Rau cần tây vốn là một loài cây hoang dại ở các chỗ ẩm ướt mà ong thường đến hút mật hoa, do đó mà có tên khoa học là Apium graveolens L. từ chữ Apis, con ong). Đó là một loài cây thảo thuộc họ Hoa tán cùng với Cà rốt, Rau cần, Thìa là … Cây sống 1-2 năm, có thân mọc đứng cao khoảng 1m, có rãnh dọc. Lá ở gốc có cuống, xẻ ba thuỳ hình tam giác, các lá ở giữa và lá ở ngọn không cuống, cũng chia ba thuỳ, xẻ ba, hoặc không chia thuỳ. Hoa trắng hay xanh lục.
Người phương Tây đã biết dùng Rau cần tây cách đây 15 thế kỷ. Hippocrate, người cha của nên Y học, đã nói về tác dụng chữa bệnh rối loạn thần kinh của Rau cần tây.
Người ta bắt đầu trồng Rau cần tây từ thế kỷ 16 và chọn lọc dần để có Rau cần tây ngày nay (Apium graveolens L. var. dulce DC.). Rau cần tây trồng cũng được phần lớn các tính chất của loài tổ tiên của nó mọc hoang dại, nhưng không có vị chát và nồng. Người ta trồng Rau cần tây chủ yếu làm rau ăn, để xào với thịt bò, nấu canh cá, thịt... có mùi vị thơm ngon.
Rau cần tây cũng là cây thuốc đáng chú ý. Người ta đã biết các thành phần của nó gồm các vitamin A, B, C các chất khoáng và kim loại như Mg, Mn, Fe, I, Cu, Na, K, Ca, P, một tinh dầu (anhydrit sedanonic), cholin, tyrosin, acid glutamic. Rau cần tây có các tính chất: lọc máu, điều hoà huyết, làm gầy bớt đi, khai vị, bổ thần kinh và bổ chung, cung cấp chất khoáng, chống hoại huyết, lợi tiêu hoá, kích thích tuyến thượng thận, giải nhiệt, trị lỵ, lợi tiểu, điều khí và dẫn mật, chống thấp khớp và kháng khuẩn. Nó còn làm liền sẹo.
Rau cần tây được chỉ định dùng uống trong để chữa Suy nhược cơ thể do làm việc quá sức, để dưỡng sức, trị suy thượng thận, ăn mất ngon, tiêu hoá chậm, trạng thái thần kinh đễ kích thích, mất khoáng chất (ho lao), tràng nhạc, sự bất lực, sốt giãn cách, thấp khớp, thống phong, sỏi niệu đạo, sỏi thận, bệnh về phổi, đau gan mạn, vàng da, chứng béo phì, thừa máu. Dùng ngoài trị vết thương, mụn nhọt, ung thư, nứt nẻ.
Có thể dùng ăn sống như rau Xà lách, dùng trong xào nấu, nấu chín (rất dễ tiêu hoá), dùng dịch của các nhánh cây (chữa thấp khớp và sốt giãn cách) dùng nước hãm hoặc nước sắc lá... Dùng dịch rau cần tây trộn với dịch cà rốt và dịch cà chua làm chất kích thích tổng quát. Rau cần tây giúp làm cho người gầy bớt đi bằng cách nhai thường xuyên vài cọng giữa các bữa ăn.
Dùng ngoài, có thể lấy dịch của lá làm nước súc miệng hay đắp trên vết thương, mụn nhọt, ung thư hoặc thuốc súc miệng hay rửa miệng, để trị các vết thương ở miệng, viêm họng, khản tiếng. Nước sắc thân hay củ dùng ngâm chân chữa nứt nẻ có kết quả tốt (dùng 250g trong 1 lít nước đun sôi trong 1 giờ).
Ngoài ra, nước sắc Rau cần tây lại có tác dụng làm nước gội đầu để giữ da đầu (gội lúc nước còn ấm, gội nhiều lần và chải đầu cẩn thận sau khi rửa). Thêm vào nước sắc trên một lá Ngưu bàng càng tốt.
Ở Trung Quốc, người ta dùng Rau cần tây làm thuốc thanh nhiệt, ngừng ho, giúp tiêu hoá, lợi tiểu tiện và hạ huyết áp xuống.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - CẦN TÂY
Nhận xét
Đăng nhận xét