Dừa cạn (Catharanthus roseus (L.) G. Don) thuộc họ Trúc đào (Apocynuceae).
Mô tả: Cây thảo cao 0,40 - 0,80m, phân nhiều cành. Lá mọc đối, hình thuôn dài, dài 3 - 8cm, rộng 1 - 1,5cm. Hoa mọc đơn độc ở nách các lá phía trên, màu hồng hay trắng (cv. albus Lawrenee). Đài 5, hợp thành ống ngắn. Tràng 5, dạng chèn. Nhị 5, thọt vào trong ống tràng. Nhụy gồm 2 lá noãn hợp nhau ở vòi. Quả là một cặp 2 đại, mỗi cái chứa 13 - 20 hạt nhỏ hình trứng, màu nâu nhạt, xếp thành 2 dãy.
Bộ phận dùng: Toàn cây và rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở Madagatca, được nhập trồng. Mọc tốt ở các bãi cát ven biển, phát triển cả vào mùa hè. Thường được trồng và cũng gặp mọc hoang ở các tỉnh vùng đồng bằng.
Rễ thu về rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Cây có thể dùng tươi hay phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Đã từ lâu Dừa cạn dược dùng ở nhiều nước làm thuốc hạ huyết áp, chữa đái đường, điều kinh.
Người tạ đã có nhiều công trình nghiên cứu. Đã xác định được có tới 50 ancaloit, trong đó có những chất chống u buớu (Leuroristin hay vineristin, vinblastin), trị Bạch huyết (leurosin, vincaleublastin) có những chất đã thấy trong cây Ba gạc Ấn Độ (resecpin, secpentin, ajmalixin), có chất có tính chất với insulin.
Trong Dừa cạn Việt Nam, có tỷ lệ ancaloit toàn phần là 0,1% - 1,12%. Dừa cạn hoa trắng có tỷ lệ hoạt chất cao hơn các loại khác. Rễ chứa hoạt chất nhiều hơn trong thân và lá. Đã xác định có vincaleublastin, resecpin. Có tác dụng tốt hạ huyết áp và an thần. Người ta thường dùng làm thuốc kìm tế bào và được chỉ dẫn trong điều trị bệnh Hodgkin, bệnh bạch cầu, một số ung thư.
Trong dân gian, vẫn dùng hạ huyết áp, trị bệnh đái đường, điều kinh, chữa lỵ, thông tiểu tiện. Có người dùng trị ung thư máu, ung thư phổi thấy có kết quả.
Cách dùng: Thường dùng thân và lá phơi khô sắc uống, có thể dùng tới 50g. Trong Tây y, người ta chế thành thuốc tiêm.
Nhận xét
Đăng nhận xét