Cỏ tranh hay Bạch mao (Imperata cylindrica (L.) Beauv.) thuộc họ Lúa (Peaceae).
Mô tả: Cỏ tranh là một loài cỏ sống lâu năm, cao 30 - 90cm. Thân rễ mọc bò lan dài và nằm sâu dưới đất, thường hình trụ dài 30 - 40cm, đường kính 0,1 - 0,4cm, mặt ngoài màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt mang các lá vảy và rễ con. Lá mọc thẳng đứng, hẹp dài 15-30cm, rộng 3-6mm, mặt trên ráo, mặt dưới nhẵn, mép lá sắc dễ làm đứt chân tay. Cụm hoa hình chùy dài 8 - 20cm, có nhiều bông nhỏ, mềm và dài (do đó có tên Bạch mạo).
Bộ phận dùng: Thân, rễ, hoa.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang trên các đồi khô, trống trải và phát tán ra đến đồng bằng. Có gặp ở hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng. Cây rất khó tiêu diệt vì rễ ngầm sống rất dai. Ta dùng thân rễ này làm thuốc (Bạch mao căn), có thể thu hái quanh năm, phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Thân rễ có chứa các chất đường (glucoza, fructoza) và một nhóm axit hữu cơ.
Dược điển Việt nam tập II có ghi: Rễ có vị ngọt, tính mát, vào tam kinh, tâm, tỳ, vị. Có công năng lợi tiểu, giải nhiệt, chỉ huyết, mát huyết. Hoa có vị nhạt, tính mát, có tác dụng cầm máu. Chủ trị: sốt nóng, khát nước, sốt vàng da mật (hoàng đản), tiểu tiện ít, đái buốt, đái gắt, đi tiểu ra máu, ho thổ huyết, chảy máu cam. Hoa trị nôn ra máu.
Rễ cỏ Tranh được sử dụng làm thuốc nhuận tiểu trong toa căn bản, rất thường dùng trong điều trị.
Cách dùng: Ngày dùng 12-40g thân rễ, 2-4g hoa, dưới dạng thuốc sắc. Dùng rễ cỏ Tranh cho vào với Mía nấu thành nước có tác dụng thanh lương, trừ thấp, giải độc. Nếu sao vàng sắc uống trị được chứng đau lậu vì nó thông tiểu tiện, lợi mồ hôi, giải độc. Dùng nấu nước tắm cho trẻ em trị ghẻ lở. Phối hợp với Gừng sao cháy đen (thán khương) sắc uống chữa đái ra máu. Dùng hoa sắc nước uống làm thuốc chỉ huyết. Hoa có thể dùng thay bông vải đắp cầm máu vì bông của nó cũng mềm như bông gòn.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: THÔNG TIỂU TIỆN VÀ THÔNG MẬT - Cỏ Tranh
Nhận xét
Đăng nhận xét