Lành ngạnh hay Thành ngạnh, Ngành ngạnh, Cây đỏ ngọn - Cratoxylum formosum (Jack) Dyer ssp. Prunifolium (Kurz) Gogelein, thuộc họ Măng cụt - Clusiaceae. Cây gỗ nhỏ, có gai ở phía gốc. Các nhánh non có lông mềm, rồi hoá nhẵn dần dần, có vỏ màu tro. Lá hình trái xoan ngược hay bầu dục thuôn, nhọn ở gốc, có mũi nhọn ở đỉnh, hơi có lông nhung ở mặt trên, có lông mềm mịn ở mặt dưới, dài 6-11cm, rộng 25-35mm. Ở chồi non thường có màu đỏ (do đó mà có tên là cây đỏ ngọn). Hoa 4-6m, mọc đơn độc trên các nhánh ngắn, có lông nhung, dài 15mm, các cánh hoa màu đỏ. (Quả nang dài 15mm, rộng 7-8mm. Hạt hình trái xoan ngược, có móng, không cân đối, dài 6mm, rộng 3mm.
Lành ngạnh phổ biến khắp nước ta, thường mọc ở rừng thưa, trên các đồi trọc vùng trung du, các bãi hoang, nương rẫy cũ.
Nhân dân thường dùng ngọn non, cùng với các loại lá non khác như lá xoài, lá lộc vừng, lá rau tàu bay để ăn với bánh xèo.
Ở một số nơi vùng núi Bắc bộ nước ta, đồng bào dùng cành lá cây lành ngạnh nấu thành nước uống mà người ta cho là có tác dụng dễ tiêu hoá và giải khát tốt. Phối hợp với lá Ngải cứu nấu nước dùng cho phụ nữ sinh đẻ uống. Nước sắc Lành ngạnh thường dùng chữa cảm sốt, viêm ruột ỉa chảy và ho mất tiếng, khản cổ. Liều dùng 20g lá tươi, 40g rễ hoặc vỏ cây tươi.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét