Chuyển đến nội dung chính

DÀNH DÀNH (GARDENIA) - Cây hoa đẹp, vị thuốc quý

Dành dành, tên gọi không mấy mỹ miều cho một loài hoa hương sắc rất được ưa chuộng tại Hoa Kỳ: Gardenia. Các nhà buôn bán Hoa tại Mỹ đã xem Gardenia như một cây hoa không thể thiếu trong những bó hoa, tràng hoa trưng bày, hay gắn riêng lẻ trên áo. 
DÀNH DÀNH (GARDENIA) - Cây hoa đẹp, vị thuốc quý
Trong số khoảng gần 200 loài trong chủng Gardenia, vốn có nguồn gốc tại những vùng bán nhiệt đới ở Á châu và Phi châu, chỉ có Gardenia jasmi noides hay Cape jasmine, là được trồng phổ biến tại Mỹ. 

Cape jasmine đến với nước Anh vào năm 1750, nhưng không mấy thích hợp với phong thổ; và mãi đến 1757, nhà trồng hoa James Gordon mới tìm ra phương thức trồng và gây giống cây này. Tên jasmine do từ bức tranh vẽ của George Ehret, vì không rõ 'lý lịch' của cây hoa, đã ghi tên bức tranh là jasminium, kèm theo một dấu hỏi.. vì hoa có vẻ rất giống với hoa nhài! 

Tên Gardenia để ghi nhớ vị Bác sĩ kiêm Thiên nhiên học Alexander Garden (1730-1791) tại South Carolina (bạn thư tín của Linnaeus).

Dành dành, ngoài tên Gardenia jasminoides, còn có những tên đồng nghĩa như Gardenia florida; Gardenia augusta.. thuộc họ thực vật Rubiaceae. 

Tại Trung Hoa, Dành dành cung cấp vị thuốc Chi tử (Zhi-zi), là quả của cây phơi khô. Chi tử được ghi nhận trong Thần Nông Bản Thảo, xếp vào hạng thuốc trung đẳng. Danh Y Trương trọng Cảnh đã ghi chép nhiều về các đặc tính trị các bệnh liên hệ đến Tỳ của Chi tử trong các sách Thương Hàn luận (Shang Han Lun) và Kim Quỹ Yếu lược (Chin Kuei Yao Lueh).

Ðặc tính thực vật: 

Dành dành thuộc loại tiểu mộc, thân nhẵn cao 0.5-2 m, cành mềm, nhỏ hình trụ màu xám tro. Lá dày, mọc đối, hay tạo vòng gồm 3 lá, hình thuôn dạng trái xoan, có khi bầu dục dài, có mũi nhọn tại đỉnh, cỡ 5-14 cm x 2-7 cm, màu nâu đen bóng ở mặt trên, nhạt hơn ở mặt dưới. Phiến lá nguyên gân lá hình lông chim, nổi rõ. Hoa mọc đơn độc ở đầu cành hay nơi nách lá, màu trắng rất thơm; Ðài hoa có 5 răng dài. Quả thuôn hình chén, màu vàng, có đài hoa còn lại ở đỉnh, lớn cỡ 2.5-4.5 cm x 1.5-2 cm, có 6-7 cạnh, 2-5 ngăn, khi chín có màu vàng đỏ. Hạt rất nhiều, dẹp. Cây ra hoa vào tháng 4-11 và cho quả từ tháng 5-12. 

Dành dành mọc hoang tại các vùng núi thấp, rừng thưa, ven suối trong các vùng Trung và Nam Trung Hoa như Giang Tây, Phúc kiến, Hồ Bắc, Hồ Nam, Tây Xuyên và Quế châu. Cây cũng mọc khá phổ biến tại Nam Việt Nam, Nhật, Ðài Loan và thường được trồng làm cây cảnh.

Tại Hoa Kỳ, Dành dành được trồng trong nhà kiếng tại những vùng khí hậu khắc nghiệt (cây không chịu nổi nhiệt độ lạnh dưới 20 độ F), và trồng làm hoa cảnh nơi vùng khí hậu ôn hoà. Một số loài được ưa chuộng như: 

- August Beauty: cao 1-2 m, rất nhiều hoa, nở vào những tháng 5-10 hay 11; hoa kép, rất lớn. 

- First Love (Aimée): Bụi to hơn August Beauty, hoa cũng to hơn. 

- Golden Magic: cao đến 1 m, lan rộng 0.6 m sau 2-3 năm. Hoa khi bắt đầu nở màu trắng, sau đổi dần thành vàng đậm, nở trong những tháng 4-9, cao điểm vào tháng 5. 

- Kimura Shikazaki (Tứ Quý): mọc thành bụi rậm, cao 0.6-1 m, rất giống loài Veichii, kém thơm hơn. Mùa nở hoa kéo dài, từ xuân sang đến hết thu. 

- Mystery: đây là loài phổ biến nhất, hoa trắng kép lớn đến10-12 cm, nở từ tháng 5-7, có khuynh hướng mọc lan, tại vùng Tây Nam Hoa Kỳ, khí hậu ấm hoa nở đến tháng 11. Cây cao đến 2-3 m.

- Radicans: Cao 2-4 m, lá nhỏ màu xâm, hoa nở vào mùa hè lớn cỡ 2.5 cm. Loài Radicans Variegata có lá xanh-xám, chấm trắng.

- Veichii: Bụi rậm, hoa nhiều, nở trong tháng 5-11, có khi cả trong mùa đông nếu đủ ấm.
DÀNH DÀNH (GARDENIA) - Cây hoa đẹp, vị thuốc quý

Thành phần hóa học:

* Quả chứa:

- Những glycosides loại iridoid như Geniposid, Gardenosid, Deacety lasperulosidic methyl ester, Scandoside Methyl ester.

- Carotenoids như Crocin-l, n-crocetin.

- Các chất phức tạp khác như Shanzhisid, Gardosid, Geniposidic acid, Gardenin, Ngoài ra còn có nonacosane, beta-sitosterol, D- mamnitol, Chất béo, Tanin, Pectin.

- Những terpenoids như Gardenate, 2-hydroxyethyl gardenamide A, Jasminoside F

* Lá chứa một hỗn hợp có tác dụng trị nấm.

* Hoa chứa nhiều hợp chất phức tạp trong đó có acid gardenic, acid gardenolic B, tinh dầu dễ bốc hơi (0.07%).

Dành dành trong Đông Y cồ truyền:

Đông Y cổ truyền dùng quả dành dành làm thuốc dưới tên Chi tử (zhi zi); hoặc Sơn chỉ (Shan zhi) Nhật dược gọi là sanshishi (Triều tiên là ch’i cha). Vị thuốc được thu hoạch trong những tháng 9 đến 11 khi quả chuyển sang màu vàng đỏ, sau đó phơi dưới nắng hay sấy ở nhiệt độ thấp. Vị thuốc có thể được chế biến tùy theo nhu cầu điều trị: có khi dùng quả tươi; có khi quả chín được trần khoảng 30 phút, đun sôi trong một thời gian ngắn trước khi phơi khô, sau đó được cắt đôi, bỏ hạt. Quả có thể được rang nhỏ lửa đến khi có màu vàng kim loại. Vị thuốc 'Sao Chỉ tử' (Chao zhi zi) là quả được sao đến khi vỏ ngoài cháy thành than.

Chi tử được xem là có vị đắng, tính hàn; tác động vào càc kinh mạch thuộc Tâm, Can, Phế, Vị và Tam Tiêu.

Chi tử có những đặc tính:

- Thanh nhiệt và giải độc: dùng trong các chứng bệnh do Nhiệt như sốt nóng, người bức rức, không yên, kèm theo cảm giác tức ngực, khó ngủ: dùng chung với Giá đậu nành (dan dou chi=Semen Sojae Preaparatum).

- Giải Nhiệt-Thấp: dùng cho các trường hợp đau khi đi tiểu do Nhiệt-Thấp tại Tam tiêu; Nhiệt thấp tại Gan và Túi mật (trung tiêu) gây hoàng đản; Nhiệt thấp tại Túi mật và kinh mạch Tam tiêu nơi mặt ảnh hưởng đến mũi và mắt gây đau miệng hay vùng mặt. Dùng chung với Hoạt thạch (bột Talc) để trị đau và nóng khi đi tiểu; dùng chung với Nhân trần Trung Hoa (Yin chen hao= Artemisia capillaris) và Đại hoàng để trị Hoàng đản.

- Lương huyết và Chỉ huyết: Để trị Nhiệt tại Huyết với các triệu chứng như chảy máu mũi, có màu khi ói, phân hay nước tiểu có máu. Trong các trường hợp này Chi tử thường được sao bán phần và dùng chung với Trắc Bá diệp, Sinh địa (khi ói ra máu, chảy máu cam) hoặc với Cỏ cú (Bạch mao căn) (khi có máu trong nước tiểu).

- Trung Y hiên đại dùng quả dành dành trong những toa thuốc trị hoàng đản, nóng sốt cao, mất ngủ và ói ra máu. Vị thuốc được chính thức ghi trong Dược Điển của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.

Dành dành trong Dược học dân gian:

- Tại Ấn độ: Dành dành được gọi là Gandharaj. Toàn cây được dùng để trị giun sán, chống co-giật, gây nôn mửa, dùng ngoài để sát trùng; Rể dùng trị các bệnh thần kinh và khó tiêu hóa.

- Tại Trung Hoa: Quả dùng chống sưng, trị sốt, cầm máu. Quả nhỏ (Sơn chỉ tử) trị bệnh phổi, sốt. Quả lớn thường dùng ngoài, đắp trỉ sưng, bị thương, phỏng, chó cắn. Rễ làm thuốc sắc trị đau lợi, sưng răng, kiết ly, ho ra máu.

- Tại Việt Nam: Quả dùng nhuộm màu vàng. Trong Nam Dược Thần Hiệu, Danh Y Tuệ Tĩnh dùng dành dành sao chung với hoa hòe sao và sẵn dây để chữa thổ huyết. Hoa dùng làm thuốc trị sưng mắt. Vỏ cây dùng làm thuốc bổ, chữa sốt rét, kiết

Những nghiên cứu mới về Dành dành:

Tác dụng trên Sự biến dưỡng Mật:

Nước chế phẩm Chi-tử khi cho thỏ thử nghiệm uống: không có ảnh hưởng trên thành phần của mật, nhưng khi chích tĩnh mạch lại tạo ra sự gia tăng bài tiết mật kéo dài đến 60 phút. Trong các thử nghiệm nơi người có sự gia tăng rõ rệt về co thắt túi mật xẩy ra sau uống chế phẩm 20 đến 40 phút. Khi cho thỏ, đã bị cột ống dẫn mật, uống nước trích: nồng độ bilirubin trong màu giảm hạ, sự sụt giảm này tùy thuộc vào liều sử dụng. Dịch trích bằng nước có tác dụng mạnh hơn dịch trích bằng alcohol. Dịch chiết Gardenoside, khi chích cho thỏ, tạo sự gia tăng mức bilirubin, sau 2 giờ, so với nhóm đối chứng, mức bilirubin giảm nhẹ sau 6 giờ, và giảm rõ rệt sau 24 giờ. Khi chích cho thỏ, đã bị cột ống dẫn mật, dịch trích bằng alcohol, mức bilirubin sụt giảm sau 24 giờ. (Comparative Medicine East and West Số 5-1977).

Tác dụng trên Hệ Thần kinh Trung ương:

Khi chích dưới da (SC) cho chuột, một dung dịch trích Chi tử: các nhà nghiên cứu ghi nhận một sự sụt giảm các hoạt động của hệ thần kinh tự trị, mắt nhắm, thư giãn bắp thịt. Tuy nước trích Chi tử không thể trung hòa tác động của strychnin, nhưng các thú vật thử nghiệm cho dùng Chi tử giảm được tỷ lệ tử vong so với nhóm đối chứng.

Tác dụng trên Hệ Tim- Mạch:

Nước sắc quả dành dành, khi cho uống hay chích qua màng phúc toan nơi thỏ, mèo và chuột, đều có tác dụng làm hạ huyết áp, tác dụng này kéo dài khá lâu. (Am. Journal of Chinese Medicine Số 4-1976; Số 5-1977)

Tác dụng kháng sinh:

Nước sắc quả dành dành có tác dụng ức chế 'in vitro' trên nhiệu loại nấm gây bệnh nhóm tinea, làm ngưng hoạt động của ký sinh trùng schis tosoma (in vitro), tuy nhiên tác dụng kháng khuẩn không thấy xẩy ra khi thử trên các vi khuẩn khác.

Tác dụng trong các trường hợp chấn thương:

Quả dành dành giã nát, nhào với nước và alcol, làm thành một khối nhão đã được thử nghiệm dùng đắp lên các vết chấn thương; khối đắp được thay đổi mỗi 3-5 ngày, và trong trường hợp sưng nhiều thì được thay cách nhật; Trong 407 trường hợp điều trị, 328 trường hợp hết đau sau 24 giờ đắp thuốc, 66 trường hợp hết đau trong vòng 48 giờ, 13 trong vòng 72 giờ. Thời gian trung bình hết đau là 30 giờ, giảm sưng là 2 ngày rưỡi và phục hồi hoạt động là 5.1 ngày.

Khả năng Chống Oxy-hóa:

Crocin, một chất carotenoid tan trong nước, là một chất ly trích được từ quả dành dành và nhụy hoa cây saffron. Crocin được ly trích từ quả dành dành bằng dung dịch aceton 50% sau đó tinh khiết hóa bằng trao đổi qua cột ions. Crocin tỉnh khiết (>99.6%) có hoạt tính kháng oxy hóa ở nồng độ tương đối thấp 40 ppm (Journal of Agriculture Food Chemistry Số 48-2000)

Chất màu trong Dành dành:

Ngoài phương diện sử dụng làm thuốc, quả dành dành còn được dùng làm phẩm màu tự nhiên dùng trong thực phẩm: Màu vàng Gardenia là chất phẩm trích từ quả dành dành bằng alcohol: Chất phẩm này chứa crocetin, gentiobiose, geniposid và genipin (do thủy giải geniposid). Nghiên cứu tại Đại học Y Khoa Osaka City (Nhật) ghi nhận chất phẩm này có thể gây độc hại về mặt di thể (genotoxic) do ở hoạt tính của genipin (Food Chemistry Toxicology Số 40-2002).

Geniposide, vốn không có màu, có thể được thủy giải bằng beta-glucosidase để cho Genipin, genipin khi phản ứng với các aminoacid (glycine,Iysin, phenylalanin) sẽ cho một sắc tố màu lam, bền duới nhiệt, ánh sáng, và pH, có thể dùng làm phẩm màu cho thực phẩm (Journal of Agricultural Food Chemistry Số 49-2001). Các vi-khuẩn có trong miệng Actinomyces naeslundii và Actinomyces viscosus (là những tác nhân đóng góp vào việc kích khởi và gây ra sâu răng nơi người) có chứa beta-glucosidase nên tạo ra một phản ứng với các hợp chất trong quả dành dành để cho một màu xanh trong nước bọt... (phản ứng này đang được nghiên cứu để ứng dung tạo một thuốc thử tìm các loại vi khuẩn có thể gây sâu răng..)

Hoạt tính hạ đường trong máu:

Trong số 4 hoạt chất loại glycosides iridoidal ly trích được từ lá dành dành: deacetylasperulosidic acid methyl ester (DE), scandoside methyl ester (SC), geniposide và gardenoside, chỉ riêng DE có khả năng làm hạ đường trong máu nơi chuột bình thường; các chất kia hầu như không tác dụng đưa đến giả thuyết cho rằng vị trí của nhóm hydroxy rất cần thiết cho hoạt tính hạ đường huyết.

Tài liệu sử dụng:

- Herbal Emissaries (Steven Foster).

- Western Garden Book (Sunset).

- Chinese Herbal Medicine Materia Medica (Bensky).

- Từ Điển Cây thuốc Việt Nam (Võ văn Chi).

- Medicinal Plants of China (J Duke & Ed Ayensu).

- Medicinal Plants of India (SK Jain).

Bài viết trích từ nguồn: Tự Điển Thảo Mộc Dược Học - DS. Trần Việt Hưng



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Chay

Còn gọi là Cây Chay. Tên khoa học Artocarpus tonkinensis A. Chev. Thuộc họ Dâu tằm Moraceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Diếp Cá

Còn có tên là cây lá giấp , ngư tinh thảo . Tên khoa học Houttuynia cordata Thunb. Thuộc họ Lá giấp Saururaceae. A. Mô tả cây. Cây diếp cấ là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá, hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8. (Hình dưới).

Chữa Cảm Sốt - Cỏ Mần Trầu

Còn gọi là ngưu cân thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, cỏ dáng, cỏ bắc, cheung kras (Campuchia), mia pak kouay (Lào). Tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.) Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - DIẾP CÁ

Còn gọi là Dấp cá, rau Dấp, cây lá Giếp (Houttuynia cordata Thunb) thuộc họ lá Giấp (Saururaceae). Mô tả: Cây thảo cạo 20-40cm, Thân màu lục troặc tím đỏ. Lá mọc sọ le, hình tim, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu trắng, gồm nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Hạt hình trái xoan nhẵn. Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Vối

Tên khoa học Cleistocalyx operculatus (Roxb). Merr et Perry (Eugenia operculata Roxb., Syzygium nervosum DC.). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Đơn Tướng Quân

Tên khoa học Syzygium formosum var , ternifolium (Roxb) Merr. et Perry (Eugenia ternifolia Roxb., Eugenia formosa var. ternifolia (Roxb) Duth). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Hoa Cứt Lợn

Còn có tên là cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, cỏ hôi. Tên khoa học Ageratum conyzoides L. Thuộc họ Cúc Asteraceae(Compositae). A. Mô tả cây Cây hoa cứt lợn là một cây nhỏ, mọc hàng năm, thân có nhiều lông nhỏ mềm, cao chừng 25-50cm, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Lá mọc đối hình trứng hay 3 cạnh, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mật dưới của lá nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu tím, xanh. Quả bế màu đen, có 5 sống dọc (Hình dưới).

Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Phèn Đen

Còn gọi là nỗ. Tên khoa học Phyllanthus reticulatus Poir. Thuộc họ Thầu dầu Euphorhiaceae.

Chữa bệnh Tim - Vạn Niên Thanh

Còn gọi là thiên niên vận, đông bất điêu thảo, cửu tiết liên. Tên khoa học Rhodea japonica Roth. Thuộc họ Hành Alliaceae. Cần chú ý ngay rằng tên vạn niên thanh ở nước ta thường dùng để gọi nhiều cây khác nhau. Cây vạn niên thanh ta trồng làm cảnh là cây Aglaonema siamense Engl, thuộc họ Ráy Araceae. Còn cây vạn niên thanh giới thiệu ở đây thuộc họ Hành tỏi, hiện chúng tôi chưa thấy trồng ở nước ta, nhưng giới thiệu ở đây để tránh nhầm lẫn.

TOA THUỐC ĐÔNG Y CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG

CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG 18 Bài thuốc Năm 1951 ở chiến khu Ð (Nam Bộ) có nhiều cán bộ và chiến sĩ đau dạ dày, chúng tôi phải tốn tiền nhiều để mua biệt dược ở Thành nhưng nào có giải quyết gì được. Tôi không thỏa mãn với cách giải quyết tận gốc bệnh được vì nghĩ rằng ở địa phương có một số nguyên liệu như kaolin chẳng hạn. Tôi khởi sự điều tra trong cơ quan và bộ đội, nguyên nhân nào làm cho đau dạ dày, có khi loét nữa. Kết quả điều tra là trong bộ đội có nhiều người đau hơn cơ quan, ở cơ quan thì nam giới đau nhiều hơn nữ giới. Lý do là vì công tác cho nên bộ đội phải ăn gấp, ăn nhanh hơn ở cơ quan. Ở cơ quan thì “nam thực như hổ, nữ thực như miêu” cho nên nam đau nhiều hơn nữ. Khi ta ăn nhanh thì không có thời giờ để cho nước miếng thấm vào thức ăn cho nên xuống dạ dày thì cơ thể phải tiết acide ra nhiều mới thủy phân được.