Chuyển đến nội dung chính

Nếu MAI không nở - Anh đâu biết Xuân vê hay chưa

Nếu MAI không nở - Anh đâu biết Xuân vê hay chưa
Cùng với Đào, Mai được xem là một cây hoa biểu tượng cho mùa Xuân và là một cây hoa không thể thiếu để chưng trong nhà, bày bên bàn thờ mỗi khi Tết đến (nhất là tại miền Nam Việt Nam).

Hoa mai được xếp hạng đứng đầu trong ‘tứ hữu’: mai, lan, cúc, trúc bốn loại cây được xem là quý, là ‘bạn’ với Người và cũng được các văn nhân, nghệ sĩ vịnh thơ, vẽ họa nhiều nhất.

Hoa mai thuần khiết và thanh tân đã được dùng làm biểu tượng cho người quân tử, ngoại diện khắc khổ, nhưng tâm hồn sâu sắc, có đôi chút lăng mạn. Cao bá Quát đã từng viết: ‘Nhất thân đề thử bái mai hoa’ (Đời người, chỉ cúi đầu trước hoa Mai.)

Thi ca Việt Nam đã có rất nhiều bài thơ vịnh hoa Mai và cành Mai như

‘Hoa mai bạc vì trăng tỏ
Bóng trúc thưa bởi gió lay..’
(Nguyễn bỉnh Khiêm)

‘Mai cốt cách, tuyết tinh thần..’
(Nguyễn Du)

‘Trung hiễu vẹn tròn hai khối ngọc..
Thanh cao phô trắng một cành..mai’
(Tản Đà: Tự vịnh)

‘Em đứng nương mình dưới khóm..mai
Vịn nhành sương động.. lệ hoa rơi..’
(Thế Lữ)


‘Gợn trẳng ngàn mai thoảng gió xuân
Màu trinh e lệ gió ân cần..’
(Vũ hoàng Chương: Thơ Say)

Văn chương và nghệ thuật hội họa của Trung Hoa đã xem Mai như biêu tượng của sự cao quý, trân trọng:

Các nhà danh họa như Trọng Nhân đã vẽ mai bằng mực nước, để lại những bức tranh đen trắng tuyệt đẹp; Vương Điện (thời Minh) chuyên vẽ về Mai Tây Hồ (Hàng châu) và trong lụa Hàng châu cũng tiềm ẩn những cành Mai; Thạch Đào luôn có Mai trong các bức vẽ truyền thần và đặc biệt nhất có lẽ là Tống huy Tôn (1108-1135), một nhà Vua..ham chơi đến mất cả ngai vàng. Vua chỉ mê nhan sắc và hoa Mai, đã để lại bức tranh độc đáo ‘Két ngũ sắc đậu trên cành Mai’, được xem là báu vật và hiện được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Nghệ thuật Boston..như một biểu tượng cho nghệ thuật hội họa cổ điển Trung Hoa.

Các thi sĩ Trung Hoa đã có những bài thơ tuyệt tác như:

‘..Mạc vị xuân tàn, hoa lạc tận
Tiền đình tạc dạ nhất chỉ mai..’
(Mãn Giác Thiền sư)

(Chớ ngại xuân tàn hoa rụng hết.
Đêm qua, sân trước một cành mai)

hay

‘Kim hạ hà nhân xuy ngọc địch
Giang thành ngũ nguyệt..lạc mai hoa’

và biết bao bài khác nữa..

Về phương diện thực vật và dược học, tên gọi dành cho Mai như Mai vàng, Mai Tứ quý, Mai chấm thủy.. Bạch mai.. bao gồm nhiều cây thuộc ba gia đình thực vật khác nhau.

1- Mai vàng = Huỳnh mai
Nếu MAI không nở - Anh đâu biết Xuân vê hay chưa
Tên khoa học: Ochna integerrima, họ thực vật Ochnaceae.

Còn được gọi là Lạp mai (lạp hay sáp ong, màu vàng tươi của hoa được so sánh với màu sáp, có thuyết cho rằng lạp nguyệt là tháng chạp, và lạp mai là loại mai cho hoa nở vào một lần vào tháng chạp).

Đây là cây hoa đặc thù, biểu tượng cho Tết tại miền Nam Việt Nam.

Cây mọc hoang dại trong các khu rừng miền Trung và miền Nam Việt Nam, rất dễ trồng từ Quảng Trị đến Cà Mâu. Vùng biên giới Lào-Việt (Thường đức- Quảng Nam) có những rừng mai rất lớn.

Mai vàng được xem là loài cây của Ấn độ, Miến điện, Bán đảo Mã lai và Đông dương.. cây thích hợp với các vùng rừng còi và rừng thưa, ẩm ở cao độ dưới 1200m

Sách sử Việt ghi chép, thời Đường người Việt tại Giao châu đã phài tiến cống cho Tàu cây Mai vàng vào mỗi dịp Tết (?)

Cây thuộc loại tiểu mộc, trung bình, cao 3-7 m, phân cành nhánh thưa, dài. Lá đơn không lông, mọc cách, màu xanh nhạt bóng, mềm, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa mọc thành cụm, tạo chùm nhỏ ở nách lá, có cuống ngắn. Hoa có 5 cánh đài màu xanh bóng, không khép kín để che nụ. Tràng hoa mỏng từ 5-10 màu vàng tươi (hiện nay các nhà vườn đã tạo được nhiều giống mai có hoa có đến 20 cánh tràng), dễ rụng. Hoa có nhiều nhị, bầu hoa có 3-10 múi, mỗi múi là một noãn. Quả thuộc loại hạch quả. Cây ra hoa trong các tháng 1-4.

Tại Việt Nam còn có loài Mai vàng thơm (Ouratea lobopetala, họ Ochnaceae), mọc thành bụi, hoa vàng rất thơm, thường gặp tại các tỉnh miền Trung.

Mai vàng ít được sử dụng làm dược liệu, tuy nhiên vỏ thân cũng được dùng làm thuốc bổ, ngâm rượu để trợ giúp tiêu hóa. Lá non được dùng ăn sống thay rau tại Lào và Kampuchea.

Những nghiên cứu mới tại ĐH Chulakongkorn (Bangkok, Thái Lan) ghi nhận trong vỏ non của Mai vàng có những flavonoids như 6"-hydro xylophirone B và beta-glucoside của chất này..(Journal of Natural Products Số 65-2000); trong lá cũng có nhiều flavonoids khác gọi chung dưới tên ochnaflavones (Phy†ochemistry Số 56-2001).

Nghệ thuật thưởng Mai đón Tết:

Người yêu hoa, nhất là tại miền Nam Việt Nam, vẫn thích được thưởng lãm một cành mai nở đẹp và không héo rụng trong trọn 3 ngày Tết. Phương thức chăm sóc Mai đã được nâng lên hàng nghệ thuật cầu kỳ, muốn có cành Mai vừa ý phải qua nhiều công đoạn như:

* Trẩy lá Mai: Khoảng từ 14-15 tháng Chạp (Âm lịch) đã cần trẩy lá những cành nào chưa ra lộc (nụ con chưa xuất hiện tại các nách lá); từ 18-19 cần trẩy lá những cành đã ra lộc. Ngày 23, các cành mai cần bung mày, để lộ các chùm nụ nhỏ.

* Thúc Mai: Những cây Mai ra nụ chậm, nụ hoa còn quá nhỏ: cần thúc cho mai nở bàng phân urê (5 gram trong 20 lít nước).

- Nếu nụ mai chưa lớn bằng hạt đậu xanh vào ngày 25: cần tưới ngày 2 lần.

- Nếu nụ hoa không bằng hạt bắp vào ngảy 27, cần tưới ngày 3 lần.

- Nếu nụ chưa bằng hạt đậu phọng vào ngày 29, cần tưới ngày 4 lần.

* Mai cắt cành: Nên cắt cành Mai vào buổi chiều, cắt xong ngâm ngay vào nước. Ngày hôm sau nên hơ gốc cắt đến cháy xém, đến khi nụ hoa rũ xuống, rồi đem ngâm nước, phơi sương qua đêm. Sáng hôm sau, cành sẽ phục hồi.

Nếu Mai chậm nở (đến ngày 30, cành cắm bình, chưa có nụ) có thể dùng nước pha chế theo 70% nước lạnh + 30% nước sôi, để cắm cành, giúp kích thích cành mau tạo nụ hoa. (theo Lê thanh Hùng, Viet Tide Xuân Giáp Thân)

2- Mai Tứ Quí = Mai đỏ
Nếu MAI không nở - Anh đâu biết Xuân vê hay chưa
Tên khoa học: Ochna atropurpurea, họ thực vật Ochnaceae

Cây thuộc loại tiểu mộc, cao 1-5m. Thân ít phân nhánh, tán thưa nhưng lá mọc xum xuê. Cành non màu hung đỏ. Lá cứng, dày, hình bầu dục, màu xanh bóng; mép lá có răng cưa không đều, rằng có thể có 1 gai nhọn nhỏ. Hoa mọc thành cụm, tuy ít hoa. Hoa nhỏ lúc đầu màu vàng, có 5 cánh đài màu xanh, cứng, sau đó hoa chuyển sang màu đỏ tía. Tràng hoa mau rụng. Hoa có nhiều nhị. Quả có nhân cứng xếp từ 1 đến 5 chiếc không cuống quanh đế hoa. Quả ở lại khá bền trên cây.

Mai Tứ Quí được ưa chuộng do hoa đẹp và quả khá đặc sắc. Được gọi là ‘tứ quí" (bốn mùa) vì cây có quả gần như quanh năm.

Tại vùng Tây Bắc Hoa Kỳ có loài Ochna serrulata (Ochna multiflora) có những đặc tính tương tự như Mai Tứ Qui Việt Nam. Cây được gọi là Bird’s eye bush hay Mickey mouse plant. Cây mọc thành bụi cao từ 4-8 ft. Lá thuôn dài, cở 2.5-7.5 cm, bóng, mép có răng cưa đều, mùa xuân màu đồng nhạt, sau đó chuyển sang xanh đậm. Hoa nở sớm vào mùa hè, nhỏ. Khi cánh tràng màu vàng rụng, cánh đài chuyển sang màu đỏ, rồi sau đó 5 hay 6 quả nhỏ màu xanh nhô lên từ vùng trung tâm màu đỏ, và quả đổi sang màu đen, tương phản với cánh đài vẫn giữ màu đỏ (lúc này hoa có dạng mắt hay tai của chuột)

3- Mai chấm thủy = Mai chiếu thủy
Nếu MAI không nở - Anh đâu biết Xuân vê hay chưa
Tên khoa học: Wrightia reliogiosa, thuộc họ thực vật Apocynaceae

Cây có nguồn gốc tại Đông Nam Á, được trồng làm cây cảnh từ lâu đời tại miền Nam Việt Nam.

Cây thân mộc, xù xì, phân nhiều cành nhỏ, mảnh có lông mềm, dễ uốn và tỉa. Lá mỏng, hình thuôn, hay trái soan nhọn ở đỉnh, gần như không cuống, màu xanh bóng, dài 3-6 cm, rộng 1-2.5 cm. Hoa mọc thành cụm, dạng xim thưa. Hoa nhỏ màu trắng có cuống dài mọc chúc xuống, có mùi hương rất thơm, thoảng nhẹ mùi hoa nhài. Mỗi hoa cho một quả thuộc loại quả đại đôi màu xanh đen, có khía dọc, dạng dài hẹp 10-12 cm, rộng 3-4 mm cũng mọc buông thẳng xuống. Hạt thuôn dài, cô 6 mm, có lông mầm.

Cây có thể được trồng bằng hạt hay chiết cành, mọc rất khoẻ, có thể bứng gốc để vài ngày trồng lại vẫn được và chịu được cả hạn lẫn úng.

Các nhà vườn đã tạo được một chủng có lá nhỏ để trồng trong chậu: Cẩm mai (Wrightia religiosa var. microphylla).

Cây ít có giá trị về mặt dược liệu, tuy nhiên tại Kampuchea, hoa được dùng ướp làm nước phép tại các Chùa.

4- Mai trắng = Bạch mai
Nếu MAI không nở - Anh đâu biết Xuân vê hay chưa
Tên khoa học: Prunus mume, họ thực vật Rosaceae.

Đây là cây Mơ Nhật= Japanese apricot.

Cây có nguồn gốc từ Nhật, được trồng khá rộng rãi tại Trung Hoa và Bắc Việt Nam để làm cây cảnh, cắt cành chưng trong bình vào dịp Tết.

Cây thuộc loại tiểu mộc, cao 4-6 m. Vỏ thân màu xám hay xanh lục nhạt, thân phân nhánh ngang nhiều, mảnh, vươn dài, xần xùi và dễ uốn. Lá hình bầu dục hay trái xoan rộng, có cuống dài có răng nhỏ, đều, có lông xám. Hoa mọc đơn độc, có cuống rất ngắn. Tràng hoa mảu trắng hay hồng nhạt, dạng bầu dục, mềm mại. Hoa có mùi thơm thường xuất hiện trước lá. Quả hình cầu, 2-3 cm, màu vàng xanh trong có hạch cứng.

Có chủng rất đặc biệt: P.mume var albo plena cho hoa có cánh kép, nụ lúc đầu hồng nhạt sau đó chuyển sang màu trắng rất đẹp.

Bạch mai, tuy là loại hoa quý và hiếm tại miền Nam Việt nam, nhưng rất dể tìm tại Hoa Kỳ, cây được gọi là Japanese flowering apricot. Tại California có những giống cho hoa rất đẹp như:

- Rosemary Clarke’: Hoa kép màu trắng với cánh đài màu đỏ. Hoa nở rộ vào dịp đầu năm Dương lịch..

- ‘Bonita’: Hoa gần như kép màu hồng đỏ

- ‘Peggy Clarke’: hoa kép, hồng xậm, nhụy rất dài, cánh đài màu đỏ.

- ‘W.B Clarke’: Hoa kép màu hồng, cây mọc rũ.

Dược tính của Mai trắng:

Bạch mai được xem là một vị thuốc của Dược học cổ truyền Trung Hoa và Nhật, tuy nhiên tại Nhật đã có nhiều nghiên cứu khoa học đáng chú ý về các hoạt chất của Bạch mai.

Bạch mai trong Dược học cổ truyền:

Từ Bạch mai, Đông Y tạo được 2 vị thuốc:

Bạch mai hoa (Pai-mei hua): Bàn thảo cương mục còn gọi là Lu-o-mei. Vị thuốc là nụ hoa, thu hái khi hoa mới hé nụ, chưa nở hẳn.

Bạch-mai hoa được xem là có vị chua/chát, tính bình, tác động vào các kinh mạch thuộc Can và Phế: có tác dụng ‘khai uất hòa trung’ Bạch-mai hoa làm dịu được ‘Nhiệt Khí’ tại Can, tan đởm đọng.. được dùng để trị đau vùng thượng vị do ‘Can uất’, ăn mất ngon hay choáng váng, chóng mặt. Liều dùng 2.4 đến 4.5 gram mỗi ngày.

Ô mai (Wù mei): Ô-mai được ghi chép trong ‘Thần nông bản thảo kinh’ và được chế biến từ quả khi còn xanh, bỏ hột và hun khói đến khi khô. Màu của quả sẽ đổi thành đen để được gọi là Ô-mai.

Nhật dược (Kempo) gọi vị thuốc là Ubai.

Tại Trung Hoa, vị thuốc được chế biến từ quả thu hái vào tháng 5 từ các cây trồng tại Tứ Xuyên, Triết Giang, Phúc kiến…

Ô-mai có khả năng:

- Ngăn chặn sự thất thoát của Phế ‘Khí’, làm ngưng ho (chỉ khái), trị được các bệnh ho kinh niên do ‘Phế hư’, thường được phối hợp với Hạnh nhân= Xing ren (Semen Pruni Armeniacae), Bán-hạ= ban-xia (rhizoma Pinelliae Ternateae) và Anh túc xác= Ying-su-ke (vỏ quả thuốc phiện= Pericarpium Papaveris Somniferi).

- Tác động trên ruột, giúp ngưng tiêu chẩy: trị được các chứng tiêu chẩy kinh niên khó cầm và cả khi có máu trong phân, kiết ly. Có thể phối hợp với Hoàng liên=Huang lian (Rhizoma coptidis) và Hoàng cầm = Huang qin (Radix Scutellariae Baicalensis) để trị tiêu chẩy, kiết do ‘Nhiệt-Thấp’; sự phối hợp này cũng dùng để trị ho khan, khát khô họng do các chứng ‘nội nhiệt’ gây ra do loạn tân dịch vì kiết kinh niên.

- Tái tại ‘tân dịch’ và trị ‘tiêu khát’: trị ‘tiêu khát’ (tiểu đường) do ‘Nhiệt suy’ chung với ‘Khí và Âm suy’, dùng phối hợp với Mạch môn đông=Mai-men dong (Tuber Ophiopogonis Japonici), Thiên hoa phẩn=Tian hua fen (Radix Trichoxanthis Kirilowii) và Cát căn (Rể sắn dây)= Ge-gen (Radix Puerariae). Đây là một phương thức trị tiểu đường của Đông dược.

-Tống xuất giun-lãi, làm giảm đau. Trị đau bụng và buồn nôn do sán-lải. Thường phối hợp với Bìng lang (hạt cau) = Bing-lang (Se men Areca catechu).

Cầm máu: trị phân có máu, và xuất huyết tử cung trong các chứng ‘huyết nhược’ gồm cả khô miệng, lở miệng và ‘táo’ khát. Thường phối hợp với Đương quy=Dang gui (Radix Angelicae Sinensis), Bạch thược =Bai zhao (Radix Paeoniae Lactiflorae) và A giao=E-jiao (Gelatinum Corii)

Những nghiên cứu khoa học về Bạch mai:

Đa số các nghiên cứu về Bạch mai được thực hiện tại Nhật và Trung Hoa.

Thành phần hóa học:

- Hoa: chứa các flavonoids, các flavonol oligoglycosides loại rutin phức tạp, các đường hữu cơ loại sucrose polyacylated như prunose T và II.

- Hạt: chứa các hợp chất phức tạp loại polysaccharides (bao gồm các đường hữu cơ như arabinose, xylose, rhamnose, galactose, galac turonic acid..), các men loại aminopeptidase.., glucosides cyanogenic như prunasin, amygdalin..

- Quả có nhiều acid hữu cơ như malic, citric, tartaric, succinic acid.., vitamins, tannic acid, ceryl alcohol, sterols như beta-sitosterol.., terpenes.., furfural như mumeferal.

Các kết quả nghiên cứu:

- Hoạt tính của aminopeptidase trích từ hạt Prunus mume (Journal of Biochemistry (Tokyo) Số 89 (dan), 1981). Aminopeptidase, ly trích, phân đoạn bằng ammonium sulfate và tinh khiết hóa qua sắc ký, lọc bằng gel, từ P. Mume có trọng lượng phân tử khoảng 56,000 có khà năng thủy giải một số các hợp chất có những nhóm amino-acid tự do, nhất là các hợp chất có dây nhánh chứa các nhóm hydrophobic. Men này bị ức chế bởi p-chloromercuribenzoate và các kim loại nặng.

- Hoạt tính của các polysaccharides trích từ hạt Prunus mume (Biology and Pharmacy Bulletin Số 17-1994). Các phần polysac charides trích được từ P. mume qua các dung môi như nước lạnh, nước nóng, dung dịch sodium hydroxyde.. có những hoạt tính sinh học như ức chế biến chủng gen, kích ứng các hoạt động miễn nhiễm, kích ứng tiến trình tạo cục đông trong huyết thanh.

- Hoat tính trên đô nhớt của máu (nơi người) (Life Science Số 27 (Dec)-2002). Nghiên cứu dùng bainiku-ekisu, nước ép cô đặc từ quả Prunus mume ghi nhận nước ép này có tác dụng bảo vệ Hệ Tim-mạch do các hoạt động chống oxy-hóa và ức chế sự kích hoạt men kinase, ức chế sư chuyển hoạt thụ thể EGF gây ra do Angiotensin II.

- Tác dụng kháng sinh: Nước sắc quả P. mume cho thấy có các hoạt tính ức chế ‘in vitro’ chống lại các chủng vi trùng như Staphylo coccus (kể cả S. aureus), Streptococcus pneumoniae, Corynebacte rium diphteriae, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella typhi, Shigella sonnei. Hoạt tính này có lẽ do ỡ tính acid của nước sắc.

- Tác dụng tri kiết ly: Nước trích từ P. mume, và Cỏ cú được dùng trị 50 trường hợp kiết ly do ký sinh trùng amib.. 48 trường hợp khỏi bệnh sau 3 ngày (tất cả các triệu chứng như nóng sốt, buồn nôn, ói mửa, đau bụng.. đều được trị khỏi) (Dan Bensky-Chinese Herbal Medicine Materia Medica).

- Tác dụng tri giun sán: Nước sắc P. mume rất hữu hiệu đễ trị giun-sán. 20 trường hợp giun móc đã được thử nghiệm, cho uống trong 5-23 ngày. Khi thử phân để kiểm soát 14 trường hợp âm tính hoàn toàn. Hoạt tính này do ở tannic acid và hợp chất prudomenus trong quả (Kee Chang Huang- The Pharmacoly of Chinese Herbs)

Bạch mai trong dinh dưỡng và dược học dân gian:

Dược học dân gian:

Quả Bạch mai, không ăn tươi được vì vị chua và chát, nhưng được dùng trong dân gian để trị một số bệnh như:

- Nóng trong người, khát nước nhiều, ăn không tiêu:Dùng 2 quả tươi hay 1 quả mai muối, nghiền nát, thêm đường.. đổ nước sôi vào, và uống khi nguội (loại nước xí mụi).

- Một số bệnh ngoài da:

+ Mụn nhọt: Lấy ô-mai hun khói, sao trên nồi đất đến khi vỏ ngoài cháy đen, tán thành bột và rắc trên mụn lở.

+ Nấm ăn chân: Dùng 3 quả tươi, hay 2 quả ô-mai muối, nghiền nát; thêm 3 gram vỏ lựu. Sắc chung và rửa chân ngày 3-4 lần.

+ Mụn cóc, mụn chai: Dùng 250 gram ô mai hun khói, nấu trong nước đến chín, bỏ nước, bỏ hột..cô đặc nước đến khi thành khối nhão, thêm chút muối và giấm. Đắp mỗi ngày vào mụn cóc, mụn chai..

+ Vảy nến (Psoriasis): Dùng 250 gram ô-mai hun khói, thêm nước, chưng đến khi loại bỏ được hột, cô đặc thành khối nhão uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 9 gram. Có thể đắp thêm vào vết thương.

Các chế phẩm từ Bạch mai tại Nhật:

Tại Nhật, quả Bạch mai hay Ume, không thể ăn tươi do gây ra khó chịu cho bao tử vì chứa prussic acid, được chế biến thành nhiều thành phẩm nổi tiếng trên thế giới như Umeboshi (bạch mai muối và bạch môi hun khói đến khô), mứt, Umeshu (rượu bạch mai)

Tài liệu sử dụng:

- Thuốc Nam trên đất Mỹ (Tập 3).

- Chinese Herbal Medicine Materia Medica (D. Bensky).

- WRhole Food Companion (Dianne Onstad).

- Oriental Materia Medica (Hsu).

- Fruits as Medicine (Dai Yin-fang).

- Sunset Western Garden Book.

Bài viết trích từ nguồn: Tự Điển Thảo Mộc Dược Học - DS. Trần Việt Hưng


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Chay

Còn gọi là Cây Chay. Tên khoa học Artocarpus tonkinensis A. Chev. Thuộc họ Dâu tằm Moraceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Diếp Cá

Còn có tên là cây lá giấp , ngư tinh thảo . Tên khoa học Houttuynia cordata Thunb. Thuộc họ Lá giấp Saururaceae. A. Mô tả cây. Cây diếp cấ là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá, hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8. (Hình dưới).

Chữa Cảm Sốt - Cỏ Mần Trầu

Còn gọi là ngưu cân thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, cỏ dáng, cỏ bắc, cheung kras (Campuchia), mia pak kouay (Lào). Tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.) Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - DIẾP CÁ

Còn gọi là Dấp cá, rau Dấp, cây lá Giếp (Houttuynia cordata Thunb) thuộc họ lá Giấp (Saururaceae). Mô tả: Cây thảo cạo 20-40cm, Thân màu lục troặc tím đỏ. Lá mọc sọ le, hình tim, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu trắng, gồm nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Hạt hình trái xoan nhẵn. Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Vối

Tên khoa học Cleistocalyx operculatus (Roxb). Merr et Perry (Eugenia operculata Roxb., Syzygium nervosum DC.). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Đơn Tướng Quân

Tên khoa học Syzygium formosum var , ternifolium (Roxb) Merr. et Perry (Eugenia ternifolia Roxb., Eugenia formosa var. ternifolia (Roxb) Duth). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Hoa Cứt Lợn

Còn có tên là cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, cỏ hôi. Tên khoa học Ageratum conyzoides L. Thuộc họ Cúc Asteraceae(Compositae). A. Mô tả cây Cây hoa cứt lợn là một cây nhỏ, mọc hàng năm, thân có nhiều lông nhỏ mềm, cao chừng 25-50cm, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Lá mọc đối hình trứng hay 3 cạnh, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mật dưới của lá nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu tím, xanh. Quả bế màu đen, có 5 sống dọc (Hình dưới).

Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Phèn Đen

Còn gọi là nỗ. Tên khoa học Phyllanthus reticulatus Poir. Thuộc họ Thầu dầu Euphorhiaceae.

Chữa bệnh Tim - Vạn Niên Thanh

Còn gọi là thiên niên vận, đông bất điêu thảo, cửu tiết liên. Tên khoa học Rhodea japonica Roth. Thuộc họ Hành Alliaceae. Cần chú ý ngay rằng tên vạn niên thanh ở nước ta thường dùng để gọi nhiều cây khác nhau. Cây vạn niên thanh ta trồng làm cảnh là cây Aglaonema siamense Engl, thuộc họ Ráy Araceae. Còn cây vạn niên thanh giới thiệu ở đây thuộc họ Hành tỏi, hiện chúng tôi chưa thấy trồng ở nước ta, nhưng giới thiệu ở đây để tránh nhầm lẫn.

TOA THUỐC ĐÔNG Y CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG

CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG 18 Bài thuốc Năm 1951 ở chiến khu Ð (Nam Bộ) có nhiều cán bộ và chiến sĩ đau dạ dày, chúng tôi phải tốn tiền nhiều để mua biệt dược ở Thành nhưng nào có giải quyết gì được. Tôi không thỏa mãn với cách giải quyết tận gốc bệnh được vì nghĩ rằng ở địa phương có một số nguyên liệu như kaolin chẳng hạn. Tôi khởi sự điều tra trong cơ quan và bộ đội, nguyên nhân nào làm cho đau dạ dày, có khi loét nữa. Kết quả điều tra là trong bộ đội có nhiều người đau hơn cơ quan, ở cơ quan thì nam giới đau nhiều hơn nữ giới. Lý do là vì công tác cho nên bộ đội phải ăn gấp, ăn nhanh hơn ở cơ quan. Ở cơ quan thì “nam thực như hổ, nữ thực như miêu” cho nên nam đau nhiều hơn nữ. Khi ta ăn nhanh thì không có thời giờ để cho nước miếng thấm vào thức ăn cho nên xuống dạ dày thì cơ thể phải tiết acide ra nhiều mới thủy phân được.