Điều hay Đào lộn hột (Anacardium occidentale L.) thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).
Mô tả: Cây to, cao 8 - 10m. Lá mọc so le, có cuống mập, hình trứng ngược, phiến dài, nhẵn. Cụm hoa là chùm ngù phân nhánh nhiều, ở ngọn cảnh. Hoa nhỏ, màu vàng nhạt, điểm nâu đỏ. Quả dạng quả hạch, hình thận, cứng, nằm phía trên một cuống quả phình to hình quả lê, thường quen gọi là quả, khi chín có màu vàng hoặc đỏ. Hạt có vỏ mỏng, nhân hạt chứa dầu béo. Cây có hoa tháng 12-2, có quả tháng 3-6.
Bộ phận dùng: Rễ, lá, vỏ cây, cuống quả, vỏ quả, hạt.
Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở châu Mỹ nhiệt đới, được nhập vào trồng ở hầu khắp các tỉnh vùng đồng bằng. Trồng bằng hạt vào mùa xuân và đầu mùa hạ. Các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Cuống quả chứa nhiều vitamin nhất là ở loại có vỏ vàng và nhiều muối khoáng. Thường có vị ngọt hơi chua với hương vị đặc biệt, dùng ăn mát và giải khát. Nước ép của nó cho lên men làm rượu có tác dụng lợi tiểu, dùng xoa bóp trị đau nhức, dùng uống trị nôn mửa, viêm họng.
Vỏ quả thật chứa một chất dầu màu vàng, trong đó có cardol và axit anacardic gây bỏng da mạnh. Hạt chứa dầu ăn được và dùng trong y dược. Vỏ lụa của hạt chứa các chất béo, một lượng nhỏ cardol và axit anacardic. Hạt được dùng thay hạnh nhân.
Cách dùng: Quả Điều (cuống quả phình ra) thường được dùng tươi, thái thành lát mỏng chấm muối ớt để ăn. Nhân hạt ăn được, dùng làm bánh, kẹo, mứt. Vỏ ngoài của quả thường được dùng dưới dạng cồn thuốc (1/10), dùng trong với liều 2 - 10 giọt để làm thuốc trị giun sán.
Lá cây giã phơi khô, tán bột rắc chữa ghẻ và các vết thương. Lá non sắc uống (ngày dùng 20 - 30g) an thần, gây ngủ. Vỏ cây sắc uống (ngày dùng 8 - 16g) uống trong chữa cổ họng sưng đau.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Đào Lộn Hột
Nhận xét
Đăng nhận xét