Dây Thần thông hay dây Ký ninh, Dây cóc (Tinosapora crispa Miers) thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae).
Mô tả: Dây leo bằng thân quấn, sống dai, dài tới 6 - 7m. Thân non nhẵn, thân già màu nâu xám, rất xù xì, vị rất đắng cho ta cảm giác của ký ninh. Lá hình trái xoan ngược, dạng tim hay hình thuôn, mọc so le, mép nguyên, dài 8 - 12cm, rộng 5 - 6cm, có cuống ngắn. Hoa tập hợp thành 1 - 2 chùm mọc ở nách những lá đã rụng. Quả hình trứng, khi chín có màu vàng rồi đỏ, dài chừng 12mm, cơm quả nhầy, chứa 1 hạt đen.
Có người phân biệt là dây Thần thông thì sù sì hơn, còn dây Cóc rất sần sùi. Có người lại cho là dây Thần thông và dây Ký ninh là 2 loài khác nhau nhưng cũng chỉ cùng họ và cũng có cùng công dụng.
Bộ phận dùng: Thân của dây và rễ, lá.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi. Có gặp nhiều ở Tiền Giang (Cai Lậy) và Hậu Giang (Long Phú, Sóc trăng, Cần Thơ). Trồng bằng những đoạn cành dài 10 - 15cm cắm nghiêng xuống đất vào mùa xuân, thu. Để làm thuốc, dùng dây già thu hái quanh năm, rửa sạch cắt thành đoạn ngắn, thái mỏng, dùng tươi hay phôi khô. Có thể tán thành bột, luyện viên cho đễ uống.
Hoạt chất và tác dụng: Dây chứa 1 ancaloit là panmatin, chừng 0,10% so với thân khô. Ngoài ra còn có một chất đắng với tỷ lệ 0,60 - 0,80% tính trên thân cây khô. Hoạt chất đắng này là 1 heterozit, không kết tinh, không hút ẩm, khó thủy phân bởi các axit, người ta gọi nó là picroretin hay picroretinozit.
Theo Y học cổ truyền, cây có vị rất đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, tiêu đờm, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, thường dùng trị cảm sốt phát ban, sốt rét cơn, trị ho, tiêu hóa kém, tiêu mụn nhọt. Dùng ngoài lấy nước sắc rửa mụn nhọt lở loét. Lá nghiền nát dùng đắp lên các vết thương và đắp trị ghẻ.
Cách dùng: Ngày dùng 4 - 8g khô, dạng thuốc sắc. Hoặc dùng tươi hãm trong nước sôi để nguội uống. Hoặc nấu thành cao, ngày uống 0,50 - 1,50g bột luyện thành viên, ngày 2 - 3g.
Dùng ngoài, nấu nước rửa mụn nhọt, vết thương. Dùng rễ sắc uống trị sốt rét cơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét