Còn gọi là Nút áo, Nụ áo vàng, Cỏ the, Hạt sắc nhong (Spilanthes acmella (L) Murr.) thuộc họ Cúc (Asteraeeae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao 30-60cm. Lá mọc đối, mép khía răng. Hoa hình đầu, màu vàng, mọc trên một cán dài 8-10cm ở ngọn thân hoặc ở kẽ lá. Quả khô, màu nâu nhạt.
Toàn cây nhất là hoa, có vị cay, tê, nóng.
Bộ phận dùng: Toàn cây và cụm hoa.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc dại ven đường, bãi hoang, ở chỗ đất ẩm. Có thể trồng bằng hạt hoặc dây con vào mùa xuân. Ở khắp các tỉnh đồng bằng đều có gặp. Khi dùng làm thuốc ta thu hái cây, đem phơi khô để dùng. Nên thu hái hoa lúc còn có màu vàng xanh. Rễ thu hái vào mùa thu.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu hoạt chất.
Theo Y học cổ truyền, cây có vị đắng, có cảm giác tê lưỡi, tính hơi ấm, có tác dụng chỉ khát, định suyễn, tiêu thũng, chỉ thống. Dùng trị cảm, bệnh đau đầu, đau cuống họng, viêm phế quản mãn, hen suyễn, ho gà, ho đờm và làm thuốc lợi tiểu tiện, thuốc xổ. Còn được dùng trị thấp khớp, chữa bệnh đau răng, trị nhọt độc và rắn độc cắn. Có khi còn dùng chữa đau mắt có màng.
Cách dùng: Ngày dùng 4-12g toàn cây hoặc 4 - 8g rễ sắc uống. Dùng tươi giã đắp chữa rắn cắn và mụn nhọt, không kể liều lượng. Dùng hoa tán nhỏ ngâm rượu ngậm chữa đau răng. Thuốc sẽ làm dịu đau. Có thể lấy hoa đặt vào chỗ răng đau, cắn nhẹ dần dần, hoặc giã với muối ngậm. Có nơi đã dùng thay thuốc tê để nhổ răng. Rễ sắc nước uống chữa tê thấp, đau bụng và cảm cúm. Thường được phối hợp với rễ Xuyên tiêu, rễ Kim sương, rễ Chanh, Quả Màng tang (liều lượng bằng nhau).
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Chữa bệnh Mắt Tai Răng Họng - Cây Cúc Áo
Nhận xét
Đăng nhận xét