Rau mồng tơi, Mồng tơi, Mùng tơi, Lạc quỷ - Basella alba L., thuộc họ Mồng tơi - Basellaceae. Cây thảo leo có thân quấn. Lá mọc so le, phiến nguyên và mọng nước. Hoa xếp thành bông. Quả bế, hình cầu hay hình trứng, đựng trong bao hoa nạc, tạo thành một quả giả.
Rau mồng tơi được trồng rộng rãi ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Ở nước ta, Rau mồng tơi mọc hoang dại và cũng được trồng khắp nơi. Người ta cho cây mọc leo lên các hàng rào, các lùm cây bụi. Hoặc trồng như các loại rau khác ở trên đất vườn và thường xuyên cắt tỉa để lấy chồi non ăn.
Nhân dân ta thường dùng Rau mồng tơi luộc ăn như rau muống hoặc nấu canh với cua đồng, tôm, tép, thịt lợn. Người ta đã biết thành phần hoá học của Rau mồng tơi, tính theo tỷ lệ phần trăm như sau: nước 95,1 protein 1,3; lipid 0,3; cellulose 0,6; dẫn xuất không protein 1,5; khoáng toàn phần 4,2. Trong 1kg thức ăn, có protein tiêu hoá là 11g, calcium 0,8g và phosphor 0,4g. (Tài liệu của Viện chăn nuôi, 1979).
Rau mồng tới có vị chua, tính lạnh, có tác dụng hoạt trường, thông đại tiểu tiện, làm dễ đẻ. Dùng ngoài bôi trị rôm sảy.
Người ta dùng Rau mồng tơi, ngọn Rau lang, Rau đay, Rau má, mỗi loại 50g, thái nhỏ, sắc với nước, đổ 600ml, sắc cạn còn 200ml, uống 1 lần, hoặc dùng nấu canh ăn, dùng trị táo bón. Người già táo bón nên thường ăn Rau mồng tơi nhưng người bị lạnh do ỉa chảy, đi lỏng nên kiêng. Phụ nữ sắp sinh đẻ nên ăn Rau mồng tơi để làm cho các bắp thịt ở bụng khỏe thêm. Sau khi đẻ ít sữa nên ăn rau mồng tơi để cho có nhiều sữa. Người ta còn dùng nước sắc của quả để chữa đau mắt. Hạt mồng tơi bỏ vỏ, tán nhỏ, hoà với mật ong bôi lên mặt thì da mặt mịn màng tươi sáng.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - MỒNG TƠI
Nhận xét
Đăng nhận xét