Còn gọi là Cỏ gấu, Củ gấu, Hương nhụ (Cyperus rotundius L.) thuộc họ Cói (cyperaceae).
Mô tả: Cỏ sống dai, cao 20-30cm. Thân rễ phình lên thành củ, màu nâu thẫm hay nâu đen, thịt màu nâu nhạt, có nhiều đốt và có lông. Lá hẹp, dài, có bẹ. Hoa nhỏ mọc thành tán, xếp toả ra hình đăng ten ở ngọn thân. Quả ba cạnh màu xám.
Bộ phận dùng: Thân rễ (củ).
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang khắp nơi. Có thể đào thân rễ quanh năm, bỏ rễ con, phơi khô. Để nguyên hoặc chế với giấm với nước tiểu trẻ em, muối rượu thành hương phụ tứ chế.
Hoạt chất và tác dụng: Thân rễ có mùi thơm. Sơ bộ thấy các thành phần như tinh dầu (gồm Cyperon, cyperola), axít béo, phenol, tinh bột. Có tác dụng ức chế sự co bóp tử cung làm dịu sự căng thẳng của tử cung và có tác dụng giảm đau.
Theo Y học cổ truyền, cây có vị đắng, tính bình, có tác dụng hành khí, khai uất, điều kinh, giảm đau. Được dùng làm thuốc chữa kinh nguyệt không đều, khi hành kinh đau bụng, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh đẻ. Còn được dùng chữa đau dạ dày do thừa nước chua, giúp ăn ngơn, mau tiêu, chữa nôn mửa, đau bụng đi lỵ, ia chảy.
Cách dùng: Dùng dưới đạng thuốc sắc, bột, cao hoặc rượu thuốc. Mỗi ngày 6-12g, dùng riêng hoặc phối hợp với Ích mẫu, Ngải cứu. Tùy theo thể trạng của bệnh mà sử dụng tươi, sao đen hay tứ chế. Dùng sống khi chữa bệnh ở hông ngực và giải cảm. Sao đen thì cầm máu, dùng trong trường hợp rong kinh. Tẩm nước muối sao cho bớt ráo, dùng chữa bệnh về huyết. Tẩm nước tiểu trẻ em (đồng tiện) sao để giảng hòa khí có chứng bốc nóng. Tẩy giấm sao để tiêu tích tụ, chữa huyết ứ, u báng. Tẩm rượu sao để tiêu đờm, chữa khí trệ, đờm nước ứ đọng. Hương phụ tứ chế dùng chữa chung các chứng bệnh của phụ nữ, hàn hay nhiệt đều thích hợp cả.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Cỏ Cú - cây thuốc đa dụng rất dễ tìm
Nhận xét
Đăng nhận xét