Chuyển đến nội dung chính

Củ RIỀNG

Củ RIỀNG (Aipinia officinarum = Lesser Galangal)
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng Riềng

Tuy cùng họ thực vật Zingiberaceae như Gừng và Nghệ, nhưng Riềng ít được biết đến về phương diện dược học mà chỉ nổi tiếng trong vai trò gia vị cho món ăn ‘Mộc tồn’ và cho món Nem Tré của miền Trung.

Tại Thái Lan, Riềng thường được ăn sống và trộn trong rau với tên Krachai, Kra.., sắt mỏng ngâm trong nước, thêm đường để làm món giải khát Khing. Người Indonesia thích dùng Riềng hơn (tên là Kencur hay Lengkuas), họ thay cho Gừng trong nhiều món ăn dân tộc.

Tông Alpinia có khoảng 200 loài, được cho là có nguồn gốc tại Á và Úc châu. Riềng thuốc (A. officinarum) chiếm vị trí khá quan trọng trong việc dùng làm cây thuốc, đã được dùng trong các nền dược học cổ truyền Ấn độ (Auyrvedic), Trung Hoa từ thời xa xưa (500 năm trước Tây lịch), và Âu châu từ thời Trung cổ. Nhà thám hiểm Marco Polo đã ghi chép về Riềng, cho rằng cây đã được trồng từ thế kỷ 13 tại Java. Riềng nếp (A. galanga), củ tuy lớn hơn nhưng lại ít cay hơn, thường dùng làm gia vị (Nhóm Riềng Á đông khác hẳn với loại Galingal Âu châu = Sweet Galingale = Cyperus longus, rễ chùm có mùi thơm của hoa violet, dùng trong kỹ nghệ hương liệu).

Tinh dầu Alpinia galanga còn được dùng làm chất phụ gia trong kỹ nghệ Nước giải khát, Rượu như Chartreuse. Nụ hoa và hoa dùng làm thực phẩm Dịch chiết được thêm vào các loại rượu có nồng độ alcohol thấp để tạo cảm giác rượu mạnh hơn.

Tên khoa học và các tên thường gọi:

- Aipinia officinarum = Lesser Galangal

Các tên thông thường: Catarrh Root, Chinese Ginger, Siamese Ginger, Thai Ginger, Chinese Root, Colic Root, Gargaut, India Root. Galangtwurzelstock (Đức), Cao lương khương, Romdeng (Cambodia) Lenkuas (Mã lai)

- Alpinia Galanga = Greater Galangal

Các tên khác: Đại lương khương
Củ RIỀNG (Aipinia officinarum = Lesser Galangal)

Đặc tính thực vật:

- Riềng thuốc (Alpinia officinarum)

Cây thuộc loại thân thảo, lưu niên, mọc thẳng cao 1-1.5 m. Thân rễ mọc bò ngang, hình trụ màu đỏ nâu lớn chừng 1-2cm đường kính, dài 3-6cm, chia thành nhiều đốt không đều nhau, phủ nhiều vẩy. Lá không cuống, có bẹ thuôn dài, hình mác lớn đến 40cm, mọc thành 2 dãy. Hoa màu trắng dạng hoa lan, tập họp thành chùm thưa ở ngọn, cánh môi to có vân đỏ. Quả hình cầu có lông. Cây trổ hoa vào tháng 5.

- Riềng nếp (Alpinia galanga)

Cây thuộc loại thảo, cao 1-2 m. Thân cỡ 5-7mm, thân rễ to 2-3cm có mùi thơm. Lá hình mũi giáo nhọn, thót lại nơi gốc, dài 30-40cm, rộng 7-8cm, không có lông. Chùy hoa dài 15-30cm, rộng 8-10cm, nhiều hoa. Chùy có lông nhung và nhánh nhiếu, sát nhau. Cuống hoa mọc đứng, có lông. Hoa màu trắng, có vạch hồng, dài 20-25mm; tràng hoa có ống ngắn Cánh hoa hình giáo tù, dài 10-15mm; cánh môi hình giải xoan ngược, phiến môi chia 2 thùy ở chóp. Quả mọng, hình cầu hay hình trứng dài 12mm x 6mm, màu đỏ nâu chứa 3-5 hạt.

- Một số loài Riềng khác:

+ Riềng tàu (Alpinia chinensis) = Hoa sơn khương. Loài đặc biệt tại Nam Trung Hoa, Lào và Việt Nam. Cây cao khoảng 1m.

+ Riềng ấm (Alpinia zerumbet) = Đại thảo khấu, còn gọi là Riềng dẹp Se nước, thường trồng làm cây cảnh vì cho hoa rất đẹp, màu vàng có sọc đỏ.
Củ RIỀNG (Aipinia officinarum = Lesser Galangal)

Thành phần hóa học:

- Alpinia officinarum: chứa

- Tinh dầu dễ bốc hơi: gồm cineole, eugenol, pinene, methyl cinnamate, camphor; hợp chất chính là những sesquiterpenes hydrocarbon, sesquiterpene alcohol; các hợp chất heptone.

- Các diarylheptanoids: dạng hỗn hợp được gọi chung là galangol, bao gồm những chất có vị cay.

- Gingerole: hợp chất cay loại phenyl alkanones.

- Tanins; Các hợp chất loại phenylpropanoids.

- Flavonoids như Galangin, Galangin-3-methylether, Kaempferide, Kaempferol-4’-methylther.

- Sterols như beta-sitosterol

Thành phần dinh dưỡng:

100 gram củ Riềng (Alpinia galanga) chứa:

- Calories .............................. 362
- Chất đạm ............................ 7.1g
- Chấtbéo .............................. 2.8 g
- Carbohydrates tổng cộng ... 83 g
- Calcum ............................... 220mg
- Phosphorus ........................ 178mg
- Sắt ..................................... 14.9mg
- Beta-carotene (A) ............. 10,780 microgram
- Thiamine ........................... 0.35mg
- Riboflavin ......................... 0.14mg
- Niacin ............................... 7.09mg
- Vitamin C ......................... 184mg

Dược tính và các nghiên cứu khoa học:

Kommiission E của Đức ghi nhận Gừng được chấp thuận làm thuốc trị khó tiêu và giúp kích thích thèm ăn, liều dùng dưới dạng thuốc rượu là 2-4 gram và dưới dạng bột Rễ khô là 2- 4 gram.

- Hoạt tính chống nôn mửa:

Nghiên cứu tại ĐH Meiji Pharmaceutical (Khoa Dược liệu) - Tokyo ghi nhận Riêng (A.officinarum) có chứa 8 hợp chất có khả năng trị ói mửa khi thử trên gà con bị gây nôn ói bằng sulfate đồng. (Journal of Natural Products Số 65-2002).

- Tác dung ngừa ung thư:

Nghiên cứu tại Trường Dược, ĐH Kangwon National University, Chun chon (Nam Hàn) ghi nhận các flavonoids trong Riềng nhất là Galangin có những hoạt tính chống oxyhóa và thu nhặt các gốc tự do gây tác hại cho tế bào, do đó có thể tác động trên sự hoạt động của các hệ thống phân hóa tố và ngừa tác hại của các chất gây ung thư. (Mutations Research Số 488-2001). Hoạt tính chống oxyhóa cũng được thử nghiệm trên hệ thống tự oxyhóa methyl linoleate.

Các diterpene trong A. galanga có tác dụng chống u-bướu khi thử trên chuột (Planta Medica Số 54-1988).

- Tác dụng làm hạ Cholesterol và ha triglyceride:

Củ Riềng (A. officinarum) chứa các flavonoids như 3-methylether-galangin và các heptanone có hoạt tính ức chế lipase tuy tạng gây hạ cholesterol và lipid trong máu. Nghiên cứu tại ĐH Kyung Hee, Seoul (Nam Hàn) ghi nhận chất Hydroxy-Phenyl-Heptanone (HPH) trong Riềng ức chế lipase tụy tạng ở nồng độ IC50 = 1.5mg/ml. HPH giúp hạ triglyceride trong máu nơi chuột bị gây cao mỡ trong máu bằng dầu bắp và cũng làm hạ cholesterol nơi chuột bị gây mỡ cao bằng Triton WR-1339 (Biological & Pharmaceutical Bulletin Số 27-2004).

- Hoạt tính kháng viêm:

Chất diarylheptanoid trong Riềng có hoạt tính kháng viêm khi thử trên các tế bào dòng đại thực bào RAW 264.7 của chuột và trên tế bào đơn hạch máu ngoại vi của người. Cơ chế chống viêm này do tác dụng ức chế sự tiết lipopolysaccharides, ức chế các kinase kích khởi mitogen.(Journal of Pharmacology and Experimental Therapies Số 305-2003)

- Hoạt tính kháng sinh:

Dịch chiết từ Rễ củ A.officinarum có hoạt tính kháng sinh ‘in vitro’, ức chế sự tăng trưởng của các vi khuẩn anthrax, Streptococcus hemolyticus, và nhiều chủng Staphylococcus, Corynebacterium diphteriae (Chinese Herbal Medicine Materia Medica-D.Bensky).

Hợp chất acetoxychavicol acetate, trích từ A. galanga có hoạt tính kháng nấm (Planta Medica Số 51-1985).

Củ Riềng trong Dược học Đông Phương:

Ngoài vai trò dùng làm gia vị, Riềng còn được được dùng làm thuốc tại nhiều quốc gia Á châu:

1- Trung Hoa:

Dược học cổ truyền Trung Hoa phân biệt 2 loại riềng thành 2 vị thuốc khác nhau:

- Cao lương khương (Kao-lian-chiang) là rễ củ Alpinia officinarum.

Vị thuốc đã được ghi trong Danh Y Biệt lục, và thường dùng những củ đã trồng từ 4-6 năm, thu hoạch vào cuối mùa hè.

(Gọi là Cao lương khương = Gừng Cao lương, vì cây được ghi nhận đầu tiên tại Kaolianchun trong vùng Đông Bắc Moumingshien - Quảng Đông).

Cao lương khương được xem là có vị cay, tính nóng, tác động vào các kinh mạch thuộc Tỳ và Vị; có tác dụng ‘ôn trung, tán hàn’, ‘hành khí chỉ thống’ giúp làm ấm vùng ‘trung tiêu’, giảm các cảm giác đau, nhất là các cơn đau bụng, đau bao tử đưa đến ói mửa, nấc cụt và những chứng tiêu chẩy do lạnh bụng.

- Để trị đau bụng gây nôn mửa: Riềng được dùng chung với Gừng và Quế.

- Để trị đau bụng do cảm lạnh: Riềng dùng chung với Hương phụ (Cỏ cú).

- Để trị nấc cục: Riềng dùng với Đảng sâm (Codonopsis Pilosulae) và Phục linh (Poria cocos).

- Hồng đậu khấu (Hon-dou-kou) là quả của Alpinia Galanga, phơi khô.

Vị thuốc có tác dụng tương tự như riêng tươi, vị cay, tính nóng; nhưng còn đi thêm vào kinh mạch thuộc Phế, giúp làm tiêu hàn ‘Khí’ xâm nhập vào bao tử, giúp tăng cường tiêu hóa và bổ dưỡng Tỳ-Vị, trị tiêu chảy, ợ chua và ói ngược.

2- Ấn Độ:

Riềng được dùng từ lâu đởi trong Dược học cổ truyền Ấn độ:

- Alpinia officinarum: Tên Hindi là Kulinjan, được dùng làm thuốc gây hưng phấn, kiện vị và trợ tiêu hóa.

- Alpinia galanga: Tên Hindi là kulanjan hay barakulanjan; tiếng Phạn sugandhvach, dùng làm thuốc gây hưng phấn, tráng dương (kích dục), trị phong thấp khớp xuơng, bệnh đường hô hấp và làm thuốc bổ kích thích tiêu hóa, giúp gây trung tiện.

3- Việt Nam:

Tại Việt Nam, nhiều loại Riêng đã được sử dụng trong các phương pháp trị liệu bằng thuốc Nam:

- Alpinia galanga hay Riềng nếp, riềng ấm là loài chính thường dùng làm gia vị, làm thuốc giúp mạnh tỳ-vị, trục phong tà, chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

- Alpinia officinarum hay Riềng thuốc, tuy cũng dùng làm gia vị nhưng ít thơm hơn riềng nếp. Riềng thuốc thường được dùng để trị các chứng đau vùng thượng vị, nôn mửa (dùng chung với Gừng và Bán hạ), kém tiêu hóa; trị các chứng đau, loét bao tử (dùng chung với Cỏ cú). Nước ép tươi được dùng thoa trị lang ben.

Ghi chú: Trong tông Alpinia còn có các cây Ích trí = Alpinia oxyphylla, và cây Thảo khấu = Alpinia katsumadai tuy trong nhóm cây Riềng, nhưng được sử dụng khác hẳn về phương diện trị liệu. Xin xem bài viết riêng về các cây này..

Tài liệu sử dụng:

- Medicinal Plants of China (Duke & Ayensu).

- Medicinal Plants of India (SJ Kain & Robert DeFilipps).

- Encyclopedia of Herbs (Deni Bown).

- Chinese Herbal Medicine Materia Medica (Dan Bensky).

- Professional’s Handbook of Complementary & Alternative Medicine (Charles W. Fetrow).

Bài viết trích từ nguồn: Tự Điển Thảo Mộc Dược Học - DS. Trần Việt Hưng



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Chay

Còn gọi là Cây Chay. Tên khoa học Artocarpus tonkinensis A. Chev. Thuộc họ Dâu tằm Moraceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Diếp Cá

Còn có tên là cây lá giấp , ngư tinh thảo . Tên khoa học Houttuynia cordata Thunb. Thuộc họ Lá giấp Saururaceae. A. Mô tả cây. Cây diếp cấ là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá, hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8. (Hình dưới).

Chữa Cảm Sốt - Cỏ Mần Trầu

Còn gọi là ngưu cân thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, cỏ dáng, cỏ bắc, cheung kras (Campuchia), mia pak kouay (Lào). Tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.) Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - DIẾP CÁ

Còn gọi là Dấp cá, rau Dấp, cây lá Giếp (Houttuynia cordata Thunb) thuộc họ lá Giấp (Saururaceae). Mô tả: Cây thảo cạo 20-40cm, Thân màu lục troặc tím đỏ. Lá mọc sọ le, hình tim, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu trắng, gồm nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Hạt hình trái xoan nhẵn. Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Vối

Tên khoa học Cleistocalyx operculatus (Roxb). Merr et Perry (Eugenia operculata Roxb., Syzygium nervosum DC.). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Đơn Tướng Quân

Tên khoa học Syzygium formosum var , ternifolium (Roxb) Merr. et Perry (Eugenia ternifolia Roxb., Eugenia formosa var. ternifolia (Roxb) Duth). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Hoa Cứt Lợn

Còn có tên là cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, cỏ hôi. Tên khoa học Ageratum conyzoides L. Thuộc họ Cúc Asteraceae(Compositae). A. Mô tả cây Cây hoa cứt lợn là một cây nhỏ, mọc hàng năm, thân có nhiều lông nhỏ mềm, cao chừng 25-50cm, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Lá mọc đối hình trứng hay 3 cạnh, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mật dưới của lá nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu tím, xanh. Quả bế màu đen, có 5 sống dọc (Hình dưới).

Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Phèn Đen

Còn gọi là nỗ. Tên khoa học Phyllanthus reticulatus Poir. Thuộc họ Thầu dầu Euphorhiaceae.

Chữa bệnh Tim - Vạn Niên Thanh

Còn gọi là thiên niên vận, đông bất điêu thảo, cửu tiết liên. Tên khoa học Rhodea japonica Roth. Thuộc họ Hành Alliaceae. Cần chú ý ngay rằng tên vạn niên thanh ở nước ta thường dùng để gọi nhiều cây khác nhau. Cây vạn niên thanh ta trồng làm cảnh là cây Aglaonema siamense Engl, thuộc họ Ráy Araceae. Còn cây vạn niên thanh giới thiệu ở đây thuộc họ Hành tỏi, hiện chúng tôi chưa thấy trồng ở nước ta, nhưng giới thiệu ở đây để tránh nhầm lẫn.

TOA THUỐC ĐÔNG Y CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG

CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG 18 Bài thuốc Năm 1951 ở chiến khu Ð (Nam Bộ) có nhiều cán bộ và chiến sĩ đau dạ dày, chúng tôi phải tốn tiền nhiều để mua biệt dược ở Thành nhưng nào có giải quyết gì được. Tôi không thỏa mãn với cách giải quyết tận gốc bệnh được vì nghĩ rằng ở địa phương có một số nguyên liệu như kaolin chẳng hạn. Tôi khởi sự điều tra trong cơ quan và bộ đội, nguyên nhân nào làm cho đau dạ dày, có khi loét nữa. Kết quả điều tra là trong bộ đội có nhiều người đau hơn cơ quan, ở cơ quan thì nam giới đau nhiều hơn nữ giới. Lý do là vì công tác cho nên bộ đội phải ăn gấp, ăn nhanh hơn ở cơ quan. Ở cơ quan thì “nam thực như hổ, nữ thực như miêu” cho nên nam đau nhiều hơn nữ. Khi ta ăn nhanh thì không có thời giờ để cho nước miếng thấm vào thức ăn cho nên xuống dạ dày thì cơ thể phải tiết acide ra nhiều mới thủy phân được.