Còn gọi lá cây lá Náng, Náng hoa trắng, Tỏi lơi, Chuối nước (Crinum asiaticum L.) thuộc họ Thủy tiên (Amaryl-lidaceae).
Mô tả: Cây thảo, có thân hành to, hình trứng, đường kính tới 10cm hoặc hơn và dài 12 - 15cm. Lá mọc từ thân hành, hình dài mũi mác, dài tới hơn 1m, rộng 5 - 10cm, nhọn, gân lá song song. Cụm hoa gồm một cán dẹt dài 40 - 60cm, to bằng ngón tay, mang nhiều hoa to có mùi thơm (về chiểu và đêm), tập trung ở đỉnh nom như một tán. Hoa mẫu 3, lá đài và cánh hoa giống nhau, màu trắng 6 nhị có chỉ nhị đỏ. Quả nang, gần hình cầu, đường kính 3 - 5cm, thường chỉ chứa 1 hạt.
Bộ phận dùng: Lá và củ.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang dại ở những nơi ẩm ướt khắp các tỉnh đồng bằng. Cũng được trồng bằng thân hành (giò) để làm cảnh.
Lá và thân hành, quen gọi là củ, thu hái quanh năm, hái về dùng ngay, không phải chế biến gì cả.
Hoạt chất và tác dụng: Trong toàn cây, chủ yếu là thân hành, có chất lycorin (là 1 ancaloit, có công thức C16H17NO4) và các loại hợp chất kiềm có mùi hắc và hôi như tỏi.
Náng là cây thuốc dân gian. Là cây hơ nóng trị bong gân, sai gân khi bị ngã, còn dùng trị tê thấp, nhức mỏi. Nước sắc, rửa trĩ ngoại và các bệnh ngoài da, ngộ độc. Nước ép và pha loãng của thân hành uống làm thuốc gây nôn và làm ra mồ hôi, làm long đờm. Nước ép này nhỏ vào tại chữa đau tai. Cũng dùng làm thuốc gây nôn mửa.
Cách dùng: Lá thường dùng hơ nóng để đắp và xoa bóp. Dùng rửa thường sắc thành nước. Thân hành dùng ép lấy nước, nếu dùng uống phải pha thật loãng, uống ít một cho đến khi nôn được. Nếu ăn phải thân hành hoặc uống nước ép đặc sẽ bị nôn mửa, đau bụng ỉa chảy mạnh, mạch nhanh, hô hấp không đều, nhiệt độ cơ thể cao. Giải độc bằng nước trà hoặc dùng dung dịch axit tanic 1 - 2%. Hoặc cho uống nước đường, nước muối loãng. Có người dùng giấm với nước gừng (tý lệ 2:1) cho uống.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét