Còn gọi là Dứa gai, Dứa gỗ (Pundonus odordatissimus L.f.) thuộc họ Dứa dại (Pandanaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, phân nhánh ở ngọn, cao 3 - 4m, với rất nhiều rễ phụ trong không khí thòng xuống đất. Lá ở ngọn các nhánh, hình dài, dài 1 - 2m, trên gân chính và 2 bên mép có gai nhọn. Bông mo đực ở ngọn cây, thõng xuống với những mo màu trắng, rời nhau, hoa rất thơm, bông mo cái đơn độc, gồm rất nhiều lá noãn. Cụm quả tạo thành một khối hình trứng, dài 16 - 22cm, có cuống màu da cam, gồm những quả hạch có góc, phẳng và có bướu ở ngọn, với hạch rất cứng, có góc, xẻ thành nhiều ô. Có nhiều dạng khác nhau trong loài này, trước đây thường được xếp thành những loài riêng. Cũng còn có nhiều loài khác ở bờ biển nước ta đều được dùng.
Bộ phận dùng: Đọt non và rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc dại ở bờ biển. Lá dùng làm chiếu và bao bì. Rễ dùng làm thuốc. Thu các rễ chưa bám đất tốt hơn là rễ ở dưới đất, đem về thái mỏng, phơi hay sấy khô dùng dần.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Theo Y học cổ truyền, Dứa dại có vị ngọt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, lương huyết, tiêu đờm, tiêu độc. Đọt non và rễ được dùng làm thuốc thông tiểu, dùng trong các trường hợp đái buốt, đái gắt, đái ra sỏi, sạn, lậu nhiệt, thủy thũng. Cũng còn được dùng đắp chữa bệnh trĩ và trị chứng mất ngủ.
Cách dùng: Ngày dùng 6 - 12g rễ, 15 - 20g dọt non. Dùng ngoài không kể liều lượng. Để làm thuốc lợi tiểu, người ta sắc chung rễ Dứa dại phối hợp với rễ Thơm. Để làm thuốc bổ và dễ tiêu hóa, phối hợp với vỏ cây Chò mòi, nấu nước cho phụ nữ thai sản uống. Để trị chứng mất ngủ, dùng rễ chìm, sao lên và sắc uống. Hoa thơm của Dứa dại cũng được dùng chế một loại mỹ phẩm gồm có thêm sáp ong trong và trắng, nhào trộn với dầu cây Ươi, dùng để bôi môi.
Cũng cần chú ý là chồi non ở ngọn dùng ăn được như nõn dừa, phần gốc trắng và mềm của lá Dứa dại cũng ăn được.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: THÔNG TIỂU TIỆN VÀ THÔNG MẬT - Dứa Dại
Nhận xét
Đăng nhận xét