Trâm ổi, còn gọi là Bông ổi, Bông hôi, Cứt lợn, Hoa ngũ sắc, Tứ thời, Tú quý, Thơm ổi (Lantana camara L.) thuộc họ cỏ Roi ngựa (Verbenaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao tới 1,5 - 2m hay hơn. Thân có gai. Cành dài, hình vuông, có gai ngắn và lông ráp. Lá mọc đối khía Tăng, mặt dưới có lông. Cụm hoa là những bông co lại thành đầu giả mọc ở kẽ các lá ở ngọn. Hoa lưỡng tính, không đều, thoạt tiên vàng dợt rồi vàng kim, vàng tươi, sau cùng đỏ chói, ít khi toàn màu trắng. Quả hạch hình cầu, nằm trong lá đài, khi chín màu đen, nhân gồm 1 - 2 hạt cứng, xù xì.
Bộ phận dùng: Lá, cành, hoa và rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở Trung Mỹ, được nhập trồng làm cảnh, nay phổ biến rộng rãi, mọc hoang ở nhiều nơi.
Các bộ phận của cây thu hái vào mùa khô, phơi hay sấy khô. Cũng có thể dùng tươi.
Hoạt chất và tác dụng: Lá chứa 0,2% tinh dầu, ở hoa khô chỉ có 0,07%. Tinh dầu có 80% tecpen bixyclic và 10 - 12% laphelandren. Trong vỏ có 0,08% lantanin. Lantanin cũng như quinin, làm giảm sự tuần hoàn và hạ nhiệt. Cành lá dùng ngoài đắp vết thương, vết loét hoặc dùng cầm máu, sát trùng, hoặc nấu lên dùng rửa trị ghẻ lở, viêm da, các vết chàm, còn dùng chườm nóng trị thấp khớp. Dùng uống trong chữa sốt. Hoa trị ho và hạ huyết áp. Vỏ làm thuốc bổ và thuốc hãm để chống co thắt. Rễ dùng chữa sốt lâu không dứt, phong thấp đau xương, quai bị, lao phổi.
Cách dùng: Để cầm máu, dùng 30g lá Bông ổi khô, 10g gừng khô, hai thứ tán bột, rắc lên vết thương. Ngày làm 1 lần.
Dùng ngoài giã nát đắp hoặc nấu nước tắm rửa. Dùng trong, hãm hoặc pha nước uống. Hoa pha nước dùng chế xirô ho. Vỏ cây dùng ngâm trong cồn hay rượu để chế cồn vỏ Trâm ổi. Rễ thường dùng ở dạng thuốc sắc, thường phối hợp với các loại thuốc khác.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Bông Ổi
Nhận xét
Đăng nhận xét