Còn gọi là Mào gà đỏ, bông Mồng gà (Celosia argentea L. vạr. Cristata L.) thuộc họ Dền (Amaranthaceae).
Mô tả: Cây thảo sống dai, cao 30 - 45cm, có thân thẳng đứng và phân nhánh, nhẵn. Lá có cuống, hình trái xoan hay trái xoan ngọn giáo, ó khi hình ngọn giáo nhọn, nhẵn.
Hoa đỏ, vàng và trắng, có cuống rất ngắn, thành bông hầu như không cuống, hình trái xoan tháp, thành khối dày, có khi thành ngù tua (Mồng gà tua, ở dạng plumosa (Voss) Bakh.). Quả hình trái xoan, gần như hình cầu, chứa 1-9 hạt đen, bóng.
Bộ phận dùng: Cụm hoa và hạt (Kê quan hoa).
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Đông Ấn, được nhập trồng làm cảnh ở khắp nơi, nhất là các vườn hoa. Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái cụm hoa và hạt vào mùa thu.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Trong hạt có chất béo.
Theo Y học cổ truyền, Kê quan hoa có vị ngọt, tính lương, vào 2 kinh can và đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, dùng chữa xích hạt lỵ, trĩ chảy máu. Lại có khả năng trị bệnh trong can và bệnh mắt. Công dụng của nó cũng như Thanh tương tử (hạt Mào gà trắng). Nhân dân thường dùng hạt và hoa sắc uống để cầm máu trong các trường hợp lỵ ra máu, trĩ ra máu, thổ huyết, băng huyết, rong kinh. Nước sắc hoa và hạt dùng rửa mắt đau. Hoa và lá còn dùng chữa sốt của trẻ em. Hạt nhai nuốt nước, lấy bã đắp trị rắn cắn.
Cách dùng: Mỗi ngày dùng 6-12g. Để trị lòi đom, ra máu, ỉa ra máu, kinh nguyệt dài ngày không hết, dùng hoa Mào gà khô 10g (dùng tươi, phải 25 - 30g) sấy khô, tán nhỏ, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Nhận xét
Đăng nhận xét