Là lá của cây Cách. Cách hay Vọng cách - Premna carymbosa (Barm.f.) Rottl. et Willd = Premna integrifolia Roxb., thuộc họ Cỏ roi ngựa - Verbenaceae, thuộc loại cây gỗ nhỏ phân nhánh, có khi mọc leo, thường có gai. Lá mọc đối hình trái xoan hay trái xoan bầu dục, gốc tròn hay hình tim, chóp tù hay có mũi ngắn, dài tới 16cm, rộng tới 12cm, nguyên hoặc hơi khía răng ở phần trên, có ít lông ở dưới, nhất là trên các gân. Hoa nhỏ, mầu trắng lục xám, họp thành ngù ở ngọn cây. Quả hạch, hình trứng, màu đen.
Cây Cách mọc hoang dại ở những nơi rậm rạp, trên các liếp vườn. Cũng thường được trồng để lấy lá non làm rau ăn và để làm thuốc.
Lá Cách là có mùi thơm dễ chịu, nên người ra dùng lá Cách dưới dạng ăn sống, gói bánh xèo, bánh khọt chung với các loại rau tươi sống khác. Tuy nhiên, lá Cách được sử dụng chủ yếu để xào nấu các loại thịt như thịt rắn, thịt chuột đồng, hoặc để um lươn, Người ta thường thái nhỏ lá Cách thành sợi rồi cho vào nồi xào hay nồi um khi các loại thịt đã gần chín rồi xào tiếp đến mềm.
Lá cách cũng được sử dụng làm thuốc chữa lỵ, thông tiểu tiện và giúp sự tiêu hoá. Trong Y học cổ truyền, người ta xem đọt cây cách có vị ngọt nhẩn, tính mát, có tác dụng trợ tỳ can, làm mát gan, sáng mắt, tiêu độc, lợi tiểu, trị phù do gan, xơ gan (dùng lá cách cặp với một miếng gan động vật nướng chín mà ăn). Rễ cách thông kinh mạch, tán ứ kết, tê bại, và trị di chứng xuất huyết não. Ngày dùng 8 - 12g.
Ở một số nước khác vùng Đông Nam Á, người ta dùng lá Cách để trị thấp khớp và làm thuốc lợi sữa. Người ta thường dùng lá tươi giã lấy nước, hoặc lấy lá khô sắc nước uống trị sốt rét ngã nước và trị tả ly.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CHỮA LỴ TRỰC TRÙNG - Vọng Cách
Nhận xét
Đăng nhận xét