Còn gọi là sa lê, mãng cầu, mãng cầu giai, mãng cầu ta, phan lệ chi.
Tên khoa học Annona squamosa L.
Thuộc họ Na Annonaceae.
A. Mô tả cây
Na là một thứ cây nhỡ cao 2-6m. Thân tròn, vỏ nháp, mang nhiều cành. Lá mọc so le, hình bầu dục dài 7-10cm, rộng 3-4cm. Hoa đơn độc nở vào tháng 3-4, cánh hoa màu mỡ gà, thường mọc đối diện với lá. Nhị nhiều, chỉ nhị rộng, chỉ hơi hẹp hơn bao phấn một chút. Nhiều lá noãn mang 1 noãn. Quả kép dạng quả mọng màu xanh lục, nhạt, gồm nhiều múi, mỗi múi là một phân quả. Thịt quả trắng mềm, ngọt và thơm. Mùa quả từ tháng 8-11 (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Na được trồng ở khắp nơi trong nước ta, nhiều và ngon nhất là giống na dai.
Trồng na cần chọn nơi đất cao, nhiều phân, mát, thấm nước. Cần chọn những quả to nhất, thật chín, bóc vỏ, để nguyên cả múi và hột đem ươm, như vậy cây giống sẽ lâu cỗi và cho quả cũng ngon như cây đã cho giống. Khi cây ươm đã cao 40-50cm thì đem trồng. Đầu mùa mưa, đất dọn sẵn, đào lỗ sâu 30cm, mỗi lỗ cách nhau 2mx2m, cho chừng 2kg phân chuồng. Cây trồng xong ít phải trông nom, chỉ cần làm cỏ xung quanh và tỉa bớt cành khô. Từ năm thứ 4 trở đi mới có nhiều quả, khi ấy, hằng năm chỉ cần bón 5-10kg phân. Nếu thấy cây cho nhiều quả nhỏ thì đầu mùa mưa nên cắt bớt những cành cách mặt đất chừng 1m, cây sẽ cho nhiều cành non và nhiều quả hơn.
Cây na mau cỗi, sau 7-8 năm nên đẵn đi trồng lại.
C. Thành phần hoá học
Trong lá có một ancaloit vô định hình, không có glucozit.
Trong hạt có chứa chừng 39,5-42% dầu, trong đó các axit béo là những axit myristic, panmitic, stearic, arachidic, hexadecanoic, và oleic.
Trong hạt na có một ancaloit vô định hình gọi là anonain C17H15O2N độ chảy 122-123°C, α20D =-5°2 (CHCl3). Chất độc trong hạt na đã được xác định (Proced. 39 th Indian Sci. Congr., Part III,( abstr.), 1952, trang 105).
Năm 1947, Harper S. H., C. Potter và E. M. Gillham (1947, Ann. appl. Biol., G. Br., 34:104) đã chiết được từ hạt và rễ na những chất độc và cho rằng đó là các glyxerit và các axit có phân tử lớn. Các tác giả cũng đã nghiên cứu độ độc của những chất đó trên nhiều loài sâu bọ khác nhau.
Trong quả na có 72% glucoza, 14,52% sacaroza, 1,73% tinh bột, 2,7% protit.
D. Công dụng và liều dùng
Ngoài công dụng cho quả để ăn, các bộ phận khác của cây Na chỉ mới được dùng trong phạm vi nhân dân, vì chưa có một nghiên cứu về tác dụng dược lý.
Lá Na được nhân dân dùng chữa sốt rét: Chọn các lá không bị sâu, rửa sạch vò lấy nước uống tươi hoặc sắc lấy nước mà uống. Liều dùng: Người lớn 20 lá, trẻ con 10 lá, giã nhỏ, thêm ít nước lọc vào vắt lấy nước uống 2 giờ trước khi lên cơn sốt. Ngày chỉ dùng một liều, thường chỉ cần uống 3-4 ngày là hết.
Hạt Na tán nhỏ dùng trừ chấy rận: Giã nhỏ, nấu nước gội đầu hay giặt quần áo. Chú ý khi gội đầu cần tránh đừng để hạt na hay nước hạt na bắn vào mắt. Nhân hạt na rất độc, chỉ cần nhấm một ít đã thấy khó chịu nhưng khi ăn na vô ý nuốt vào không làm sao là do lớp vỏ cứng che chở không cho nhân tác dụng. Có thể ngâm hạt vào rượu, rồi dùng rượu mà vò đầu hoặc nhỏ vào tóc. Vẫn cần tránh dây thuốc vào mắt.
Quả Na điếc (quả na bị một giống nấm làm hỏng, tự nhiên có màu đỏ tím rồi rụng) nhân dân hay dùng quả na này để giã nhỏ đắp lên vú bị sưng.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét