Còn gọi là rau Tần dày lá, rau thơm lông (Coleus boinicus Lour.) thuộc họ Hoa môi (Lamiacede).
Mô tả: Cây thảo, có thể sống nhiều năm, cao 20 - 50cm, phần thân sát gốc hóa gỗ. Lá mọc đối, dày, mọng nước, mép khía răng tròn nhỏ. Hoa nhỏ, màu tím hồng, mọc thành bông ở ngọn thân và đầu cành. Quả nhỏ, tròn, màu nâu, chứa 1 hạt. Toàn cây có lông rất nhỏ và có mùi thơm như mùi Chanh.
Bộ phận dùng: Lá.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng làm gia vị và làm thuốc khắp các tỉnh vùng đồng bằng.
Có thể thu hái lá quanh năm. Thường dùng tươi, dùng đến đâu, hái tới đó. Lúc trời khô ráo, hái lá bánh tẻ, loại bỏ các lá nâu hay lá già úa vàng, đem phơi nắng nhỏ hay sấy ở 40 - 45°C đến khô.
Hoạt chất và tác dụng: Trong lá chứa rất ít tinh dầu và thành phần chủ yếu là carvacrola và một chất màu đỏ là colein có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng.
Theo Y học cổ truyền, cây có vị cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, có công năng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, nhát hãn, thanh nhiệt, tiêu độc. Thường dùng trị cảm cúm, ho hen, ho ra máu, sốt cao, sốt không ra mồ hôi được, nôn ra máu, đổ máu cam. Cũng dùng chữa viêm họng, khản tiếng.
Cách dùng: Ngày dùng 10 - 16g, dạng thuốc sắc, xông, dầu xoa, hoặc giã lấy nước uống. Lá Húng chanh tươi dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá khác nấu nước xông cho ra mồ hôi chữa cảm cúm. Lá tươi rửa sạch, ngậm với muối, nuốt nước dần dần chữa ho, viêm họng, khản tiếng. Hoặc đem giã nhỏ một nắm lá (16 - 20g), thêm nước, vắt nước uống làm 2 lần trong ngày. Đối với trẻ em, thêm ít đường, đem hấp cơm cho uống làm 2 - 3 lần trong ngày. Lá tươi giã đắp các vết thương do rết cắn, bò cạp và ong đốt.
Nhận xét
Đăng nhận xét