Đậu cô ve hay Đậu tây - Phaseolus vulgaris L., thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây leo, hay cây lùn, với hơn 500 thứ được trồng (có tác giả nêu tới 1000 giống trồng), đều có lá kép 3 lá chét hình trái xoan và tận cùng thành mũi nhọn, mặt trên thường có lông và ráp. Hoa rộng 1-2cm, màu trắng, xanh lơ hay hồng. Tuỳ theo thứ mà quả có thể dài 10-30cm, nạc hay mỏng, màu lục (đậu cô ve, haricot vert); hay vàng (đậu cô bơ, haricot beurre).
Cây gốc ở châu Mỹ nhiệt đới (Nam Mỹ) được nhập vào nước ta khoảng 80 năm, nay được trồng rộng rãi ở nhiều nơi tớt độ cao 1500m; cũng có nhiều giống với những tên gọi khác nhau tùy theo các địa phương Riêng ở các tỉnh đồng bằng phía Bắc đã tìm thấy 7 giống (vàng, xanh, nâu, trắng, chanh bơ, xanh ấn nguyên, xanh tứ quý) đã được trồng từ lâu ở các địa phương.
Đậu cô ve là một loại đậu có nhiều công dụng. Người ta dùng quả non làm rau xanh giàu chất dinh dưỡng cho người; có thể dùng ăn luộc, thái lát xào với mỡ, với thịt ... Hạt đậu cô ve có hàm lượng protein cao và cả hàm lượng bột, nên dùng làm thức ăn tốt cho người và gia súc. Thành phần của hạt đậu cô ve: Nước l3%, tro 3,5%, cellulose 2,8%, lipid 1,52%, dẫn xuất không protein 59,15 và protein 19,98. Đặc biệt các mầm hạt đậu cô ve rất giàu protein, hàm lượng của nó có thể lên tới 44,50%. Cũng có tác giả cho biết để cung cấp cho cơ thể 25 Calo, ta cần ăn 83g đậu có ve trong đó chứa 1,5g protein và 4,5g giucid.
Để làm thuốc, người ta thường dùng loại quả Đậu nạc, chứ không phải là loại Đậu cho hột to. Quả đậu khô có vị nhạt. Khi dùng phơi khô, tách hạt ra, cũng dùng quả tươi. Người ta biết trong quả có những chất là glucoquinin và nhiều acid silicic. Vỏ quả đậu là thuốc lợi tiểu và có thể làm giảm lượng đường huyết của người bị bệnh đái đường (tác dụng không ổn định). Các quả đậu chín chứa một chất albumin độc, nhưng lại bị phá hủy khi đun sôi.
Thường dùng dạng nước sắc: lấy 3-4 nắm vỏ quả đậu khô ngâm vào 2 lít nước trong vài giờ cho mềm, rồi đun nhanh và để cho ngấm, dùng trị thuỷ thũng và đái đường. Trong trường hợp sau, nước sắc vỏ quả Đậu chỉ cá tác dụng chống đỡ, chứ không điều trị lành hẳn bệnh đái đường.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét