Duối hay Ruối, Hoàng anh mộc (Streblus asper Lour.) thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao 4 - 5m. Thân và cành khúc khuỷu. Lá mọc so le, hình trứng, cứng, ráp, mép khía răng. Hoa đơn tính khác gốc, Cụm hoa đực thành đầu có cuống, đính phía dưới những cành ngắn, gồm 10 - 12 hoa, Cụm hoa cái chỉ có một hoa. Quả mọng, màu vàng, đính trên đài còn lại, ăn được.
Bộ phận dùng: Vỏ rễ, vỏ thân, lá và nhựa.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở rừng và được trồng làm hàng rào, do có nhiều cành chằng chịt vào nhau. Trồng bằng hạt hoặc bằng cành. Các bộ phận làm thuốc có thể thu hái quanh năm. Nhựa dùng tươi, các phần khác rửa sạch, thái ngắn, phơi khô, sao vàng.
Hoạt chất và tác dụng: Trong mủ có nhựa và một ít cao sụ, ở mủ đông đặc, tỷ lệ nhựa là 76%, cao su là 23%. Các chất khác chưa được biết. Nhựa Duối có tác dụng làm đông mủ.
Theo Y học cổ truyền, Duối có vị đắng chát, tính mát, có công năng thanh nhiệt, giải độc, thông huyết, cầm máu, sát trùng, chữa các chứng nhiệt, định sang, lở chốc, trị sốt rét sinh báng. Thường dùng trong phạm ví kinh nghiệm dân gian. Nhựa dùng dán hai bên thái đương chữa nhức đầu. Cành và rễ thái mỏng sắc uống làm thuốc thông tiểu chữa bụng trướng. Vỏ sắc đặc ngậm để chữa sâu răng, đau họng. Cũng dùng chữa sốt, đi ỉa lỏng, lỵ, trị được ho và lao phổi, tê thấp.
Cách dùng: Thường dùng 10 - 40g dưới dạng thuốc sắc để uống và ngậm. Vỏ rễ có khi phối hợp với rễ Nhót rừng chữa đái đục.
Vỏ cây Duối giã nát với lá Thanh táo, dây Tơ vàng và bẹ Chuối tiêu để bó chữa gãy xương. Dùng ngoài không kể liều lượng. Lá non giã với một ít vôi tôi đắp trị vết thương chảy máu. Mủ cây thường dùng phết vào giấy mềm đán vào 2 bên thái dương để chữa đau đầu.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Chữa bệnh Mắt Tai Răng Họng - Ruối
Nhận xét
Đăng nhận xét