Còn gọt là Rau ngót, Bù ngót (Sauropus androgynus (L.) Merr.) thuộc họ Thầu dầu (Euphorbbiaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, có thể cao đến 1,5 cm hay hơn, phân cành nhiều. Lá mọc so le, dài tới 6 cm, rộng tới 3 cm, có cuống ngắn, với 2 lá kèm nhỏ. Phiến lá nguyên, hình trứng dài hoặc bầu dục, có mép nguyên. Hoa đơn tính mọc thành xim đơm ở kẽ lá. Hoa cái ở trên, hoa đực ở dưới. Quả nang hình cầu, màu trắng. Hạt có vân nhỏ.
Bộ nhận dùng: Lá và rễ tươi.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng ở nhiều nơi trong các tỉnh. Nhân dân thường lấy lá nấu canh. Khi dùng làm thuốc, thường chọn những cây đã sống từ 2 năm trở lên. Hái lá tươi và dùng ngay. Rễ thu hái quanh năm.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa rõ hoạt chất làm thuốc. Chỉ mới biết trong lá có protit, gluxit, tro, trong đó chủ yếu là canxi, photpho và vitamin C. Trong Rau Ngót có nhiều axit amin cần thiết.
Theo Y học cổ truyền, lá Rau ngót có vị ngọt bùi, tính mát, có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, giải độc, lợi tiểu. Lá dùng chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, bí tiểu, tiêu độc. Rễ có vị ngọt nhạt, hơi đắng tính mát, được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp... Nhân dân thường dùng Rau ngót chữa sót nhau và chữa tưa lưỡi.
Cách dùng: Ngày dùng 20 - 40g lá tươi sắc uống, hoặc rễ tươi giã uống. Lá hoặc rễ tươi (40g) giã nhỏ, thêm nước và vắt lấy 100ml chia làm 2 lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút, hoặc dùng lá tươi giã đắp trên hai gan bàn chân chữa sót nhau. Lá tươi (5 - 10g) giã nhỏ vắt lấy nước rơ miệng cho trẻ em chữa tưa lưỡi, còn dùng ngậm chữa hóc xương. Lá giã ra lấy nước uống bã đắp trị rắn cắn.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Rau Ngót
Nhận xét
Đăng nhận xét