Còn gọi là cây Đuôi chuột, Giả mã tiên, Hải tiên (Stachytarpheta Jamaicensis (L.) Vahl) thuộc họ cỏ Roi ngựa (Verbenaceae).
Mô tả: Cây thảo sống hàng năm, cao đến 2m. Lá không lông, mép có răng. Cụm hoa bông mọc đứng ở ngọn cây dài 20 - 35cm, nom như cái đuôi chuột. Hoa gắn trong trục lõm. Lá bắc của hoa cao 5 - 10mm. Đài hoa có 5 răng. Tràng hoa màu tím, chia hai môi. Quả nang cao 4 - 5mm, chứa 3 hạt.
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Nơi sống và thu hái: Cây thường mọc ở bãi nước mặn và các bãi hoang, gặp tại một số tỉnh như: Tiền Giang, Đồng Tháp, Cửu Long, Hậu Giang. Có thể thu hái toàn cây và rễ quanh năm. Toàn cây thu hái xong, rửa sạch, cắt khúc, phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu đầy đủ, sơ bộ đã biết một chất thuộc loại glucozit.
Theo Y học cổ truyền, cây có vị đắng, tính lạnh, có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi thũng, thông lâm. Dùng chữa sỏi đường tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu, đau gân cốt do phong thấp, viêm họng, viêm kết mạc cấp tính, đinh nhọt sưng đau.
Cách dùng: Ngày dùng 20g khô hoặc 40g tươi sắc nước uống. Dùng lá tươi giã nhỏ thêm đường, ngậm nuốt, trị viêm họng. Ở Tiền Giang, dùng trị cảm lạnh, nóng ho. Lá tươi giã nhỏ, đắp ngoài trị đinh nhọt gây sưng đau. Nước sắc rễ, thêm nước ép lá (dịch lá) dùng cho trẻ em làm thuốc giun và tẩy. Còn được dùng làm thuốc chữa bệnh lậu, lỵ, ỉa chảy, làm toát mồ hôi.
Cũng có nơi nhầm cây này với cây cỏ Xước (do bông hoa tương tự như bông hoa của cỏ Xước, có các lá bắc xước vào tay), người ta cũng dùng nó như cỏ Xước chữa phong thấp nhức mỏi.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét