* Đặc tính:
Gắm núi thuộc họ gắm, tên khác là dây gắm, dây mấu, vương tôn, bẳn thăn muối (Thái), muối (Tày), vìang múi nhây (Dao), K’lot (K’ho).
Gắm núi thuộc loại dây leo, dài 10 - 12cm; thân cây to, cành khúc khuỷu phân đôi phình to lên ở các nốt, vỏ thân màu nâu đen. Lá cây gắm núi mọc đối hình trứng thuận, dày và nhẵn, dài tới 30cm, rộng 10cm, đầu lá nhọn, mặt trên xám bóng. Hoa đực và hoa cái mọc khác gốc, cụm hoa đực (nón đực) dài 8cm mọc ở các mẩu ở cành, phân nhánh hai làn, cụm hoa cái (nón cái) mọc thành chùm, phân nhánh 2 - 3 lần với những vòng lá noãn thưa, mỗi vòng có 5 - 7 lá noãn, mùa hoa vào tháng 6 - 8. Quả hình bầu dục dài 1,2 - 2,6cm, rộng 1,1 - 1,3cm, cuống ngắn, khi chín màu vàng đỏ, vỏ nhẵn bóng, có múi ở đầu, hạt to, mùa quả vào tháng 10 - 12.
Cây mọc hoang ở miền núi, thường leo lên rất cao, được coi là một trong những loài cây leo đặc sắc của vùng rừng nhiệt đới, phân bố từ vùng Việt Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên. Độ cao phân bố của cây từ 300 - 1000m. Nhân dân ta đi rừng thường chặt cây gắm núi làm dây buộc vì nó dai và chắc. Gặp cây có quả chín họ hái đem về lấy hạt luộc hoặc rang chín, ăn rất bùi và ngon.
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và lá, thu hái quanh năm rồi phơi khô để dùng.
Dược liệu có tính mát, vị đắng, có tác dụng giảm đau, giải độc, chữa tê thấp, kinh nguyệt không đều, rắn cắn. Được dùng nhiều với các loại thuốc khác theo công thức khác nhau để chữa nhiều bệnh hay gặp.
* Công dụng:
1. Chữa tê thấp, đau nhức gân, xương:
Bài thuốc l:
- Rễ gắm núi 80g
- Rễ rung rúc 80g
- Vỏ cây hoa dẻ 80g
- Vỏ thân cây ngũ gia bì chân chim 80g
- Rễ bướm bạc 40g
- Rễ tầm xuân 40g
- Rễ bưởi bung 40g
- Rễ sâm nam 40g
- Rễ cỏ xước 40g
- Rễ ô dược 40g
- Tầm gửi cây dâu 40g
- Rễ bạch đông nữ 40g
- Rễ xích đồng nam 40g
- Rễ chỉ thiên 20g
- Vỏ cây cỏ roi ngựa 20g
Tất cả phơi khô, ngâm rượu càng lâu càng tốt, uống mỗi ngày một chén.
Bài thuốc 2:
- Rễ gắm núi 1kg
- Rễ cà gai leo 1kg
- Rễ thổ phục linh 1kg
- Rễ xích đồng nam 1kg
- Dây chiều 1kg
- Dây mặt quỷ 1kg
- Dây tơ xanh 1kg
- Vỏ cây ngũ gia bì 1kg.
- Dây đau xương 0,5kg
- Cành hoặc lá vông 0,5kg
Tất cả chặt nhỏ, bỏ vào nồi, đổ xấp nước, đun nhiều lần cho tới khi còn khoảng 1l nước, cho thêm 500g đường, đun tiếp cho tới khi còn 700ml rồi để nguội, đổ 300ml rượu 300 vào. Ngày uống hai lần, mỗi lần một chén (30ml).
Bài thuốc 3:
- Rễ gắm núi 30g
- Rễ cây xấu hổ 20g
- Lá lốt 10g
- Ké đầu ngựa 10g
- Thiên niên kiện 10g
- Thạch xương bồ 5g
Tất cả thái nhỏ, phơi khô rồi sắc với 400ml nước cho tới khi còn 100ml nước thuốc. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 50ml. Dùng 3 đợt, mỗi đợt 15 ngày. giữa các đợt nghỉ 7 ngày.
2. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh:
- Rễ gắm núi 20g
- Ích mẫu 20g
- Lá đuôi lươn 15g
- Nhân trần hoặc bồ bồ 15g
- Bạch đồng nữ (xích đồng nam) 15g
- Nghệ đen 10g
Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc với 500ml nước, thu 150ml nước thuốc. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 70ml.
3. Chữa rắn cắn:
Lá gắm núi rửa sạch, giã với cây hoa dai, đắp lên vết cắn. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Bài viết được trích từ sách: PHÒNG CHỮA BỆNH NHỜ RAU CỦ QUẢ QUANH TA
của lương y QUỐC ĐƯƠNG, NXB Từ Điển Bách Khoa ấn hành.
Hy vọng bài viết có ích lợi cho các bạn quan tâm.
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Gắm
Xem thêm: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - GẮM
Nhận xét
Đăng nhận xét