Còn gọi là cỏ Sả, Sả chanh, Tranh thơm, Hương mao (Cymbopogon citratus (L.) Pers.) thuộc họ Lúa (Poaceae).
Mô tả: Cỏ sống lâu năm, mọc thành bụi, phân nhánh nhiều, cao khoảng 1,5m. Thân rễ trắng, hoa hơi tím. Lá dài, hẹp, mép hơi ráp. Cụm hoa gồm nhiều bông nhỏ không cuống. Toàn cây có mùi thơm như chanh.
Bộ phận dùng: Thân, rễ, lá sả, tinh dầu sả.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng làm gia vị, làm thuốc và cất tinh dầu (cùng với một số loài khác như Sả Giava, Sả rộng). Thân rễ và lá có thể thu hái quanh năm. Dùng tươi hoặc phơi trong mát cho khô. Lá tươi dùng cất tinh dầu.
Hoạt chất và tác dụng: Trong Sả, có 2% là tinh dầu mà thành phần chủ yếu là xitrat với hàm lượng từ 65 đến 85%, ngoài ra còn khoảng 40U geraniol. Tinh dầu thường có màu vàng nhạt, thơm mùi chanh.
Theo Y học cổ truyền, Sả có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ấm bụng, giúp tiêu hóa, khỏi nôn, thông khí, sát trùng, khử uế, tiêu đờm, trấn kinh, giảm đau, trừ phong, thông kinh lạc. Thường dùng chữa cảm sốt, đau bụng ỉa chảy, đầy hơi trướng bụng, nôn mửa, ho, viêm phổi, thủy thũng, trẻ em kinh phong và giải độc rượu. Củ Sả là loại thuốc bổ khí. Tinh dầu Sả dùng khử mùi hôi tanh, xua đuổi ruồi muỗi.
Cách dùng: Lá nấu nước dùng xông chữa cảm, cúm, sốt. Lá Sả dùng pha nước uống giải nhiệt và thông tiểu, tiêu thực. Nõn Sả muối dưa ăn ngừa sơn lam chướng khí, sốt rét ngã nước. Củ non thái, phơi khô, tán bột, trộn kẹo mạch nha để làm gia vị, ăn bổ, giúp tiêu hóa. Bột củ Sả (10 phần) và phèn nhi (1 phần) trộn đều, luyện viên uống trị thối miệng, hôi nách. Nước sắc củ Sả thông tiểu, ra mồ hôi, chữa cảm sốt. Củ giã nát xát chữa chàm mặt trẻ em. Tinh dầu Sả uống với nước chữa đầy bụng, nôn mửa, trung tiện kém: mỗi lần dùng 3 – 6 giọt. Nó còn dùng trừ muỗi và các loại côn trùng khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét