Hoa Sứ hay gọi đúng hơn là Sứ cùi, tại miền Nam Việt Nam; còn được gọi là hoa Đại tại miền Bắc. (Cây Ngọc Lan, Michelia champaca cũng được gọi là hoa Sứ!). Hoa Sứ có mùi thơm dễ chịu đã là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ và thi sĩ, thường gợi nhớ cho những mối tình đẹp nhưng dang dở?
Nhạc sĩ Hoàng Phương, trong bài ‘Hoa Sứ Nhà Nàng’ đã viết:
‘Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng
Hương nồng hoa tình ái, đậm đà đây đó gọi tên
Nhà nàng cách gần bên, giàn hoa sứ quanh tường
Nhìn sang trộm nhớ thương thầm, mơ ngày mai lứa đôi..’
Và thi sĩ Cao Nguyên, trong bài ‘Hoa Sứ Trắng’:
‘Hoa sứ trắng nụ xòe vời năm cánh
năm ngón tay em chụm mở hoa lòng..’
hay tha thiết hơn:
‘Gọi tình lên bằng màu hoa sứ trắng
môi yêu thơm dịu nhẹ giữa đêm nồng..’
Hoa sứ, Plumeria (còn gọi là Frangipani), thuộc họ thực vật Apocynaceae có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Tông Plumeria gồm 7 loài, cho hoa có mùi thơm ngọt ngào, khó quên. Hoa sứ được Phật giáo xem là biểu tượng cho Vĩnh cửu vì cành cây, dù cho đã bị cắt, vẫn tiếp tục trổ hoa.
Trong chuyến hải hành nổi tiếng của Columbus vào năm 1492, nhà thực vật Mercutio Frangipani là người Âu châu đầu tiên đã ghi nhận được mùi thơm đặc biệt của hoa Sứ, và sau đó người Y đã trích được hương liệu từ hoa Sứ để đặt tên là ‘mùi hương Frangipani’, giống như mùi hoa nhài.
Plumeria là một loài cây nhiệt đới, có những giống cho hoa có màu sắc khác nhau:
- Plumeria obtusifolia (= P. acuminata) = Cây sứ hoa trắng. Singapore plumeria
Cây có nguồn gốc từ Mexico được trồng rộng rãi tại các nước nhiệt đới. Tại Việt Nam, cây được trồng phổ biến ở các đình, chùa và công viên.
Cây thuộc loại thân mộc, trung bình 2-3 m nhưng có thể cao đến 7m, phân cành dài, cành cong queo, xù xì. Thân có vỏ màu trắng-xám, xốp. Lá thuôn dài15cm, rộng 5cm, phần giữa rộng và thu hẹp ở cả hai đầu. Phiến lá màu xanh bóng, nhắn có các gân hình lông chim nổi rõ, màu trắng. Lá xếp sát nhau thành vòng nơi ngọn cành, khi rụng để lại những sẹo lớn trên cành. Hoa lớn chừng 5cm, mọc thành cụm trên một cuống chung. Cuống hoa mập, dài 30-50cm, có nhiều vết sẹo do hoa rụng đi. Cánh hoa dầy, xếp vặn (khi chưa nở), màu trắng ở giữa màu vàng. Quả loại đại dài 10-15cm, ít gặp, chứa hạt có cánh mỏng. Hoa có mùi thơm, nở quanh năm.
Chủng trồng P. acuminata var. tricolor cho hoa màu trắng, mép màu hồng và trung tâm màu vàng.
- Plumeria rubra = Cây sứ hoa đỏ (West Indian Red Jasmine)
Cũng có nguồn gốc từ Mexico, Guyana.
Cây thấp hơn Sứ hoa trắng, cành chia nhánh nhiều, mọc xòe thành các tầng thấp. Lá thuôn dài khoảng 20-40cm, nhọn ở đỉnh; Lá màu xanh bóng, xếp sát nhau ở đầu cành, rụng vào mùa khô. Hoa lớn chừng 5-7cm, mọc thành cụm ở đầu cành trên một cuống chung, dài. Cánh hoa màu đỏ khá dầy. Một số chủng được thuần hóa để trồng được tại Nam California.
- Plumetria hypoleuca = Cây sứ hoa vàng
Tương tự như cây sứ hoa trắng, nhưng hoa có cánh màu vàng đậm
Thành phần hóa học:
Hoa chứa
- Tinh dầu dễ bốc hơi (chừng 0.05 %) trong có citronellol, farnesol, geraniol, l-(+) bornesitol, linalol, phenyl-ethyl alcohol.
- Các flavonoids như kaempferol, kaempferol-glycoside, quercetin, quercetin-glycoside.., quercitrin, rutin..
Vỏ thân có beta-sitosterol, các iridoids như fulvoplumierin (0.25%), al lamcin và allamandin; plumieride (6%); p-benzoquinone..; lignan loại liriodendrin..
Rễ chứa beta-dihydroplumericic acid, beta-dihydroplumericine, isoplume ricine, plumericine.
Nhựa chứa acetyl-luoeol, alpha và beta-amyrin, cerotic acid, lupeol, lupe ol-acetate, oxymethyl-dioxycinnamic acid, plumieric acid..
Lá chứa khoảng 5.6 % pectin
Tác dụng dược học:
Hoạt tính diệt bào:
Nghiên cứu tại trường Dược, ĐH Illinois (Chicago), USA ghi nhận các iridoids trích bằng petroleum-ether và chloroform, từ vỏ cây Sứ hoa đỏ (Plumeria rubra), thu hoạch tại Indonesia có các hoạt tính diệt tế bào ung thư các loại lymphocytic leukemia (P-338) nơi chuột và một số dòng tế bào ung thư (vú, ruột, fibrosarcoma, phổi, melanoma, KB) nơi người (Journal of Natural Products Số 53 (Nov-Dec) - 1990.
Một nghiên cứu khác cũng tại Trường Dược Illinois, Chicago ghi nhận các chất cô lập loại glycosidic từ ruột thân cây sứ đỏ như plumericin, iso plumericin có các hoạt tính diệt nhuyến thể, diệt vi trùng (Journal of Ethnopharmacology Số 33-1991).
Hoạt tính chống biến chủng (Antimutagenic):
Nghiên cứu tại Viện Hóa học, ĐH Khoa Học, Viện ĐH Philippines tại Quezon City (Phi) ghi nhận các chất Stigmast-7-enol, Lupeol carboxylic acid và Ursolic acid trích từ lá tươi cây Sứ hoa trắng (P.acuminata) bằng ethanol có hoạt tính chống biến chủng khi thử trên chuột: ở liêu 2mg/ 25 gram trọng lượng chuột, các chất này làm giảm số lượng các tế bào MPCE (micronuckeated polychromatic erythrocytes) gây ra biến chủng bằng mitomycin C. Tỷ lệ hoạt động được ghi theo thứ tự là 75, 80 và 57% (Mutation Research Số 361 (Dec) - 1996).
Hoạt tính chống HIV
Nghiên cứu tại Trường Dược Tilinois (Chicago), ghi nhận hoạt chất loại iridoid: fulvoplumierin trích từ Sứ có khả năng ức chế men reverse transcriptase của siêu vi HIV-1 nơi người (Journal of Natural Products Số 54 (Jan-Feb)-1991)
Sứ trong dược học dân gian:
Phụ nữ vùng Caribbean dùng hoa để làm thơm tóc, ướp thơm quần áo, chăn màn.
Tại Trung Mỹ: vỏ Plumeria rubra được dùng để trị lậu mủ. Lá giã nát, đắp trị bầm dập, chấn thương; mủ nhựa dùng làm thuốc thoa bóp trị phong thấp.
Theo Dược học Trung Hoa: Hoa của Plumeria rubra var. acutifolia còn gọi là Kê đản hoa (1Jì-dan hua).
- Hoa sứ có vị ngọt, tính bình, có các tác dụng ‘thanh Nhiệt’, lợi tiểu, hòa Vị và nhuận tràng, bổ phổi.
- Vỏ có vị đẳng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, tả hạ, tiêu thũng và sát trùng. Dùng kích thích, điều kinh, trị nóng nhiệt, nhuận trường.
- Lá có tác dụng hành huyết, tiêu viêm, dùng giả nát đắp trên vết thương.
- Quả có thể gây trụy thai.
- Nhựa có tính độc, gây sổ..
Tại Ấn độ:
- Plumeria acuminata: tiếng Hindi là golainchi. Tiếng Phạn:kshir champa. Vỏ dùng sắc làm thuốc trị nóng sốt, gây số, trị bệnh hoa liễu, thoa trị herpes. Nhựa gây sổ trị sưng lợi. Rễ gây sổ rất mạnh.
- Plumeria alba: Nhựa đắp trên vết lở loét, trị chấy rận và herpes, gây sổ. Hạt dùng để cầm máu.
- Plumeria rubra: Nhựa trị đau, sưng răng. Hoa làm thuốc ho, trừ đàm.
Tài liệu sử dụng:
- Phytochemical and Ethnobotanical Databases (J. Duke).
- Medicinal Plants of China (Duke & Ayensu).
- Medicinal Plants of India (Jain & DeFilipps).
- The A-Z of Garden Plants (Bay Book).
Bài viết trích từ nguồn: Tự Điển Thảo Mộc Dược Học - DS. Trần Việt Hưng
Xem thêm: Nhuận Tràng và Tẩy - Cây Đại
Nhận xét
Đăng nhận xét