Còn gọi là Xương bồ, Bồ bồ (Acorus calamus L.) thuộc họ Ráy (Araceae).
Mô tả: Cây khoẻ sống dai, mọc ở chỗ ẩm ướt, đất lầy nhờ một thân rễ, phân nhánh nhiều, dày cỡ 3cm và dài nhiều đốt. Thân rễ này tạo ra về phía dưới nhiều rễ con, và về phía trên những lá hình gươm có một gân chính, dài tới hơn 1m, và rộng khoảng 15mm. Cụm hoa hình trụ dài 4-5cm nắm đầu một cán hoa, trên cụm hoa xếp theo hình xoắn ốc rất nhiều hoa nhỏ màu lục nhạt nom không rõ lắm. Ở phía trên của cụm hoa, thân cây kết thúc bằng một mũi nhọn dài dạng lá (lá bắc). Quả mọng màu đỏ. Mùa ra hoa: tháng 5-7.
Bộ phận dùng: Thân rễ phơi khô.
Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở vùng Trung Á được nhập trồng từ lâu ở nước ta. Thường gặp ở bờ rạch, bờ ao, nơi có nước, các mương lầy, các bãi bồi của cồn. Cũng có khi trồng ở gần giếng nước. Có nhiều ở Tiền Giang (vùng Cai Lậy thu hoạch hàng năm tới 5-8 tấn), Bến Tre, Hậu Giang... Thường trồng bằng thân, rễ và chồi. Thu hái thân rễ vào mùa thu (tháng 8-9), cắt nhỏ theo chiều dài và phơi trong bóng râm.
Hoạt chất và tác dụng: Thân rễ có mùi thơm nồng và hơi đắng. Nó chứa một tinh dầu thơm có vị cay dễ bay hơi (mà thành phần chủ yếu là asaron, sesquitecpen, tecpen...), chất đắng (acorin, acoretin), tanin, chất nhầy, axit béo, cholin. Acorin kích thích mạnh các tuyến nước bọt, tuyến dạ dày ruột và tạo thành một loại thuốc làm mạnh tiêu hóa, làm tăng cường các sự trao đổi chất hữu cơ. Nó có tác dụng làm diu đối với hệ thần kinh trung ương và làm thuốc điều hòa nhịp tim.
Theo Y học cổ truyền, Xương bồ có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ấm có tác dụng khai khiếu, hóa đàm, giải độc, sát trùng, tán phong, trừ thấp, dùng trị đàm nghịch, kinh giãn, phong hàn, tê thấp.
Cách dùng: Ngày dùng 3 - 8g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, dùng ngoài tắm để chữa mụn nhọt. Có thế chế rượu uống (100g rễ khô trong 1⁄2 - 1 lít rượu, ngâm trong 1 tuần, lóng uống). Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Xương Bồ
Nhận xét
Đăng nhận xét