Đay, Bố đay hay Đạy quả tròn - Corchorus capsularis L. thuộc họ Đay - Tiliaceae. Cây thảo cao l-3m, màu tím nhạt, ít phân nhánh. Lá hình bầu dục nhọn, hẹp ngang, tròn ở gốc, có mũi nhọn ở đỉnh, nhẵn, có răng, dài 6-10cm, rộng 15-30mm; răng nhọn, đều, 2 răng dưới tận cùng bởi một sợi lông dài; gân gốc 1-5. Hoa tập hợp 2-3 cái một ở nách lá, cuống chung và cuống hoa ngắn. Quả hình cầu hay hình quả lê dài 12mm, rộng 10-11mm, có cạnh lồi, mở thành 5 van mang 2 dãy hạt, mỗi dãy 5 hạt dẹp, có góc.
Đay có nguồn gốc ở Ấn độ, từ đó được đem trồng ở nhiều nước. Khắp các nước Đông dương đều có trồng. Ở Việt nam cũng như ở nhiều nước, người ta trồng đay chủ yếu để lấy sợi đay, một chất sợi quan trọng mà qua chế biến, sợi và bẹ đay có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như: bao tải, thảm, vải dùng may mặc, vải bọc dây điện, dây dẫn lửa, thừng, chão, võng ... Đay đã trở thành một cây công nghiệp quan trọng của nước ta, có giá trị kinh tế cao và là một mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới.
Ngoài việc sử dụng vỏ để lấy sợi, người ra còn trồng đay lấy lá non để làm rau ăn như các loại rau cải, nhưng có vị nhạt, do đó cũng thường gọi là rau đay, tuy nhiên rau đay được nhiều nước sử dụng là loại đay quả dài (xem Rau đay). Lá đay tươi cũng là nguồn thức ăn tốt cho gia súc. Năm 1972, Viện vệ sinh dịch tễ đã cho biết trong 100g lá đay tươi có các thành phần tính theo %: Nước 73,1; protein 2,2; lipid không đáng kể, giucid 2,6; cellulose 1,2; khoáng toàn phần 0,9 và các muối khoáng (mg%): Ca l45,6; P 45,8; và vitamin C 62, 100g lá Đay cung cấp một nhiệt lượng là 20 calo.
Ở Ấn độ, lá đay được xem như là bổ và dùng pha làm nước uống. Malaixia người ta sắc lá để uống trị kiết lỵ, xem như là bổ đối với trẻ em, và cũng dùng trị ho. Đầu thế kỷ 20 người ta đã chiết từ lá đay một glucosid gọi là capsulin là một hoạt chất đắng và bổ, tác dụng lên tim nhự là digitalin. Hạt đay chứa một glucosid rất đắng gọi là corchotoxin, khác với corchorin và là đồng phân của strophantidin và của calo-tropagenin, mà tác dụng cũng tương tự digitalin. Gỗ đay chứa những vết acid cyanhydtic.
Ở Việt nam, lá non của đay cũng được dùng làm tăng sự bài tiết sữa, dùng ăn hay sắc uống. Hạt đay đã được Tuệ Tĩnh sử dụng xem như có tác dụng lợi tiểu mạnh, được dùng thay hạt Đình lịch và phối hợp với các vị thuốc khác chữa bệnh cổ trướng: hạt đay sao 12g, vỏ quýt lâu năm l2g, vỏ rễ dâu 24g, gừng 5 lát, sắc uống.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét