Trong đông y thường coi phụ tử là một vị thuốc bổ “dương” do đó có câu (sâm, nhung, quế, phụ) nhưng có nhiều người lại rất sợ phụ tử vì coi đó là một vị thuốc rất độc. Vậy sự thật như thế nào?
Ô đầu và phụ tử là hai vị thuốc khác nhau hay là cùng một vị? Do một cây hay do hai cây khác nhau?
Cần nắm vững ngay rằng ô đầu, phụ tử đều do một cây mà ra, nhưng do cách chế biến khác nhau mà ô đầu rất độc, thường chỉ dùng để xoa bóp bên ngoài, còn phụ tử ít độc hơn có thể dùng uống trong với liều khá cao. Tuy nhiên người ta thường dùng liều thấp. Trước khi giới thiệu cây ô đầu Việt Nam chúng tôi thấy cần thiết giới thiệu các vị ô đầu và phụ tử Trung Quốc và châu Âu, đã được nghiên cứu kỹ hơn, giúp ta hiểu vị ô đầu của ta hơn.
ÂU Ô ĐẦU
Còn gọi là Aconit napel.
Tên khoa học Aconitum napellus L.
Thuộc họ Mao lương Ranunculaceae.
Âu ô đầu là rễ củ phụ (còn gọi là củ con) của cây Âu ô đầu phơi hay sấy khô. Có khi người ta dùng cả củ mẹ.
A. Mô tả cây
Âu ồ đầu là một loại cỏ mọc khỏe, có rễ phình to thành củ, thân thường ít cành, 1 xè chân vịt, gần như lá ngải cứu, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới màu nhạt hơn, nhấm lá sẽ thấy vị nhạt sau như bị kiến đốt nhè nhẹ. Hoa mọc thành chùm, màu xanh thẫm đôi khi hơi tím nhạt, hoặc trắng, có đài hoa phía sau khum thành hình như cái mũ.
Mùa nực rễ cái sẽ phình thành hình củ giống như củ đậu, phía trên mang thân cây mọc trong năm, ta thường gọi củ mang thân cây này là củ mẹ. Nơi gần cổ rễ mọc ra một nhánh nối liền củ mẹ nói trên với một củ cũng hình củ đậu, nhưng mẫm hơn, trắng hơn, ta thường gọi là củ con (củ phụ). Trên đầu củ con này có một búp mang lá ngầm (Hình dưới).
B. Phân bố, trồng hái và chế biến
Cây Âu ô đầu hiện chưa được di thực vào nước ta, nhưng nhiều triển vọng có thể trồng được. Trồng bằng hạt hay củ. Củ con chứa nhiều ancaloit hơn củ mẹ (có khi gấp 4). Củ mẹ hái trước khi hoa nở cũng chứa nhiều ancaloit, củ mẹ hái vào mùa thu thường chứa ít ancaloit, nghĩa là củ mang cây đang phát triển thì cây càng lớn, hoa và quả càng phát triển thì củ phải nuôi càng chứa ít ancaloit.
Rễ củ hái về phơi hay sấy khô là được.
C. Thành phần hóa học
Trong Âu ô đầu có 3 ancaloit chính: aconitin, aconin và benzoylaconin. Aconitin độc nhất, chiếm 9/10 tổng số ancaloit trong củ. Thủy phân, aconitin sẽ cho axit axetic, axit benzoic và aconin.
Như vậy ta thấy aconitin là axetyl benzoylaconin.
Hiện tượng thủy phân bắt đầu xày ra ngay trong dung dịch nước hay rượu còn ở nhiệt độ thường. Hiện tượng này rất quan trọng vì nó giúp ta hiểu tác dụng khác nhau của ô đầu tùy theo thời gian bảo quản hay tùy theo cách dùng vì benzoylaconin có tác dụng 400-500 lần kém aconitin, còn aconin lại tác dụng 1.000-2.000 lần kém hơn.
D. Tác dụng dược lý
Khi ta nhấm ô dầu, chất aconitin sẽ gây cảm giác như kiến bò, sau đó thấy tê, như vậy chứng tỏ rằng lúc đầu aconitin kích thích đầu dây thần kinh ba nhánh (trijumeau), sau đó thì gây tê liệt. Với liều cao hơn, aconitin có thể tác dụng trên thần kinh cảm giác (hiện tượng kiến bò ở đầu ngón tay) thân nhiệt hạ thấp, mạch chậm, nhỏ và không đều, chân xỉu xuống, khó bước đi, cuối cùng có thể chết do ngạt. Aconitin rất độc: Chỉ cần một liều 0,00002g đến 0,00005g đối với mỗi kilôgam thể trọng có thể gây nên ngộ độc chết người.
E. Công dụng và liều dùng
Trong tây y, âu ô đầu thường được dùng làm thuốc chữa ho, ra mồ hôi. Thuốc độc dùng phải hết sức thân trọng.
Củ, lá, rượu thuốc âu ô đầu đều thuộc thuốc độc bảng A. Theo dược điển Pháp (1949): Bột củ ô đầu tán vừa mịn, qua mắt rây 24 là 100g, cồn 90° vừa đủ ngâm kiệt để có được 950g cồn ô đầu.
Rượu thuốc âu ô dầu dùng với liều 10 giọt đến 50 giọt mỗi ngày. Trẻ con từ 30 tháng đến 15 tuổi dùng với liều 5 đến 10 giọt một ngày. Do aconitin dễ bị thủy phân cho nên hằng năm cần phải thay thuốc một lần.
Các dạng thuốc khác ít dùng.
Ô ĐẦU VÀ PHỤ TỬ
Đang dùng trong đông y
Còn gọi là xuyên ô, thảo ô.
Tên khoa học Aconitum sinense Paxt.
Thuộc họ Mao lương Ranunculaceae.
Ô đầu và phụ tử đều do rễ củ của một cây cung cấp, nhưng do cách chế biến khác nhau, nên được hai vị thuốc khác hẳn nhau:
Ô đầu (Radix Aconiti) là rễ củ mẹ của cây ô đầu - Âconitum sinense, đào về, rửa sạch phơi hay sấy khô. Vị thuốc này các vị lương y đều thống nhất coi là vị thuốc rất độc. Hiện được xếp vào loại thuốc rất độc bảng A.
Phụ tử là rễ củ con của cây ô đầu nói trên, nhưng đem về chế biến rồi mới dùng. Phụ tử lại chia ra diêm phụ, hắc phụ và bạch phụ củ, bạch phụ phiến. Các vị lương y có người coi là độc, nhưng cỏ vị coi là không độc vì có thể dùng hàng gam đến 40-50g hay hơn nữa.
A. Mô tả cây
Cây ô đầu là loại cỏ sống lâu năm, cao chừng 0,6-1m. Tên cây trước đây nhiều tác giả đã xác định là Aconitum sinense Paxt, nhưng gần đây có tác giả đã xác định lại là Aconitum carmichaeli Debx. (Trung dược chí tập 1, Bắc Kinh, 1961).
Rễ phát triển thành củ, có củ mẹ, củ con như cây âu ô đầu. Củ hái ở những cây trồng có thể tới 5cm đường kính. Lá mọc so le, phiến lá rộng 5-12cm, xẻ thành 3 thùy, 2 thùy 2 bên lại xẻ làm 2, thùy giữa lại xẻ làm 3 thùy con nữa. Mép các thùy đều có răng cưa thô, to. Cụm hoa dài 10-20cm, hoa màu xanh tím, quả dài 2mm. Hoa nở vào tháng 6-7. Quả thu hoạch vào tháng 7-8 (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây này hiên chưa được trồng ở nước ta. Chủ yếu mọc hoang và được trồng ở Trung Quốc (Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Thiểm Tây, Cam Túc).
Củ thu hái vào cuối tháng 6 (hạ chí) đầu tháng 7 (tiểu mãn). Tùy theo yêu cầu muốn có ô đầu, phụ tử hay hắc phụ lựa chọn những củ và chế biến khác nhau như sau:
Ô đầu chọn những củ mẹ (khác với âu ô đầu, chỉ lấy củ con) cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất phơi hay sấy khô. Thuốc rất độc.
Diêm phụ còn gọi là phụ tử muố, hay sinh phụ tử, phụ tử sống. Chọn những củ con to nhất, cắt bỏ rễ con, rửa sạch cho vào vại, thêm vào đó magiê clorua (đảm ba), muới ăn và nước. Cứ 100kg phụ tử thì dùng 40kg magiê clorua, 30kg muối và 60 lít nước. Ngâm trong 10 ngày lấy ra phơi, phơi khô lại cho vào vại thêm nước, muối và magiê clorua để lúc nào cũng ngâm xâm xấp các củ. Sau đó mỗi ngày lại lấy ra phơi, tối lại ngâm. Thỉnh thoảng lại thêm muối, magiê clorua để lúc nào cũng giữ được nồng độ cũ. Cuối cùng phơi nắng để muối thấm vào tới giữa củ, mặt ngoài thấy có muối kết tinh là được. Loại phụ tử này được nhập vào nước ta với hình thức đựng trong các vại, trông giống như những củ khoai sọ, dài 6-10cm, quăng rộng có thể đạt tới 4-6cm. Khi dùng có người chỉ rửa sạch hết muối, thái mỏng, phối hợp với các vị thuốc khác, đặc biệt cam thảo và gừng sống (sinh khương) sắc kỹ gạn lấy nước mà uống. Chúng tôi đã có dịp uống một đơn thuốc có tới 80g sinh phụ tử phối hợp với cam thảo, gừng sống, sắc đặc, đồng thời còn chứng kiến có người dùng tới 50-200g sinh phụ trong một ngày mà lại uống luôn trong nhiều ngày.
Tuy nhiên nhiều người thường chỉ dám dùng sau khi đem sinh phụ trên nấu lại nhiều lần với đậu đen.
Hắc phụ: Chọn những củ con, to trung bình, rửa sạch đất cát, cho vào vại có chứa dung dịch magiê ngâm vài ngày, thông thường cứ 100kg phụ tử sống dùng 40kg magiê clorua và 20kg nước. Sau đó cứ để như vậy, đun sôi 2-3 phút, lấy ra rửa sạch, để nguyên cà vỏ, thái thành từng miếng mỏng chừng 5mm rồi lại ngâm vào nước magiê clorua nữa, cuối cùng thêm đường đỏ và dầu hạt cải mà tẩm và sao cho đến khi có màu nước chè đặc, cuối cùng lại dùng nước rửa cho đến khi hết vị cay tê là được, đem ra phơi khô hoặc sấy khô. Xem như vậy ta thấy chất aconitin có thể giảm đi rất nhiều, định lượng ancaloit cũng xác nhận như vây.
Bạch phụ: Chọn những củ con nhỏ, rửa sạch, cho vào vại ngâm với nước có magiê clorua vài ngày, sau đó đem đun cho tới khi chín tới giữa củ, lấy ra bóc vỏ đen, thái thành từng miếng mỏng dày chừng 3 mm, rồi cũng đem rửa cho tới khi hết vị cay, hấp chín, phơi khô, sau đó đem xông hơi diêm sinh cuối cùng phơi khô là được. Xem như vậy bạch phụ lại có thể chứa ít ancaloit hơn hắc phụ.
Theo tài liệu cổ, ô đầu phụ tử đều có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, có độc, vào 12 đường kính. Phụ tử có tác dụng hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa, trợ dương, trục phong hàn, thấp tà; ô đầu sưu phong, táo thấp khứ hàn; phụ tử dùng chữa mồ hôi toát ra nhiều quá, vong dương (mất dương), chân tay quờ quạng, bụng quặn đau, dương hư, sợ lạnh, mồ hôi trộm, ngực bụng lạnh đau, tả lỵ lâu ngày, phong hàn thấp tỳ (tê bại), đau nhức thận dương không đủ, cước khí, thủy thũng, mọi chứng trầm hàn cố lãnh. Ô đầu dùng chữa phong hàn thấp tỳ, các khớp sưng đau, chân tay co quắp, bán thân bất toại (liệt nửa người), đại hàn sinh đau bụng, âm thư lâu ngày không vỡ mủ, vết loét lâu ngày không liền miệng.
Những người âm hư, dương thịnh, phụ nữ có thai không dùng được. Ô đầu không dược dùng chung với bán hạ, quá lâu, bỗi mẫu bạch cập.
Mặc dầu sinh phụ, hắc phụ hay bạch phụ đã được chế biến như vậy rồi nhưng khi dùng có người còn chế với đâu đen hay ngâm nước với nhiều lần rồi mới dám dùng. Chúng tôi thấy cũng cần theo dõi nghiên cứu để đi tới thống nhất một phương pháp bào chế phụ tử, có như vây mới dễ đánh giá tác dụng trị bệnh của các loại phụ tử.
C. Thành phần hóa học
Qua các tài liệu của Trung Quốc và Nhật Bản, trong ô đầu và phụ tử Trung Quốc cũng có những hoạt chất như âu ô đầu.
Sơ bộ nghiên cứu, chúng tôi cũng thấy như vậy, nhưng theo thứ tự từ nhiều đến ít như sau: Ồ đầu, diêm phụ, hắc phụ, bạch phụ. Tuy nhiên chúng tôi tự hỏi, tại sao muốn giảm lượng ancaloit lại không dùng liều nhỏ cho khỏi lãng phí thuốc hoặc là trong phụ tử, ngoài aconitin ra còn có chất gì khác tác dụng chăng? Trong khi sắc phối hợp với những vị thuốc khác có gì thay đổi không? Đó là những vấn đề tồn tại trong thành phần hóa học của phụ tử.
Một số băn khoăn của chúng tôi gần đây đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Nhật Bản trả lời như sau:
1. Trong quá trình sắc thuốc (dun sôi và giữ sôi lâu) các ancaloit của phụ tử chế, tiếp tục bị phân hủy.
2. Khi sắc đơn thuốc “Tứ nghịch thang” (phụ tử được phối hợp với cam thảo và gừng) độc tính của phụ tử còn giảm nhiều hơn so với nước sắc phụ tử riêng biệt, hoặc khi sắc phụ tử riêng, gừng riêng và cam thảo riêng rồi mới trộn ba dịch sắc riêng ấy với nhau. Người ta cho rằng, khi sắc phối hợp ba vị phụ tử, gừng và cam thảo, ngoài sự phân hủy aconitin bởi nhiệt, có thể còn sự hóa hợp giữa axit glucuronic của cam thảo với những ancaloit trong phụ tử.
3. Đông y không sử dụng các ancaloit độc trong phụ thử mà dùng các chất gây tác dụng cường tim trong ô đầu, phụ tử. Có lẽ chất “hồi dương cứu nghịch” hay “khởi tử hồi sinh” nói trong đông y là nằm ở đây. Tại Nhật Bản, người ta đã chiết từ nước sắc phụ tử chất higranim có tác dụng cường tim rất mạnh. Higranim rất bền với nhiệt độ, với áp suất, trong môi trường nước axit hóa, ở nồng độ 10g vẫn có tác dụng cường tim. Sau khi hấp 110-115°C trong 40 phút, hiệu lực cường tim chỉ giảm 2 lần, trong khi đó DL-50 giảm độc tới 200 lần (Trung thảo dược học - Trung văn).
4. Tác dụng cường tim còn liên quan đến sự có mặt của ion Ca+2 trong nước sắc đơn thuốc có phụ tử. Nguồn ion Ca+2 này một phần có trong axit canxiphotphoaconitic trong phụ tử, một phần có trong nước muối, nước ớt dùng chế phụ tử. Nước sắc phụ tử chế có tác dụng mạnh hơn nước sắc phụ tử sống (ô đầu) do nước sắc phụ tử chế có hàm lượng ion Ca+2 nhiều hơn. Nếu loại các ion Ca+2 khỏi nước sắc thì tác dụng cường tim cũng giảm đi khá nhiều (Trung dược hóa học, 832, Võ Xuân Minh - TCĐY 1983, 184).
D. Công dụng và liều dùng
Trong đông y, ô đầu chỉ được dùng ngâm rượu để xoa bóp khi bị dau nhức, mỏi chân tay. Đặc biệt lắm mới có người dùng cho uống để chữa bán thân bất toại, chân tay co quắp, mụn nhọt vỡ lâu không liền miệng. Liều thường dùng là 3-4g, sắc uống hay ngâm rượu.
Phụ tử: Đông y coi là một vị thuốc hồi dương, khử phong hàn, dùng chữa một số triệu chứng nguy cấp, mạch gần như không có, ra nhiều mồ hôi (thoát dương) chân tay tê mỏi v.v... với liều 4-12g dưới dạng thuốc sắc. Dù sao dùng thuốc này cũng phải hết sức thân trọng, chưa quen không nên dùng. Một số người dùng với liều cao hơn, có khi tới 100g hay hơn, nhưng thường phối hợp với cam thảo, can khương và sắc rất kỹ và lâu.
Đơn thuốc có ô đầu phụ tử
Chữa chân tay đau nhức, khớp xương sưng đau:
Rượu phụ tử quế chi (đơn thuốc của Trương Trọng Cảnh) ô đầu 1g, quế chi 1g, cam thảo 1g, thược dược 2 g, táo đỏ 4g, rượu 100ml. Ngâm trong 3 ngày, lọc bỏ bã lấy rượu. Ngày uống 60ml rượu này chia làm nhiều lần uống, chữa bệnh chân tay đau nhức, khớp xương sưng đau.
Chú ý:
1. Bạch phụ tử còn dùng để chỉ hai vị thuốc khác: Rễ củ của cây Typhonium giganteum Engl. (cây này ở ta chưa thấy có) thuộc họ Ráy Araceae và cây san hô hay bạch phụ tử - Jatropha multifida L. thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae.
2. Trên thị trường còn có bán một loại thuốc gọi là thảo ô là rễ một cây Aconitum khác.
Ô ĐẦU VIỆT NAM
Còn gọi là củ gấu tàu, củ ấu tàu (đừng nhầm với vị hương phụ có tên là củ gấu, xem vị này), cố y (Mèo - Nghĩa Lộ).
Tên khoa học Aconitum fortunei Hemsl, (Ạ. conitum sinense Sieb., Aconitum kusnezoffii Reichb var bodinieri Fin. et Gagnep).
Thuộc họ Mao lương Ranunculaceae.
Cây này trước đây được Dr Daels giám đốc vườn thực vật Berlin Dahlem xác định là Aconitum semigaleatum.
A. Mô tả cây
Đây là một loại cỏ cao 0,6-1m, thân mọc thẳng đứng, có lông ngắn. Lá hình mắt chim. Chia thành 3 thùy, đường kính 5-7cm, thùy hơi hình trứng dài, có răng cưa ở nửa trên. Hoa lớn, màu xanh tím mọc thành chùm dày dài 5-15cm. Lá bắc nhỏ. Đài sau giống hình mũ nông. Quả có 5 đại, mỏng như giấy, dài 23mm, hạt có vẩy ở trên mặt (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang ở các vùng núi cao biên giới nước ta: Lào Cai (Sapa), Hà Giang, Khu Tầy Bắc (Nghĩa Lộ). Thường thấy tại các savan cỏ. Hoa nở vào tháng 10-11. Rễ củ hái vào các tháng 7-10 trước khi cây ra hoa, là lúc củ có kích thước to nhất. Trước đây khi hái thường cứ để nguyên một mẫu thân dài chừng 15cm, để dễ bó lại thành từng bó 20 củ một, phơi khô. Riêng tại Nghĩa Lộ, một năm ta có thể thu mua tới vài tấn ô đầu khô. Thời Pháp những củ này được xuất sang Trung Quốc để rồi lại nhập sang ta với tên ô đầu hay thảo ô đầu. Do cách chế biến, chúng ta thấy nên xếp vào loại ô đầu.
C. Thành phần hóa học
Ô đâu của ta chứa chừng 5 phần nghìn ancaloit toàn phần, tan trong nước. Củ con chứa nhiều ancaloit hơn. Khi xác định liều tối đa gây độc, người ta thấy những ancaloit đó có độ độc của aconitin. Khi bị phá hủy các ancaloit đó sẽ cho các chất ít độc hơn. Có tác giả sau khi nghiên cứu, đã đề nghị dùng ô đầu Việt Nam thay ô đầu của châu Âu (Revue médico chirurgicale Prancaise 3, 1942: 441-442).
Chúng tôi đang nghiên cứu để xem có thể chế biến thành phụ tử như của Trung Quốc không.
D. Công dụng và liều dùng
Tại những vùng có cây này mọc hoang, nhân dân thường hái thái mỏng ngâm rượu, dùng xoa bóp những nơi nhức mỏi, sai khớp, dập gẫy chân tay. Những năm gần đây, thấy quốc doanh dược liệu thu mua, có người cho đó là một vị thuốc bổ, uống quá liều nên đã xảy ra một số vụ ngộ độc. Ta có thể chế ô đầu của ta để thay âu ô đầu. Công dụng và liều dùng coi vị âu ô đầu.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét