Còn gọi là Nghệ đen, Nghệ xanh, Ngải tím, Tam nại, Nga truật (Curcuma zedoaria Rose) thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Mô tả: Cây thảo cao đến 1,5m. Thân rễ hình nón có khía chạy dọc, mang nhiều củ có thịt màu vàng tái, ngoài những củ chính còn có những củ phụ, có cuống hình trứng hay hình quả lê màu trắng. Lá có đốm đỏ ở gân chính, dài 30 - 60cm, rộng 7 - 8cm. Cụm hoa ở đất, thường trước khi có lá, lá bắc xanh nhợt, mép đỏ, lá bắc trên vàng và đỏ; hoa vàng, mỗi lõm ở đầu, bầu có lông mịn.
Bộ phận dùng: Thân rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang và cũng được trồng, gặp ở Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Minh Hải. Trồng bằng thân rễ vào mùa mưa. Để dùng làm thuốc, đào lấy củ từ tháng 13 đến tháng 3, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, thái lát, phơi khô, khi dùng tẩm giấm sao vàng.
Hoạt chất và tác dụng: Trong củ có 1,5% tinh dầu màu vàng, xanh nhạt, sánh, có mùi giống mùi Long não, và 3,5% chất nhựa và chất nhầy. Thành phần chủ yếu của tinh dầu gồm 48% sesquitecpen, 35% zingiberen, 9,68% xineol và rnột chất có tỉnh thể.
Theo Y học cổ truyền, Nghệ tím có vị đắng, cay, mùi thơm, hăng, tính ấm. Có tác dụng hành khí, thông huyết, tiêu tích, mạnh tỳ vị, kích thích, bổ, tiêu thực. Thường dùng chữa đau bụng, mửa nước chua, ăn uống không tiêu. Còn có thể dùng trị ho, kinh nguyệt không đều, phụ nữ huyết tích, kinh bế.
Cách dùng: Ngày dùng 4 - 6g dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên. Phối hợp với Nghệ trắng, Nghệ vàng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh. Tây Y cũng dùng Nghệ tím trong đơn thuốc bổ. Nhiều người đã dùng bột Nghệ tím hàng ngày (mỗi lần uống 1 thìa cà phê bột chiêu với nước chín) để giúp cho ăn uống được nhiều và ngon miệng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Nga Truật
Nhận xét
Đăng nhận xét