Đơn châu chấu, Cuồng, Độc lực, Cẩm giảng hay Rau gai - Aralia armata (Wall.) Seem., thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae. Cây nhỏ, thân mảnh, có nhiều gai cong quắp. Lá lớn, kép lông chim 2-3 lần, có lá kèm, gồm 9-11 lá chét, phiến hình trứng, đầu nhọn, gốc tròn, có răng, trên các gân cũng đều có gai nhỏ. Cụm hoa chuỳ gồm nhiều tán dài, cuống hoa có gai quắp, có những gai tơ ở các đốt; hoa rất nhỏ. Quả hạch đen, có 5 cạnh. Do cây có nhiều gai nên mới có tên là Đơn châu chấu.
Đơn châu chấu thường mọc trên các nương rẫy cũ có đất còn tốt; cũng thường gặp ở ven bìa rừng ẩm nhiều tỉnh phía Bắc cho đến các tỉnh Tây nguyên.
Nhân dân nhiều vùng đã lấy các chồi non, nõn non của lá về luộc ăn hay xào với thịt như một số loại rau khác (Ở Thái nguyên thường gọi là Rau gai). Cũng cần chú ý là các chồi non cây Độc hoạt (Aralia cordata Thunb.) cùng chi và cùng họ với Đơn châu chấu được sử dụng ở Nhật Bản làm rau ăn có giá trị.
Người ta thường dùng nhiều bộ phận của cây Đơn châu chấu để làm thuốc. Sơ bộ biết trong cây có saponin triterpenic. Rễ có tác dụng kháng sinh mạnh, dùng chữa viêm họng, viêm amygdal, phù thũng, bí đái, sốt rét cơn. Còn dùng chữa viêm khớp (phối hợp với Xà cừ, Mặt quỷ). Dùng rễ tươi giã với muối, ngâm nước vo gạo đắp chữa sưng vú, có thể phối hợp với Bồ công anh, Kim ngân hoa. Rễ Đơn châu chấu phối hợp với vỏ cây Khế chua (liều lượng bằng nhau) sắc uống chữa ho lâu ngày. Cũng có nơi dùng rễ Đơn châu chấu làm thuốc bổ như Định lăng, Tam thất.
Thân cũng có tác dụng bổ, nhất là lõi thân. Lá dùng đắp mụn nhọt. Nhựa của nõn non chấm làm tan chắp lẹo ở mắt. Quả sao khô tán bột dùng hít vào mũi để chống ngạt mũi. Vỏ cây dùng làm thuốc trị rắn cắn.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét