Nhàu nước (Morinda persicaefolia Ham.var. oblonga Pit.) thuộc họ Cà phê (Rubieaceae).
Mô tả: Cây mọc thành bụi cao 0,5 - 1m, không có lông, màu nâu. Lá mọc đối, có khi chụm ba, nhọn ở đầu, có khi có khía sâu, dài tới 11,5cm, rộng tới 4cm. Lá kèm dính nhau. Mặt dưới lá màu dợt. Hoa trắng xếp thành đầu, đối diện với lá. Quả kép hình trứng xù xì, dài gần 4cm, rộng đến 2,5cm, gồm nhiều quả hạch. Cây ra hoa và kết quả từ tháng 1 đến tháng 7.
Bộ phận dùng: Rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang rất phổ biến ở ven đường, dựa bờ nước, bờ ruộng, nơi ẩm thấp, úng ngập không chết nhưng không ưa đất phèn. Phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp do quả theo dòng nước trôi đi khắp nơi, tái sinh dễ dàng bằng rễ. Gặp nhiều ở Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, nên thu hoạch rễ vào mùa khô, tốt nhất nên dùng loại rễ lớn có đường kính cỡ 1cm.
Hoạt chất và tác dụng: Trong rễ có một lượng nhiều antra-glucozit, flavon và một ít saponin, phytosteroi, đường khử, axit hữu cơ như ở cây Nhàu. Các antraglucozit có tác dụng hạ huyết áp lâu dài, nhuận tràng nhẹ và lâu dài. Flavon làm tăng sức đề kháng của mao huyết quản dùng trong bệnh cao huyết áp mà mao quản dễ bị vỡ, chữa nhức đầu, mất ngủ. Saponin làm tăng sự thấm của tế bào, với liêu nhỏ có tác dụng long đờm, chữa ho, gây lợi tiểu và còn khử lọc chất độc của cơ thể.
Cách dùng: Nhân dân thường dùng rễ Nhàu nước thái nhỏ, sao vàng ngâm rượu uống chữa bệnh đau lưng, nhức mỏi chân tay, tê thấp. Có khi còn dùng nhự một chất cho màu vàng để kho cá, cũng dùng trị cao huyết áp, không có biến chứng gì, áp dụng cho các bệnh nhân mất ngủ, hồi hộp, tim đập không đều.
Nhận xét
Đăng nhận xét