Còn gọi là Trần bì (Citrus deliciosa Tenore) thuộc họ Cam (Rutaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, thân và cành có gai, lá đơn, mọc so le mép khía răng cưa, khi vò ra có mùi thơm đặc biệt. Hoa nhỏ, màu trắng. Quả hình cầu hơi dẹt, màu vàng cam hay đỏ. Vỏ mỏng nhẵn hoặc hơi sần sùi, dễ bóc. Mỗi quả chứa nhiều hạt.
Bộ phận dùng: Vỏ quả, dịch quả, hạt và lá.
Nơi sống và thu hái: Cây thường được trồng lấy quả ở nhiều nơi thuộc các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang. Trồng bằng hạt hoặc chiết cành. Ta thu hái quả khi chín, bóc vỏ phơi khô (Thanh bì).
Hoạt chất và tác dụng: Vỏ Quít chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là: d-limonen, một ít xitrala, các andehyt nonylie và dexylic và chứa 1% metylantranilat metyl. Còn có hesperidin, vitamin A, B. Lá chứa tinh dầu. Dịch quả Quít chứa đường axit xitric, vitamin C.
Theo Y học cổ truyền, vỏ Quít có vị the, đắng mùi thơm, tính ấm, khai vị tiêu đờm, còn lá có vị đắng the mùi thơm có tác dụng hành khí tiêu viêm. Hạt cũng có tính chất như lá.
Cách dùng: Nước sắc vỏ quả Quít chữa ăn uống không tiêu, ăn không ngon, nôn mửa, sốt rét, trừ đờm. Ngày dùng 6 - 12g hay hơn. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Nước sắc hạt Quít chữa sa đì và hòn đái sưng đau. Ngày dùng 6 - 12g. Nước Quít uống trong khi say rượu, giải khát, thêm vitamin, bồi bổ cơ thể. Lá Quít hơ nóng đắp chữa đau bụng, ho, sưng vú, núm vú nứt lở. Có khi phơi khô sắc uống như vỏ Quít. Ngày dùng 6 - 19g.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: TRỊ BỆNH BẰNG TRÁI CÂY - QUÝT
Nhận xét
Đăng nhận xét