốt nhất là chất đắng của rễ cây Gentianalutea L. Ở Việt Nam dùng một thứ thay thế cho nó là Long đởm Gentiana scabra Bunge, cây này cũng có mọc ở miền Viễn đông nước ta (đáng được nghiên cứu).
Để làm thuốc săn (astringent), y học Việt nam dùng các cây có nhiều chất tanin, trong đó phổ biến nhất là kha tử quả của cây kha tử Terminalia chebula Retz, ở vùng nhiệt đới, họ Bàng (Combretaceae). Kha tử được coi là một trong những vị quan trọng nhất của y học Tây Tạng và Ấn Độ (Hammermane, Xêmitrev 1963, Chopra và các người khác, 1965).
Để chữa bệnh lỵ, ở Việt Nam dùng trên 8 loại cây: trong đó chúng ta biết rõ Tỏi Alliutn sativum L. và lựu Punica granatum L. Nhưng có những cây mọc ở Liên Xô chúng ta không dùng. Chẳng hạn như rau sam Portulaca oleracea L. (có dùng cả trong danh sách của y học Ả Rập và Ấn Độ).
Vị thuốc này được coi là chống kiết lỵ tốt nhất là hoàng liên Coptis chinensis Franch, mọc ở nhiều vùng núi miền Bắc Việt Nam và được người ta thu hái để sử dụng. Ở miền Viễn đông Liên Xô, chúng ta cũng thấy có một loài khác của chi đó là Coptis trifolia (L.) Salisb. Qua việc thử tính chất chống khuẩn của những cây nói trên, ta thấy chúng đáng được chú ý.
Trong số những vị thuốc nhuận tràng, phải kể tới rễ đại hoàng Rheum palmatum L., một vị thuốc nổi tiếng thế giới từ thời cổ. Nước Việt Nam phải nhập đại hoàng từ Trung Quốc. Ông Đỗ Tất Lợi đã dề nghị dùng rễ cây chút chít Rumex wallichii Meissn. để thay thế. Ngoài ra các lương y Việt Nam còn kẻ đơn, những thuốc nhuận tràng mà ai cũng biết tới như dầu thầu dầu, ba đậu. Người ta còn dùng các cây có chứa các anthraglucozit (các chi Muồng Cassia L. và Lố hội Aloe L. v.v..).
Trong nhóm những thuốc trị giun sán có giới thiệu 11 loài trong đó hàng loạt cây nhiệt đới được dùng phổ biến với mục đích đó, cả ở Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Tạng. Đông y Việt Nam thường dùng quả sử quân tử Quisqualis indica L. họ Bàng (Combrelaceae). Một số của nhóm này được dùng rất phổ biến, vượt ra khỏi biên giới châu Á và được xuất sang cả châu Âu. Chẳng hạn ancaloit arecolin lấy từ hạt cau Areca catechu L. đã được ghi vào Dược điển Nga từ đầu thế kỷ 20 và được dùng trong ngành thú y (Dược điển quân đội toàn Nga, 1913).
Nhóm các vị thuốc lợi tiểu thông mật có khoảng 30 loại; trong số đó có rất nhiều cây chúng ta còn ít biết, theo quan điểm y học. Đó là cây tai chuột Dischidia acuminata Cost., vương thái tô Oldenlandia corymbosa L., sòi Sabium sebiferum (L.) Roxb., thông thảo Tetrapanax papyrifera (Hook.) Kock v.v...
Trong số các loài chứa flavonozit phải kể nghệ Curcuma Ionga L., quả dành dành Gardenia radicans Thunb., hoa hiên Hemerocallis fulva L.
Để chữa bệnh thận có vị phục linh Poria cocos Wolf., loài này được dùng rộng rãi cả ở Trung Quốc (Ibraghimôv, Ibraghimova, 1960) và Triều Tiên (2).
Nhiều vị thuốc ở Việt Nam dùng để chữa bệnh gan thận cũng là những vị được y học khoa học sử dụng. Thí dụ râu ngô Zea mays L., actixô Cynara scolytnus L., râu mèo Orthosiphon stamìneus Benth. v.v..
Ông Đỗ Tất Lợi nêu ra trên 30 vị thuốc cầm máu. Cũng như trong các nhóm khác, nhóm này có những cây mà y học khoa học và y học nhân dân nước ta cũng dùng. Chẳng hạn rễ cây bông Gossypium sp., nghể Poỉygonum hydropiper L., long nha thảo Agrimonia pilosa L., hồng hoa Carthamus tinctorius L., ngải cứu Artemisia vulgaris L., rễ của các loài thuộc chi Thược dược Paeonia L. Nhiều hơn cả có những đại biểu của cây cỏ miền Đông và Đông Nam châu Á. Đó là những loài mò Clerodendron L., huyết giác Pleomele cochinchinensis Merr. và rất nhiều loài khác. Một số trong các vị đó được dùng cả ở Trung Quốc như tam thất Panax pseudoginseng Wall., gai Boehmeria nivea (L.) Gaud., diếp cá Houttuynia cordata Thunb., bán hạ Pinellia ternata Breit, gỗ vang Caesalpinia sappan L. được dùng ở cả Ấn Độ.
Trong danh sách các vị thuốc cầm máu có những cây có trồng ở nước ta nhưng chỉ để làm cảnh không dùng để làm thuốc như cây Mào gà đỏ Celosia cristata L. (và Mào gà trắng Celosia argentea L.) được dùng cả trong y học Trung Quốc và Tây Tạng, cỏ nhọ nồi Eclipta alba (L.) Hassk. mọc như một loài cỏ dại ở miền Viễn đông nước ta, nhưng ở Việt Nam được coi là một vị thuốc gia đình tốt nhất để chữa các viết thương nhỏ.
Bộ sách có nêu ra khoảng 40 loài cây dùng để chữa ho, hen. Nhiều cây trong số đó dược dùng vì có cả những tính chất sát trùng. Người ta dùng các cây có tinh dầu thuộc họ hoa môi (Labiatae) như cây é-Ocimum basilium L., Ocimum sanctum L., húng chanh Coleus aromaticus Benth., rễ của một số loài Hoa tán, nhựa cây tô hạp Liquidambar orientalis Miller, và cây cánh kiến trắng Styrax tonkinense Pierre v.v.. Ở Việt Nam thấy phổ biến và sử dụng trong Đông y cỏ tỹ gà Drosera burmannii Wakl., cây này cũng như Drosera rotundifolia L. (Somiakin, Khôkhlôv, 1949) đạc trưng do chứa chất naphtoquinon có tác dụng chống khuẩn.
Cũng trong loại thuốc chữa ho, về thuốc long đờm, người ta dùng các loại cây thuộc chi Viển chí Polygala L. cũng như Cát cánh Platycodon grandiflorunt DC mà rễ của nó, ở đây cũng như ở các nước Đông Á khác được coi là một vị thuốc quí.
Nhóm các vị thuốc chữa bệnh tim tương đối không có nhiều loại. Trong các nhóm này trước hết bao gồm những cây chứa glucozit chữa tim. Trong số 5 cây thuộc nhóm này có 4 cây thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Đó là cây trúc đào Nerium oleander L., thông thiên Thevetia nerrifolia Juss., mướp sát Cerbera odollam Gaertn. và sừng dê Strophanthus divaricatus Hook. và Arm., loài thứ năm, vạn niên thanh Rhodea japonica Roth. thuộc họ Hành (Alliaceae).
Ngoài ra có chín loài có tác dụng hạ huyết áp. Trong số đó trước hết phải kể tới cây có ancaloit đã biết: Cây ba gạc Ấn Độ Rauwolfia serpentina Benth. Một dạng khác của loài đó có tác dụng chữa bệnh tương tự đó là Ba gạc Việt Nam Rauwolfia verticillata (Lour.) Baill. mà ông Đỗ Tất Lợi đã phát hiện thấy trong các rừng rậm miền Bắc Việt Nam. Để giảm huyết áp người ta còn dùng dừa cạn Vinca rosea L., đỗ trọng Eucommia ulmoides Oliv. và một số cây nhiệt đới thuộc họ Cà phê (Rubiaceae): hai loài Morinda L. (nhàu và ba kích), và câu đằng Uncaria rhynchophylla (Miq.) Jackson có catêchin và các chất mầu. Một số cây thuốc thuộc nhóm có nhiều chất rutin như hoa hoè Sophora japonica L. và hoàng cầm Scutellaria baicalensis Georgi.
Y học Việt Nam có nhiều vị thuốc tác dụng tới thần kinh trung ương. Trong thống kê của ông Đố Tất Lợi có đưa ra 46 loài trong đó 38 loài có tác dụng bổ, 8 loài thuộc nhóm các vị thuốc an thần kinh. Trong số 8 loài sau, không có một loài nào được tây y sử dụng. Một số cây mà Việt Nam sử dụng có tác dụng an thần cũng được y học cổ truyền các nước khác biết tới: hoa nhài Jasminum Sambac Ait., lá vông Erythrina indica Lamk. dùng ở Trung Quốc, thiên trúc hoàng (lấy ở thân cây tre nứa) dùng ở Ả Rập.
Ông Đỗ Tất Lợi đã xếp vào nhóm các vị thuốc bổ cả những vị có tác dụng kích thích lẫn những vị có tác dụng bổ toàn thân. Nhân sâm, một loại thuốc bổ nổi tiếng, nhập từ Trung Quốc được dùng phổ biến. Hàng loạt cây khác của Việt Nam thuộc họ Ngũ gia bì (Ara liaceae) đều có tác dụng bổ nhiều hay ít (Gruxvitxki, 1967) đặc biệt là tam thất Panax pseudoginseng Wall (Gruxvitxki 1966). Tên sâm (các loại có tác dụng tương tự như nhân sâm) ở Việt Nam được dành cho ít nhất 10 cây thuộc họ khác nhau: thổ sâm cao ly (Talinum crassifolium Willd.) thuộc họ Rau sam (Portulacaceae). Sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius Kurz.) thuộc họ Bông (Malvaceae). Bàn long sâm Spiranthes sinensis (Pers.) Ames thuộc họ Lan (Orchidaceaeỵ nam sâm Seheffỉera octophylla (Lour.) Harms., thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae), sâm rừng Boerhaavia repens L. thuộc họ Hoa giấy (Nyctaginaceae), Curculigo orchiodes Gaertn. thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae) v.v... Trong số các cây ở Viễn đông và ngoại Baican tham gia vào các nhóm này có khổ sâm Sophora flavescens Alt., hoàng kỳ Astragalus membranaceus (Fisch.) Bunge, hà thủ ô Polygonum multifỉorum Thunb. và khiếm thực Euryale ferox Salisb. (tất cả những cây này đang được chú ý nghiên cứu).
Cũng như trong các hệ thống Đông y khác, người ta sử dụng rộng rãi rễ cây cam thảo, 3 loại ô đầu phụ tử Aconitum L. được sử dụng, rễ của nó được chế biến phức tạp, một số các vị giúp ăn ngon và có tác dụng bổ toàn thân (đường, hồ đào, vừng, ý dĩ Coix lachryma Jobi L.). ở đây có kể tới kim anh Rosa laevigata Mich. Quả của nó chứa nhiều vitamin C.
Ngoài một số cây đã nói ở trên, trong số các cây nhiệt đới thuộc nhóm các vị thuốc bổ có khổ sâm cho lá Croton tonkinensis Gagnep. thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceaeỵ hà thủ ô trắng Streptocaulon juventas Merr. thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae); hoài sơn Dioscorea persimilis Prain et Burk. thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae), cây sữa Alstonia scholaris R. Brown thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae), trâu cổ Ficus pumila L. thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), giây cam thảo Abrus precatorius L. thuộc họ Cánh bướm (Eabaceae) v.v.. Không hiểu làm sao danh sách này lại có đưa vào một số loài quế Cinnamomum Blume.
17 cây thuốc chữa tê thấp, đau xương được nêu ra, trong đó không có một cây nào trùng với với vị thuốc mà chúng ta đã biết. Có một số cây chứa saponozit (thổ phục linh Smilax glabra Roxb., tỳ giải Dioscorea tokoro Makino, độc hoạt Aralia cordata Thunb.); một số cây có ancaloit (phòng kỷ Stephania tetrandra S. Moore., náng Crinum asiaticum L.); thân rễ độc hoạt Aralia cordata dùng phổ biến ở miền Viễn Đông nước ta đã được nhập từ Trung Quốc.
Có tới trên 30 loài cây được dùng để chữa các bệnh mụn nhọt. Như ta thấy hàng loạt cây nêu ra đều có tính chất diệt vi khuẩn. Ông Đỗ Tất Lợi đã dẫn ra các nghiên cứu sinh vật chứng tỏ hoạt tính của một số cây còn được nghiên cứu ít như hoa kim ngân Lonicera japonica Thunb. thuộc họ Cơm cháy (Caprifoliaceae); sài đất Wedelia chinensis Merr. thuộc họ Cúc (Compositae); quả liên kiều Forsythia suspensa Vahl. thuộc họ Nhài (Oleaceae). Trong danh sách có nêu ra cây bạch hoa xà Plumbago zeylanica L. và cây móng tay Lawsonia inermis L. là hai cây chứa naphioquinon. Ở đây có thể kể tới một số cây thuốc chứa tinh dầu như khung Ligusticum sinensis Oliv. và một số cây chứa nhiều tanin như hạ khô thảo Prunella vulgaris L.
Đông y dùng các cây có chứa indigo để chữa bệnh ngoài da (trong thống kê của ông Đỗ Tất Lợi có 5 loài). Những loại khác chưa được kiểm tra tính chất chống vi khuẩn. Có 4 loài họ Bông chắc là người ta dùng tác dụng làm dịu các vết đau của những cây đó. Để làm lành da người ta dùng các đại biểu của họ Thầu dầu (5 loài).
Nhiều cây nói trên cũng được Trung Quốc sử dụng. Cây móng tay được sử dụng rộng rãi trên toàn vùng cận đông để chữa các vết loét và ung nhọt. Ở Liên Xô chỉ có 6 loài trong nhóm đó.
Ông Đỗ Tất Lợi đã tách các cây độc ra một nhóm riêng. Bên cạnh cây sui (Antiaris toxicaria Leschen.) và cây hồi núi (Illicium griffithii Hook et Thoms) còn có 7 cây nhiệt đới ta còn biết ít trong đó có cây thân thảo rất độc thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae) là cây lá ngón Gelsemium elegans Benth.
Các nước nhiệt đới có rất nhiều rắn độc cho nên việc tách thành một nhóm các vị thuốc chữa rắn cắn là hợp lý. Những cây thuốc đó của đông y Việt Nam không phải là ít (cuồng Aralia armata Seem.; ngũ gia bì Schefflera sp. v.v...). Đặc tính của các cây đó được nêu lên ở những nhóm phân loại theo tác dụng trị bệnh.
Trong khi phân tách bảng thống kê của ông Đỗ Tất Lợi, chúng ta chú ý thấy rằng đa số các cây thuốc đều thấy có ở địa phương, chỉ có một số ít loài nhập của Trung Quốc (nhân sâm, đại hoàng v.v...). Rất nhiều cây được trồng ở Việt Nam như cây ăn quả (đu đủ Carica papaya L. ổi, chanh, cam, mơ, mận, lựu v,v...), các cây rau (khoai lang Ipomea batatas Lamk., hành, tỏi, hạt cây cải xanh, cải củ), các cây công nghiệp (bông, gai, cây móng tay), và các cây gia vị. Tất cả những cây đó đều có tác dụng chữa bệnh ở mức độ nhiều hay ít.
Có những cây thuốc di thực từ những nước khác (thầu dầu Ricinus communis L., lô hội, thuốc phiện, Papaver somniferum L., bạc hà châu Âu Mentha piperita L., cây móng tay, canhkina Cinchona succirubra Pavon...).
Nhiều cây thuốc Việt Nam thấy mọc hoang trên lãnh thổ Liên Xô. Đó trước hết là những loại cỏ dại mọc phổ biến như tề thái Capsella bursa pastorius (L.) Medic., ngưu bàng Arctium lappa L., nghể, ké dầu ngựa Xanthium strumarium L.). Có nhiều nhất là những loài trùng với các loài mọc ở Viễn đông và ngoại Baican (đã nêu ra trong quá trình phân tích bản thống kê của ông Đỗ Tất Lợi).
Nếu xét bản thống kê theo quan điểm dần tộc học (tức là xét các nền y học dân tộc của các nước khác cũng dùng những cây thuốc Việt Nam), thấy rằng y học Việt Nam dùng nhiều cây thuốc mà Trung y cũng dùng. Nhiều cây thuốc nhiệt đới cũng được sử dụng cả trong y học Ấn Độ, một số ít hơn được dùng ở y học Ả Rập.
Dù mới chì xem qua bộ sách gồm 6 tập của ông Đỗ Tất Lợi, ta cũng phải thấy các tài liệu mà ông thu thập được rất phong phú, vô cùng bổ ích không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn có tác dụng khích lệ việc nghiên cứu y học phương đông sâu sắc hơn nữa bằng các phương pháp khoa học.
Đáng chú ý là đơn thuốc phức hợp phổ biến rộng rãi không những ở y học Việt Nam mà còn ở các nền đông y khác nữa. Để lấy làm thí dụ chúng tôi nêu ra các bài thuốc chữa gẫy xương mà không cần bó bột (phương pháp điều trị độc đáo của Việt Nam).
Ngoài việc chỉnh đốn tại chỗ nơi gẫy và giữ nơi này bất động người ta còn điều trị tại chỗ và toàn thân. Chỗ gẫy được bôi dịch ngâm trong cồn 70 độ một hỗn hợp của 5 vị thảo mộc (nụ đinh hương Eugenia caryophyllata, hồi hương Eoeniculum vulgare Mill., rễ bạch truật Atractyloides chinensis (DC) Koidz„ ô đầu Aconitum sp., đại hoàng Rheum officinale Baill. v.v... sau đó đắp lên một lớp thuốc sền sệt như cháo dày 2-3mm gồm nước cơm (10 phân), lá cúc tần Pluchea indica Less. (5 phần), lòng trắng trứng (2 phần), bên trên đậy một miếng lá chuối. Đồng thời người bệnh được uống thuốc sắc của 15 vị thuốc: Bổ cốt toái Polypodium fortunei Kuntze, đỗ trọng Eucommia ulmoides, tục đoạn Dipsacus chinensis Bat, sinh địa Rehmannia chinensis Libosch, bạch chỉ Angelica glabra Makino, bạch thược Paeonia albiflora Pall, xích thược Paeonia obovata Maxim, xuyên khung Conioselinum univittatum Turcz, cam thảo Glycyrrhiza L. v.v..
Để chữa bệnh đau thận kinh niên người ta dùng đơn phức hợp bao gồm é Ocimum sanctum L. 80g„ tía tô Perilla frutescens (L.) Breit. (lá), 70g; thân rễ gừng Zingiber officinale Rosc. 12g, quả táo đen Ziziphus jujuba Lam. 12g. Sắc tất cả các vị đó trong 500ml nước và cho thêm khoảng 200g hành củ. Thuốc sắc được dùng trong 2 ngày trong suốt quá trình điều trị phải uống 30 liều như thế.
Đáng chú ý hơn nữa việc nghiên cứu phương pháp chữa bệnh không phải bằng đơn thuốc nhiều vị mà những đơn thuốc chỉ dùng một cây thuốc. Chẳng hạn các thầy thuốc ở khoa thuốc nam bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã sử dụng thành công nước sắc của cỏ cây núc nác Oroxylum indicum Vent. để chữa các bệnh dị ứng.
Bài thuốc đó đã thu thập ở y học dân gian ở một huyện xa xôi của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua khảo sát dược lý tiến hành tại phòng thí nghiêm dược lý và trị liệu thực nghiệm của Viện nghiên cứu các hoạt chất sinh vật thuộc phân viện Viễn đông của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô đã thấy rõ các tính chất đáng chú ý của cây đó, chứng minh tác dụng chống dị ứng của nó. Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ cho đến nay chúng ta chưa có cây đó (có thể đem trồng cây núc nác ở vùng cận nhiệt đới của nước ta). Qua khảo sát kỹ lưỡng vị hoàng cầm Scutellaria baicalensis Georgi. chúng ta thấy nó có thành phần hóa học rất gần với núc nác. Chất Baicalein trong núc nác tương đương với genin của glucozit oroxylin A trong vỏ núc nác, và chất baicalin của núc nác chỉ khác wogoonin của vị hoàng cầm về vị trí của nhóm metoxy. Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng cần nghiên cứu vị hoàng cầm để có thể dùng làm một vị thuốc chữa dị ứng.
Cùng với việc nghiên cứu cây họ thuốc Ngũ gia bì (Araliaceae) ở nước ta (nhân sâm Panax ginseng C. A. Mey; Eleutherococcus senticosus (Rupr. et Maxim.) Maxim., Echinopanax elatum Nakai, Acanthopanax sessilifỉorum (Rupr. et Maxim) Seem; Aralia mandshurica Rupr. et Maxim) cần chú ý những đại biểu Việt Nam của họ đó.
Trong số rất nhiều cây thuộc họ Ngũ gia bì ở Việt Nam, đông y Việt Nam thường dùng hơn cả là cây tam thất Panax Pseudoginseng Wall, cây ngũ gia bì Acanthopanax trifoliatus (L.) Merr., cây cuồng Aralia armata Seem, thông thảo Tetrapanax papyriferus (Hook.) K. Koch, nhiều loại của chi Scheffỉera J. R. et G. Forst. (Gruxvitxki 1967), ở vùng nhệt đới.
Các dạng đó cần phải được trước hết nghiên cứu trên thực nghiệm.
Tại phòng thí nghiệm dược lý và trị liệu thực nghiêm của viện nghiên cứu các hoạt chất sinh vật đã tiến hành một công trình nhỏ theo hướng đó (I.I.Brekhman).
Người ta thấy rằng hoạt tính về mặt tác dụng kích thích (thí nghiệm trên chuột bạch chạy trên dây dài vô hạn cho tới mệt mỏi hoàn toàn của rễ loài Schefflera sp. vào khoảng 225 CED33 (CED là 3 chữ đầu tiếng Nga có nghĩa là đơn vị kích thích), của lá là 118 CED33 tức là vào khoảng 2 lần lớn hơn hoạt tính của Eleutherococcus senticosus (Rupr. et Maxim, một loài thuốc dùng thay thế cho nhân sâm.
So với bất kỳ nền y học cổ truyền nào, y học khoa học thể hiện rất nhiều tính ưu việt.
Nhưng ta không thể không mượn của nền y học cổ truyển vĩ đại của các dân tộc những vị thuốc (đôi khi cả phương pháp chữa bệnh nữa) mà các lương y đã tích lũy kinh nghiệm từ hàng nghìn năm nay.
Tất nhiên trong việc vay mượn đó, giai đoạn đầu tiên phải là giai đoạn nghiên cứu sâu sắc chân chính, khoa học các cây thuốc của y học cổ truyền.
Về mặt này kinh nghiệm của giáo sư Đỗ Tất Lợi rất đáng được học tập và đáng quý.
Cái cầu mà giáo sư Đỗ Tất Lợi đã bắc từ nền y học cổ truyền của nhân dân Việt Nam tới nền y học khoa học hiện đại tất nhiên mới là bước đầu của quá trình làm phong phú ngành dược liệu của chúng ta bằng rất nhiều cây thuốc vô cùng quý giá.

(1) Ở phục lục IV có danh mục các công trình nghiên cứu của ông Lợi.
(2) Theo tài liệu mà I.V.Gruxvitxki thu thập được ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Brekhman I.I. (1963) - Con đường cơ bản và nhiệm vụ nghiền cứu những cây thuốc vùng Viễn đông - Tư liệu để nghiên cứu nhân sâm và những cây thuốc khác - Viễn đông 5 - Vladivốtxtốc (Nga văn).
Brekhman I.I., A. V. Khllmaxépxkula và V.S. Khmaruc (1963) - Vài báo cáo về thuốc đông y chữa ung thư - Tư liệu các hội nghị phòng và chữa bệnh ung thư và điều tra những vị thuốc vùng Viễn đông chữa ung thư - Vlađivốtxtốc (Nga văn).
Dược điển quân đội toàn Nga (1913).
Vũ Văn Chuyên (1964) - Dược thảo chí Việt Nam - Những vấn đề dược liệu - Viện hóa dược học Leningrad.
Hammerman A. F. (1958) - Y học Trung Hoa và Tây Tạng trong những bài Hiện tình triển vọng nghiên cứu những nguồn cây thuốc Liên Xô - Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô M. L. (Nga văn).
Hammerman A. F. và B. V. Xêmitrév (1963) - Từ điển tên cây thuốc dùng ở Tây Tạng bằng tiếng Tây Tạng, Latinh và Nga, Ulan-Udê.
Gruxvitxkii I. V. (1965) - Tam thất Panax paeudoginseng Wall., một cây thuốc đông y quý - Những vấn đề dược liệu 3 - Viện hóa dược học Leningrad.
Gruxvitxkii I. V. (1967) - Điều tra những cây thuốc mới trong họ Ngũ gia bì ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Những vấn đề dược liệu 4 - Viện hóa dược học Leningrad.
Đỗ Tất Lợi (1964) - Vấn đề nghiên cứu để khai thác thuốc ở Việt Nam (Nga văn) - những vấn đề dược liệu 2 - Viện hóa dược học Leningrad.
Ibraghimốv F. I. và V.S. Ibraghimôva (1960) - Vị thuốc chính trong y học Trung Quốc (Trung y) - Nhà xuất bản y học Medghiz.
Nikônốv G. K. - Lâu Chí Sâm - Trị Trình Ze - Lêalìn Thiên - Đun Li Li - Min Li Hô Quan Ken - Lốo Ya Trân (1961) - Tư liệu để nghiên cứu những vị thuốc Trung y dùng chữa cao huyết áp, viêm thận, đái đường và ung thư - Cômg tác dược khoa 2 và 6.
Xêmiakin M. M., A. S. Khôkhlốv (1949) - Hóa học các chất kháng sinh - Nhà xuất bản hóa học M. L.
Bretschneider (1898) - Hystory on European boianical discoveries in China - London.
Chopra N. N„ S. L. Nayar., J. C. Chopra (1956) - Glossary of Indian medicinal plants - New Delhi.
Crevost Ch., A. Petelot (1928, 1935) - Catalogue des produits de l Indochine V-Produits médicinaux, Hanoi P.1, P.2.
Perrot E., P. Hurrier (1907) - Matière médicale et Pharmacopée sino-anamite Rec. des travaux du Labo. de Mat. Med. de la Fac. de Pharm. 4 - Paris.
Pételot A. (1952) - Les plantes médicinales du Cambodge, du Laoos et du Vietnam-Atch. des Rech. agronom. et pastorales au Vietnam - Saigon I.14.
Pételot A. (1953) - Les plantes médicinales du Cambodge, du Laos et du Vietnam-Arch. des Rech. agronom, et pastorales au Vietnam - Saigon 2-18.
Regnault J. (1902) - Médecine et Pharmacie chez les Chinois et chez les Annamite - Paris.
Viện nghiên cứu các hoạt chất sinh vật Viễn đông
Viện hàn lâm khoa học Liên Xô
Viện thực vật V. L. Komarôv - Viện hàn lâm khoa học Liên Xô
Viện hóa dược học Leningrad
Viện hàn lâm lâm nghiệp Leningrad - S. M. Kirốv Bài nhận ngày 10 tháng 8 năm 1966.


VII. NGHIÊN CỨU KHAI THÁC, SỬ DỤNG NHỮNG
CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC VIỆT NAM

Sau khi nắm vững được khả năng và nhu cầu của nước ta về một số cây thuốc và vị thuốc (xem I, II, III của phụ lục này) cùng với việc tiếp tục tiến hành điều tra, chúng tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu để có thể kịp thời khai thác một số cây thuốc và vị thuốc có nhu cầu lớn, có nhiều khả năng về nguyên liệu và điều kiện chế biến, sản xuất. Trong việc lựa chọn những vấn để nghiên cứu để khai thác, chúng tôi dựa vào mấy phương hướng sau:

I. Ưu tiên khai thác trước những chất thuốc đã được thế giới nghiên cứu và sử dụng

Chúng tôi nghiên cứu để đưa vào sản xuất những chất đã được nghiên cứu rồi, nhân dân, thầy thuốc đã quen dùng, nguyên liệu ta sẵn có, điểu kiên trang bị, thiết bị của ta hiện nay có thể sản xuất được nhưng trước đây vì lý do nào đó ta lại chỉ biết xuất nguyên liệu để rồi nhập thành phẩm. Làm được như vậy, chúng ta sẽ thừa kế được những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, rút ngắn được thời gian mò mẫm, tiết kiêm chi phí, nhanh chóng đưa vào phục vụ đúng với tinh thần của cấp trên đề ra. Trong khi thực hiện theo phương hướng này luôn luôn nắm vững kỹ thuật thể hiên trên chất lượng và giá thành của sản phầm.
Ngay từ năm 1948, chúng tôi đã chiết clorophin từ lá tre, lá táo chế thành thuốc mỡ, thuốc tiêm vì clorophin là một chất kháng sinh vào loại hiện đại nhất lúc đó để điều trị những vết loét, vết thương, chống hôi thối. Nguyên liệu ta sẵn có, nhưng bí quyết là sản xuất như thế nào cho sản phẩm có chất lượng đảm bảo, số lượng đủ dùng, giá thành có thể so sánh với giá mua của nước ngoài nếu có.
Cũng năm 1948, chúng tôi đã chiết stricnin một ancaỉoit có tác dụng kích thích thần kinh giúp tiêu hóa từ một loại hạt mã tiền mọc hoang rất nhiều ở vùng núi rừng Việt Bắc. Từ năm 1955, chúng tôi lại còn cải tiến thay dung môi rẻ bằng 1/5 dung môi cũ, cho đến nay vẫn được áp dụng.
Năm 1956, lần dâu tiên ở Việt Nam, chúng tôi đã chế tinh thể tecpin - một vị thuốc chữa ho - từ tinh dầu thông, chấm dứt tình trạng từ lâu ta xuất tinh dầu thông để rồi lại nhập tecpin của nước ngoài.
Cũng trong năm 1956, lần đầu tiên ở vùng Đông Nam Á, chúng tôi đã chiết chất neriolin - một glucozit chữa tim, chỉ mới được thế giới đưa vào sản xuất ít năm gần đây - từ cây trúc đào, một loại cây trước đây nhân dân ta chỉ trồng làm cảnh.
Cũng để tận dụng những nguồn thuốc mới chữa tim mà nguyên liệu ta sẵn có, năm 1958, chúng tôi đã chiết thành công chất thevetin, một glucozit chữa tim khác, từ hạt cây thông thiên trước đây cũng chỉ được trồng làm cảnh.
Năm 1959, trước nhu cầu thuốc có vitamin của Bộ Y tế đề ra, bằng dụng cụ và dung môi đơn giản, rẻ tiền, lân đầu tiên ở Việt Nam chúng tôi đã chiết được từ hoa hòe chất vitamin P (còn gọi là chất rutin, rutozit). Chúng ta biết rằng, chất rutin cũng là một loại thuốc mới được thế giới chú ý ít năm gần đây để làm thuốc chữa bệnh tim mạch, huyết áp. Do công trình nghiên cứu này, nguyên liệu hoa hòe của ta trước đây bị coi là một mặt hàng ứ đọng, ít được chú ý khai thác, đã trở thành một nguyên liệu có giá trị xuất khẩu cao vì hàm lượng rutin gấp 4 đến 5 lần những nguyên liệu khác mà thế giới vẫn sử dụng để chiết rutin.
Tinh dầu là một loại hoạt chất lấy từ các loại cây, đã được nghiên cứu nhiều, tác dụng chữa bệnh không có điều gì phải tranh cãi, cách chiết không đỏi hỏi trang thiết bị phức tạp, vốn đầu tư ít, cho nên ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng tôi cũng đã tiến hành cất và tinh chế tình đầu tràm (khuynh diệp) rồi chế thành thuốc xoa, thuốc tiêm, làm thuốc sát trùng chữa ho, chữa bỏng, đắp vết thương, xoa bóp nơi đau nhức. Và từ năm 1956, đã tiến hành nghiên cứu đặt vấn đề trồng và khai thác tinh dầu bạc hà, một loại tinh dầu có nhu cầu rất lớn ở nước ta, vì trước kia hàng năm ta phải nhập dùng cho nhiều ngành công nghiệp: chế biến dầu cù là, chữa cảm cúm, kem đánh răng, nước uống bạc hà...
Do đó, khi được chính thức giao nhiệm vụ, có thêm người, thêm kinh phí, năm 1977 chúng tôi đã góp phần vào việc tự túc sản xuất được 60 tấn tinh dầu bạc hà và trên 10 tấn mentol tinh thể.
Cũng loại hoạt chất chiết bằng cách cất lần đầu tiên ở nước ta, vào năm 1957, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tận dụng hạt mơ, hạt đào, lá đào để cất nước cất hạt mơ, hạt đào và lá đào dùng thay thế cho nước cất lá anh đào (eau distillé de laurier cerise) trước đây ta phải mua của Pháp để làm thuốc chữa ho, đau bụng.
Chế được những hoạt chất từ những cây thuốc của ta, không những chúng ta làm tăng giá trị nguyên liệu mà lại còn làm tăng nhu cầu, do đó càng thúc đẩy trồng trọt và chăn nuôi những cây thuốc và động vật làm thuốc sớm đi vào công nghiệp hiên đại.

II. Nghiên cứu chế thành dạng tiện dùng, tiện bảo quản, hiệu lực đồng đều đối với những cây thuốc, vị thuốc hoạt chất chưa được rõ, hoặc còn ít được nghiên cứu

Chúng ta biết rằng, ngay ở những nước có nền khoa học hiện đại, không phải người ta chỉ sử dụng cây thuốc để chiết hoạt chất. Đối với nhiều cây thuốc mà hoạt chất chưa rõ ràng như ngải cứu, râu ngô, nhân sâm, người ta cũng vẫn dùng toàn bộ cây thuốc và tìm cách chế thành những dạng thuốc tiện dùng, tiện bảo quản, hiệu lực tương đối đồng đều. Trong lĩnh vực y học cổ truyền dân tộc của ta lại càng có nhiều vị thuốc chưa được nghiên cứu. Việc nghiên cứu tìm hoạt chất và cơ chế không đơn giản và nhanh chóng như một số người nghĩ. Trước nhu cầu to lớn về thuốc men của nhân dân ta, theo phương châm tự lực cánh sinh, kết hợp y học cổ truyền với y học hiên đại, chúng tôi đạt vấn đề nghiên cứu chế thành những dạng thuốc tiện dùng, tiện bảo quản và hiệu lực tương đối đồng đều để sớm đưa vào sử dụng, đồng thời chúng tôi cũng vẫn tiến hành nghiền cứu đi sâu về các mặt khác. Điều quan trọng ở đây là lựa chọn những bệnh phổ biến, những cây thuốc, vị thuốc hiệu quả chắc chắn, nguyên liệu ta có sẵn dồi dào để tiến hành trước.
Thuốc chữa các bệnh của phụ nữ là loại thuốc chúng tôi chú ý đầu tiên (1946).
Thuốc đông y chữa bệnh phụ khoa trước đây hoàn toàn phải nhập từ biệt dược như ái mẫu ninh, ô kê, bạch phượng, ninh khôn hoàn v.v... đến các vị thuốc kê đơn như đương quy, thược dược, xuyên khung, thục địa (hai vị sau, ta mới di thực và tự túc một phần trong mấy năm gần đây). Dựa vào kinh nghiệm nhân dân, vào kinh nghiệm gia đình, đối chiếu với những tài liệu đã nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài chúng tồi đã đưa ra một đơn thuốc gồm các vị thuốc hoàn toàn Việt Nam, trước đây bị xem thường, chế thành dạng thuốc ống để uống, dễ bảo quản, khi dùng có ngay không mất công sắc. Đơn thuốc này đã được công nhận chính thức, hoặc đưa vào sản xuất lớn dưới dạng ống và viên với những tên Cao hương ngải, Cao ích mẫu, Viên ích mẫu v.v...
Cũng từ năm 1946, chúng tôi đã chế cây cỏ sữa nhỏ lá thành thuốc chữa lỵ cho trẻ em dưới dạng thuốc ống để uống. Hiện nay tuy chưa được trồng để sản xuất lớn, cỏ sữa nhỏ lá đã là một vị thuốc được tín nhiệm để chữa lỵ trẻ em. Cùng với những cây thuốc chữa lỵ amip và trực trùng khác (nha đàm tử, viên pama) chế từ những vị thuốc trong nước và có thể sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn, thuốc chữa lỵ từ cây cỏ sữa nhỏ lá đã góp phần nào giải quyết bệnh lỵ là một bệnh phổ biến ở nước ta. Trước đây thuốc chữa bệnh này cũng gần như lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, vì thuốc tây thì chỉ quen với emetin là một ancaloit phải mua của các nước tư bản, cacbason, mixiot, ganidan, cloroxit cũng đều phải mua ở nước ngoài.
Năm 1964, toàn bộ thuốc chữa những trường hợp mầm ngứa, dị ứng cũng chỉ có những thuốc tây phải nhập như pipolphen, thiantan, bimedrol v.v... Chưa nói đến những tác dụng phụ gây khó chịu cho người dùng như buồn ngủ, mệt. Dựa vào kinh nghiệm của nhân dân, có tham khảo các tài liệu nghiên cứu trong nước và nước ngoài, chúng tôí đã đưa vào sản xuất hai loại thuốc K1 và K2 hoàn toàn dùng những cây thuốc có sẵn ở trong nước, đồng thời chứng minh bằng thực nghiêm và lâm sàng một tác dụng mà trước đây, theo chúng tôi được biết, chưa thấy tài liệu nào nói đến. Hiện nay K1 và K2 đã được sản xuất dưới hai dạng thuốc ống để uống và thuốc viên rất tiện dùng và dễ uống; những cây thuốc trước đây chưa được chú ý nay đã được ghi vào danh mục để phát triển.
Cũng theo hướng này, năm 1969, những nhu cầu rất lớn về thuốc chữa bướu cổ ở nước ta, nhờ tham khảo tài liệu, chúng tôi được biết ở Liên Xô đã sử dụng cây ké đầu ngựa (có chứa nhiều iôt) để chữa bướu cổ. Tuy đây là một kinh nghiệm không thấy trong nhân dân ta cũng như trong đông y, nhưng chúng tôì cũng đặt vấn đề tìm thêm một công dụng mới cho một cây có nhiều ở nước ta. Sau khi kiểm tra và định lượng, thấy cây ké đầu ngựa ở nước ta dù mọc ở đồng bằng hay miền núi, đều chứa một lượng iôt khá cao, đủ để chỉ cần sử dụng với 1 đến 2g cây. Chúng tôi đưa vào sử dụng trên lâm sàng thấy kết quả rất tốt. Thế là, chúng ta đã có được một vị thuốc trong nước, mọc nhiều ở miền núi để chữa một bệnh phổ biến. Trước đây, thuốc iôt chữa bướu cổ hoặc phải mua của nước ngoài, hoặc mới đây ta chế được từ một loại rong mơ nhưng vì mọc ở dưới biển nên phải chế biến từ biển rồi vận chuyển lên miền núi, còn đây là một vị thuốc mọc ngay tại địa phương miền núi.
Đối với bệnh huyết áp, lúc đầu dựa theo kinh nghiệm của thế giới, chúng tôi đặt vấn đề di thực cây ba gạc Ấn Độ Rauwoflia serpentina (1958), nhưng sau đó chúng tôi phát hiện thấy cây ba gạc Việt Nam Rauwoflia verticillata trước tiên ở Lào Cai (1959), sau đó ở Cao Bằng, Lạng Sơn và nhiều tỉnh khác. Sau khi so sánh hoạt chất và tác dụng khác, thấy cây ba gạc Việt Nam và cây ba gạc Ấn Độ tương tự nhau, chúng tôi đặt vấn đề chế cây ba gạc Việt Nam dưới dạng cao lỏng và viên ancaloit toàn phần để dùng thay cho ba gạc Ấn Độ. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là vận dụng một kinh nghiệm của nước ngoài vào một cây cùng họ, cùng chi ở nước ta. Trước một nhược điểm của thuốc ba gạc, chúng tôi đặt vấn đề tìm một đơn thuốc hoàn toàn Việt Nam, đã đưa ra đơn thuốc HA1 chế thành dạng thuốc ống để uống dùng hạ huyết áp lại tránh được những tác dụng phụ khó chịu của thuốc ba gạc. Đơn thuốc này hiện nay cũng đã được nhiều nơi đưa vào sản xuất hàng loạt hoặc dùng dưới hình thức kê đơn về sắc thuốc.
Thuốc tẩy giun sán cũng là một nhu cầu lớn đối với nước ta, nhưng hầu hết thuốc giun vẫn phải nhập như xăngtônin, piperazin; một số vị thuốc khác có trong nước như tinh dầu giun, sử quân tử, nhưng hoặc phức tạp trong cách dùng, khó uống hoặc không đủ nhu cầu. Chúng tôi dựa vào kinh nghiệm thu thập được trong nhân dân, kiểm tra lại trong phòng thí nghiệm và trên lâm sàng (trên hơn một vạn người), để dùng vỏ xoan (một nguyên liệu ta có rất sẵn, phần vỏ trước đây hoàn toàn vứt bỏ đi mỗi khi người ta chặt xoan lấy gỗ) để làm thuốc tẩy giun, sán. Kết quả: tỷ lệ ra giun rất cao, ra cả giun đũa lẫn giun kim, không phải dùng thuốc tẩy, còn đính chính được một thành kiến sai lầm cũ cho rằng vỏ xoan rất độc. Thực tế khi dùng đúng liều lượng thì không độc như người ta nghĩ, mà hiệu quả lại cao. Đối với bệnh sán, ngoài những vị thuốc như vỏ lựu, hạt bí ngô, hạt cau quen thuộc, dựa vào kinh nghiệm nước ngoài chúng tôi đã sử dụng có kết quả lông và hạch cây rùm nao Mallotus philippinensis mọc rất phổ biến ở trung du, tăng thêm một vị mới trong danh mục thuốc trị sán ở nước ta.
Cũng nhờ nắm vững được ta có những cây thuốc gì, có nhiều hay ít, đã được nhân dân sử dụng như thế nào, cho nên khi được Bộ y tế đề ra tìm một loại thuốc cho công nhân làm ở những nơi nóng uống (lò đúc gang, lò thủy tinh, lò xi măng v.v..) có khả năng giảm lượng mồ hôi, giảm mệt nhọc, giảm hiện tượng đỉ tiểu ra máu vi lượng rất hại người; sau khi đã nghiên cứu và thí nghiệm trên thực địa, chúng tôi đã đưa vào sử dụng rộng rãi nước quả mơ (trước đây quả mơ chỉ dùng để chế ô mai). Sau công trình nghiên cứu này, một số cơ sở sản xuất đã chế thành nước giải khát phục vụ rộng rãi nhân dân trong mùa hè.
Tóm lại, nhờ theo đúng phương châm: trên cơ sở của khoa học hiện đại, thừa kế và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông, cho nên trong thời gian ngắn chúng tôi đã tìm được hai phương hướng trên và đưa được vào sản xuất một số thuốc chữa một số bệnh phổ biến ở nước ta. Những thuốc đưa ra do có hiệu lực, việc sử dụng lại thuận tiện, đơn giản hơn những cách dùng cũ, đã góp phần làm cho quần chúng càng thêm tin tường vào kinh nghiệm của cha ôngvà nguồn dược liệu phong phú của nước nhà.

III. Vấn đề trồng cây thuốc và nuôi động vật làm thuốc

Chính qua việc nghiên cứu để đặt vấn đề khai thác nguồn dược liệu của nước ta, đối chiếu so sánh với những bước đi của những nước tiên tiến, chúng tôi thắy rằng dù nguồn dự trữ những cây thuốc hay động vật hoang dại dùng làm thuốc có to lớn đến mức độ nào đi nữa, muốn chủ động và bảo đảm nguồn nguyên liệu lâu dài, có chất lượng đồng đều cho nền công nghiệp dược phẩm dựa trên nguồn dược liệu là chính, thì đi đôi với việc tổ chức và hoàn chỉnh mạng lưới thu mua, chế biến đối với những cây thuốc, động vật hoang dại dùng làm thuốc, nhất thiết phải đặt vấn đề trồng cây thuốc và nuôi động vật làm thuốc trên qui mô lớn.
Nhưng ai làm và chọn cây gì, con gì thì còn rất nhiều ý kiến. Qua kinh nghiệm bản thân, chúng tôi nghĩ rằng, người nghiên cứu và đề xuất vấn đề phải có trách nhiệm theo dõi từ khi vấn đề được đưa ra cho đến khi có người tiếp nhận, để có thuốc cho nhân dân dùng. Vì không phải chức năng chính, cho nên khi lựa chọn cây gì, con gì để nghiên cứu đặt vấn đề nuôi hay trồng, chúng tôi thường bắt đầu tiến hành bằng những cây và những động vật làm thuốc có nhu cầu lớn, có thể đảm bảo thành công với điều kiện khí hậu, đất đai nước ta. Trên phương hướng đó, trong hoàn cảnh công tác của chúng tôi, chúng tôi chỉ đóng khung vào một số cây như cây ba gạc Ấn Độ, nhưng sau khi phát hiện được cây ba gạc Việt Nam thì chúng tôi chuyển sang cây sẵn có ở trong nước. Đối với cây bạc hà cũng vậy, khi mới nghiên cứu chúng tôi đặt vấn đề di thực những cây bạc hà từ Pháp, Liên Xô, Đức, Trung Quốc, nhưng sau đó chúng tôi trở lại vấn để tìm phát triển những loại bạc hà mọc hoang có năng suất và chất lượng thích hợp với đòi hỏi của nước ta.
Đới với một số cây vốn không có sẵn ở nước ta, chúng tôi chọn những cây ta cần mà trước đây đã có người tiến hành nghiên cứu rồi, để rút ngắn thời gian mò mẫm, chúng tôi đã chọn để di thực lại cây actisô, một vị thuốc chữa bệnh gan; cây actisô trước đây Pháp cũng đã di thực thành công nhưng qua thời gian kháng chiến đã mất giống. Bây giờ chỉ cần có giống là lại phát triển được và có nguyên liệu chế thuốc ngay. Đối với một cây hoàn toàn mới, chúng tôi chọn cây cam thảo bắc vì có nhu cầu lớn không những trong y dược mà cả trong nhiều ngành công nghiệp khác nữa.
Về đông vật, chúng tôi chọn con tắc kè vì đây là một đặc sản của nước ta, nó có giá trị cao về thuốc và kinh tế, nhất là đối với nước ngoài. Chúng ta có thể dùng tắc kè để đổi lấy những thuốc khác mà chúng ta đang cần.
Năm 1973, theo yêu cầu của Ty y tế Hà Sơn Bình chúng tôi đã cùng phó tiến sĩ sinh học Trần Kiên nghiên cứu thành công vấn đề nuôi rắn độc lấy nọc và thịt chế thuốc chữa đau nhức thấp khớp. Trại nuôi rắn Hà Sơn Bình có thể coi như trại nuôi rắn theo khoa học đầu tiên ở nước ta.
Tuy nhiên, trong vấn đề trồng cây thuốc và nuôi động vật làm thuốc, chúng tôi nghĩ rằng ngoài vấn đề kĩ thuật ra, chúng ta phải xây dựng cho mình, cho thể hệ tương lai một quan điểm mới, một truyền thống đi từ nhỏ đến lớn như thế nào.
Để thay cho phần kết luận, chúng tôi muốn nêu lên ở đây một số suy nghĩ và phương pháp đã dùng trong cả quá trình đi vào nghiên cứu, khai thác nguồn dược liệu phong phú của nước nhà. Đã có người nêu vấn đề với chúng tôi: “Tại sao trong thời đại nguyên tử, trong thời đại mà ngành phẫu thuật đã có những tiến bộ vượt bậc: thay tim, thay một số cơ quan của người, trong thời đại thuốc kháng sinh và thuốc tổng hợp hóa học rất hấp dẫn, mà chúng tôi lại tha thiết quay trở lại với những vị thuốc của nền y học cổ truyền (YHCTDT)? Nếu có gì hay, thuốc nào tốt thì thế giới đã nghiên cứu, khai thác rồi, đâu còn đến lượt chúng ta!”.
Từ khi còn nhỏ, không ít trường hợp bản thân chúng tôi đã được cứu chữa bằng thuốc YHCTDT, và chúng tôi đã được chứng kiến không ít trường hợp người bệnh được chữa khỏi bằng thuốc đông y, hay chỉ bằng một cây thuốc, một bài thuốc đơn giản, gần như không tốn kém. Nhưng đến khi bước vào ngưỡng cửa Trường đại học y dược năm 1939, chúng tôi ngạc nhiên: hầu như không thấy ai nói đến những vị thuốc của nền YHCTDT. Hoặc có nói nhưng bao hàm một tinh thần coi thường, khinh miệt.
Cao trào Cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945) và nhất là Cách mạng Tháng Tám thành công lại càng củng cố lòng tin của chúng tôi đối với truyền thống của cha ông nói chung, truyền thống về kinh nghiệm chữa bệnh nói riêng.
Không được học ở nhà trường, thì cùng với việc đi theo những buổi giảng trên ghế nhà trường đại học, chúng tôi tìm đến nhân dân, đến những người thầy thuốc dân tộc danh tiếng, đến những người bệnh đã được cứu khỏi bằng thuốc đông y sau khi đã chạy chữa ở nhiều nơi; và xin làm học trò của một ông lang quê nhà, người đã có dịp cứu chữa bệnh cho tôi mà rất nhiều người ở Hà Nội đã tìm đến. Chúng tôi tìm đọc các sách báo nói đến nền YHCTDT này, và tò mò theo dõi một số ít những công trình của một số ít nhà nghiên cứu Pháp tiến hành để lợi dụng nguồn tài nguyên phong phú của đất nước ta.
Lẽ dĩ nhiên, với những kiến thức của khoa học hiên đại được hấp thụ trên ghế nhà trường đại học thời thuộc Pháp, chúng tôi không hiểu hay hiểu rất ít và không hài lòng với những cách giải thích của những thầy thuốc đông y hoặc được nêu trên các sách báo đông y. Nhưng chúng tôi cũng không có lập luận nào vững để bác được những kết quả chữa khỏi bệnh đã chứng kiến. Tìm những cách giải thích của những công trình nghiên cứu theo khoa học hiện đại cũng không được và không có. Chúng tôi cũng không thấy có thầy để xin học, xin làm. Chúng tôi cũng chưa có dịp ra nước ngoài để xem ở những nước tiên tiến người ta tiếp thu những kinh nghiệm cổ truyền như thế nào. Đến 1956, chúng tôi mới có dịp tiếp xúc làm viêc và học cách làm của một số chuyên gia Liên Xô (1956), Rumani và Đức công tác ngay nơi chúng tôi làm việc hay ở cơ quan bạn. Năm 1958, chúng tôi mới có dịp tham quan Liên Xô trong hai tháng và cuối 1966 tham quan một số cơ sở y dược ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong 4 tuần. Cho nên không còn con đường nào khác ngoài con đường vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Làm rồi lại đọc tài liệu, đọc rồi lại làm. Có những tài liệu, kể cả những tài liệu đông y rất khó hiểu, chúng tồi đã đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn thây nhiều điều mới mè. Chúng tôi bắt đầu bằng một số việc mà chúng tồi cho là dễ vì phương pháp đã có, nguyên liệu có, nhu cầu có, có người đã làm rồi nhưng ở nước ta chưa thấy làm. Dần dần chúng tôi mới tiến hành đến những đề tài mà phương pháp có, nhưng nguyên liệu, mục đích mới, cuối cùng mới đến những đề tài mà phương pháp đến đối tượng nghiên cứu đều mới. Vì đã biết cái khổ của những người thiếu tài liệu tham khảo cho nên sưu tầm được điều gì hay, đọc được tài liệu nào mới (cổ cũng như hiên đại), tiến hành được những thí nghiêm nào do bản thân làm hay do hướng dẫn người khác cùng làm, chúng tôi đều sắp xếp lại cho có hê thống, viết thành tài liệu. Dần dần tập hợp và đúc kết lại thành hai bộ sách: '"Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam”, "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” và những công trình đã công bố.
Trong việc lựa chọn những vấn đề để nghiên cứu, bao giờ chúng tôi cũng xuất phát trước tiên từ nhu cầu thuốc chữa bệnh trong nước, khả năng thiết bị, nguyên liệu ta đều có. Nếu đã có người ở nước khác đã làm rồi nhưng chưa được áp dụng ở nước ta càng tốt. Ta phải thừa kế kinh nghiệm các cha ông ta, mà phải thừa kế cả những kinh nghiệm các nhà khoa học của thế giới.
Nhưng dù sao những việc chúng tôi đã làm trong thời gian vừa qua cũng chỉ là những luống đất mới cầy vỡ trên một mảnh đất còn hoàn toàn hoang dại. Công việc đỏi hòi tài sức của nhiều người, nhiều tổ chức cùng chung lưng vào làm thì mới mong xây dựng cho đất nước ta một truyền thống mới: truyén thống xây dựng trên quy mô lớn trên cơ sở của khoa học hiện đại, nguồn dược liệu phong phú của nước ta, góp phần thực hiện phương châm “tự lực cánh sinh’ và phương châm “kết hợp YHCTDT với y học khoa học hiện đại” để xây dựng cho dược một nền y học Việt Nam đánh dấu một thời đại vĩ đại của dân tộc ta.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Chay

Còn gọi là Cây Chay. Tên khoa học Artocarpus tonkinensis A. Chev. Thuộc họ Dâu tằm Moraceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Diếp Cá

Còn có tên là cây lá giấp , ngư tinh thảo . Tên khoa học Houttuynia cordata Thunb. Thuộc họ Lá giấp Saururaceae. A. Mô tả cây. Cây diếp cấ là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá, hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8. (Hình dưới).

Chữa Cảm Sốt - Cỏ Mần Trầu

Còn gọi là ngưu cân thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, cỏ dáng, cỏ bắc, cheung kras (Campuchia), mia pak kouay (Lào). Tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.) Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - DIẾP CÁ

Còn gọi là Dấp cá, rau Dấp, cây lá Giếp (Houttuynia cordata Thunb) thuộc họ lá Giấp (Saururaceae). Mô tả: Cây thảo cạo 20-40cm, Thân màu lục troặc tím đỏ. Lá mọc sọ le, hình tim, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu trắng, gồm nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Hạt hình trái xoan nhẵn. Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Vối

Tên khoa học Cleistocalyx operculatus (Roxb). Merr et Perry (Eugenia operculata Roxb., Syzygium nervosum DC.). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Đơn Tướng Quân

Tên khoa học Syzygium formosum var , ternifolium (Roxb) Merr. et Perry (Eugenia ternifolia Roxb., Eugenia formosa var. ternifolia (Roxb) Duth). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Hoa Cứt Lợn

Còn có tên là cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, cỏ hôi. Tên khoa học Ageratum conyzoides L. Thuộc họ Cúc Asteraceae(Compositae). A. Mô tả cây Cây hoa cứt lợn là một cây nhỏ, mọc hàng năm, thân có nhiều lông nhỏ mềm, cao chừng 25-50cm, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Lá mọc đối hình trứng hay 3 cạnh, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mật dưới của lá nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu tím, xanh. Quả bế màu đen, có 5 sống dọc (Hình dưới).

Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Phèn Đen

Còn gọi là nỗ. Tên khoa học Phyllanthus reticulatus Poir. Thuộc họ Thầu dầu Euphorhiaceae.

Chữa bệnh Tim - Vạn Niên Thanh

Còn gọi là thiên niên vận, đông bất điêu thảo, cửu tiết liên. Tên khoa học Rhodea japonica Roth. Thuộc họ Hành Alliaceae. Cần chú ý ngay rằng tên vạn niên thanh ở nước ta thường dùng để gọi nhiều cây khác nhau. Cây vạn niên thanh ta trồng làm cảnh là cây Aglaonema siamense Engl, thuộc họ Ráy Araceae. Còn cây vạn niên thanh giới thiệu ở đây thuộc họ Hành tỏi, hiện chúng tôi chưa thấy trồng ở nước ta, nhưng giới thiệu ở đây để tránh nhầm lẫn.

TOA THUỐC ĐÔNG Y CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG

CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG 18 Bài thuốc Năm 1951 ở chiến khu Ð (Nam Bộ) có nhiều cán bộ và chiến sĩ đau dạ dày, chúng tôi phải tốn tiền nhiều để mua biệt dược ở Thành nhưng nào có giải quyết gì được. Tôi không thỏa mãn với cách giải quyết tận gốc bệnh được vì nghĩ rằng ở địa phương có một số nguyên liệu như kaolin chẳng hạn. Tôi khởi sự điều tra trong cơ quan và bộ đội, nguyên nhân nào làm cho đau dạ dày, có khi loét nữa. Kết quả điều tra là trong bộ đội có nhiều người đau hơn cơ quan, ở cơ quan thì nam giới đau nhiều hơn nữ giới. Lý do là vì công tác cho nên bộ đội phải ăn gấp, ăn nhanh hơn ở cơ quan. Ở cơ quan thì “nam thực như hổ, nữ thực như miêu” cho nên nam đau nhiều hơn nữ. Khi ta ăn nhanh thì không có thời giờ để cho nước miếng thấm vào thức ăn cho nên xuống dạ dày thì cơ thể phải tiết acide ra nhiều mới thủy phân được.