Nhãn (Euphoria Iongan (Lour.) Steud) thuộc họ Bồ hòn (Sapiudaceae).
Mô tả: Cây cao 5 - 7m, có thể cao tới 10 - 15m hay hơn. Cây có tán lá tròn xòe rộng và rậm rạp. Cành non có lông. Lá mọc so le, kép lông chim, gồm 3 - 5 đôi lá chét nhẵn, mặt dưới màu thẫm hơn. Hoa xếp thành chùy mọc ở ngọn cành và kẽ lá, màu vàng nhạt. Quả tròn, vỏ quả vàng, trơn nhẵn. Hạt đen nhánh. Áo hạt trắng trong bao bọc xung quanh hạt và không dính vào hạt, khi chín thì ngọt và ăn mát.
Bộ phận dùng: Áo hạt (quen gọi là cùi), hạt, lá, vỏ cây, quả.
Nơi sống và thu hái: Cây trồng phổ biến ở nước ta. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi trồng nhiều nhất là Bạc Liêu (có vườn nhãn rộng trên 270 ha) rải rác ở các tỉnh đều có trồng.
Cây Nhãn dễ trồng, mọc nhanh, trồng ở chỗ nào cũng được, nhưng thích hợp nhất là đất thịt pha cát, nơi có lớp đất canh tác sâu. Có thể trồng bằng hạt, bằng cành chiết hay ghép cây. Độ 4 - 5 năm thì có quả, thời gian cho quả cũng rất lâu. Vào tháng 7-8, khi Nhãn chín, thu về, phơi nắng hay sấy cho cùi vàng đều thì lột cùi, phơi tiếp đến khô để dùng.
Hoạt chất và tác dụng: Cùi Nhãn còn tươi chứa nước 77,15%, tro 0,01%, chất béo 0,13%, protit 1,47%, hợp chất có nitơ tan trong nước 20,55%, đường saccaroza 12,25%, vitamin A và B. Cùi Nhãn khô chứa nước 0,85%, chất tan trong nước 79,77%, chất không tan trong nước 19,39, tro 3,36. Phần tan trong nước có glucoza 26,91%, saccaroza 0,22%, axit tartric 1,26%, chất có nitơ 6,309%.
Hạt Nhãn chứa tinh bột, saponin, chất béo và tanin. Lá chứa quexetrin, quexetin, tanin.
Cùi Nhãn là loại thuốc bồi dưỡng cơ thể, dưỡng huyết, thường dùng chữa trí nhớ suy giảm hay quên, tự lự quá độ, mất ngủ, thần kinh suy nhược, tâm thần mệt mỏi, hồi hộp, hoảng hốt, gan kém, tỳ kém, huyết hư. Hạt chữa lở ngứa ở đầu và kẽ ngón chân, mụn nhọt, đứt tay chảy máu và gội đầu. Vỏ cây và vỏ quả dùng chữa bỏng, chữa sâu răng. Lá chữa cảm mạo và xơ gan cổ trướng.
Cách dùng: Ngày dùng 8 - 20g cùi dạng thuốc sắc hay cao lỏng. Hạt bóc vỏ, phơi khô, tán bột rắc. Vỏ đốt, tán bột hay nấu cao để bôi. Lá dùng tươi sắc nước uống với liều 10 – 15g.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét