Còn gọi là Bạch hạc, cây Lác (Rhinacanthus nasuta (L.) Kurz) thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, mọc thành bụi, cao 1 - 2m. Rễ chùm. Thân non có lông mịn. Lá mọc đối, có cuống, phiến lá hình trứng thuôn dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông mịn. Hoa nhỏ, mọc thành xim nhiều hoa ở kẽ lá đầu cành hay ở ngọn thân. Hoa màu trắng, nom như con chim Hạc đang bay. Quả nang dài, có lông.
Bộ phận dùng: Rễ, lá.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang và cũng được trồng làm hàng rào, phổ biến khắp các tỉnh đồng bằng. Trồng bằng gốc. Người ta có thể thu hái rễ quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Đôi khi ngươi ta chỉ dùng vỏ rễ. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi.
Hoạt chất và tác dụng: Rễ có mùi hắc nhẹ, vị ngọt tựa mùi Sắn rừng. Trong rễ có hoạt chất rhinacanthin, gần giống axit crysophanic và axit frangulic, nên được sử dụng làm thuốc chữa bệnh hắc lào, chốc lở, bệnh mụn rộp loang vòng eczema mãn tính.
Theo Y học cổ truyền, cây lá có vị đắng, tính mát, có công năng thông kinh lạc, trừ phong thấp, sát trùng, tiêu viêm. Dùng trị phong thấp tê bại, nhức gân, đau xương, viêm khớp, ngoài da lở ngứa, hắc lào, bạch đới.
Cách dùng: Ngày dùng 12 - 20g, dạng thuốc sắc. Để bôi ngoài, dùng rễ tươi giã nhỏ, ngâm rượu hoặc giấm trong một tuần lễ, dùng bôi chữa hắc lào, lở chóc. Có thể phối hợp với bột Long não và dịch Chanh. Cành lá sắc uống còn dùng trị huyết áp cao, trị suyễn. Lá tươi dùng trị rắn cắn.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét