Còn gọi là Móc tai, Bông móng tay (Impatiens balsamino L.) thuộc họ Bóng nước (Balsgminaceae).
Mô tả: Cây thảo cao 30 - 50 cm. Lá mọc so le hình ngọn giáo, có răng ở mép. Hoa xếp 1 - 4 cái ở nách lá, to, màu trắng, đỏ hay hồng tùy thứ. Lá đài dưới có móng dài, 2 lá đài bên rất nhỏ. Cánh hoa to dính nhau ở gốc. Quả nang có lông, khi đụng đến là vỡ ra nhiều mảnh và tung hạt ra rất mạnh. Hạt tròn màu nâu.
Bộ phận dùng: Thân, cành, hạt và lá tươi.
Nơi sống và thu hái: Cây thường được trồng làm cảnh ở nhiều nơi trong các tỉnh đồng bằng. Mùa hạ thu hái cây, chỉ lấy thân và cành, phơi khô hoặc nhúng vào nước đun sôi rồi phơi hay sấy khô. Có thể dùng tươi. Thu hái quả chín và phơi khô đập lấy hạt, rồi lại phơi cho khô.
Hoạt chất và tác dụng: Trong toàn cây Bóng nước, có axit p-hydrobenzoic có tính chất kháng sinh và một số khác. Lá chứa axit xianamic. Thân chứa kaempferol 3-glucosit, quexetin, pelargonidin, eyanidin và delphinidin. Hạt chứa chất béo mà thành phần chủ yếu là axit parinaric, halsaminasterol. Hoa chứa lawson, lawsonemetylete. Dịch ép của hoa có tác dụng kháng sinh mạnh.
Trong Y học cổ truyền, toàn cây được xem như có vị cay, tính ôn, hơi có độc, có tác dụng khử phong thấp, hoạt huyết, chỉ thống, thường dùng chữa phong thấp, bị thương sưng đau, rắn rết cắn. Hạt có vị hơi đắng, tính ôn hơi có độc, có tác dụng giáng khí, hành ứ thường dùng chữa kinh nguyệt bế tắc, đẻ khó, nấc nghẹn, hóc xương. Lá dùng nấu nước gội đầu làm cho tóc mọc tốt.
Cách dùng: Ngày dùng từ 4 -12g toàn cây dưới dạng thuốc sắc. Hạt dùng dưới dạng thuốc bột hay thuốc viên, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 4 - 6g. Dùng ngoài giã đắp không kể liều lượng chữa rắn cắn, ung nhọt, đòn ngã. Cũng có thể dùng hoa khô, với liều lượng như dùng hạt.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Bóng Nước
Nhận xét
Đăng nhận xét