Là vỏ thân, vỏ cành cây quế Cinnamomum obtusifolium Ness. Hoặc các loài quế khác. (C. cassia Blume, C.zeylanicum Blume). Họ Long não Lauraceae.
Tính vị: vị cay, ngọt. Tính đại nhiệt, có ít độc.
Công năng chủ trị:
- Hồi dương, dùng trong trường hợp thận dương hư nhược, chân tay lạnh giá, co quắp; phối hợp với cẩu tích, phụ tử, can khương.
- Khứ hàn giảm đau, thông kinh hoạt lạc, dùng đối với bệnh đau bụng dữ dội do hàn nhập lý, tiết tả, nôn mửa, dùng quế mài lấy nước uống, hoặc thái nhỏ hãm với nước sôi, có thể phối hợp với can khương, nhục quế 4g, can khương 2g. Ngoài ra còn dùng khi tỳ vị hư nhược, sôi bụng, lạnh bụng, đại tiện lỏng lâu ngày không khỏi, phối hợp với đại hồi, vân mộc hương. Phụ nữ khi có kinh nguyệt mà đau bụng có thể dùng quế phối hợp với hương phụ.
- Ấm thận hành thuỷ, dùng đối với trường hợp dương khí hư nhược, phù thũng tiểu tiện khó khăn, đặc biệt phù nặng ở bàn chân.
Liều dùng: 2 - 6g.
Kiêng kỵ: phụ nữ có thai, những người âm hư dương thịnh, không được dùng. Dùng lâu, liều cao, thường dẫn đến nhức đầu táo bón.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: chất aldehyd cinamic thành phần chính trong tinh dầu quế có tác dụng hạ nhiệt ở thỏ với liều 250-500mg/kg, giảm hoạt động tự phát, kéo dài thời gian ngủ của chuột khi dùng kèm với thuốc barbiturat.
- Tác dụng kháng khuẩn: ức chế hoạt động của trùng roi, với nồng độ 1/100. Nguyễn Đức Minh thấy rằng: tinh dầu quế thanh có tác dụng diệt lỵ amíp, B. mycoides, Staphylococcus aureus, Streptococcus haemoliticus, Pseudomonas aeruginosa, Shigella typhi, Sh, flexeneri.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Quế
Xem thêm: THUỐC GIẢI BIỂU CAY ẤM - QUẾ CHI
Nhận xét
Đăng nhận xét