Còn gọi là Sơn thục (Homalonema occulta (Lour.) Schott) thuộc họ Ráy (Araceae).
Mô tả: Cây thảo sống lâu năm nhờ thân rễ mập, bò dài, thơm, khó bẻ ngang có nhiều xơ như kim tỏa ra. Lá mọc từ thân rễ, phiến lá bóng, dài đến 30cm, 3 cặp gân ở gốc, 7 - 9 cặp gân phụ. Nhiều cụm hoa lá lồng mo, bao bởi những cái mo mầu xanh, dài 4 - 6cm, không rụng; buông 3 - 4cm ngắn hơn mo, bầu chứa nhiều noãn. Quả mọng thuôn, chứa nhiều hạt có rạch.
Bộ phận dùng: Thân, rễ, lá cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở rừng, ưa những nơi ẩm ướt cạnh suối hay dọc theo suối. Cũng được trồng để làm thuốc. Trồng bằng thân rễ. Có gặp ở Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang... Thu hái thân rễ già, rửa sạch, chặt thành từng đoạn ngắn 10 - 20cm, làm sạch vỏ và rễ con rồi phơi hay sấy khô.
Hoạt chất và tác dụng: Trong thân rễ Thiên niên kiện có khoảng 0,8 - 1% tinh dầu tính theo rễ khô kiệt. Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm, dễ chịu. Trong tinh dầu có chừng 40% l.litanol, một ít tecpineola và chừng 2% este tính theo linatyl axetat. Ngoài ra còn có salinen, anpha tecpinen, axetandehyt, andehyt propionic.
Dược điển Việt Nam in lần thứ nhất tập II có ghi: Thiên niên kiện vị cay, đắng, mùi thơm, tính ấm. Vào 2 kinh: can, thận. Có công năng trừ phong thấp, mạnh gân xương. Chủ trị: Phong hàn thấp, nhức mỏi các khớp xương, hoặc co quắp tê bại (thuộc thể hàn). Người âm hư nội nhiệt, táo bón, nhức đầu không nên dùng. Trong nhân dân, Thiên niên kiện thường dùng làm thuốc chữa tê thấp, bổ gân cốt, giảm đau nhức, dùng trong bệnh người già bị đau người, đau dạ dày, đau khớp xương. Kích thích giúp sự tiêu hóa. Còn dùng trị đau bụng kinh, trừ sâu, nhậy. Còn là nguyên liệu chiết tinh dầu dùng làm hương liệu, và làm nguyên liệu chiết xuất linalola.
Cách dùng: Ngày dùng 6 - 12g khô, dạng thuốc sắc hoặc dùng ngâm rượu uống phối hợp với cỏ Xước, Thổ phục linh. Cũng dùng tươi, giã ngâm rượu xoa bóp chỗ đau nhức, tê bại và phong thấp. Thân rễ khô tán bột rắc trừ sâu. Lá tượi giã với ít muối đắp trị nhọt độc.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét