Rau răm - Polygonum odoratum Lour., thuộc họ Rau răm - Polygonaceae. Cây thảo sống hằng năm, có gốc thân bò trên mặt đất và đâm rễ ở các mấu, phần trên mọc đứng. Lá mọc so le, hình bầu dục mũi mác, nhọn hay tù ở đầu, cuống lá ngắn, mép lá và gân lá phủ lông dài bẹ chìa mỏng, ngắn, ôm lấy thân. Hoa hợp thành bông dài, hẹp, mảnh, bao hoa màu trắng, có khi hồng hay tía. Quả bế hình ba cạnh, nhẵn bóng.
Rau răm là loài cây được trồng rộng rãi khắp cả nước ta. Thường dùng ăn sống làm gia vị với các loại rau thơm khác, dùng nấu giấm chua, cá đồng, nấu canh thịt bò… Rau răm đi đôi với Hành trong bát canh thuôn hành răm hoặc trong bát thịt giả cầy, trong bát cháo trai, cháo hến. Thường dùng ăn với trứng vịt lộn. Người ta đã biết trong 100g Rau răm, có 4,7g protein; 2,8g glucid; 2g tro; 316mg calcium; 55mg phosphor; 37mg vitamin C; nó cung cấp cho cơ thể 31 calo.
Rau răm là vị thuốc kích thích tiêu hoá, làm cho ăn ngon miệng. Cũng dùng làm thuốc lợi tiểu chữa phù thũng, chữa dạ dày lạnh, đầy hơi, đau bụng. Ăn sống thì ấm bụng, mạnh chân gối, sắng mắt. Ăn nhiều thì làm dịu tình dục, kém khí, ít tinh; những người gầy khô, thường nóng và thể lực yếu thì không nên dùng. Phụ nữ trước khi hành kinh, nếu uống nhiều nước Rau răm thì làm kéo dài chu kỳ kinh nguyệt hoặc làm bế kinh, đang khi hành kinh mà ăn Rau răm thì dễ sinh rong huyết.
Dùng ngoài giã đắp hoặc ngâm rượu bôi chữa bệnh ngoài da (hắc lào, lang ben, chốc lở, sâu quảng). Dùng nước cốt uống và lấy bã đắp vết thương chữa rắn cắn hay chó dữ cắn.
Lương y Lê Trần Đức có nêu một số đơn thuốc đã sử dụng:
- Chữa bỗng dưng đau tim không chịu nổi, dùng rễ Rau răm 50g sắc rồi chế thêm một chén rượu vào uống, mỗi lần 1 chén.
- Chữa mùa hè say nắng, chết khát, giã Rau răm tươi, vắt cốt đun sôi cho uống.
Theo bác sĩ Lê Minh, người bị say nắng thể trạng bán hôn mê, dùng Rau răm 30g, Sâm bố chính 20g (tẩm nước Gừng), rễ Đinh lăng (lá nhỏ) 16g, Mạch môn 10g; bốn vị sao vàng, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Rau Răm
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - RAU RĂM
Nhận xét
Đăng nhận xét